Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Quyết tâm sửa “lỗi lầm” trong vụ ấu dâm ở Chi-lê, Đức Phanxicô tiếp các nạn nhân

 

Bắt đầu từ hôm nay và trong những ngày sắp tới, ba nạn nhân vụ ấu dâm Chi-lê sẽ ở Nhà Thánh Marta và sẽ có các buổi gặp riêng với Đức Phanxicô.

Phát ngôn viên của Đức Phanxicô nói: “Ngài muốn xin lỗi”.

Đức Phanxicô đã nhiều lần gặp các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục do các linh mục ở Vatican và ở ngoài Vatican phạm. Nhưng bắt đầu hôm nay, trong một sự kiện chưa từng có, ngài chứng tỏ cho thấy, ngài muốn lật qua một trang khác trong vụ này, những vụ tai tiếng này làm uy tín và hình ảnh của Giáo hội bị hoen ố như chưa từng bị. Các ông Juan Carlos Cruz, James Hamilton và José Andrés Murillo, ba nạn nhân Chi-lê sẽ ở lại với ngài ở Nhà Thánh Marta trong những ngày cuối tuần này.
Hôm qua 25-4, ông Greg Burke, phát ngôn viên của Đức Giáo hoàng cho biết: “Trong những ngày sắp tới sẽ có các buổi gặp riêng trong tình huynh đệ, Đức Giáo hoàng muốn ngỏ lời xin lỗi và chia sẻ nỗi đau và nhục mà các nạn nhân phải chịu và nhất là để tránh không lặp lại các hành động đáng lên án này”.

Ông nói thêm: “Đức Phanxicô sẽ tiếp từng nạn nhân riêng và lâu bao nhiêu có thể để họ có thì giờ trao đổi với ngài”.

Các ông Cruz, Hamilton và Murillo là các nạn nhân của linh mục Fernando Karadima. Năm 2011, linh mục bị kết án về tội ấu dâm đã phạm trong những năm 1970 và 1980 và bị giam. Đức Phanxicô mời các nạn nhân đến Vatican sau khi nhận bản báo cáo 2300 trang của Giám mục Charles Scicluna về trường hợp của Giám mục Juan Barros trong vụ liên hệ.

Giám mục Barros là cánh tay mặt của linh mục Karadima, bị các nạn nhân tố cáo là người đã che giấu các tội ác của họ. Trong các năm gần đây, giám mục Barros được sự hỗ trợ của Đức Phanxicô và trong chuyến đi Chi-lê tháng 1-2018 vừa qua, ngài còn công khai bảo vệ giám mục Barros nên đã tạo ra làn sóng công phẫn của dân chúng.

Sau chuyến đi bị đánh dấu bởi vụ giám mục Barros, Đức Phanxicô hiểu đã có một cái gì chưa giải quyết xong và ngài quyết định mở lại hồ sơ, biết rằng vấn đề này ảnh hưởng đến uy tín trong việc giải quyết các vụ ấu dâm trong hàng giáo sĩ. Ngài đã gởi Giám mục Scicluna đi Chi-lê, Giám mục Scicluna là chuyên gia giải quyết vấn đề ấu dâm, ngài nổi tiếng trong vụ điều tra linh mục Mêhicô Marcial Maciel, người sáng lập Binh đoàn Chúa Kitô.

Đi cùng với Giám mục Scicluna có linh mục Tây Ban Nha Jordi Bertomeu, thuộc Bộ Giáo lý Đức tin. Trong chuyến đi, Giám mục Scicluna đã nghe lời chứng của 64 nạn nhân. Trong số các nhân chứng này không những chỉ có ba nạn nhân nêu trên, nhưng Giám mục cũng nghe lời chứng của các linh mục, giám mục Chi-lê và các đại diện của tòa giám mục Osorno.

Sau khi đọc bản tường trình của Giám mục Scicluna, một hồ sơ làm cho Đức Phanxicô bàng hoàng, vượt lên cả vụ giám mục Barros, cách đây hai tuần, Đức Phanxicô đã gởi một lá thư đau buồn cho các giám mục Chi-lê. Và cũng là một sự kiện chưa từng có, trong bức thư ngài ngỏ lời xin lỗi và khiêm tốn nhận mình “đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng, đã không lượng định nghiêm túc bối cảnh, nhất là do thiếu thông tin chính xác và cân bằng”.

Trong một hành động khác thường, trong tháng 5, Đức Phanxicô mời các giám mục Chi-lê đến Rôma để cùng với ngài phân định các “biện pháp” nhằm “sửa chữa trong mức độ có thể vụ tai tiếng này và phục hồi lại công chính”. Người ta chờ một sự đổi mới dần dần các giám mục và nhiều vị sẽ bị thay đổi trong hàng giám mục Chi-lê, một hàng giám mục có truyền thống bảo thủ từ thời hồng y Angelo Sodano làm sứ thần.

Hôm nay Đức Phanxicô sẽ gặp ông Murillo; ngày hôm sau ngài gặp ông Hamilton; ngày chúa nhật với ông Cruz và ngày thứ hai cùng với cả ba. Ba nạn nhân này thuộc về giáo xứ El Bosque của linh mục Karadima hồi đó, ông Cruz là người duy nhất còn giữ đạo công giáo dù bị lạm dụng. Hai người bạn khác là người vô thần.

Khi xác nhận có cuộc gặp này, Vatican tuyên bố: “Đức Giáo hoàng xin cầu nguyện cho Giáo hội Chi-lê trong giây phút đau đớn này, trong hy vọng các cuộc gặp sẽ xảy ra trong bầu khí tin tưởng bình an và đây sẽ là giai đoạn trọng yếu để sửa chữa và để tránh tái phạm, tránh các vụ lạm dụng ý thức, quyền lực và đặc biệt các vụ ấu dâm trong Giáo hội.

Năm 2002, vào cuối triều giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô II, vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên bùng ra ở Mỹ khi một cuộc điều tra của nhà báo buộc Vatican phải hành động. Sau đó các vụ lạm dụng tình dục đã làm chấn động vì các nước Ai Len, Đức, Úc, Ý, Chi-lê và các nước khác, gần đây là Argentina với trường hợp của Viện Próvolo, Mendoza. Dưới triều Đức Bênêđictô XVI cũng bị chấn động bởi các vụ tai tiếng này, luật pháp đã được cải tổ và lời kêu gọi “không dung thứ” đã được đưa ra, và được người kế nhiệm là Đức Phanxicô lặp lại, tội che giấu các vụ này của giám mục hay của các bề trên dòng bị giáo luật xem là trọng tội và phải bị phạt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

416    27-04-2018