Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Những tiếng nói đối lập

 

Chúng ta đang ngập chìm trong một biển tiếng nói.

Bề ngoài, chúng là những tiếng nói trên các quảng cáo. Chúng đầy dẫy quanh chúng ta, các trang nhất, đài phát thanh, đài truyền hình, nhật báo, tạp chí, internet, ngành công nghiệp thời trang, tất cả đều hứa hẹn một điều gì đó tốt đẹp hơn cho chúng ta – một mẫu xà phòng mới, một tình nhân mới, một triết lý cuộc đời mới.

Tuy nhiên, ở bề sâu, các tiếng nói này tạo một sức ép lớn trên chúng ta. Các tiếng nói đủ loại kéo chúng ta đi về các hướng khác nhau, rốt cùng, chúng ta không còn tin chắc mình, không biết mình nên tin hay không nên tin vào cái gì, hay cái gì sẽ mang mình đến với cuộc sống. Những tiếng nói khác nhau nói với chúng ta những chuyện khác nhau và mỗi tiếng nói dường như mang một sự thật khác nhau.

Một mặt, có một tiếng nói đầy sức mạnh ra hiệu cho chúng ta hướng về phía lòng hy sinh, quên mình, bác ái vị tha, đức tính anh hùng, nói với chúng ta hạnh phúc nằm ở hành động trao cho, rằng tính ích kỷ sẽ làm chúng ta khổ, và chúng ta sẽ thật với chúng ta khi chúng ta rộng rãi, quãng đại,  luôn đặt nhu cầu của người khác lên hàng ưu tiên. Trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều biết chân lý đó, đó là lời Đức Giêsu nói «không có tình yêu nào lớn hơn, cũng không có tình yêu nào ý nghĩa hơn là tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu.» Thánh Phan-Sinh nói đúng, cho đi rồi mới nhận. Chính vì vậy chúng ta ngưỡng phục ai có được  tình yêu này và vì vậy chúng ta bồi bổ cho mình và con cái mình bằng những câu  chuyện về đức tính anh hùng, hào hiệp, hy sinh quên mình.

Nhưng đó không phải là tiếng nói duy nhất chúng ta nghe được. Chúng ta cũng nghe một tiếng nói mãnh liệt, dai dẳng như đang kêu gọi chúng ta đi về hướng ngược lại. Ở bề mặt, đây là tiếng nói mời mọc chúng ta hướng về khoái lạc, tiện nghi, yên ổn, lo cho mình, hãy vui hưởng tất cả khoái lạc đời này, nắm lấy cơ hội khi nó ở trong tay.

Ở bề sâu, đây là tiếng nói thách thức chúng ta đừng quá rụt rè hay e sợ, hãy trở nên một người có lòng nhân. Tiếng nói này mời gọi chúng ta dự phần vào, đóng góp vào, vui hưởng nguồn năng động, sắc thái, trí tuệ, thông minh, và sáng tạo tuyệt diệu khiến thế gian xoay vần và khiến cuộc đời đáng sống. Đây là tiếng nói ra hiệu chúng ta hướng về lãng mạn, tính sáng tạo, nghệ thuật, tính dục, thành tựu, sức khỏe thể chất, là tiếng Đức Giê-su nói về ngụ ngôn các nén bạc và đặt trước chúng ta một sự thật thường hay bị bỏ quên trong vòng tín ngưỡng, đó là, Thiên Chúa cũng là Đấng tạo dựng thần tình ái, sắc màu, sức khỏe thể chất, trí tuệ và thông minh. Cuộc sống, chắc chắn và cần thiết là phải được nếm hưởng, trong Thiên Chúa.

Vậy đâu là tiếng nói đích thực? Có phải một trong những tiếng nói này được chú ý đến, còn những tiếng nói khác thì không?

