Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Cầm buộc và tháo cởi

 

Gabriel Marcel đã từng nói rằng: “Yêu ai là nói với người đó, ít nhất là bạn sẽ không chết!”

Ông đúng. Yêu ai là làm cho họ nghĩ đời họ có ý nghĩa và vĩnh cửu, rằng tai nạn hay cái chết sẽ không đem họ đi. Nhưng nó còn một ý nghĩa sâu sắc hơn: Yêu ai là dành cho họ một chỗ trên thiên đàng. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng nó có nghĩa gì?

Ý niệm này xuất hiện trong Thánh Kinh Ki-tô giáo, nhưng cũng là một điều gì đó chúng ta trực cảm trong lòng. Như thánh Gióp, dù không biết lợi ích của niềm tin vào sự sống ngày sau, nhưng trong sâu thẳm ông vẫn biết được cuối cùng yêu thương sẽ thắng, chúng ta quá biết, trong sâu thẳm lòng mình, có những ràng buộc yêu thương có tác dụng cứu vớt. Rốt cùng, chúng ta sẽ không xa người thân, dù chúng ta đi những con đường khác nhau, trừ phi người kia quả quyết chọn phân ly. Qua tình yêu, chúng ta dọn chỗ cho nhau trên thiên đàng.

Điều này có nghĩa là gì?

Đức Giêsu nói rằng: “Dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Chúng ta thường hiểu một cách giản dị, cầm buộc là Đức Giêsu giao quyền cho Sách Thánh, Bí Tích, và Giáo Hội. Đúng. Nhưng còn hơn thế.

Ở một tầm mức khác, khi nói rằng chúng ta có thể cầm buộc hay tháo cởi, Đức Giêsu đang nói giống như Gabriel Marcel, ấy là, yêu ai là bảo đảm cho người đó một chỗ (nếu họ muốn) trên thiên đàng. Công việc này sẽ như thế nào?

Trong ba năm đi rao giảng trên khắp vùng Pa-lét-tin, một ơn huệ kỳ diệu đến cho tất cả những ai chạm vào Người. Chạm vào Đức Giêsu, với tấm lòng yêu thương và chân thành, là được chữa lành, được chuyển hóa, trở nên chính trực, biết lắng nghe, và ngợi ca Thiên Chúa. Người đó có một chỗ trong cộng đoàn. Chạm vào Đức Giêsu hay được Người chạm đều được ơn cứu rỗi.

Nhưng Đức Giêsu không đem ơn huệ này theo khi Người về trời. Đức Giêsu để lại với cộng đoàn của đức tin, của lòng thành thật, cái mà bây giờ trở thành nhiệm thể của Người trên mặt đất này. Quả thật, Đức Giêsu hứa rằng, chúng ta có thể làm nên “những điều vĩ đại” với nhiệm thể của Người hơn Người đã làm.

Và nhiệm thể của Người không phải chỉ là Giáo Hội của Kinh Thánh, Bí Tích, cơ cấu tổ chức, và hệ phẩm cấp. Đúng hơn, tất cả chúng ta, mỗi người phải biết điểm trang cho nhiệm thể Đức Ki-tô trên mặt đất này. Vì thế khi chạm vào một ai đó hay một ai đó chạm vào chúng ta trong tình yêu và chân thành, và nếu chúng ta đang sống trong cộng đoàn của đức tin và của lòng thành thật, thì người đó cũng đang chạm vào nhiệm thể của Đức Ki-tô, giống như người cùng thời Đức Giêsu có thể chạm vào Người.

Chúng ta chính là nhiệm thể của Đức Ki-tô trên mặt đất này, và như Đức Giêsu, chúng ta có quyền cầm buộc hay tháo cởi. Trong những điều khác, điều này có nghĩa khi người thân yêu của chúng ta (vợ chồng, con cái, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) không còn bước chung với chúng ta, thì chúng ta cũng có thể nối kết họ với đức tin, Giáo Hội, nhiệm thể Đức Ki-tô, và thiên đàng, đơn giản bằng cách vẫn duy trì hiệp thông với họ trong yêu thương và cộng đoàn. Qua nối kết với chúng ta, họ sẽ được nối kết với Giáo Hội (vì chúng ta chính là Giáo Hội). Hơn thế nữa, bất kỳ điều gì chúng ta thứ tha cho họ, kể cả việc không đi nhà thờ, họ cũng được Giáo Hội thứ tha và Đức Giêsu trên trời chắc chắn cũng sẽ thứ tha cho họ.

Một trong số các điều kỳ diệu của nhập thể, nếu chúng ta ao ước, thiên đàng của chúng ta sẽ gồm cả những người thân yêu của chúng ta. Năm 1955, khi tỉnh bang Québec tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để quyết định có nên duy trì Québec như một bang của Canada hay không, thì có một câu khẩu hiệu xuyên Canada phổ biến: “Đất nước Canada của tôi gồm cả Québec!” Chúng ta có thể nói tương tự như thế về những người thân yêu, thậm chí khi họ không cùng đi nhà thờ với chúng ta: “Thiên đàng của tôi gồm cả con cái tôi, vợ chồng tôi, bạn bè tôi!” Thiên đàng sẽ ủng hộ chúng ta. Đó là những gì Đức Giêsu đã hứa với chúng ta.

Điều này, một phần nào đó có tính cách thần bí, một phần khác đơn giản do động lực của yêu thương và gia đình. Những gì ràng buộc chúng ta lại với nhau như một gia đình thì sâu đậm và lớn rộng hơn người lên rước lễ với chúng ta ngày Chủ Nhật.

Đó mới là một phía của cán cân, phía Giáo Hội, nhưng nó còn tác động theo hướng khác: Thỉnh thoảng, chúng ta, những người đi nhà thờ (với khiếm khuyết về đời sống đạo đức, thiêng liêng riêng của mình), chúng ta được giữ lại trong nhiệm thể Đức Ki-tô, trong cộng đoàn của lòng thành thật, bởi những người yêu thương chúng ta (những người không đi nhà thờ với chúng ta nữa), nhưng họ vẫn đang ở cùng bàn tiệc với Thiên Chúa, ở một chốn nào đó mà chúng ta không ở đó.

Ý tưởng này quả quá kỳ lạ và phi thường đến khó tin. Con đường này luôn luôn là như vậy. Thật không dễ để tin rằng thiên đàng ở bên cạnh mình như người bạn, như vòi nước sát bên. Khi Đức Thánh Cha Piô XII  giảng dạy Thông Điệp Nhiệm Thể Của Đức Ki-tô – Mystici Corporis, Ngài bảo với các nhà giáo và các cha đi giảng: “Khi bạn rao giảng về Nhiệm Thể của Đức Ki-tô, đừng sợ bị cho là phóng đại, bởi vì không thể phóng đại một huyền nhiệm quá vĩ đại!” Một diễn tả thích hợp cho hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa qua nhiệm thể của Đức Ki-tô!

J.B. Thái Hòa dịch

763    19-03-2018