Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Được Phép Dịch Từ Bản Dịch Sách Lễ tiếng Anh Không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Ở nhiều nước nói tiếng Anh có bản dịch mới của Sách Lễ Rôma được sử dụng, nhiều người đã bắt tay vào dịch sách lễ này sang các ngôn ngữ địa phương khác. Về phụng vụ, liệu được phép cử hành Thánh Lễ với vài phần được dịch của Nghi thức Thánh Lễ không, trong khi toàn bộ bản dịch là chưa hoàn thành? - M.L., Kasama, Zambia

Đáp: Tôi chắc rằng độc giả này đang đề cập đến việc sử dụng bản dịch tiếng Anh như một nền tảng để dịch qua các ngôn ngữ địa phương khác, trong một quốc gia dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ thông dụng chính thức, trong khi tại địa phương, đa số người dân dùng các ngôn ngữ riêng khác.

Vì vậy, thực sự có hai câu hỏi. Trước tiên, liệu các Sách lễ bằng tiếng địa phương có thể được dịch trực tiếp từ bản dịch tiếng Anh không? Và tiếp đến, liệu các bản dịch này có thể được sử dụng một phần, trước khi toàn bộ bản dịch Sách lễ được hoàn thành không?


Câu trả lời là rõ ràng cho câu hỏi thứ nhất, đó là thực sự không được phép dịch như thế, nhưng dẫu sao bạn có thể làm điều này.


Nói cách khác, tất cả các bản dịch phụng vụ phải được dịch trực tiếp từ bản gốc Latinh. Huấn thị Liturgiam Authenticam (Phụng vụ đích thật), tài liệu của Tòa thánh quy định việc dịch, nói rõ như sau:


"24. Hơn nữa, không được phép thực hiện bản dịch từ các bản dịch khác, vốn đã được thực hiện trong các ngôn ngữ khác; đúng hơn, bản dịch mới phải được thực hiện trực tiếp từ nguyên bản, cụ thể là tiếng Latinh, liên quan đến các văn bản được soạn thảo mà Giáo Hội công nhận, hoặc tiếng Do Thái cổ, tiếng Aram, hoặc tiếng Hi Lạp, tùy theo trường hợp, chẳng hạn các văn bản của Kinh Thánh".


Đồng thời, Tòa Thánh cũng biết rằng đối với nhiều Hội đồng Giám mục nhỏ và nghèo, đặc biệt các Hội đồng Giám mục sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương, số lượng người có khả năng cho một công việc dịch thuật nặng nề như vậy là hạn chế.


Đây là một lý do tại sao sự phát triển của bản dịch tiếng Anh đã được theo dõi một cách cẩn thận. Thánh bộ Phượng Tự cũng nhận thức rằng, mặc dù có các qui định như trên, một số các bản dịch trong tương lai có thể dịch theo bản tiếng Anh, trong khi phải rà soát với bản tiếng Latinh. Điều này cũng sẽ đúng khi các ngôn ngữ chính khác hoàn thành bản dịch cuối cùng của họ. Đây là một lý do mà Thánh bộ Phượng tự yêu cầu như sau:


"86. Trong trường hợp của các ngôn ngữ ít được phổ biến rộng rãi, mọi sự cần được chuẩn bị như đã nói ở trên. Tuy nhiên, công việc dịch thuật phải được chuẩn bị rất cẩn thận trong một trong các ngôn ngữ được biết đến rộng rãi [tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha], tạo ý nghĩa cho mỗi từ ngữ của ngôn ngữ địa phương. Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng Giám Mục, sau mọi tham vấn cần thiết với các chuyên viên đáng tin cậy, phải làm chứng cho tính xác thực của bản dịch".


Thánh bộ Phượng tự có nhiệm vụ đảm bảo một bản dịch đầy đủ rất nghiêm chỉnh, và đây là một lý do tại sao Thánh bộ yêu cầu có nhiều cấp độ tham vấn.


