Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

“Tôi, giám mục người Pháp trong một giáo phận vùng Amazon”

 

Giám mục Dominique You là một trong các tiếng nói pháp ngữ của Thượng Hội đồng Amazon, ngài là giám mục giáo phận Santíssima Conceição, Araguaia, Ba Tây từ 27 năm nay. Ngài trả lời cho báo La Vie về sự hùng vỹ cũng như đau khổ trong lãnh thổ của mình.

“Ở một làng trong giáo phận của tôi có cộng đoàn mang tên “trezentos”, có nghĩa là 300. Cách đây vài tháng tôi biết được, con số 300 này là con số 300 người lao động nông thôn bị địa chủ giết cách đây vài năm, họ đã làm việc như nô lệ cho các ông chủ này. Lao động nô lệ đã giảm nhưng ở một vài nơi vẫn còn. Từ năm 1964 đến năm 1985, thời kỳ chế độ quân sự lấy lý do phát triển vùng Amazon, họ đã biến vùng này thành chiến trường man rợ khủng khiếp. Với khẩu hiệu “Một vùng đất không người cho người không đất”, chế độ quân sự cung cấp đất cho những người đến đây. Các mãnh đất có khi rộng đến 10 hêcta và đôi khi cũng một vùng đất này được cung cấp cho các công ty đa quốc gia đến khai thác, có khi họ nhận được các vùng đất rộng đến hàng chục ngàn hêcta. Trong những năm 1980, một số công ty thoát ra khỏi “latifundias” (tài sản lớn) để tránh thương hiệu của mình mang hình ảnh xấu. 

Chúng tôi ở trong vùng không luật pháp  

Cách đây một năm rưỡi, một cuộc tranh chấp đất đai bùng ra trong giáo phận, 10 người không có đất bị cảnh sát sát hại, sau đó họ nói dối về hoàn cảnh của thảm kịch này. Họ giải thích họ bắn vì tự vệ hợp pháp, nhưng tôi đến bệnh viện xem các xác chết, và tôi thấy tận mắt, có những người bị bắn một phát vào đỉnh đầu. Như vậy đây không phải là xung đột diện đối diện. Và cuối cùng cảnh sát Liên bang cho rằng lý do cảnh sát Tỉnh bang đưa ra là sai… Một số người trốn thoát và đã trốn được. Khi cảnh sát Liên bang đến tìm họ nơi họ trú ẩn, họ đã phải xin được hộ tống để bảo vệ an ninh vì cảnh sát Tỉnh bang sẵn sàng giết họ để bịt miệng nhân chứng. Họ dàn xếp để có lời khai trước khi được đưa ra ngoài. Chúng tôi chịu đựng những điều khủng khiếp vì chúng tôi vẫn còn ở trong vùng không luật lệ.

Một ngày nọ, một công tố viên nói với chúng tôi: “Vì theo nguyên tắc ‘một vùng đất không người cho người không đất’, nên trung bình có 4 chủ cho một vùng đất ở miền Bắc và 11 chủ cho một vùng đất ở miền Nam.” Điều này có nghĩa, trên danh nghĩa 11 chủ đất thì ít nhất có 10 người là chủ đất giả. Ở Ba Tây, sự chiếm đoạt giả này được gọi là “grilagem” của đất đai và thường được giải quyết bằng súng lục. Chữ “grilagem” xuất phát từ thực tế, để làm bằng khoán giả, người ta đánh bằng khoán giả trên chiếc máy cũ, sau đó cho vào ngăn tủ có dế mèn vài tuần. Chúng ăn giấy và khi bằng khoán được đem ra thì nó có vẻ như có từ thế kỷ trước!

Đôi khi các bằng khoán là thật nhưng được làm ở hai nơi bởi hai chưởng khế khác nhau và ai cũng cho bằng khoán mình là bằng khoán thật. Chúng tôi cũng có kinh nghiệm như vậy với các vùng đất của giáo phận. Ở cấp độ Tỉnh bang, một giám mục gần như bị buộc phải từ chức vì một địa chủ lớn đòi đất giáo phận với bằng khoán giả…

Trong những năm 1970 đến năm 2000, khu vực này thật sự đã trải qua những năm khủng khiếp. Khi tôi đến đây năm 2006, mọi thứ đã được dịu xuống so với những gì vị tiền nhiệm của tôi đã trải qua. Nhưng ba tuần sau khi tôi đến, có khoảng 3000 người sống trong các trại khác nhau đã bị trục xuất. Nói chung những người này nghèo, họ sống bên lề đường chờ hợp thức hóa tình trạng vì Hiến pháp Ba Tây công nhận quyền có đất. Họ trồng trọt, nhận giỏ đồ ăn trợ cấp của Tỉnh bang trong thời gian chờ vụ mùa, chờ nhận đất trong chương trình cải cách nông nghiệp. Đây là các trại tập trung rất man rợ.

Có một áp lực của chính quyền Bolsonaro để bảo vệ các chủ đất lớn.

Khi 3000 người này bị trục xuất, tôi viết một lá thư nhắc giáo lý của Giáo hội về mục đích chung của của cải, nhắc lại quyền định cư của các gia đình này. Và sau đó là vụ thảm sát 10 người như đã nói ở trên… và 50 người khác đã thoát được, và từ đó chúng tôi cố gắng chiến đấu để họ có quyền ở lại trên vùng đất họ đã chiếm. Trong phiên điều trần đầu tiên, thẩm phán đã bênh vực những người không có đất. Nhưng phiên điều trần gần đây đã không thuận lợi cho họ vì áp lực của chính quyền Bolsonaro nhằm bảo vệ các chủ đất lớn. Vì thế tình trạng xã hội không được ổn định.

