Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Dụ ngôn phi trường hay chuyện gì xảy ra khi con người đánh mất ý nghĩa về Thiên Chúa?

 

 

Từ rất lâu người ta đã tiên đoán hồi kết của Giáo hội. Đúng là sức khỏe của Giáo hội phương Tây không được tốt, nhưng Giáo hội vẫn còn đó. Từ khi được Chúa Kitô thành lập, Giáo hội đã chịu nhiều thử thách đáng kể, các bách hại suốt ba thế kỷ, cho đến cuộc Cách mạng của nước Pháp. Những ai muốn gạt bỏ đời sống thiêng liêng thì họ buộc phải dùng vũ lực, một Quốc gia muốn mình hoàn toàn vô thần thì chỉ biến Quốc gia mình thành Quốc gia toàn trị, vì con người là một bản thể thiêng liêng.

Năm 2005 tôi đã nếm tàn dư của một Quốc gia toàn trị, một Quốc gia không có Chúa. Năm đó có Ngày Thế giới Trẻ ở Cologne, nước Đức với Đức tân giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Tổng Giám mục Tomasz Peta, thuộc tòa giám mục giáo phận Astana, Kazakhstan xin tôi đến giảng cho một lễ hội của 200 bạn trẻ không có phương tiện đi Đức để tham dựNgày Thế giới Trẻ.

Kazakhstan thuộc khối các nước cựu Liên bang Xô Viết. Đất nước này bị in dấu triết lý của Karl Marx cho rằng “tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng”. Marx cho rằng khi con người không cảm thấy mình mạnh, khi họ có vấn đề, khi họ sợ chết thì họ sáng chế ra Chúa để họ cảm thấy mình đỡ hơn. Như thử họ hít một hơn cô-kên thiêng liêng. Thiên Chúa là sản phẩm thuần túy của ảo tưởng này, chế độ cộng sản đã làm tất cả để loại bỏ tôn giáo ra khỏi đất nước họ. Nhưng dù họ dùng tất cả chủ thuyết của họ, dân chúng vẫn tiếp tục giữ đạo. Vì thế chế độ đóng cửa nhà thờ, giam tù và ám sát các linh mục. Họ bắt đầu bức bách tín hữu, họ trục xuất hàng ngàn giáo dân đưa đến các trại trừng giới. Nhà độc tài Stalin tiêu hủy 350 cơ sở tôn giáo ở Maxcơva, san bằng nhà thờ chính tòa năm 1931. Chủ tịch Khrouchtchev cho xây hồ tắm thành phố ở địa điểm này.

Như thế tôi đến giảng ở đất nước bị gọng sắt nung đỏ cộng sản chà đạp. Linh mục bạn Jean-Marie Cettou và là người tổ chức lễ hội đón tôi ở phi trường Astana, trên chiếc mini-buýt cha đưa tôi đi ròng hai ngày qua vùng thảo nguyên để đến ngôi làng nhỏ Ojornie ở tận miền bắc. Chúng tôi đến ngôi làng đêm hôm trước ngày lễ hội, kiệt sức vì đường xa. Linh mục Jean-Marie đưa tôi đến trọ nhà một bà lớn tuổi, bà ngoại “babouchka”. Trong bữa ăn chiều bà kể câu chuyện kỳ lạ ngôi làng của bà.

Bà là người Ba Lan. Năm 1936, người Nga trục xuất gia đình bà từ Ba Lan về Kazakhstan. Khi đó bà một tuổi và bà đến vùng hoàn toàn cô lập Caucase này với hàng chục người Ba Lan khác. Họ không có gì và phải xây dựng một ngôi làng. Quân đội Nga canh gác họ, có một sĩ quan điều khiển công trình. Phải xin phép ông này nếu muốn đi ra khỏi làng. Nếu ai vi phạm luật thì sẽ không còn thấy người đó nữa, họ biến mất, hoặc bị gởi đi vùng Sibêria hoặc bị thủ tiêu. Những người bị đi đày phải cùng nhau xây mọi sự, cho mọi người. Mỗi nhà phải giống nhau, nhất là không được nhà nào cao hơn nhà nào. Khi mùa đông đến thì ngưng xây cất, mọi người ở chất đống với nhau chờ thời tiết tốt để tiếp tục xây dựng. Khi xây nhà xong, họ làm việc trong các nông trại lớn, các hợp tác xã. Một mô hình xã hội rất lý tưởng nhưng trên thực tế ngược với lòng dân vì tất cả sản phẩm sản xuất ra được gởi về Nga.

Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1991, đất nước tiếp tục xuống dốc! Tình trạng bi thảm trong một trạng huống còn bi thảm hơn: từ nay mỗi làng có nghĩa trang nông cụ của mình, một cảnh trang trí của cuốn phim Mad Max, hình ảnh điêu tàn vào cuối thế kỷ 20.

Dĩ nhiên nếu không muốn bị áp bức thì không nên giữ đạo công khai. Nhưng năm 1989, hai năm trước khi độc lập, bà babouchka linh tính thấy có sự thay đổi trong chế độ không khoan nhượng của nhà nước. Bà đã làm đơn nhiều lần đến Maxcơva để xin xây một nhà thờ cho đến khi bà có được giấy phép. Ngay khi dân làng có giấy phép, họ tự tay xây nhà thờ. Khi nhà thờ ‘ló’ ra khỏi mặt đất một mét rưỡi, ngay lập tức bà viết thư cho tòa giám mục Ba Lan xin tòa giám mục gởi một linh mục đến. Linh mục đầu tiên đến không ai khác là cha Tomasz, sau này cha là giám mục giáo phận Astana. Ngôi làng nhỏ của những người biệt xứ của chế độ vô thần trở thành nơi hội họp của các bạn trẻ của đất nước, một ốc đảo đức tin trong sa mạc của chế độ cộng sản này.

Ở đất nước mênh mông với hàng triệu người dân, chế độ Xô viết toàn trị muốn ngăn người dân hướng về Chúa nhưng họ đã thất bại. Vì con người được dựng lên là để cho Chúa!

Ngày nay tín hữu kitô không còn bị bách hại ở các nước Đông Âu, nhưng đức tin vẫn bị lừa đảo gạt ra ở xã hội phương Tây. Chúng tôi xin đưa ra đây một ví dụ được nói đến trong năm 2010. Ủy ban Âu châu từ bảy năm nay đã in ra một chương trình làm việc để cổ động với người trẻ về Âu châu và về các thể chế của Âu châu. Tài liệu giáo dục này được gởi đến các trường học và các giáo sư nếu họ yêu cầu. Chương trình làm việc này được in ra 3,2 triệu ấn bản để phân phối, riêng nước Pháp nhận 320 000 ấn bản. Bên dưới trang là các ghi chú cho học sinh trong niên khóa 2010-2011 nhớ một vài ngày lễ chính: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3. Ngày Valentin 14 tháng 2. Ngày Halloween 31 tháng 10, ngày Âu châu 9 tháng 5… Ngày Ramadan vào tháng 9, ngày lễ ánh sáng của người sikh và hinđu ngày 5 tháng 11. Ngày 24 tháng 12 có một ghi chú lạ lùng: “Cây thông Noel đầu tiên được ‘dựng lên’ ở quảng trường trung tâm Tallinn (thủ đô Estonia) năm 1441.” Ngày lễ Chúa ra đời không được nhắc đến. Trong ấn bản tiếng Pháp, ngày lễ Phục Sinh, Hiện Xuống và Thăng Thiên cũng không được nhắc đến.

Sau Ba Lan và nước Ý, nước Pháp nhận thấy trong tài liệu giáo dục này thiếu sót mọi quy chiếu về kitô giáo, trong khi các ngày lễ do thái, hinđu, sikh và hồi giáo lại được nhắc đến.

Ông Laurent Wauquiez, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Âu châu thời đó rụng rời:

– Sự bỏ quên này chứng tỏ một Âu châu không nhận gốc rễ kitô của mình, và như thế là chúng ta phủ nhận nó. Chúng ta không được xấu hổ vì Âu châu có các nóc chuông, đó là căn tính của chúng ta. Không ai bắt phải nêu ra các ngày lễ tôn giáo. Nhưng nếu đã nêu ra thì phải nêu đầy đủ (Le Figaro 13 – 1- 2011)

Ý thức được tầm rộng lớn của vụ chương trình lịch trình này ở Ba Lan và ở Ý, Ủy ban Âu châu công nhận chuyện “sai lầm” của mình và xin lỗi. Một bức thư “công nhận sai lầm” được gởi đến các hiệu trưởng liên hệ. Một trang đính chính danh sách các ngày lễ được thêm vào các tập tài liệu.

