Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Từ giận dữ đến bình an

TỪ GIẬN DỮ ĐẾN BÌNH AN

Nguồn: cuocsongso.com

Trish Sumerfiled, nhà giáo dục New Zealand, GĐ Trung tâm Giá trị sống bắt đầu chủ đề "Từ giận dữ đến bình an" bằng một câu hỏi: "Nếu thỉnh thoảng bạn giận dữ thì có tự nhiên không?". Ai cũng công nhận rằng, đó là chuyện bình thường bởi: "ai không biết giận dữ mới lạ!". Số đông còn cho rằng, tức giận là một cảm xúc "nên có", vì khiến họ có vẻ mạnh mẽ.

Nhưng theo Trish, một khi chúng ta đã giận dữ lần thứ nhất, thì rất dễ có lần thứ hai, thứ ba... Giận dữ trở thành thói quen và nó tạo ra tính cách "đụng chuyện gì cũng giận".

Hãy quan sát một người đang giận dữ: các cơ bắp căng, máu không lưu thông, mắt đỏ, tâm trí không thể tập trung. Những hiện tượng đó xảy ra vì khi giận dữ, cơ thể tiết ra hai loại hormone stress là cortisol và adrenaline, gây hại cho cơ thể. 80% người giận dữ mắc chứng nhức đầu. Những triệu chứng mà giận dữ gây ra, làm mất đi trạng thái tự nhiên hài hòa vốn có của cơ thể. Giận dữ còn phá hủy những giá trị sống của chúng ta như: tình yêu thương, sự hợp tác, tính kiên nhẫn, tôn trọng...

Nhận biết cơn giận dữ

Con người có nhiều cách bộc lộ sự giận dữ. Ở dạng thô sơ, dễ thấy là la hét, đánh mắng, đập phá đồ đạc... Ở cấp độ 2, người giận dùng lời lẽ để trút xả, lên giọng phê bình, chỉ trích. Cấp độ 3, cơn giận có thể huy động đến 72 cơ trên mặt, khiến người giận có khuôn mặt rúm ró, hằn học, khó coi (trong khi cười chỉ cần 14 cơ). Ở cấp độ tinh tế nhất, người giận vẫn có thể "bình thường", vì họ giấu được cơn giận của mình.

Khi giận dữ, có người đối mặt ngay với "kẻ thù", lại có người quan niệm "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn" và cũng có người "giận cá chém thớt".

Đi tìm bình an

Khi lâm vào một tình huống bất lợi, sắp nổi giận, bạn hãy ngồi xuống, hít một hơi thật sâu, thở ra từ từ, uống một cốc nước mát, quan sát những gì đã xảy ra và tự hỏi: "Liệu điều đó có đáng để phải tự hành hạ mình như thế này hay không?". Bạn phải tỉnh táo để kiểm soát bản thân, nếu không cơn giận sẽ kiểm soát bạn.

Phải bình tĩnh, chỉ có bạn mới hiểu điều gì không thể và có thể thay đổi. Bạn thường nổi giận là do bị tác động từ một người nào đó, hoàn cảnh nào đó. Bạn có thể nổi điên chỉ vì cái máy vi tính chậm chạp, điện thoại di động bị hỏng... Bạn không thể thay đổi các tác nhân khiến bạn nổi giận. Vì thế, thay vì buộc mọi người xung quanh luôn làm hài lòng mình, hãy tập trung năng lượng vào những gì bạn có thể thay đổi. Đó là thái độ khôn ngoan nhất.

Sự giận dữ có vẻ như "bùng nổ" bất ngờ, nhưng thật ra đó chỉ là phần nổi, phần chìm là những gốc rễ sâu xa. Những cuộc khảo sát, nghiên cứu của giới chuyên môn cho thấy: người ta hay nổi giận cả với người thân, vợ, chồng, con cái... những người mà họ kỳ vọng rất nhiều. Vì vậy, bớt đi kỳ vọng là bớt đi giận dữ. Tuy nhiên, bớt đi kỳ vọng không có nghĩa là làm lơ, là bỏ rơi... mà quan tâm bằng cách tạo điều kiện cho người thân đạt được mục tiêu của họ.

Tính khí "không thể chấp nhận" quan điểm, ý kiến của người khác, cũng làm bạn dễ nổi giận, thể hiện qua thái độ bất hợp tác, coi thường, ghen tỵ... Nếu bạn có cái nhìn bao dung, xem xét sự việc một cách tổng thể, thì bạn sẽ tự hạn chế được những cơn nóng giận. Vì thế tha thứ là một liều thuốc cực mạnh cho cơn giận dữ.

Từ giận dữ đến bình an đòi hỏi nhiều ý chí, nỗ lực. Bạn phòng ngừa nổi giận bằng sự hiểu biết, bằng kiến thức. Bạn cần lên kế hoạch cho "chiến lược thực hành", truy cập kiến thức nhận biết nó một cách sâu sắc bằng cách: đối thoại với lương tâm. Tâm trí của bạn cần phải được trí tuệ "dạy bảo" và luyện tập một cách nghiêm khắc theo mục đích rõ ràng: "Tôi là người luôn bình an".


1066    26-02-2011 08:56:50