Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Gia Đình Diễn Tả Tình Yêu Giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh Tháng 04 năm 2009

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH DIỄN TẢ TÌNH YÊU GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ HỘI THÁNH

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P.1
Tx Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 25.3.2009

V/v Gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh

Thư Mục Vụ năm 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói đến tương quan giữa Gia đình với Hội Thánh của Chúa Kitô. Gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Bằng cách nào, nếu không phải bằng đời sống chung thân mật, và yêu thương nhau (Vat.II, Gaudium et Spes, 48). Trước tiên, tình yêu đôi bạn, tình yêu của gia đình gợi lên tình yêu làm cho Ngôi Lời của Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại (Nhập Thể). Gia đình công giáo, nhờ bí tích Hôn Phối, được kêu gọi biểu hiện tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh, biểu hiện sự kết hiệp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, là Thân Mình của Người (1 Cor 12,27).

1. Gia đình là cộng đoàn tình yêu (Vaticanô II, Gaudium et Spes , 48) trước tiên giữa một người nam và một người nữ, rồi giữa cha mẹ và con cái. Tình yêu là điều thiết yếu của đời sống gia đình. Thiên Chúa đã tạo dựng con người ‘giống hình ảnh’ của Ngài, Chúa đã dựng nên con người có đôi có bạn: “Ngài đã dựng nên con người có nam có nữ “ ( Sáng Thế 1,27), vì Ngài thấy con người cần một trợ tá tương xứng với nó (x.Sáng Thế 2,18) để yêu thương nhau, giống như Thiên Chúa là Tình Yêu, vì Ba Ngôi TC luôn hợp nhất và thông hiệp với nhau, không bao giờ là Thiên Chúa cô độc. Tình Yêu thì tất nhiên phải có kẻ yêu và người được yêu; người có tình yêu cũng là người được yêu, cả hai khăng khít với nhau , tôn trọng nhau.

Thế nên Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo mới nói: “Mỗi con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông nhân vị, giống sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 1702).

Đức Gioan Phaolô II giải thích như sau: “Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Thiên Chúa cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Gioan 4,8) và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa cácNgôi Vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài . . . Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông” (Familiaris Consortio, 11) .

2. Hội Thánh là đoàn dân được kêu gọi và quy tụ, nhờ tin và ơn sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội, trở thành con cái Thiên Chúa. Hội Thánh được gọi là hiền thê của Chiên Con (Kh 19,7), là thân mình của Chúa Kitô (1 Cor 12,12). Người đã yêu mến Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, Người thánh hóa Hội Thánh trong Bí Tích Rửa Tội. Thánh Phaolô kêu gọi chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và vợ hãy phục tùng chồng như Hội Thánh luôn tùng phục Chúa Kitô (x. Êphêsô 5,22-28) .

Công Đồng Vaticanô gọi Hội Thánh là gia đình của Chúa (Lumen Gentium,32; Presb. Ordinis, 6; Ad gentes, 1). Và, ngược lại, Công Đồng cũng gọi Gia đình là Hội Thánh thu hẹp, Hội Thánh tại gia (Lumen gentium, 11; Tông đồ giáo dân, 11).

3. Giữa trần gian, gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội loài người. Gia đình Công Giáo, nhờ ơn bí tích Hôn Phối, được kêu gọi trở thành dấu chỉ biểu hiện sự kết hợp bền vững giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, bằng chính tình yêu trọn vẹn, không san sẻ và bất khả phân ly của đôi bạn với nhau.

Trong thời đại chúng ta, tình yêu hôn nhân dường như đã mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó. Trong khi xu hướng tìm kiếm hạnh phúc vật chất ngày càng lan rộng, lấn át những giá trị tinh thần, thì sự yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời thật khó khăn đối với nhiều người.

Nếu gia đình tan rã, thì vợ chồng, con cái sẽ ra sao ? Thất bại trong đời sống hôn nhân tác hại không ít cho cả hai vợ chồng, vì ván đã đóng thuyền, có tháo gỡ ra, cũng mang thẹo. Cha mẹ bỏ nhau, gương xấu nầy ảnh hưởng sâu đậm trên con cái. Chúng nó sẽ học với ai để biết sống yêu thương. Người lớn không giữ tròn chữ tín, thì con cái còn tin ai được.

