Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Ông Giovanni Maria Vian, Giám đốc báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh dưới vòm Thánh Phêrô

 
Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, báo L’Osservatore Romano trực thuộc Bộ Truyền thông của Tòa Thánh. Ông Giovanni Maria Vian giải thích với hãng tin I.MEDIA, việc trực thuộc này không tác động trên “căn tính riêng” của nhật báo cũng như tên tờ báo.
Giữa các đường lối quanh co của các tòa nhà L’Osservatore Romano, văn phòng của ông Giovanni Maria Vian như một ốc đảo bình yên cho khách đến thăm, chìm trong âm thanh của nhạc cổ điển. Trên tường và trên các kệ sách là hình ảnh và các bức ảnh nhỏ Tintin cho thấy ông giám đốc của tờ báo duy nhất Vatican này mê ký giả Tintin như thế nào!
Năm 2007 khi Đức Bênêđictô XVI xin ông nắm chức vụ điều hành nhật báo L’Osservatore Romano, Giovanni Maria Vian như cá gặp nước. Thân phụ của ông đã làm ở Thư viện Tòa Thánh. Ông cười nói, Vatican như một cái gì thân thuộc có tính cách “gia đình”. Và đặc biệt với tờ báo L’Osservatore Romano, ông nội của ông cũng đã viết bài cho báo.
Tờ báo không phải đọc lại
Làm việc ở đây, ông hiểu, “tất cả” khởi đi từ ký ức của tông đồ đầu tiên của các tông đồ. Theo ông, biểu tượng tinh thần tông đồ này thì rất đơn giản: vòm khổng lồ của Thánh Phêrô hướng lên cao, đến với Chúa. Vòm Thánh Phêrô được xây dựng ngay chính trên mộ Thánh Phêrô, đây là “vòm của thế giới”.
Một thực thể đặc biệt được thể hiện nơi báo L’Osservatore Romano, vừa là báo chính thức của Tòa Thánh, nhưng cũng là vừa cơ quan thông tin, độc giả đọc tin tức thời sự thế giới qua đôi mắt của Vatican. Chỉ có một ngoại lệ, tờ báo không cần phải được đọc lại, ông Vian cho biết, ông làm việc trong sự tin tưởng rất lớn của các “bề trên”. Trước hết là phủ Quốc vụ khanh, và cao hơn nữa là Đức Giáo hoàng.
Dù đặc biệt như thế nào, báo L’Osservatore Romano cũng không thoát được cơn khủng hoảng của báo giấy kể từ đầu thế kỷ 21. Như bất cứ đâu, việc phát hành báo giấy giảm, nhưng độc giả đọc trên mạng lại tăng. Đứng đầu nhật báo đã mười năm nay, ông Giovanni Maria Vian phải xem lại chi phí, nhất là phải chia nhân viên gần như hai.
Ông cũng nhấn mạnh đến khía cạnh báo chí của tờ báo, báo chú trọng đến việc phát triển các trang dành cho thời sự quốc tế và văn hóa. Và các phụ trương cũng được triển khai như phụ trương dành cho phụ nữ được thiết lập năm 2012. Một chủ đề thiết thân của ông Giovanni Maria Vian. Tờ báo cũng có các trang mở ra với các tôn giáo khác, dù kitô giáo hay không kitô giáo.
Một quá trình lịch sử đặc biệt
Báo L’Osservatore Romano ra đời đã trên 160 năm và có một quá trình lịch sử đặc biệt. Trước hết, đây là tờ báo được khai sinh ra để ủng hộ giáo hoàng, sau đó, năm 1884, tờ báo được Tòa Thánh mua lại để có tiếng nói riêng của mình khi bị mất quyền Quốc gia. Khi đó giáo hoàng bị xem như tù nhân ở Vatican, tờ báo được in ở Rôma, nước Ý.
Sau hiệp ước Latran năm 1929, nhật báo dọn vào bên trong Vatican, một Quốc gia nhỏ bé vừa được sinh ra! Khi đó nước Ý ở dưới chế độ phát-xít, báo L’Osservatore Romano được phát hành mà không bị kiểm duyệt. Tuy nhiên cũng có một vài ấn bản bị tịch thu, thậm chí còn bị đốt cháy khi tờ báo lọt qua “biên giới”, khi có những bài công khai thù nghịch với chế độ phát-xít Ý. Dù bây giờ thời buổi đã khác, nhưng các ấn bản khác nhau của tờ báo vẫn được thiết kế và in ở Vatican.
Như thế, lịch sử và căn tính tờ báo luôn liên hệ chặt chẽ với Vatican, với Tòa Thánh và đương nhiên với Đức Giáo hoàng. Là giám đốc “nhật báo của giáo hoàng”, là tiếp nhận tiếng nói của Đức Thánh Cha ở Vatican để loan ra ngoài tường thành Vatican, đến được với toàn thế giới. Và bằng chứng cho việc Tòa Thánh không phải lúc nào cũng gồm các giáo sĩ như người ta nghĩ, sứ mệnh quan trọng này luôn được giao vào tay giáo dân.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
609    04-01-2018