Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Vang vọng trong suốt cuộc đời

vangvong1

PHÚC ÂM: Ga 18,1-19,42

Sau khi nói những lời đó, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đđi vào. Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: Các anh tìm ai? Họ đáp: Tìm ông Giê-su Na-da-rét. Người nói: Chính tôi đây. Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói: Chính tôi đây, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: Các anh tìm ai? Họ đáp: Tìm ông Giê-su Na-da-rét. Đức Giê-su nói: Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi. Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai. Ông Si-mon Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô. Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống? Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Khan-na là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn. Ông Si-mon Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?Ông liền đáp: Đâu phải. Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than vàđứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. Đức Giê-su trả lời: Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì. Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?” Đức Giê-su đáp:”Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi? Ông Khan-na cho giải Người đến thượng tế Cai-pha, Người vẫn bị trói. Còn ông Si-mon Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?Ông liền chối: Đâu phải. Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao? Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy. Vậy, người Do-thái điệu Đức Giê-su từ nhàông Cai-pha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi: Các người tố cáo người này về tội gì? Họ đáp: Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan. Ông Phi-la-tô bảo họ: Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người. Người Do-thái đáp: Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả. Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào. Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su đáp: Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? Ông Phi-la-tô trả lời: Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? Đức Giê-su trả lời: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này. Ông Phi-la-tô liền hỏi: Vậy ông là vua sao? Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra vàđãđến thế gian vìđiều này: đó làđể làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. Ông Phi-la-tô nói với Người: Sự thật là gì? Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không? Họ lại la lên rằng: Đừng tha nó, nhưng xin tha Ba-ra-ba!” Mà Ba-ra-ba là một tên cướp. Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi vàđánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: Kính chào Vua dân Do-thái!, rồi vả vào mặt Người. Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: Đây là người! Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!Ông Phi-la-tô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi màđóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy. Người Do-thái đáp lại: Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nóđã xưng mình là Con Thiên Chúa.” Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su: “Ông từ đâu màđến? Nhưng Đức Giê-su không trả lời. Ông Phi-la-tô mới nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?Đức Giê-su đáp lại: Ngài không có quyền gìđối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.” Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng: Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da. Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: Đây là vua các người! Họ liền hô lớn: Đem đi! Đem nóđi! Đóng đinh nó vào thập giá!Ông Phi-la-tô nói với họ: Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao? Các thượng tế đáp: Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da. Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giáđi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: Xin ngài đừng viết: `Vua dân Do-thái', nhưng viết: `Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái'. Ông Phi-la-tô trả lời: Ta viết sao, cứ để vậy! Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không cóđường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: Đừng xéáo ra, cứ bắt thăm xem ai được. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Vàđể ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói:Tôi khát!đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: Thế làđã hoàn tất! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đãđâm thâu. Sau đó, ông Giô-xép, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xép này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xép đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.



SUY NIỆM

VANG VỌNG TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI

“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”

Nhà thờ ‘cẩm thạch’ Milan nổi tiếng với ba dòng chữ ở ba ô cửa. Ô thứ nhất, với một vòng hoa hồng, “Tất cả những gì làm hài lòng chỉ là tạm thời!”; ô thứ hai, với một cây thánh giá, “Tất cả những gì gây phiền nhiễu chỉ là phút chốc!”; và ô cửa chính, “Chỉ ‘Vĩnh Cửu’ mới là quan trọng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu chiều thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cũng nói về một điều gì đó quan trọng, đó là ‘Vĩnh Cửu’; đúng hơn, một Đấng Vĩnh Cửu, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”. Đây là một trong những lời cầu nguyện sâu sắc nhất, có sức biến đổi nhất mà chúng ta có thể lặp lại chiều nay và suốt cả cuộc đời. Tất nhiên, lời Thánh Vịnh 30 này đã được Chúa Giêsu thưa lên khi Ngài đang lơ lửng giữa trời và đất lúc sắp ‘sinh thì’; tuy nhiên, đó cũng là lời đã ‘vang vọng trong suốt cuộc đời’ trần thế của Ngài, và nó sẽ tiếp tục vang vọng mãi từ trái tim thần linh của Ngài trên chốn cửu trùng đến tận vĩnh cửu, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.