Như vậy, muốn cho gia đình là một trong hai cách thế chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương (Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 11), phải có sinh hoạt chung: những bữa cơm chung, những giờ kinh gia đình. Ngoài ra còn phải học biết tôn trọng nhau, đón nhận nhau, vì lòng mến thì khoan dung, nhân hậu; lòng mến không ghen tương; lòng mến không vênh vang, không kiêu căng, không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nghĩ điều xấu, không vui mừng trước sự bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân thật’ (1 Cor 13,4-6).

Chúng ta thường hát Bài ca Bác Ái ”Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu , ở đấy chứa chan niềm vui”.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.


CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH DIỄN TẢ TÌNH YÊU GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ GIÁO HỘI

I. THƯ MỤC VỤ số 6

Trong Cựu Ước, các Ngôn sứ thường mượn hình ảnh hôn nhân để diễn tả mối liên kết giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Sau này, Thánh Phaolô còn cụ thể hơn khi dùng hình ảnh khế ước tình yêu nam nữ để diễn tả mối gắn bó giữa Đức Giêsu và Giáo Hội (x. Ep 5,21 tt). Hôn nhân công giáo được nâng lên hàng bí tích, trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Đó là tình yêu quảng đại, hy sinh và hiến mạng sống vì người mình yêu. Vì thế, như Đức Kitô đã làm gương qua việc Người hiến mình vì Giáo Hội, tình nghĩa vợ chồng phải được xây dựng trên mẫu mực nền tảng đó. Đức Gioan Phaolô II nhắc lại điều này trong Tông huấn về gia đình: “Hôn nhân của những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa Cha đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Tông huấn Gia Đình, số 13).

II. DẪN GIẢI

Hôn nhân là hình ảnh mối liên kết của Thiên Chúa và dân riêng của Người.

Thánh Phaolô lại nói: Hôn nhơn là hình ảnh Đức Kitô liên kết với Hội Thánh.

Tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh là tình yêu quảng đại, hy sinh, hiến mạng sống.

Gia đình phải được xây dựng theo gương mẫu này, diễn tả được tình yêu Giêsu thương Hội Thánh.

III. CHUYỆN MINH HỌA

VẾT NỨT…

Vậy mấy đứa em của anh đã nhất quyết ra về ngay sau khi vứa cúng kiếng xong. Thoạt đầu, anh cũng nghĩ chúng nó nóng ruột chuyện luá má, heo cúi ở nhà. Mãi đến khi nghe kể lại, anh mới biết tụi nó buồn và tuổi thân vì cách cư xử của em – cách cư xử mà đến con bé giúp việc cũng không hài lòng. “Lần trước mấy cô lên đám giỗ ông bà; bánh trái, đồ ăn thừa mứa, vậy mà thím không cho mấy cô một miếng. Lần này cũng vậy. Con heo quay bự chảng mà thím bảo con đem giấu để chiều mang qua cho anh em của thím. Thím nói, thím ghét mấy cô và mấy người bà con của chú ở quê vì họ bẩn thỉu, dốt nát… con sắp nghỉ việc rồi nên con mới dám nói”.

Anh nghe mà như không tin vào tai mình. Anh là con trưởng chuyện cúng giỗ cha mẹ là trách nhiệm và đạo lý. Ở cái thành phố này, anh chẳng có anh em họ hàng. Đám giỗ cha mẹ cũng là dịp để anh gặp lại các em, gặp lại bà con họ hàng ở quê. Một năm chỉ có đôi lần, em tiết gì với anh, với người chồng quanh năm chỉ biết làm quần quật cho vợ con mình mà trách móc nặng lời và cư xử hẹp hòi như vậy?

Nếu em thấy trách nhiệm của một đứa con dâu quá nặng nề, thấy việc lo cúng giỗ cha mẹ chồng quá tốn kém thì từ nay, em đừng làm nữa. Bởi cha mẹ ở dưới chính suối cũng sẽ không vui và không muốn em miễn cưỡng với họ như vậy. Và anh, cứ mỗi lần nhớ đến cách mà em đối xử với những người thân của mình, anh thấy chua xót.