Vậy có cái gì đẹp ở đây? Các cộng đoàn. Trong các cộng đoàn chúng tôi, giáo dân đảm trách rất nhiều việc, không có xung đột giữa các linh mục và giáo dân. Các linh mục thật sự phục vụ giáo dân, trong tinh thần thánh hóa và tăng trưởng. Một vài linh mục có ‘tính giáo sĩ’ hơn một số khác nhưng nói chung, cộng đoàn của chúng tôi rất đẹp… Đôi khi cũng có những mệt mỏi, vì đây là một phần của cuộc sống, có lúc lên lúc xuống. Một số sứ vụ giáo dân không buông bỏ vị trí của mình, không nhường chỗ cho thế hệ sau; nhưng nói chung hệ thống làm việc tốt, luôn ‘luân phiên’ giữa các thừa tác viên, đọc Lời Chúa cũng như trao mình thánh. Khi người nào trao mình thánh cho hàng chục người bệnh, người đó sẽ được biến đổi qua sự gặp gỡ với Chúa Giêsu và người bệnh! Cũng vậy với người đọc Lời Chúa, qua công việc này, họ được Lời Chúa làm cho mình đổi mới.

Khi 70% các buổi lễ ngày chúa nhật do giáo dân điều động thì giáo phận có một trách nhiệm rất lớn để các sứ vụ luôn được liên tục! Ngược với một số giám mục tại thượng hội đồng, trong giáo phận của tôi, không có các cộng đoàn nào chỉ được linh mục viếng thăm một năm một lần. Trên 400 cộng đoàn hiện nay, có đến 90% các buổi lễ ngày chúa nhật do các giáo dân điều hành. Chúng tôi có 20 linh mục nhưng vì các nơi quá xa nhau nên không thể cử hành hai thánh lễ trong một ngày. Và vì tôi không ở trong rừng, nên thánh lễ được luân phiên trong vòng hai tháng. 

90% các buổi lễ chúa nhật do giáo dân điều hành

Tôi thật đau lòng khi nghe các giám mục nói 65% các cộng đoàn chỉ có thánh lễ mỗi năm một lần… Đây không chỉ là khía cạnh ý thức hệ, tôi thông cảm nỗi đau của các giám mục khi các ngài nói: “Không thể tiếp tục như vậy!” Như thế là đã kéo dài 250 năm trôi qua với các cộng đoàn xưa cũ nhất… Tóm lại, vấn đề không đơn giản, điều khó khăn là khi nó bị ý thức hệ hóa. Chúng tôi phải có nhiều thừa tác viên phát Mình Thánh Chúa và phải có thêm ơn gọi! 

Một cách chung, các phụ nữ Châu Mỹ La Tinh nắm giữ một vai trò trọng yếu trong xã hội và trong Giáo hội, họ luôn đấu tranh không ngừng cho cuộc sống. Họ là nạn nhân của chế độ coi thường phụ nữ, họ có một cái gì đó rất phi thường trong tinh thần dấn thân vì đức tin, trong sự tận tâm tận tụy của họ cho Giáo hội, cho Chúa và cho người nghèo… Và tôi xin thú nhận, tôi rất yêu mến các linh mục của tôi. Tôi có ít linh mục, họ có đời sống quá khó khăn, vì thế những ai không chuẩn bị đủ sẽ khó đứng vững. Như một linh mục trẻ Pháp nói với tôi: “Chúng con có công việc gấp đôi trong mọi lãnh vực!” Có khi các linh mục mất 6 tiếng đồng hồ vừa đi vừa về để chỉ dâng thánh lễ một giờ. Khi mùa khô thì còn được, nhưng khi mùa mưa thì họ không về được trong ngày… Nhất là khi họ đi ban đêm. Còn về vấn đề tài chánh, thì chúng tôi không khi nào có đủ, khi nào cũng thiếu.

Đối với Giáo hội, ở đây chúng tôi có một tiềm năng truyền giáo tuyệt vời.

Điều khó khăn là mọi người sống trong tình trạng bạo lực không thể tưởng tượng, các linh mục đều hiểu, có những tình trạng không có lối thoát mà kỳ lạ thay, đức tin đã giúp cho họ vượt lên. Chúng tôi đồng hành với các linh mục từng bước, biết rằng họ được ân sủng nâng đỡ, cũng như về phần chúng tôi, chúng tôi cũng được ân sủng nâng đỡ về mặt tài chánh ở cấp bậc giáo phận, giáo xứ và cá nhân. Các ngày lễ ở đây thật sự là các ngày lễ: ngày lễ Phục Sinh, cùng với giáo dân chúng tôi thực sự sống lại, ngày lễ Giáng Sinh, chúng tôi thực sự được sinh ra. Đối với Giáo hội, ở đây chúng tôi có một tiềm năng truyền giáo tuyệt vời. 

Chẳng hạn trong lãnh vực giáo dục là một lãnh vực mất trật tự khủng khiếp, nhưng khi chúng tôi đề nghị một sứ vụ cho trường học, dù không bắt buộc phải học giáo lý, chúng tôi rất được hoan ngênh vì chúng tôi là những người duy nhất mang đến cho các học sinh các giá trị mà các em có thể tiếp thu và gắn kết. Nếu chúng tôi nói qua Lời Chúa, chúng tôi phúc âm hóa cho các em và chúng tôi mừng vì chúng tôi cho các em thấy, chúng tôi biết giải thích Thánh Kinh cho các em! Tất cả đều có thể, với điều kiện là mình phải tôn trọng và không làm cho ai bị sốc, bởi vì có một khao khát thật sự, có một người nào đó mang đến các giải pháp khác nhau, các con đường mới cho đời sống xã hội.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

543    24-10-2019