Sơ Mary Glowrey chăm sóc người bệnh ở Guntur, Ấn Độ vào năm 1925 (Courtesy of the Catholic Women’s League of Victoria and Wagga Wagga Inc. All rights reserved) |
Hiệp hội Y tế Công giáo Ấn Độ, mạng lưới chăm sóc sức khỏe phi chính phủ lớn nhất ở Ấn Độ, là một trong những di sản từ công việc tiên phong của Sơ Mary Glowrey, Nữ tu bác sĩ truyền giáo dòng Chúa Giêsu Mẹ Maria Thánh Giuse.
80 năm trước, nữ tu bác sĩ Mary Glowrey thuộc Dòng Chúa Giêsu Mẹ Maria Thánh Giuse, một bác sĩ người Úc và là nhà truyền giáo, đã thành lập mạng lưới chăm sóc sức khỏe phi chính phủ lớn nhất Ấn Độ. Hiện nay được gọi là Hiệp hội Y tế Công giáo Ấn Độ, mạng lưới bao gồm hơn 3.500 tổ chức thành viên chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội trên khắp Ấn Độ. Hàng ngàn nữ tu từ nhiều dòng tu khác nhau, trong đó có hơn 1.000 Nữ tu bác sĩ, là trung tâm của đội ngũ tình nguyện viên toàn thời gian của Hiệp hội và làm việc với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong mạng lưới.
Nữ tu bác sĩ đầu tiên
Sơ Mary Glowrey, được biết đến với tên Sơ Maria Thánh Tâm, là nữ tu bác sĩ Công giáo đầu tiên. Sơ đã nhận được phép này của Đức Giáo hoàng Biển Đức XV vào năm 1920, 16 năm trước khi Giáo luật cho phép các nữ tu khác có thể vừa thực hành công việc bác sĩ vừa vẫn là tu sĩ. Trong 37 năm phục vụ, Sơ Mary đã coi sóc việc điều trị cho hàng trăm ngàn bệnh nhân và giám sát việc xây dựng một bệnh viện. Sơ đã thành lập chương trình đào tạo chăm sóc sức khỏe và đặt nền móng cho một trường cao đẳng y tế Công giáo ở Ấn Độ.
Những năm đầu
Mary Glowrey sinh năm 1887 tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Victoria của Úc. Ông bà của Mary là người Ai Len nhập cư và gia đình sơ ở một cộng đồng nông thôn trải rộng. Gia đình Mary là một gia đình Công giáo sùng đạo, trong đó cô sống chan hòa yêu thương với cha mẹ và năm anh chị em.
Trí tuệ, tình yêu Thiên Chúa và sự nhạy cảm của Mary đã bộc lộ ngay từ khi còn trẻ. Năm 13 tuổi, cô rời nhà để hoàn thành chương trình giáo dục trung học và đại học thông qua học bổng ở Melbourne, cách đó hơn 300 km. Mary coi y học là ơn gọi đầu tiên của mình và đã cầu nguyện để được hướng dẫn về những gì cần học. Năm 1910, vào thời điểm mà nhiều người coi nghề y không phù hợp với phụ nữ, Mary đã tốt nghiệp ngành y và phẫu thuật. Trong thập kỷ tiếp theo, cô trở thành bác sĩ và chuyên gia về mắt thành công ở Melbourne.
Cảm hứng từ một nữ bác sĩ khác
Vào tháng 10 năm 1915, Mary đã được đọc tiểu sử của Tiến sĩ Agnes McLaren (1837-1913), một người trở lại Công giáo và là bác sĩ tiên phong người Scotland. Vào đầu thế kỷ 20, Tiến sĩ McLaren đã tìm cách giúp đỡ cho các phụ nữ Ấn Độ đau khổ. Phong tục địa phương cấm họ xinbác sĩ nam tư vấn nhưng lại có rất ít bác sĩ nữ làm việc ở nước này. Tiến sĩ McLaren đã thành lập một tổ chức từ thiện truyền giáo ở London và một bệnh viện nhỏ ở Rawalpindi, đồng thời thỉnh cầu Tòa Thánh cho phép các nữ tu được phép làm bác sĩ.
Được gọi đến Ấn Độ
Sau khi đọc về bác sĩ McLaren, Mary cảm thấy mình được kêu gọi đến Ấn Độ để truyền giáo bằng việc phục vụ trong ngành y. Trong hơn bốn năm, cô đã âm thầm phân định ơn gọi này. Việc lên đường của cô đã bị trì hoãn do Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng như cần được phép đồng thời phục vụ như một bác sĩ và như một nữ tu. Trong thời gian này, ngoài yêu cầu làm việc thường xuyên trong bệnh viện và các việc riêng, Mary còn là chủ tịch sáng lập Hiệp hội Xã hội Phụ nữ Công giáo ở Melbourne từ năm 1916 đến năm 1918. Năm 1919, cô hoàn thành chương trình tiến sĩ y khoa.
