Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Xin đốt những mê muội của chính mình!

Ngày Rằm, mùng Một, giỗ chạp... là những dịp mà nhiều người Việt đốt vàng mã rất nhiều. Họ tin rằng càng đốt nhiều vàng mã thì càng nhiều phúc lộc. Nhưng trước khi đốt vì thói quen, xin hãy nghĩ kĩ càng. Phúc lộc chẳng bao giờ đến khi chúng ta chỉ mê mờ làm những điều vô nghĩa.

Người ta đốt vàng mã ở nhà sau những buổi cúng thần tài đất đai, đốt tế người đã khuất ở nghĩa trang trong các dịp tảo mộ, rồi lại vác hàng bao vàng mã to tướng lên chùa, đình, miếu phủ để đốt. 

Các thể loại vàng mã thì muôn hình vạn trạng, muốn gì có nấy, từ quần áo giày dép nam nữ để “các cụ” đi bộ cho tới lọng vàng, ngựa vàng, rồi xe máy xe hơi; từ đồng vàng kiểu xưa cho tiền giấy tiền đô rồi cả thẻ tín dụng; từ điện thoại thông minh, iPad rồi lại cả mô hình biệt thự, nhà lầu. Gần như bất cứ thứ vật chất gì trên trần thế có thì vàng mã đều y chang. 

Tôi cứ tò mò hỏi: “Tại sao lại đốt vàng mã” thì chẳng mấy ai có câu trả lời thỏa đáng. Nhiều người bảo rằng đây là tục lệ từ xưa nên theo chứ không nghĩ ngợi gì. Có người quả quyết đây là truyền thống của đạo Phật, nếu là người tin Phật thì phải đốt vàng mã, nhất là vào ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ.

Thực ra, tục đốt vàng mã không liên quan đến đạo Phật mà bắt nguồn từ tín ngưỡng Đạo giáo Trung Quốc từ đời Đông Hán (khoảng năm 105), nhằm thay thế hủ tục đem chôn theo người chết tất cả đồ dùng cá nhân (tùy táng) và thậm chí là tì thiếp, người hầu (tuẫn táng) mà sinh thời người đó ưa chuộng. Theo quan niệm Đạo giáo, linh hồn của con người ở thế giới bên kia vẫn có nhu cầu về vật chất tiền bạc lẫn tình cảm như khi còn sống. 

Tuy nhiên, vì việc chôn theo đồ tùy táng quý giá vừa tốn kém lại vừa khiến cho mồ mả có nguy cơ bị trộm, còn tuẫn táng thì quá tàn nhẫn nên Hán Hòa Đế ban chiếu dùng vàng mã (giấy tráng nhũ kim xếp hình thoi vàng) và hình nhân bằng giấy để đốt thay thế đồ thật người thật. 

Tục đốt vàng mã ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc do các đạo sĩ ra sức tuyên truyền cổ súy cho nó bằng những câu chuyện gặp người cõi âm và được họ nhờ bảo với con cháu đốt tiền xuống cho mình đút lót cho quỷ để tránh hình phạt hoặc để có tiền tiêu và không trở thành quỷ đói. Dĩ nhiên, con cái nào chẳng muốn báo hiếu cho mẹ cha nên họ sẵn lòng đốt thật nhiều vàng mã với niềm tin cha mẹ sẽ được đầy đủ dưới đó. Dưới sự ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc, tục đốt vàng mã cũng được du nhập vào Việt Nam.

Phật giáo nguyên thủy vốn không có tục đốt vàng mã. Năm 762 đời Đường Đạt Tông, hòa thượng Đạo Tăng bày cho tín đồ đạo Phật đốt tiền vàng mã vào ngày rằm tháng bảy trong dịp lễ Vu Lan để cúng các vong hồn không nơi nương tựa như một cách thể hiện lòng từ bi và báo hiếu cho cha mẹ. Từ đó Phật tử cũng tập theo thói quen đốt vàng mã của đệ tử Đạo giáo. 

Rất nhiều tăng ni Phật giáo đều khuyến cáo Phật tử không nên lạm dụng việc đốt vàng mã vào những dịp lễ lớn của đạo Phật hoặc vào các ngày rằm vì nhiều lý do.

Thứ nhất, thuở sinh thời, đức Phật là một hoàng tử quyết tâm từ bỏ cuộc sống xa hoa phú quý để đi tìm sự giác ngộ qua việc tu hành khổ hạnh. Việc đốt vàng mã ở chùa chiền là hoàn toàn đi ngược lại giáo lý của đạo Phật vì linh hồn của người chết sẽ không bao giờ được siêu thoát nếu vẫn còn dục vọng tham lam những thứ tài vật sau khi chết.

Thứ hai, đạo Phật chủ trương sống tiết kiệm thanh bạch và tạo phúc đức bằng những hành động từ thiện thiết thực như giúp đỡ người nghèo. Việc đốt vàng mã là việc làm lãng phí và vô ích vì số tiền dùng để mua giấy tiền vàng mã có thể được dùng để cứu giúp rất nhiều người khổ sở trong xã hội. Sự lãng phí này không những không tạo được phúc đức cho người đã khuất mà còn vô tình tạo thêm nghiệp xấu khiến họ không thể siêu thoát. Còn nếu thực sự việc đốt vàng mã có thể giúp người thân của chúng ta  siêu thoát, vậy sau khi họ đã được siêu thoát, tại sao lại cứ phải tiếp tục hóa vàng? Số vàng mã đốt xuống chẳng phải là vô ích vì không có người nhận sao?

Còn ở góc độ khoa học, việc đốt vàng mã vừa tốn hao tiền bạc vừa gây ô nhiễm môi trường. Có những vụ do đốt vàng mã quá nhiều và bất cẩn đã gây ra tai nạn cho người đốt như vụ cháy chợ Kinh Môn, Hải Dương mùng 4 Tết Ất Mùi (2015), cháy cây xăng ở Quảng Ninh ngày 7/8/2016 hoặc gần đây nhất là vụ người dân địa phương ở Sơn Đảo, Hải Phòng đã thiêu rụi 2.5 ha rừng do sơ ý trong việc đốt vàng mã chiều giao thừa tết Mậu Tuất. 

Mặc dù ở các nước có cộng đồng người Hoa đông trên thế giới như Hong Kong, Đài Loan, Malaysia hay Singapore, người dân vẫn giữ tục đốt vàng mã nhưng không như ở Việt Nam, việc đốt chỉ được làm ở những nơi quy định và với số lượng hạn chế. Những năm gần đây, số lượng người đốt vàng mã cũng giảm đi đáng kể, phần lớn là những người già lớn tuổi.

Như vậy, dù nhìn ở góc độ khoa học hay tâm linh thì việc đốt vàng mã vẫn chẳng được lợi lộc gì. Cứ hình dung mỗi người Việt Nam trung bình đốt 50.000 đồng tiền vàng mã vào mỗi dịp rằm hay mùng Một, bạn sẽ thấy rằng số tiền bị đốt thành tro là vô cùng to lớn, trong khi nó có thể được dùng để giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh. 

Trước khi tiếp tục đốt vàng mã theo thói quen, xin hãy suy nghĩ kĩ vì phúc lộc chẳng bao giờ đến khi chúng ta chỉ mê mờ làm những điều vô nghĩa. Thay vì đốt vàng mã, xin hãy đốt những mê muội của chính mình!

 

Huỳnh Chí Viễn

887    19-04-2018