Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Nhận lấy khổ đau như một phúc lành

Thiên Chúa nhiều khi gửi đến nơi cuộc đời chúng ta, những con người tràn đầy ân phúc đến độ, ra như ân phúc ấy cũng tràn sang cả cuộc đời chúng ta nữa. Với tôi, Emma là một con người như vậy.

Emma qua đời sau 5 năm chống chọi với ung thư, chuyện đó chẳng đáng quan tâm, không được đề cập đến dù là một mẩu tin trên báo tờ báo xóm, báo phường. Emma là dân nhập cư nghèo, chị ấy là người chăm sóc em bé, thay tã, hoặc là lau nhà cho tôi. Rõ là chị ấy khiêm tốn đến độ, nếu bạn có ở cùng phòng với mỗi mình chị ấy thôi, thì ra như chị ấy cũng giống như người vô hình vậy.

Vậy đấy, nhưng vì những đức tính như vậy, tôi dám chắc là, lúc chị ấy lìa thế, có cả đoàn đoàn lớp lớp các thiên thần hát vang đón chào, bởi lẽ, khi sống khi chết, chị ấy đã phó thác, phó dâng mọi sự cho Thiên Chúa trong một hành trình tuyệt vời, được dệt nên bằng những khổ đau và ân sủng.

Emma phải khổ tâm nhiều về mặt tình cảm và tinh thần trong những tháng cuối đời, kinh nghiệm bác sỹ chuyên chăm sóc người hấp hối của tôi, hầu như chẳng xoa dịu được chút gì cho chị. Hết thảy chúng ta đều đã trải qua những khổ não, vì phải chứng kiến sự đau khổ của một ai đó mà chúng ta yêu thương, và rất mực chăm sóc. Sự uý khổ, sợ khổ rất thâm căn đó, thuộc vào bản chất của con người ta, và cũng khiến người ta cảm thương khi thấy người khác phải chịu khổ.

Những khía cạnh thuộc bản chất của chúng ta này, thậm chí còn trở nên rõ rệt hơn trong hoàn cảnh hôm nay, khi mà các tiến bộ y khoa đã giảm thiểu những đau khổ thể lý, vốn là một phần tự nhiên của chu trình sống và chết, như thời các cụ ông cụ bà trước kia. Đúng là một phúc lợi, nhưng những tiến bộ này cũng khiến cho chúng ta quan niệm khổ đau như một điều khi đó bất thường – như là một điều gì đó phải loại bỏ, thậm chí là trong giờ lâm tử.

Đau khổ là cái lý do chung trong số muôn vàn lý do mà các bệnh nhân muốn tự tử đưa ra. Người ta ủng hộ trợ tử, bởi tin rằng, chấm dứt khổ đau – thể lý, tâm lý, tinh thần hoặc là hiện sinh – thì tốt lành hơn về mặt luân lý, so với tiếp tục duy trì sự sống.

Một số luận cứ thật sai lầm, chẳng hạn, luận cứ cho rằng đau đớn trầm trọng xuất hiện như dấu chấm hết của sự sống (cùng với thuốc giảm đau, điều này đã không còn phải là chuyện đương nhiên nữa). Thế nhưng phủ nhận những nỗi sợ dễ hiểu này chẳng giúp gì cho những người nuôi ý định tự tử. Nó chỉ tổ khiến họ cảm thấy bị cô lập hơn mà thôi.

Theo kết quả cuộc thăm dò do Pew Research thực hiện năm 2014, 71% người Mỹ tự nhận mình là Kitô hữu – gần bằng số người Mỹ ủng hộ trợ tử. Như thế cho thấy, phần lớn Kitô hữu ủng hộ trợ tử. Xin cho tôi được đặt ra một chất vấn với các Kitô hữu, đặc biệt là các anh chị em đồng đạo Công giáo của tôi: Đức Giêsu Kitô đã nói với chúng ta điều gì về những đau khổ trong giờ lâm tử? Trên hết, những chỉ dẫn mà Đức Kitô đưa ra, cần phải trở thành những “kim chỉ nam” tối thượng cho tất cả những ai bước theo Người.

Đức tin Kitô giáo của chúng ta, thực sự được đặt nền nơi Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Nếu Đức Kitô muốn ám chỉ điều gì, thì đó là điều này: trước hết và trên hết, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người ấy đã chịu đau khổ để cứu chúng ta khỏi tội. Cuộc Khổ Nạn không chỉ là điều Đức Giêsu làm, nhưng còn cho thấy Người là ai.