Dụ ngôn phi trường

Sau hình thức hung bạo của chế độ cộng sản, chúng ta ở trong hình thức xảo trá của một chủ trương thế tục hóa triệt để. Dù vậy, tôi tin chắc, nếu con người đánh mất ý nghĩa về Chúa thì nó cũng đánh mất luôn ý nghĩa về chính mình. Và đó là điều tôi muốn giải thích với các bạn qua dụ ngôn phi trường.

Khi tôi đi máy bay từ Paris đến Astana, tôi phải ghé Francfort. Và khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Đức, chúng tôi biết máy bay đi Astana bị hư. Tôi chờ cả ngày, thông tin thì nhỏ giọt để cuối cùng hãng máy bay cho biết, máy bay sẽ được sửa trong hai ngày nữa vì phụ tùng thay thế phải gởi từ Anh đến!

Trong thời gian chờ đợi lâu dài ở phi trường, tôi đọc một tài liệu tôi rất quý, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế Đức Gioan-Phaolô II viết năm 1990 (Redemptorts Missio).

Ở chương 2 ngài viết: “Thế giới hiện nay, một thế giới biết các vụ chinh phục đáng ngưỡng mộ nhưng gần như mất ý nghĩa của các thực tế tối hậu và sự hiện hữu của chính nó.”

Đúng vậy. Con người có thể lên Cung Trăng, có thể ngày càng chế tạo các máy bay cực nhanh, cực mạnh, chỉ trong vài giờ đưa chúng ta từ đầu vũ trụ này đến đầu vũ trụ kia, nhưng cùng lúc con người ngày càng khốn cùng trong việc đi tìm ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của mình.

Ở chương 8 ngài viết mạnh hơn: “Trong thế giới hiện đại, có một khuynh hướng giảm thiểu con người xuống thành chiều ngang.”

Khi tôi đọc những hàng chữ này, tôi ngẫng đầu lên và tôi thấy một cảnh thật vui mắt. Trên phi đạo của phi trường lớn nhất Âu châu này, một hàng dài máy bay sắp hàng chờ cất cánh. Tôi thích thú cười một mình. Các máy bay nối đuôi sát nhau như xe cộ bị kẹt trong giờ cao điểm.

Các chữ của Đức Gioan-Phaolô II vang lên trong đầu tôi: “Trong thế giới hiện đại, có một khuynh hướng giảm thiểu con người xuống thành chiều ngang.”

Tôi tưởng tượng những chiếc máy bay này đi ra cánh cửa lớn của phi trường và chạy trên xa lộ. Cảnh sẽ rất hoành tráng. Một chiếc Boeing 747 bấm còi khi kẹt xe. Một cảnh sát đứng trên chiếc ghế đẩu để ra dấu lưu thông. Và các máy bay của tất cả các nước chạy trên mọi nẻo xa lộ của Âu châu chúng ta! Dĩ nhiên sẽ phi lý và khôi hài!

Tôi xin đề nghị quý vị so sánh máy bay với con người. Máy bay được chế tạo để bay, con người được dựng nên để hướng về Chúa. Một người mất ý nghĩa về Chúa thì cũng giống như máy bay được chế tạo nhưng lại ở dưới đất chứ không bay! Nó tiếp tục chạy trên xa lộ. Khi con người mất ý nghĩa về Chúa, con người xoay suốt đời mình chỉ theo chiều ngang, khi con người không muốn nói đến các ngày lễ tôn giáo, con người giống như máy bay chạy trên xa lộ mà không bao giờ cất cánh. Thật là phi lý và khôi hài!

Vậy mà chúng ta được dựng nên để có đời sống thiêng liêng, chúng ta được dựng nên là để cho Chúa, chúng ta được dựng nên là để chiêm niệm. Khám phá chiều kích thiêng liêng là điều thiết yếu để sống trọn vẹn nhân tính của chúng ta. Chúng ta được dựng nên để cho Chúa cũng như máy bay được chế tạo để bay. Chúng ta hãy dùng các phương tiện của mình để cất cánh, xăng tay vén áo dùng hết sức lực của mình để trở nên con người mà chúng ta phải trở nên!

Marta An Nguyễn dịch

711    20-01-2019