Đây là một câu hỏi phức tạp và ẩn chứa trong đó nhiều điều hơn chúng ta tưởng. Về mặt lịch sử, sự cám dỗ, ít nhất trong phạm vi tôn giáo, đã làm đồng nhất một cách giản dị quá mức tiếng nói của Đức Giê-su với tiếng nói kêu gọi chúng ta hướng về lòng hy sinh quên mình và khó nghèo: “Cái gì cũng hy sinh quên mình!” Quả thật như vậy. Đức Giê-su đã nói như thế, như tất cả các vị thánh đã nói.

Nhưng Đức Giê-su và các vị thánh muốn nói nhiều hơn thế và khiếm khuyết của chúng ta là chỉ lưu tâm đến một phần của những gì được nói về mặt thiêng liêng, nhưng đó chỉ là một nửa chân lý kèm theo một vài hệ lụy xấu, đó là, nhân danh tôn giáo, đôi lúc chúng ta trở nên sợ hãi, rụt rè, và mặc cảm tội lỗi một cách không lành mạnh. Bất cứ khi nào chuyện này xảy ra, thì tiếng nói khác, tiếng nói kêu mời chúng ta mạnh dạn dấn thân vào nhịp điệu năng lượng cuộc sống, đều bị làm cho hoen ố, bị làm cho xấu đi và, bởi vì chúng ta đã sao nhãng những gì Thiên Chúa mời gọi, thay vì trở nên các vị thánh tử đạo đích thực, chúng ta trở thành các vị “tử đạo tự ti mặc cảm”, người bất mãn, dùng năng lượng tiêu cực và lừa lọc dựa trên danh nghĩa tình yêu và sứ vụ. Hơn thế nữa, trên danh nghĩa của loại chân lý nửa vời này, chúng ta thường kết luận rằng Thiên Chúa mâu thuẫn với Thiên Chúa, chân lý mâu thuẫn với chân lý, minh triết mâu thuẫn với năng lượng, và sức khỏe tinh thần mâu thuẫn với sức khỏe thể chất, bởi vì chúng ta đã đặt đức hy sinh quên mình trong một thế đối lập sai trái với thách đố tích cực, dùng nguồn năng lượng tuyệt diệu Thiên Chúa ban cho thế gian này nơi mà cái đẹp, tính lãng mạn, tính sáng tạo, sức khỏe thể chất, trí tuệ, và óc hài hước đúng mực cũng làm gia tăng phần nào đó lời mời gọi đích thực của Thiên Chúa.

Làm cách nào để có được một sự cân bằng trong tất cả chuyện này? Nếu có hai tiếng nói đều mời gọi chúng ta đến với chân lý và chúng dường như đối lập với nhau, thì chúng ta phải theo bên nào?

Không có chân lý nào đơn giản, dù ở đây hay bất kỳ nơi nào khác. Chân lý là sự phức tạp đầy đau đớn (như chính chúng ta) và chân lý luôn luôn lớn mạnh hơn khả năng hấp thụ và tổng hợp của chúng ta. Tiếp thu chân lý nghĩa là vĩnh viễn mở rộng lòng ra và chấp nhận ở trong trạng thái căng thẳng, ít nhất là ở thế gian này. Điều đó đúng trong từ ngữ của sự đối lập giữa những tiếng nói này. Không ít lần những tiếng nói này ở phía đối lập chân chính và chúng ta không thể chọn cả hai, nhưng buộc phải chọn một. Chân lý có những đường biên thật sự và sẽ nguy hiểm nếu buộc nó phải đại diện cho tất cả mọi chuyện. Nhưng sẽ có một mối nguy hiểm ngang nhau khi không nói lên việc hạ thấp chân lý trọn vẹn xuống thành chân lý nửa vời – và không đâu bằng, ít nhất là trong đời sống thiêng liêng, mối nguy hiểm này lớn hơn khi chúng ta có khuynh hướng làm cho tiếng nói này nuốt trọn tiếng nói kia. 

J.B. Thái Hòa dịch

583    30-11--0001