Vào tháng 1 năm 1920, Mary tới Guntur ở Ấn Độ, khu vực ngày nay được gọi là Andhra Pradesh. Tại đây, cô gia nhập Dòng Chúa Giêsu Mẹ Maria Thánh Giuse (JMJ), một hội dòng của Hà Lan được thành lập ở Guntur vào năm 1904. Các Nữ tu của dòng đã cầu nguyện trong nhiều năm để dòng có một bác sĩ.
Những khởi đầu mới
Trước khi đến, Sơ Mary biết rất ít về quốc gia mới cũng như các nữ tu Dòng Chúa Giêsu Mẹ Maria Thánh Giuse. Trong vòng một tháng sau khi đến, sơ viết thư cho gia đình ở Úc rằng sơ cảm thấy như đang ở nhà và nói rằng "chỉ là do nhầm lẫn" mà sơ không sinh ra ở Ấn Độ.
Có rất nhiều người dễ bị tổn thương trong cộng đồng cần được chăm sóc y tế. Ngay từ năm đầu tiên ở Ấn Độ, Sơ Mary đã có ý tưởng về việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục rộng rãi dựa trên các nguyên tắc Công giáo. Sơ coi việc chăm sóc thể lý cũng quan trọng như việc chăm sóc linh hồn. Ở Guntur, Sơ Mary bắt đầu giám sát việc điều trị y tế cho tất cả những người tìm kiếm sự trợ giúp, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Có năng khiếu về ngôn ngữ, sơ đã học tiếng Telegu, một ngôn ngữ địa phương, và tiếng Hà Lan của các nữ tu. Sơ đã tạo dựng được niềm tin bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị truyền thống mà các loại thuốc khác không có.
Giống như một ngọn hải đăng
Một thập kỷ sau khi Sơ Mary đến Ấn Độ, Mẹ Bề trên của Sơ ở Guntur đã viết thư cho cha mẹ của Sơ Mary và so sánh con gái của họ với một ngọn hải đăng. Mẹ viết: "Sơ ấy luôn đứng ở phía sau trong khi sơ chiếu dọi ánh sáng những việc làm tốt của mình đến một khoảng cách rất xa."
Mặc dù các Chị em Dòng Chúa Giêsu Mẹ Maria Thánh Giuse đã kêu gọi sự đóng góp từ Châu Âu và Châu Úc nhưng nguồn lực vẫn rất ít. Đối mặt với vô số thách thức trong ba thập kỷ, Sơ Mary đã cống hiến hết mình để giảm bớt đau khổ và cổ vũ nền văn hóa sự sống. Sơ đã hướng dẫn những người khác và cộng tác để thành lập Bệnh viện Thánh Giuse ở Guntur và đăng ký các khóa học về hộ sinh, trợ lý dược phẩm và điều dưỡng.
Hiệp hội Bệnh viện Công giáo ra đời
Vào ngày 29 tháng 7 năm 1943, cùng với các Nữ tu thuộc dòng của sơ và các dòng khác, Sơ Mary thành lập Hiệp hội Bệnh viện Công giáo (ngày nay là Hiệp hội Y tế Công giáo Ấn Độ) tại Tu viện Thánh Giuse ở Guntur. Ngày nay, Hiệp hội Y tế Công giáo Ấn Độ phụ trách việc chăm sóc cho hơn 21 triệu người mỗi năm, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Trọng tâm của nhân viên y tế và xã hội của Hiệp hội, các tình nguyện viên và nhân viên được trả lương, là cung cấp "sức khỏe cho tất cả mọi người" thông qua dịch vụ chăm sóc sức khỏe với lòng cảm thông, giá cả phải chăng và chất lượng.
Di sản của Sơ Mary được tiếp tục sau khi sơ qua đời
Trong nhiều thập kỷ, Sơ Mary đã nỗ lực thành lập và cầu nguyện cho một trường cao đẳng y tế Công giáo. Sáu năm sau khi sơ qua đời vào tháng 5 năm 1957, Trường Cao đẳng Y tế Thánh Gioan đã được mở cửa tại Bengaluru. Năm nay, Trường tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập
Án phong chân phước cho Sơ Mary được mở vào năm 2010. Được tuyên bố là Tôi tớ Chúa, hiện nay hồ sơ của án đã được gửi đến Bộ Phong Thánh. Di sản của sơ vẫn tồn tại thông qua công việc của Hiệp hội Y tế Công giáo Ấn Độ và các Nữ tu Dòng Chúa Giêsu Mẹ Maria Thánh Giuse ở Ấn Độ, và cuộc đời của sơ tiếp tục truyền cảm hứng cho người Úc và những người khác đến thăm nhà của sơ ở Tổng Giáo phận Melbourne, nơi mà cách đây gần 20 năm, đã trở thành viện bảo tàng.
Theo Fiona Power - Vatican News (02/9/2023)
251 03-09-2023