Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Tình yêu xuyên qua các cánh cửa đóng kín

 

 

Cách đây mấy năm tôi quen một gia đình có cô con gái tự tử chết. Cô gái ở độ tuổi cuối hai mươi, cô bị trầm cảm nặng. Lần đầu cô toan tự tử nhưng không thành. Gia đình vội đến bên cô. Họ đưa cô về nhà, thay nhau túc trực bên cô, đưa cô đi bác sĩ tâm thần, chung chung họ cố gắng hết sức để yêu thương và đưa cô ra khỏi tình trạng suy thoái này.

Nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Cuối cùng, như tôi đã nói, cô tự tử.

Nhìn vào cái chết của cô và nỗ lực của mọi người để yêu thương và giữ lấy cô, người ta thấy ở một điểm nào đó, tình yêu của con người thật là bất lực. Đôi lúc tất cả cố gắng, kiên nhẫn và yêu thương của cả thế gian cũng không thể cứu được một người đang hoang mang, đau bệnh, suy thoái. Bất chấp tất cả, người đó khép chặt tâm hồn, khước từ tình yêu, đánh mất tự do, chặn cửa không cho ai đến gần mình, chỉ muốn tự hủy.

Chưa ai ở trong hoàn cảnh này mà tránh được cảm giác sâu đậm của nản lòng, mặc cảm tội lỗi, nỗi vô vọng và sợ hãi. Mặc cho mọi nổ lực, dường như tình yêu hoàn toàn bất lực.

May thay chúng ta không phải không còn hy vọng và an ủi. Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh giải thoát tối hậu của tình yêu, và tin vào quyền lực của một tình yêu vượt quá tình yêu của chúng ta, một tình yêu có thể chuộc lại được. Tình yêu của Thiên Chúa không giống tình yêu chúng ta. Không như chúng ta, tình yêu Thiên Chúa có thể xuyên qua các cánh cửa đóng kín, vào trong tâm hồn đóng chặt, thổi bầu khí bình an, đem sự sống mới đến cho những người đang hoang mang, tê liệt.

Hy vọng và niềm tin vào điều này được nói lên qua một câu trong kinh Tin kính: “Người xuống hỏa ngục.” Câu nói không thể tin được này có nghĩa là: Chúa xuống hỏa ngục. Nếu điều đó đúng, và mọi điều trong cuộc đời và giáo huấn của Đức Ki-tô là đúng thì, sự tồn tại của một hỏa ngục đời đời vẫn còn nghi ngờ và quả tim con người cuối cùng có được sự an ủi: Tình yêu sẽ chiến thắng.

Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được điều đó. Thường thì chúng ta hiểu theo nghĩa, giữa cái chết và phục sinh, Đức Giê-su đã xuống hỏa ngục hay một nơi tối tăm nào đó, nơi các linh hồn của tất cả những người chính trực đã chết từ thời ông A dong ở. Nơi Đức Giê-su đã đưa họ cùng lên thiên đàng với Người.

Các thần học gia gần đây giải thích tín điều này theo nghĩa, trong cái chết của mình, Đức Ki-tô đã hiểu được sự từ bỏ từ Chúa Cha, nên hiểu được ý nghĩa nỗi đau đích thật của hỏa ngục.

Dù những giải thích này có giá trị đến mấy thì, tín điều xuống hỏa ngục trước tiên và trên hết là một tín điều về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, và sức mạnh của tình yêu đó trải dài, đi sâu và vượt qua mọi chướng ngại để giải thoát cho một nhân loại đang bị tổn thương, xáo trộn, hoang mang, xa lánh và mất tự do.