Điều này dẫn đến cách trả lời cho câu hỏi thứ hai của chúng tôi. Trước hết, trách nhiệm phê duyệt một bản dịch thuộc về Hội đồng Giám mục quốc gia, vốn phải chấp thuận với hai phần ba số phiếu mới hợp lệ.


Huấn thị cũng quy định cụ thể:


"71. Ở các quốc gia sử dụng nhiều ngôn ngữ, các bản dịch sang các ngôn ngữ địa phương phải được chuẩn bị và đệ trình cho việc xem xét đặc biệt của các Giám mục liên quan. Tuy nhiên, chính Hội đồng Giám mục giữ quyền và năng quyền của mình để thừa nhận tất cả các việc làm này, vốn được đề cập trong Huấn thị này liên quan đến Hội đồng Giám mục; do đó, toàn thể Hội đồng Giám mục Quốc gia cần phải phê duyệt một văn bản, và trình cho Tòa Thánh để được chuẩn y".


Vì vậy, không cá nhân nào, kể cả một Giám mục, có thể giới thiệu một bản dịch của mình cho bất kỳ văn bản chính thức của phụng vụ.


Liệu các bản dịch này có thể được sử dụng một phần? Huấn thị Liturgiam Authenticam nói rõ:


"78. Trong trường hợp các ngôn ngữ càng ít được phổ biến để được chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ, các sách phụng vụ lớn hoặc đặc biệt quan trọng hơn có thể được dịch theo nhu cầu mục vụ, và với sự đồng ý của Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí tích. Do đó, các cuốn sách riêng được chọn phải được dịch trọn vẹn, theo cách mô tả trong số 66 ở trên. Đối với các sắc lệnh, các institutio generalis (qui chế tổng quát), các praenotanda (nhập đề tổng quát) và các hướng dẫn, được phép in chúng trong một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ được sử dụng trong buổi lễ, tuy nhiên ngôn ngữ này phải được linh mục chủ tế hoặc phó tế trong cùng một lãnh thổ hiểu rõ. Được phép in bản tiếng Latinh của các sắc lệnh, hoặc in thêm vào bản dịch hoặc thay thế bản dịch".


Vì vậy, mặc dù có thể không phải tất cả các cuốn sách được dịch xong, nhưng các cuốn được dịch là phải dịch xong cả cuốn. Vì với một lý do chính đáng, Tòa Thánh có thể cho phép rằng một phần của phụng vụ (ví dụ, các phần của tín hữu) được giới thiệu ở giai đoạn sớm hơn so với sách lễ trong toàn bộ của nó, để các tín hữu trở nên quen thuộc với các văn bản mới.


Cuối cùng, trong trường hợp của phương ngữ hoặc các ngôn ngữ mà vì lý do thực tế không thể được dịch thành một Sách lễ đầy đủ, huấn thị gợi ý:


"13. Hơn nữa, sự việc rằng một ngôn ngữ không được giới thiệu vào việc sử dụng phụng vụ đầy đủ không có nghĩa rằng nó bị hoàn toàn loại trừ khỏi phụng vụ. Nó có thể được sử dụng, ít nhất là thỉnh thoảng, trong Lời Nguyện Giáo Dân, trong các văn bản hát, trong các lời mời hoặc hướng dẫn cho các tín hữu, hoặc trong các phần của bài giảng, đặc biệt là nếu ngôn ngữ là riêng của một số tín hữu của Chúa Kitô đang tham dự. Tuy nhiên, luôn có thể sử dụng hoặc tiếng Latinh hoặc ngôn ngữ khác được sử dụng rộng rãi tại nước này, ngay cả nếu nó có thể không là ngôn ngữ của tất cả - hoặc thậm chí của đa số - các tín hữu đang tham dự lễ nghi, miễn là tránh bất hòa giữa các tín hữu". (Zenit.org 31-7-2012).

Nguồn vietcatholic.org

1639    08-08-2012 08:51:08