Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Đức Bênêđíctô XVI: văn hóa hiện đại đẩy tôn giáo xuống hàng ý kiến

Tin Zenit ngày 24 tháng 5 cho hay: trong buổi gặp gỡ các sinh viên và đại diện Trường Đại Học Thánh Tâm vào Thứ Bẩy vừa qua, nhân dịp Trường này kỷ niệm 90 năm thành lập, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho rằng nền văn hóa hiện đại đang cố gắng giới hạn phạm vi lý trí vào các khoa học thực nghiệm, đến nỗi tôn giáo đã bị đẩy xuống hàng ý kiến

Đức Thánh Cha nhận định rằng các đại học không được tách mình ra khỏi "các biến đổi lớn lao và nhanh chóng" của thời đại. Ngài nói: "nền văn hóa duy nhân bản dường như đang bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái tiệm tiến, trong khi người ta nhấn mạnh tới điều tự gọi là các khoa 'có tính sản xuất', thuộc loại kỹ thuật học và kinh tế. Bởi thế, nền văn hóa hiện đại đang có khuynh hướng đẩy tôn giáo ra ngoài không gian của lý tính: đến độ các khoa học thực nghiệm trở thành độc quyền đối với lãnh vực lý trí, dường như không còn chỗ để lý trí tin nữa, đến nỗi chiều kích tôn giáo bị đẩy xuống hàng ý kiến và lãnh vực tư".

Nhưng ngài nhắc ta nhớ: đức tin và văn hóa kết hợp với nhau từ trong nội tại, chính Đại Học Thánh Tâm cũng đã được thiết lập "để đi tìm chân lý, chân lý trọn vẹn, toàn vẹn chân lý về hữu thể". Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng: khi cuộc "hôn nhân" giữa đức tin và văn hóa bị phân rẽ, "nhân loại sẽ rơi vào chỗ tự thu mình và nhốt mình khỏi khả năng sáng tạo của chính mình". Vì vậy, đại học phải có "một đam mê chân chính đối với vấn đề tuyệt đối thể, đối với chính chân lý, và do đó đối với nền học thuật thần học".

Đam mê đối với con người

Theo Đức Thánh Cha, "lòng đam mê chân chính đối với nhân loại" phải linh hứng cho công việc của đại học. "Chỉ khi nào nó phục vụ con người, thì khoa học mới phát triển như một ngành canh tác và trông coi vũ trụ thực sự" mà "phục vụ con người là thể hiện chân lý trong bác ái, là yêu sự sống, là luôn tôn trọng nó, bắt đầu ngay từ trạng thái nó còn mỏng dòn và không tự bảo vệ được". Ngài tuyên bố: "Tuyên xưng đức tin và chứng nhân bác ái là hai điều không thể phân rẽ. Thực vậy, cái nhân sâu xa của chân lý Thiên Chúa chính là tình yêu và với tình yêu này Người đã cúi xuống với con người và, trong Chúa Kitô, Người đã ban cho con người muôn vàn hồng phúc ơn thánh. Đỉnh cao của nhận thức về Thiên Chúa chỉ đạt được trong tình yêu; một tình yêu có khả năng đi tới tận gốc rễ, không hài lòng với những biểu thức trắc ẩn đó đây, nhưng rọi sáng cho ý nghĩa cuộc đời bằng chính chân lý của Chúa Kitô; một tình yêu biến đổi trái tim con người và kéo họ ra khỏi tính vị kỷ vốn chỉ sản sinh ra bất hạnh và chết chóc.

Tâm điểm đại học

Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: đức tin Kytô Giáo "không biến bác ái thành một cảm xúc mơ hồ và đạo hạnh, nhưng thành một sức mạnh có khả năng rọi sáng các nẻo đường đời trong mọi biểu thức của nó. Không có cái nhìn này, không có cái chiều kích thần học độc đáo và sâu sắc này, bác ái chỉ hài lòng với những giúp đỡ đó đây mà bỏ qua nhiệm vụ tiên tri vốn là của riêng nó, là biến đổi đời người và chính các cấu trúc của xã hội".

Đức Thánh Cha nói về niềm xác tín này: "Sức mạnh của Tin Mừng có khả năng đổi mới các liên hệ nhân bản và đi vào tận trái tim thực tại". Với cái nhìn này, nhà nguyện là "trái tim đang đập và của ăn thường hằng của đời sống đại học".

Lặp lại lời Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nói rằng nhà nguyện là nơi để ta "tìm được của nuôi và hướng đi. Nó là trường tập các nhân đức Kitô Giáo, trong đó, sự sống tiếp nhận được ở phép Rửa Tội lớn lên và phát triển một cách có hệ thống. Nó là căn nhà chào đón, rộng mở cho tất cả những ai, nhờ nghe được tiếng Thầy trong nội thẳm, đã trở nên những người tìm kiếm chân lý và phục vụ con người qua việc tận tụy hàng ngày hiến mình cho một thứ học tập không giới hạn vào các mục tiêu hẹp hòi và thực tiễn".

Vũ Văn An5/27/2011 (Nguồn vietcatholic.org)

873    27-05-2011 17:33:23