Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh: Tiếng người lạ

sheep-flock


PHÚC ÂM Ga 10, 1 - 10

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

SUY NIỆM

TIẾNG NGƯỜI LẠ

“Chúng sẽ không theo nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Một người Mỹ du lịch Syria, thấy ba người chăn chiên dẫn đoàn vật của mình đi chung trên một con đường. Một lúc sau, người thứ nhất hô to, “Men ah! Men ah!”, tiếng Ả Rập là “Hãy theo tôi!”. Chiên của anh tách đàn, túc tắc theo anh lên một ngọn đồi. Người thứ hai cũng làm thế, chiên lững thững theo anh. Người Mỹ nói với người thứ ba, “Cho tôi mượn mũ, gậy của anh; tôi sẽ gọi, xem làm sao?”. Người ấy vui lòng. Người Mỹ gọi, “Men ah! Men ah!”. Chẳng con nào ngẩng lên! “Chiên không nghe ai khác, chỉ trừ một mình anh?”. Người ấy trả lời, “Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”. Lời Chúa hôm nay bất ngờ hỏi chúng ta, “Con có khoẻ không?”. Và hy vọng, bạn khoẻ, để từ chối ‘tiếng người lạ’ và chỉ nghe tiếng Giêsu - Chủ Chiên - như lời Ngài nói, “Chúng sẽ không theo người lạ!”.

Có lẽ chúng ta thường tự trấn an, ‘tiếng người lạ’ không ảnh hưởng mấy đến tôi! Thế nhưng, tiếng của ‘tin lạ’, ‘người lạ’, ‘tiền lạ’, dục vọng và các thứ khác… lại ảnh hưởng lên bạn và tôi nhiều hơn chúng ta tưởng. Và dù tin hay không tin, chúng vẫn tác động và áp lực mạnh mẽ! Chúa Giêsu nói đến sự khác biệt giữa tiếng mục tử và ‘tiếng người lạ’. Chiên dễ thuần thục khi được dạy để phản ứng có điều kiện, vì chủ chiên thường nói chuyện với chiên. Nghe anh, chiên ngẩng lên và đi theo anh; với người lạ thì không!

Điều này cũng đúng với chúng ta. Bạn sẽ đi theo tiếng mà bạn quen thuộc! Vậy thì bạn quen với điều gì nhất? Lý tưởng là chúng ta dành đủ thời gian cho việc đọc Lời Chúa, học ngôn ngữ, giọng điệu và tiếng của Ngài; lý tưởng là chúng ta dành một phần thời gian trong ngày, mỗi ngày, để im lặng đủ mà chiêm ngắm, cầu nguyện. Khi làm điều này, bạn xây dựng cho mình một ‘thói quen nghe’ và trở nên dễ chịu với tiếng Chúa. Một khi thói quen này được hình thành, chúng ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc nhận ra tiếng Chúa giữa những bận rộn ‘đời đời’ của mình và làm theo ngay!

Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ. Những người đồng hương trách Phêrô vì ông giao du với người ngoại. Nhưng nhờ cầu nguyện và lắng nghe, Phêrô nhận ra tiếng Chúa qua câu chuyện dài mà ông đã kể, “Nghe xong, họ mới chịu im”; họ nói, “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống”.

Anh Chị em,

“Chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Chúa Giêsu không bao giờ nghe ‘tiếng người lạ!’; cuộc chiến của Ngài trong hoang địa 40 đêm ngày chứng tỏ điều đó. Ngài luôn hướng về Chúa Cha, quen với tiếng của Cha, nên Ngài luôn làm điều đẹp lòng Cha. Cũng thế, với chúng ta, đừng để ‘tiếng người lạ’ lấn át tiếng nói của Giêsu Mục Tử và Thánh Thần của Ngài! Ngài không bao giờ xa lạ; Ngài là bạn, là anh em, miệt mài nói to nói nhỏ với chúng ta mỗi ngày để bạn và tôi có thể ‘phản xạ có điều kiện’ mỗi khi Ngài gọi. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhạy bén để nghe được Ngài giữa bao bận rộn. Vì thế, hãy cẩn thận! Chúng ta luôn có nguy cơ bị phân tâm bởi những ‘tiếng lạ’ vốn luôn ngọt ngào, lôi cuốn. Đừng để mình thuộc số “Vài con bị bệnh, sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, có lẽ con ‘không khoẻ’ lắm, nếu không nói là ‘bệnh’. Xin cứu con, để con không đi theo bất cứ ai!”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

54    22-04-2024