Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Người hướng nội, người hướng ngoại và cuộc hành trình thiêng liêng

 

Không có điều gì gần với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng. Thầy Eckhard đã viết như vậy. Bên cạnh những điều khác, điều này cho chúng ta biết có một công việc nội tâm nào đó mà chúng ta chỉ có thể tự làm, trong cô tịch và thinh lặng. Có một chiều sâu và tính chất nội tâm nào đó mà chỉ có thể có được với một cái giá, trong cô tịch và thinh lặng. Có một vài điều chúng ta chỉ có thể học hỏi một mình mà thôi.

Tuy nhiên đó chỉ mới là một nửa của cán cân thăng bằng: Cũng có một sự thật rằng: Cộng đoàn là trường học của lòng bác ái. Có một mức độ trưởng thành, lành mạnh, đúng mực và dẻo dai nào đó mà chúng ta chỉ có thể có được qua tương giao với người khác. Một vài điều nào đó chúng ta chỉ có thể học được khi liên hệ với người khác mà thôi.

Từ trước đến nay, truyền thống thiêng liêng của Ki-tô giáo luôn nhấn mạnh đến cả hai mặt, tuy nhiên hiếm khi nhấn mạnh cả hai cùng một lúc.

Trên một phương diện nào đó, các tác giả thiêng liêng luôn có khuynh hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh hoạt nội tâm, công việc mà chúng ta chỉ có thể thực hiện bằng cầu nguyện và chiêm nghiệm một mình. Đó là điều giải thích vì sao thinh lặng được xem là rất quan trọng khi đi tĩnh tâm. “Làm thế nào bạn có thể nghiêm túc cầu nguyện và hoán cải nếu bạn không sẵn lòng đương đầu, trong thinh lặng, với sự hỗn loạn đang diễn ra bên trong trái tim bạn?” Bạn sẽ bị cho là nông cạn, thiển cận khi bạn sợ hãi và lãng tránh thinh lặng, sợ thâm trầm cô tịch một mình với chính bạn và với Thiên Chúa. Đôi khi điều này đúng. Chúng ta thường sợ hãi tình trạng thinh lặng và cô độc, bởi vì sợ những gì chúng ta có thể bắt gặp ở đó. Như Thomas Merton đã nói, có một cái gì trọn vẹn ẩn giấu ở tận cùng mọi vật, nhưng do chúng ta sợ có thể gặp hỗn loạn ở đó nên chúng ta sợ ở lâu một mình và thinh lặng để đi vào tận cùng sự việc. Ở trên bề mặt an toàn hơn nhiều. Sự nhấn mạnh vào tính chất nội tâm và thinh lặng trong những bản văn thiêng liêng cổ điển chính là cố ý làm lắng dịu nỗi sợ hãi này, thử thách chúng ta với thinh lặng và cô tịch, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình và thực hiện cuộc hành trình đi đến tận cùng sự việc.

Ở một phương diện khác, truyền thống thiêng liêng của Ki-tô giáo luôn nhấn mạnh vào khía cạnh xã hội của cuộc sống chúng ta: đời sống gia đình, đi nhà thờ, mối tương quan trong cộng đoàn. Chiều hướng xã hội của đời sống cũng luôn được coi là một yếu tố không thể thiếu được trong một đời sống thiêng liêng lành mạnh. Hầu hết các bản văn tương tự nào nhấn mạnh vào nhu cầu thinh lặng và cô tịch cũng  đều nhấn mạnh sự cần thiết của đời sống gia đình, cộng đoàn và tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ. Họ cũng cảnh báo về mối nguy hiểm thật sự trong tình trạng quá riêng tư, khi quá chìm đắm vào bên trong chúng ta, trong khi tránh xa cộng đoàn, tìm kiếm cho chính mình mà thiếu quan tâm đến gia đình và cộng đoàn.

Cả hai, nếu xét riêng rẽ, đều chỉ mang tính một chiều: Việc nhấn mạnh vào thinh lặng và cô tịch có khuynh hướng gây cản trở cho những người có tinh thần hướng ngoại, cũng như chỉ nhấn mạnh vào cộng đoàn có khuynh hướng gây cản trở cho những người có tinh thần hướng nội. Chúng ta hiếm khi tạo được một sự cân bằng lành mạnh về điều này.

Cả hai đều cần thiết và cả hai đều cần cho đời sống của từng người. Nói nôm na, có một công việc nội tâm nào đó mà chỉ có thể thực hiện một mình trong thinh lặng, cũng như có một sự trưởng thành và chín chắn nào đó mà chỉ có thể đạt được bằng cách tương giao chân thành và dài lâu với gia đình và cộng đoàn. Có lúc phải cô độc, cách biệt mọi người, và có lúc phải có mặt với người khác, tách biệt khỏi những hoang tưởng trong tâm trí mình. Việc thinh lặng và việc hoà mình vào xã hội đều làm những điều khác nhau cho chúng ta. Nếu tôi quá cô độc và thinh lặng, có thể tôi sẽ phát triển được một chiều sâu nào đó, nhưng cũng có nguy cơ tôi mắc kẹt trong những điều hoang tưởng của tôi. Ngược lại, nếu tôi là người của xã hội, như con bươm bướm hết bay từ chỗ này lại sang chỗ khác, lãng tránh những gì là thinh lặng, cô độc thì tôi có nguy cơ ngừng lại ở những chuyện nông cạn, bề mặt, thờ ơ, không thích gì hơn ngoài những chuyện tán dóc thường ngày, nhưng tôi hoàn toàn có thể có được sự thăng bằng, lành mạnh và dẻo dai vốn ít thấy hơn ở những người người sống nhiều trong cô tịch và thinh lặng.

Chúng ta cần cả hai, cô tịch và hoà mình vào xã hội trong cuộc sống, việc chối bỏ phía này phía kia đều là sự phân rẽ sai lầm. Cả hai không hề đối nghịch nhau mà đều là những hợp phần thiết yếu của cùng một chuyến hành trình tiến đến đời sống cộng đoàn gắn bó với Thiên Chúa và với người khác.

Có một nghịch lý to lớn trong nét huyền bí của tình thâm giao và liên hệ, ấy là, đôi khi, lúc ta cô độc nhất lại chính là khi chúng ta đang thật sự giao hòa với người khác nhiều nhất, cũng như đôi khi, đang giữa cuộc tụ họp xã hội, chúng ta lại cảm thấy cô độc nhất. Ngược lại, đôi khi chúng ta hoàn toàn hòa nhập vào xã hội, chia sẻ với người khác thì chính lúc đó, chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc nhất huyền bí của sự hiện diện không thể nào diễn tả được của Thiên Chúa. Nhưng đôi khi cô độc và thinh lặng trong cầu nguyện, chúng ta lại cảm nhận một cách mãnh liệt sự vắng mặt của Thiên Chúa. Thật là đầy nghịch lý: tình trạng cô độc là để dẫn chúng ta hướng vào giao hòa sâu đậm hơn với người khác; hòa mình vào xã hội là để dẫn chúng ta hướng đến một hợp nhất cá thể sâu đậm hơn với Thiên Chúa.

Người hướng nội và người hướng ngoại đều đấu tranh như nhau và đều được coi trọng như nhau.

J.B. Thái Hòa dịch

944    06-10-2017