Hãy sống lại giây phút Chúa Giêsu giẫy giụa trên thập giá, Ngài cô đơn làm sao! Ngước mắt nhìn xuống, Ngài chỉ thẩy những bàn tay chỉ trỏ, hằm hè giáo mác; ngước mắt nhìn ngang, Ngài thấy những cánh tay của tên trộm dữ vùng vằng; ngước mắt nhìn lên, Ngài không thấy tay Cha đâu cả! Thế nhưng, Ngài vẫn xác tín Cha đang hiện diện, Cha đang chứng kiến, Cha đang cùng chịu sỉ nhục, chịu đau đớn với Con. Và điều này quả đã được chứng thực trong suốt cuộc khổ nạn; bằng chứng là, chúng ta không hề nghe Ngài mở miệng kêu than, “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” như bài đọc Isaia hôm nay nói đến. Bởi lẽ, Ngài đang trò chuyện với Cha, ‘Cha ơi, cuộc sống dương thế của con sắp kết thúc, ý Cha đã trọn, sứ mạng con nay hoàn tất; xin Cha đón lấy linh hồn con’, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”. Vì thế, với Chúa Giêsu, lời nguyện phó thác này là lời ‘vang vọng trong suốt cuộc đời’ của Ngài từ trần thế cho đến cõi thiên đàng.

Chúng ta hãy tưởng tượng phản ứng Chúa Cha dành cho Chúa Con khi từ thập giá, Con của Ngài đã thốt lên lời nguyện này, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”. Dẫu câu trả lời của Chúa Cha không được Thánh Kinh ghi lại, nhưng chúng ta có thể tin chắc, câu trả lời của Cha, Đấng Vĩnh Cửu, là phản hồi của một tiếp nhận hoàn toàn có đi có lại. Qua lời cầu nguyện đó, Cha Vĩnh Cửu đón nhận Con Vĩnh Cửu và chấp nhận sự hy sinh cuối cùng của Con, những hy sinh sau hết trên trần gian để cứu rỗi nhân loại; và sau đó, Chúa Cha đáp trả một cách có đi có lại bằng việc ban cho Người Con trong nhân tính của Con quà tặng đầy đủ về chính Ngôi Vị Thiên Chúa của Cha. Dẫu Hai Ngôi, Cha Con, luôn hiệp nhất hoàn hảo như một, thì lời cầu nguyện từ thập giá này vẫn bày tỏ sự nên một thánh thiện tuyệt vời nhất khi Ngôi Hai còn ở thế gian; và như thế, rõ ràng, nó đã ‘vang vọng trong suốt cuộc đời’ Ngài không chỉ từ đời đời mà ngay cả ở phút cuối dưới cõi trần này.

Mặc dù thực tại vĩnh cửu về tình yêu của Cha, Con và Thánh Thần là một mầu nhiệm đức tin sâu xa, nhưng nó cũng là một mầu nhiệm mà chúng ta phải học cách đi vào và tham phần. Thiên đàng chính là sự tham dự vĩnh viễn của chúng ta trong tình yêu trọn vẹn này. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá, vì thế, đã nên lời cầu nguyện hoàn hảo nhất để chúng ta bắt chước thưa lên, hầu nó có thể ‘vang vọng trong suốt cuộc đời’; nhờ đó, mỗi người có thể bắt đầu đi vào thực tại vĩnh cửu ‘ở đây, lúc này’, chuẩn bị cho mình thông phần vào sự kết hợp ‘muôn đời với Đấng Đời Đời’.

Anh Chị em,

Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh, suy gẫm về sự thống khổ tàn bạo và cái chết dữ tợn của Ngài, chúng ta cố gắng nhìn xa hơn những khổ đau ấy để thấu cảm sự tùng phục hoàn hảo của Ngài đối với Chúa Cha. Cái chết thể xác của Ngài không gì khác hơn là một hành động của tình yêu tuyệt đối dành cho Cha, một hành động mà chúng ta được mời gọi bắt chước và dự phần. Hôm nay, hãy cùng Chúa Giêsu thưa lên lời nguyện này, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”. Đó phải là lời cầu nguyện luôn luôn ‘vang vọng trong suốt cuộc đời’ chúng ta. Hãy lặp đi lặp lại nó một cách chậm rãi trong yêu mến; hãy thưởng thức từng chữ, từng lời! Hãy biến nó thành lời cầu nguyện cho riêng mình và để nó phát ra từ sâu thẳm của tâm hồn; hãy coi đó là hành động yêu mến Thiên Chúa và cùng chia sẻ cho người khác niềm tin yêu phó thác này. Được như vậy, hãy tin chắc, Cha Trên Trời cũng sẽ tiếp nhận chúng ta như đã tiếp nhận Con Một Ngài; và cùng Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho mỗi người quà tặng sự sống Ba Ngôi; và đó là thiên đàng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa ngước lên trời và thân thưa, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”. Xin cho con biết nhìn xuống lòng mình, để lời nguyện này ‘vang vọng trong suốt cuộc đời’, hầu con cũng được chia sẻ thực tại thiên đàng với Chúa, ngay hôm nay và mai ngày”, Amen.


Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

381    02-04-2021