Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sự lấn lướt của bề ngoài

 

“Hãy tập trung vào hình ảnh của bạn, vì hình ảnh là tất cả!” Những ngôn từ đó, hay ít nhất là từ ngữ theo nghĩa đó, là đề từ của một quảng cáo nổi tiếng vài năm trước đây. Tôi nhớ mình đã quá sửng sốt trước thông điệp hời hợt và thiếu suy xét như vậy, nhưng chẳng mấy người phản ứng lại, có lẽ vì đề từ đó quá đúng với thời đại của chúng ta.

 

Chúng ta là chủng người bị ám ảnh bởi bề ngoài, bởi hình ảnh, bởi việc trông có vẻ tốt lành, bởi diện mạo dễ ưa. Đối với chúng ta ngày nay, nhìn chung, trông có vẻ tốt đẹp là quan trọng hơn tốt đẹp thật sự, trông có vẻ khỏe mạnh quan trọng hơn khỏe mạnh thật sự, nói đúng đắn quan trọng hơn làm đúng đắn, có liên hệ với những người đàng hoàng quan trọng hơn làm người đàng hoàng, và được coi là có đạo đức quan trọng hơn có đạo đức thực sự.

Điều đó thể hiện rõ trong việc chúng ta bị ám ảnh bởi diện mạo bên ngoài, việc chúng ta thần thánh hóa những người nổi tiếng, coi trọng qúa mức phong cách và thời trang, và gắng gỏi để được coi là có liên hệ với nhưng điều đúng đắn. Thật đúng hình ảnh là tất cả!

Chúng ta cũng thấy điều đó trong chính trị chẳng hạn: Trong xã hội, ngày ngày hình ảnh lấn lướt thực chất. Luôn luôn vẫn vậy, chúng ta không quan tâm tới chủ trương của một người bằng vẻ bề ngoài của người đó và chúng ta bầu người vào các vị trí công vụ dựa nhiều trên tính cách của họ hơn là trí tuệ và đạo đức. Trong chính trị ngày nay, có hình ảnh đúng đắn, có khả năng được những nguồn lực thích hợp vây quanh mình là quan trọng hơn có thực chất và đạo đức.

Thế giới học thuật cũng không hề kém cạnh: Ví dụ, ngày càng có nhiều trường đại học trao bằng danh dự cho những nhân vật nổi tiếng và những vị cổ xúy cho công bằng. Chuyện đó không có gì sai trái cả, đặc biệt khi ghi công và vinh danh những người đã dành cả đời mình vì công bằng, trừ việc tôi không tin cho lắm rằng những trường đại học cấp những tấm bằng đó thật sự quan tâm nhiều tới người nghèo hay họ tán thành về mặt tri thức những gì mà ngành công nghệ giải trí và thể thao (vốn đã tạo ra những người nổi tiếng đó) đang làm. Nhưng gương mặt của một người nổi tiếng, một Nelson Mandela, một Angelina Jolie, một Meryl Streep, một Michael Jordan, hay một Derek Jeter, thật sự trông rất hay đối với diện mạo trước công chúng của cái trường đại học nào cấp tấm bằng đó: Cứ xem chúng ta ân cần, nhiệt huyết, đẹp đẽ như thế nào!

Không may là nhiều trong số những trường đại học đó không hẳn là những hình mẫu về sự ân cần và công bằng trong đối xử với sinh viên và những người làm việc cho chính họ, nhưng trong cảm nhận của những người bên ngoài, họ rất ân cần chu đáo! Việc trao bằng tiến sĩ cho một ai đó đã công hiến cả đời cho cuộc đấu tranh vì lẽ công bằng, thực ra không giúp ích gì nhiều cho người nghèo, nhưng thật sự cũng làm được điều gì đó cho cái trường đang vinh danh những vị đó.

Nhưng trước khi phán xét quá khắt khe điều này, chúng ta cần phải thừa nhận rằng những gì đang xảy ra trong xã hội cũng đang xảy ra trong chính cuộc sống riêng của mình. Trong cuộc sống của chúng ta, càng ngày vẻ ngoài càng trở nên cái chúng ta quan tâm nhất. Đối với nhiều người trong số chúng ta, việc chúng ta trông như thế nào là điều trên hết, là toàn bộ vấn đề, là duy nhất. Chúng ta có thật sự tốt không thì không quan trọng cho lắm, chỉ là chúng ta có trông có vẻ tốt hay không thôi. Một điều mỉa mai không hề nhỏ là chúng ta quá giận giữ và phẫn uất trước phần ngân sách lớn mà chính phủ chi cho quốc phòng, trong khi ngay bản thân chúng ta an nhiên sống mà không hề nhận biết từng cá nhân mình ra sao, tiêu tiền cho việc phòng vệ bản thân mình – son phấn và thời trang.

Đáng buồn là chúng ta đang phải trả giá đắt cho vấn đề này. Mối bận tâm về vẻ dễ ưa của chúng ta đang đóng đinh chính chúng ta. Càng ngày chúng ta càng thấy bất mãn hơn với chính thân thể của mình, ngay cả khi thân thể ta khỏe mạnh và đang phục vụ chúng ta rất tốt. Hình ảnh khỏe mạnh ta có về bản thân mình ngày nay tùy thuộc nhiều vào việc ta trông có vẻ ổn hơn là thật sự khỏe mạnh. Tình hình quá nhiều người bị chứng biếng ăn, bên cạnh nhiều vấn đề khác, chính là triệu chứng của vấn đề này, và quá nhiều khi việc ăn kiêng và tập thể dục của chúng ta ít liên quan tới sức khỏe hơn là tới vẻ ngoài.

Phải nói rằng không phải tất cả chuyện đó đều xấu cả. Quan tâm tới diện mạo bên ngoài là lành mạnh, cũng như ăn kiêng và tập thể dục là lành mạnh (ít nhất là đa phần như vậy). Chúng ta muốn có vẻ dễ ưa, và thực sự, chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân hơn khi mình thật sự trông dễ ưa. Cảm giác hài lòng về cơ thể và sức khỏe của mình là một điều lành mạnh. Mối quan tâm lành mạnh về việc chúng ta trông như thế nào cần phải không bao giờ bị hạ thấp nhân danh chiều sâu hay tính chất thiêng liêng. Thực ra, một trong những dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm lâm sàng là thiếu quan tâm tới bề ngoài.

Điều này cũng đúng với việc chúng ta được người khác cảm nhận như thế nào. Tiếng tốt là điều cần được giữ gìn và bảo vệ. Được coi là tốt là chuyện quan trọng.

Nhưng diện mạo và danh tiếng không bao giờ được thay thế đạo đức, chiều sâu và lòng chính trực, cũng như không bao giờ nên vin vào việc có thực chất và đạo đức để bào chữa cho bề ngoài xấu xí và luộm thuộm. Tuy vậy, tôi cho rằng ngày nay chúng ta đã đánh mất mức cân bằng phù hợp giữa hai điều này, và giờ đây đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Nguy hiểm gì?

Khi hình ảnh là tất cả, thì dần dà, bề ngoài bắt đầu có vẻ như chính là đạo đức, sự nổi tiếng bắt đầu có vẻ như là sự cao quý của tâm hồn, và việc trông có vẻ tốt đẹp trở nên quan trọng hơn tốt đẹp thật sự, mà chúng ta không hề hay biết.

J.B. Thái Hòa dịch

615    16-11-2017