Những người ủng hộ trợ tử thường đưa ra lập luận: chết dần chết mòn, và kéo dài thì không xứng hợp với phẩm giá. Trước khi chấp nhận lời tuyên bố này, xin dành ra một phút để nhớ lại khung cảnh Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Nếu một cái chết đớn đau không xứng hợp với phẩm giá, vậy thì cái chết của Đức Kitô là cái chết bất xứng hợp với phẩm giá nhất đời. Vậy tại sao Đức Kitô hoặc là Chúa Cha không chọn một cái chết tức tưởi mà nhanh gọn? Và điều này nữa, cơn hấp hối lâu giờ của Đức Kitô cũng khiến cho những người đứng kề bên thập giá phải sắt se, tái tê tan nát cõi lòng, đáng ra, Người đã phải chọn một cái chết thật nhanh, thật gọn mới phải.

Nhưng Đức Kitô đã chịu đớn đau cho tới lúc lìa đời, và điều này cho thấy một sự thật khác. Không như những quan niệm thông thường mà chúng ta vẫn có về phẩm giá, rằng, phẩm giá đích thực của con người được khởi đi từ nguồn mạch của nó: Imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa). Đau khổ không phải là điều gì đó đối ngược lại với phẩm giá của chúng ta. Khi được nhìn nhận như một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, nó được kể là một sự nhìn nhận phẩm giá của chúng ta. Ai cũng nhận thấy là, trong những năm cuối đời mình, đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã sống sự thật này.


Cái chết là một tiến trình khó lường, đôi khi gây kinh sợ nữa. Tôi cho rằng, cái chết của Đức Kitô trên thập giá còn ghê rợn hơn nhiều, so với những gì được thuật lại trong các trình thuật Kinh thánh. Dầu vậy, thân mẫu Đức Kitô vẫn đứng dưới chân thập giá của Con Mẹ, lặng nhìn Người chịu chết. Một cảnh tưởng thật hãi hùng kinh khủng. Bất chấp nỗi thống khổ thể xác và tinh thần, cả Mẹ và Con đều chấp nhận thập giá của mình. Qua đó, Đức Kitô có lẽ cũng muốn nói đôi điều với chúng ta, những người cùng đau khổ bên cạnh người thân, người bệnh đang hấp hối.

Tiếp sau Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, là câu chuyện xảy tới với Giáo hội Sơ Khai, xét theo góc độ con người, đấy cũng là một câu chuyện của những tang thương. Các tông đồ, ngoại trừ ông Gioan, chịu tử đạo, và vô số các tín hữu thời Sơ Khai khác đã hy sinh vì đức tin.

Tôi không cho là mình hiểu được về cái chết đau khổ – hiểu được cách thế Thiên Chúa rút ra được những ân phúc từ một sự dữ thể lý. Điều ấy và vô vàn điều khác nữa vẫn là những mầu nhiệm sâu kín với tôi, những có một sự thật xem ra đã rõ: Đức Kitô không hứng chịu khổ đau riêng mình Người. Người kêu gọi chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, và lời kêu mời của Người nằm ở trọng tâm của đức tin Kitô giáo.

Emma luôn mỉm cười, ngay giữa những khổ luỵ đau đớn – điều tôi không tài nào tưởng tượng được. Chị đã đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô, và nơi sự phó thác của chị, tôi may mắn nhận ra một Đức Kitô chịu đau khổ cùng với tia sáng hồng ân không thể nào diễn tả cho xiết được. Chị giúp tôi nhận ra rằng, người ta có thể chấp nhận, đón lấy khổ đau, đơn giản vì lẽ Đức Kitô đã kêu mời điều ấy từ nơi chúng ta.

Dù là qua lời nói hay hành động, Đức Giêsu không bao giờ ám chỉ rằng, sự sống của chúng ta – một quà tặng từ Thiên Chúa – là của chúng ta, để cho chúng ta phá huỷ tuỳ ý. Qua những lời mặc khải của Người, chúng ta đọc thấy vô số chứng lý chứng nhận cho những lời đối ngược với điều ấy, điều mà ít chân lý khác có được.

Tự tử, trợ tử không phải là một lối thoát khổ của lòng nhân. Chết không phải là hết. Tôi không nghĩ là mình biết được, Thiên Chúa sẽ đoán xét ra sao về những quyết định mà người ta đưa ra trong khi phải gồng gánh những đau khổ lớn lao, nhưng có lẽ tôi biết rõ về những gì Người muốn chúng ta làm trong giờ lâm tử, trong cơn hấp hối của mình.

Chúa muốn chúng ta về trời với Người, và những đau đớn lúc lâm chung là lời mời gọi sau chót, và kịch tính, là cơ hội để chúng ta phó thác hoàn toàn nơi thánh ý của Người. Với những kẻ tội lỗi như tôi đây chẳng hạn, đó là một ân phúc lớn lao nhất mà Người có thể trao ban cho chúng ta. Tôi không bảo, nó sẽ dễ chịu, dễ dàng, nhưng chúng ta đã có những mẫu mực như của chị Emma và vô số những người khác nữa.

Chuyển dịch: Hoàng Long
Bác sỹ Philip Hawley

2439    29-09-2017