Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Sự đau đớn và nỗi thống khổ của người Công giáo Trung Quốc

 

Áp lực và cách hành xử hung bạo của các cơ quan dân sự đã kiểm soát và làm ngộp thở Giáo hội chính thức. Những người Công giáo hầm trú tự hỏi liệu rằng Tòa Thánh có say mê luận điểm của chính phủ để loại bỏ họ hay không. Hy vọng “phi thực tế” trong một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh. Lời kêu gọi của một nhà truyền giáo PIME, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc.

Một số cuộc trò chuyện tôi đã thực hiện trong chuyến viếng thăm vừa qua của tôi tới đất liền đã khiến tôi thực sự buồn và không khỏi suy nghĩ. Tôi hoàn toàn nhận ra những lo lắng làm phiền muộn biết bao tâm hồn của rất nhiều anh chị em – cho dù là giấu diếm hay tham gia Giáo hội công khai – những người thực sự muốn trung thành với đức tin của họ và với Giáo hội Công giáo.

Trước hết, họ hết sức phiền muộn bởi áp lực xảo quyệt của các nhà chức trách dân sự và những người hợp tác với họ. Thông qua sự lôi kéo, cũng như việc đàn áp, thậm chí là bạo lực, nhà cầm quyền cố gắng sử dụng mọi phương tiện để kiểm soát và làm nghẹt thở bộ phận chính thức của Giáo hội; mặt khác, nhà cầm quyền cố gắng loại bỏ Giáo hội không chính thức thông qua việc kiểm soát bắt buộc cũng như việc buộc phải đăng ký đối với các thành viên của Giáo hội này.

Trong cuộc sống hàng ngày, những anh chị em này phải đối phó với những kẻ cơ hội cũng như những kẻ hai mặt, những người luôn lừa dối họ, hoặc tìm cách chống lại họ.

Trong công việc, họ phải chịu sự can thiệp và lạm quyền trái phép của chính quyền địa phương thối nát. Trong Giáo Hội, những anh chị em này thường cảm thấy khá bối rối trong những việc tương tác của họ với các Giám mục và hàng giáo sĩ. Có những vị Giám mục được Tòa Thánh công nhận, nhưng cũng đồng thời giữ những chức vụ trong Hiệp hội Yêu nước, vốn đã công khai tuyên bố “các nguyên tắc mâu thuẫn với Giáo huấn của Giáo hội Công giáo”. Kế đến, cũng có các Giám mục tham gia vào việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp, và cùng đồng tế với các Giám mục đã bị vạ tuyệt thông. Có những linh mục tự tuyên bố mình là Giám mục. Và có những linh mục được truyền chức bởi các Giám mục bất hợp pháp vv. Do đó, nhiều người đặt câu hỏi: “Vậy ai  mới là vị chủ chăn đích thực của chúng ta?” và “Liệu chúng ta có thể lãnh nhận các Bí tích từ những vị này hay không?” hoặc “Có phải họ vẫn thuộc về Giáo hội Công giáo chăng?”.

Quan sát thái độ của Tòa thánh, một số anh chị em cũng đã lắc đầu; họ cảm thấy mơ hồ và đâm ra nghi ngờ. Một số linh mục không chính thức thậm chí còn hỏi tôi liệu có phải Rôma đã chấp nhận chính sách của chính phủ để loại bỏ Giáo Hội hầm trú hay không; hay liệu có cần phải từ chối gia nhập Hiệp hội Yêu nước hay không. Việc thiếu sự tin tưởng đã trở nên khá phổ biến.

Những anh chị em này của chúng ta đang đau khổ, buồn phiền, bối rối và e ngại. Một số người trong số họ hy vọng về thỏa thuận sau cùng giữa Trung Quốc và Vatican, tin tưởng rằng có lẽ một cách phi thực tế điều đó sẽ chấm dứt tất cả những lo lắng cũng như những đau khổ của họ. Những người khác tự khép mình trong các cộng đồng nhỏ bé của họ, và dựa vào hàng giáo phẩm để cung cấp cho họ một nền tảng an toàn cho đức tin của họ.

 

Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục làm việc nơi họ và củng cố đức tin của họ. Thật xúc động khi thấy những anh chị em này sống đức tin Kitô giáo theo những cách thức hết sức giản dị nhưng lại vô cùng phi thường.

Chỉ có đức tin chân thành của họ mới đảm bảo sự bền bỉ của đời sống Giáo hội trong nước.

Chúng ta phải thể hiện tinh thần liên đới toàn diện của mình với họ thông qua việc cầu nguyện và ủng hộ họ.

 

MT chuyển ngữ

357    26-08-2017