Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Marcel Rufo: “Cắt quyền thừa kế con cái là cắt đứt liên hệ máu mũ”

 

Vài tuần sau khi ca sĩ thần tượng của người Pháp Johnny Hallyday qua đời, các người thân của ông cãi nhau về di sản của ông. Bác sĩ tâm thần nhi khoa Marcel Rufo, nhà với khảo luận của tạp chí Hành hương (Pèlerin) nói quan điểm của mình về các rạn nứt này.

Cắt đứt quyền thừa kế của con cái không phải là chuyện bình thường trong văn hóa chúng ta. Điều này có nghĩa là gì?

Marcel Rufo: Khác với luật ở bang California nước Mỹ (nơi ca sĩ Hallyday sống một phần thời gian ở Los Angeles), luật ở Pháp không cho phép cắt đứt quyền thừa kế của người con dù cho cha mẹ sau này có một gia đình khác. Con cái của mình vẫn là con cái của mình, và dù thế nào, cha mẹ cũng phải truyền tài sản của mình cho con cái.

Trong bối cảnh này, tài sản để lại dù ít, cũng là dịp cho người thừa kế cảm nhận mình được công nhận. Đây là một loại tình cảm để người con có thể nói: “Tôi cũng là người con của người cha này, dù tôi không sống với ông”.

Laura và David, con cái ruột của Johnny Hallyday đã nhận tiền lúc ông còn sống, nhưng bây giờ thì bị truất quyền thừa kế…

Tôi nghĩ, con cái sẽ không thể nào chịu đựng được nếu không nhận được gì từ người thân dù là một kỷ niệm nhỏ, mà người thân ở đây lại là cha ruột. Dù gia tài khiêm tốn hay kếch sù thì một cảm nhận bị bỏ rơi nặng nề đã dấy lên trong lòng người con. Có một chiều kích biểu tượng rất mạnh qua việc làm di chúc. Trong văn hóa chúng ta, cắt đứt quyền thừa kế của con mình là cắt đứt liên hệ máu mũ. Ngược lại với dụ ngôn người con hoang đàng trở về: người cha trong dụ ngôn không bao giờ nghĩ đến việc cắt đứt quyền thừa kế của người con đã bỏ ra đi. 

Các gia đình chắp nối có làm rắc rối cớ sự không?

Các người con có thể chấp nhận cha hoặc mẹ mình lập lại một gia đình khác, với điều kiện khi người cha, người mẹ này qua đời, sợi dây máu mũ của các con sinh ra với người trước phải được tôn trọng. Tình trạng có trước này phải được thừa nhận cho đến di sản.

Khi một tờ di chúc gây ra bất hòa, thì con cái thường quy trách nhiệm này cho cha/mẹ ghẻ đến sau. Từ đó khinh miệt cha/mẹ ghẻ xem họ là người dùng mánh khóe để không cho con ruột hưởng gia tài thì phải rất cẩn thận.

Cha/mẹ đã quá cố đã cân nhắc các quyết định của họ. Khi xây dựng một gia đình mới, họ muốn gia đình này thành công, chứ không thất bại như gia đình trước. Để nắm lấy dịp may này, họ thử hủy bỏ quá khứ. Một cách chung chung, khi di chúc không được con cái của người quá cố bằng lòng, điều này có nghĩa đã có những chuyện không nói ra khi người kia còn sống.

Tại sao những việc như thế này lại làm cho nhiều người xúc động đến như vậy?

Chuyện này làm cho nhiều người xúc động vì chúng ta, tất cả đều sợ có ngày mình là con mồ côi và bị bỏ rơi. Một phần nào đó, tất cả chúng ta đều để tang ca sĩ Johnny. Vì thế chúng ta ở trong địa vị của người con mất cha. Câu hỏi căn bản là: tại sao lại có di chúc này? Tôi tự hỏi, nếu người đàn ông này, trong tuổi thơ ấu đã bị chính cha ruột mình bỏ, lại đã không làm lại một cách vô thức việc loại bỏ này sao. Tôi thử hình dung khả thể có một sự mong manh đã tác động trên suốt cuộc đời của ông.

Marta An Nguyễn dịch

513    24-02-2018