Bằng cách chết đi như Người đã chết, Đức Ki-tô cho chúng ta thấy rằng Người đã yêu thương chúng ta theo cách mà Người có thể xuống hỏa ngục riêng tư nhất của chúng ta. Tình yêu của Người đầy thương cảm và trắc ẩn, xuyên qua mọi rào chắn mà chúng ta dựng lên từ tổn thương và sợ hãi, tình yêu đó vào tận sâu trong nỗi tuyệt vọng và vô vọng của chúng ta. Tư tưởng này được diễn tả rất mạnh trong đoạn 20, phúc âm thánh Gio-an. Thánh Gio-an đề cập đến hai lần việc các thánh tông đồ bị dao động sau cánh cửa đóng kín, vì sợ hãi. Hai lần phúc âm thánh Gio-an nói Đức Giê-su đi qua cánh cửa đóng kín, đứng giữa các môn đồ đang sợ hãi, thất vọng và thổi hơi bình an cho họ.

Hình ảnh Đức Ki-tô đi qua cánh cửa đóng kín có lẽ là hình ảnh an ủi lớn nhất trong toàn bộ đức tin của chúng ta. Ngắn gọn, điều đó có nghĩa là Thiên Chúa có thể giúp chúng ta, ngay cả khi chúng ta không thể tự giúp mình. Thiên Chúa có thể làm điều bất khả cho chúng ta ngay cả khi chúng ta quá yếu đuối và tuyệt vọng đến mức mà một việc tối thiểu là chúng ta không thể mở cửa cho Người đi vào.

Đó không chỉ là an ủi, nhưng nó sửa sai lạc thuyết Pelagian mà nhiều người trong chúng ta đã được dạy.

Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ, tôi được tặng một bức ảnh thánh. Tôi cất giữ nó trong nhiều năm và sứ điệp của nó luôn luôn ám ảnh tôi trong những lúc tăm tối nhất. Bức ảnh vẽ một người đàn ông, đang bị dao động, tuyệt vọng và sợ hãi, đứng trong bóng tối đằng sau cánh cửa đóng kín. Bên ngoài Đức Giê-su cầm chiếc đèn lồng sáng rực, đang gõ cửa. Cánh cửa chỉ có một núm cửa và nó nằm ở trong, nơi người đàn ông đang đứng. Ở ngoài không có núm cửa. Đức Giê-su chỉ có thể gõ cửa. Bên dưới bức ảnh, có câu: Chỉ bạn mới có thể mở cánh cửa! Giải thoát hay không phụ thuộc ở nổ lực của bạn.

Bức ảnh này không phải hoàn toàn không có giá trị, nhưng ngụ ý của nó thì không đúng. Đức Ki-tô không cần núm cửa. Đức Ki-tô có thể đi xuyên qua cánh cửa đóng kín. Đức Ki-tô có thể đi vào các căn phòng, các cõi lòng đóng chặt vì sợ hãi.

Bức ảnh diễn tả sự thật về tình yêu con người. Trên bình diện con người, phải cần năng động của tình yêu; trừ khi quả tim được mở từ bên trong, còn nếu tình yêu của loài người thì chỉ có thể gõ cửa và đứng chờ bên ngoài.

Nhưng tình yêu  của Thiên Chúa thì khác, như đoạn 20 phúc âm thánh Gio-an. Tình yêu của Thiên Chúa có thể xuống hỏa ngục. Không như tình yêu của chúng ta, tình yêu Thiên Chúa không ở bên ngoài, bất lực gõ vào cánh cửa sợ hãi, tuyệt vọng, tổn thương và đau đớn. Tình yêu Thiên Chúa không đòi hỏi, đặc biệt là người đang bệnh, bắt họ phải trước hết có đủ sức để mở lòng của họ.

Đó là niềm an ủi tối hậu. Không hỏa ngục nào, không hỏa ngục của tổn thương, tuyệt vọng, sợ hãi, đau bệnh hay ngay cả cay đắng nào mà tình yêu Thiên Chúa không thể và sẽ không đi vào được. Một khi ở đó, tình yêu của Người sẽ thổi bầu khí bình an của Thần Khí.

Nguyễn Kim An dịch

546    25-05-2019