Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Nước Nga “có một trách nhiệm đặc biệt đối với hòa bình”

 

ngày 25 tháng 8-2017, khi trở về từ chuyến đi Nga, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Parolin đã tuyên bố: “Nước Nga có một trách nhiệm đặc biệt đối với hòa bình và phải nỗ lực đặt lợi ích cao cả của hòa bình lên trên tất cả các lợi ích khác”.

Trong buổi phỏng vấn với các báo chí Vatican – Trung tâm truyền hình và Đài Vatican – Hồng y Quốc Vụ Khanh đưa ra bản tổng kết “có nội dung tích cực” của chuyến đi này: “Chúng tôi đã thực hiện được chương trình như đã dự định, chúng tôi đã có các cuộc gặp với chính quyền dân sự với Tổng thống Putin, với Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov cũng như với các nhà lãnh đạo Giáo hội chính thống Nga, Thượng phụ Kirill và Thượng phụ Hilarion, tất cả đều được diễn ra trong bầu khí thân tình, lắng nghe và tôn trọng”.

Hồng y ca ngợi các cuộc gặp gỡ này đáng kể và xây dựng, một chuyến đi hữu ích và thích thú, và khi trở về, Hồng y đã tường trình cho Đức Phanxicô: “Đức Giáo hoàng quan tâm đến các cảm nhận và các kết quả tích cực này ... ngài rất chú tâm đến tất cả các dịp đối thoại”.

Nước Nga đóng một vai trò lớn

Hồng y Quốc Vụ Khanh nhắc đến cuộc họp thân tình và tôn trọng với Tổng thống Putin, dịp hai người trao đổi về vấn đề Trung Đông, đặc biệt là nước Syria và tình trạng của các tín hữu kitô ở đây: “Một sự đồng nhất đã có giữa nước Nga và Tòa Thánh, đó là quan tâm đến tình trạng các tín hữu kitô mà chúng tôi đưa tay ra với tất cả các nhóm tôn giáo, các nhóm sắc dân thiểu số .”

“Nhất là tôi tìm cách để nói lên điều này, sứ điệp tôi muốn chuyển đi: qua địa thế địa lý, qua lịch sử, qua văn hóa, qua quá khứ, qua hiện tại của mình, nước Nga có một vai trò rất lớn trong cộng đồng quốc tế, trong thế giới”.

Ngài nhấn mạnh, nước Nga “có một trách nhiệm đặc biệt đối với hòa bình; là một nước mà các nhà lãnh đạo có trách nhiệm lớn lao để xây dựng hòa bình, và phải thật sự nỗ lực đặt lợi ích cao của hòa bình trên tất cả các lợi ích khác”. 

Một bầu khí mới

Khi nhắc đến cuộc gặp với Đức Thượng phụ Kirill, Hồng y Parolin nói, đây là vấn đề của một “bầu khí mới trong các quan hệ giữa Giáo hội chính thống Nga và Giáo hội công giáo”. Cả hai đều nói đến các điểm hợp tác chung về “văn hóa – hàn lâm – nhân đạo.. .” nhưng cũng nói đến các chủ đề “hơi tế nhị” mà cả hai Giáo hội đều muốn tìm giải pháp.

Còn về vụ xung đột với Ukraina thì “hơi quá sớm để nghĩ đến những điều mới mẻ” dù vấn đề này là vấn đề không thể tránh được, Hồng y cho biết: “Đây là một quan tâm rất lớn của Tòa Thánh; Đức Giáo hoàng đã nhiều lần nói đến vấn đề này”. Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thượng Phụ và Hồng y Quốc Vụ Khanh đã lượng định “các bước đi cụ thể” để tìm một giải pháp lâu dài và công chính.

Hồng y nhắc lại: “Tòa Thánh nhấn mạnh đến khía cạnh nhân đạo khởi đi từ sáng kiến của Đức Giáo hoàng về vấn đề Ukraina”. Ngài cũng biện hộ cho việc trả tự do cho các tù nhân “để đi ra khỏi tình trạng trì trệ và để đi tới ( …) trong các vấn đề ngưng bắn, các vấn đề an ninh trên lãnh thổ cũng như các vấn đề chính trị”.

Ngoài ra Hồng y Parolin còn nhắc đến thánh lễ ngài cử hành với cộng đồng công giáo ở nhà thờ chính tòa và có rất đông người đến dự: “Tôi luôn xúc động trước đức tin và lòng sốt sắng của các tín hữu ở đây, cách họ tham dự thánh lễ, cách họ cung kính, cách họ chú tâm, các họ giữ thinh lặng ... họ từ khắp nơi đến để bày tỏ lòng trung thành của mình với Đức Giáo hoàng và với việc họ là thành viên của Giáo hội hoàn vũ .”

Khi nhớ lại chuyến đi đến nhà thờ chính tòa chính thống ở Maxcơva, ngôi nhà thờ đã bị phá hủy trong thời cộng sản và đã được xây dựng lại, Hồng y Quốc Vụ Khanh nhấn mạnh “Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả các chương trình của con người”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

1558    26-08-2017