Tận đáy lòng anh, một vết nứt đã thành hình và hằn sâu……..

Trần Minh Phú (Báo Người Lao Động, ngày 16.03.2009)

Yêu thương là dâng hiến, là cho nhau tất cả, không so đo, tính toán. Cha mẹ, gia đình hai bên, đều là cha mẹ, gia đình của cả vợ lẫn chồng. Đừng so đo “tiền chồng, công vợ”, cha mẹ tôi, cha mẹ anh. Quảng đại và tha thứ chính là cách vun đắp tình yêu tuyệt vời nhất!

IV. DIỄN GIẢI

Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích (dấu bề ngoài chỉ ơn bên trong) diễn tả mối gắn bó mật thiết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, như lời thánh Phaolô trong Thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Êph. 5,25).

Truyền thống Hội Thánh nhấn mạnh đến tình yêu trong hôn nhân, rồi mới đến việc sinh sản con cái: “Hôn nhân Công giáo có hai mục đích: một là vợ chồng yêu thương và bổ túc cho nhau; hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, giáo dục con cái” (GLCG, Toà TGM, Tp. HCM, số 271). Trong khi đó, không ít người Việt Nam chúng ta vẫn còn cho rằng hôn nhân, trước hết, là vì gia đình: cưới vợ, gả chồng, là để có con kế thừa dòng dõi gia đình. Vì thế, nếu vợ chồng không sinh con, thì hôn nhân của họ chưa thỏa đáng, cần phải có một cuộc hôn phối khác để có con nối dòng. Chúng ta tìm về lịch sử Hội Thánh để hiểu cách mà Hội Thánh giải thích tầm quan trọng và ý nghĩa của hôn nhân xét như là hình ảnh và khế ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.

Các tổ phụ và các vua thời Cựu Ước quan niệm hôn nhân là để phục vụ lợi ích gia đình. Theo đó, hôn nhân trước tiên là một giao ước giữa các gia đình: việc dựng vợ, gã chồng, là nhằm mục đích củng cố quyền lợi giữa các gia đình. Tình yêu hôn nhân đóng vai trò thứ yếu hoặc đến sau khi kết hôn, nhưng phải kín đáo và trong giới hạn cho phép. Tình yêu hôn nhân có thể làm sứt mẻ tình liên đới gia đình, nếu quá đam mê lộ liễu. Bởi vì đôi hôn phối phải hiểu rằng dù đã cưới nhau, nhưng họ vẫn là con trai, con gái của cha mẹ mình, trước khi là chồng, là vợ, của nhau. Mối liên đới gia tộc vượt trên tình gắn bó vợ chồng.

Như vậy, con dâu hay con rễ là người ngoại tộc, phải dè chừng kẻo họ quá gắn bó với gia đình ruột thịt, hay các thần thánh của gia đình của họ, mà đe dọa đến sự đoàn kết của gia đình. Điều quan trọng trong hôn nhân nầy là con cái mà họ sẽ sinh ra để phát triển gia tộc, chứ không phải là tình yêu.

Trong khi đó, các ngôn sứ lại dùng hình ảnh hôn nhân để diễn tả Giao Ước giữa Thiên Chúa với Israel. Theo đó, chính đôi vợ chồng mới mới là quan trọng và tình yêu chung thủy trong hôn nhân là điều đáng quan tâm nhất. Các ngôn sứ (Ôsê 1,3; Giêrêmia 2,2-3,1; Êzêkiel 16 và 23; Isaia 50,1; 54,5-7; 62,1-5) đã so sánh giao ước giữa Thiên Chúa với dân Israel như là một hôn ước. Lịch sử cứu độ là lịch sử của cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân của Người. Cuộc hôn nhân đó hoàn toàn không có gì giống với hôn nhân theo truyền thống. Đây là hôn ước được ký kết giữa một bên là Thiên Chúa và một bên dân của Người, theo sáng kiến yêu thương của chính Thiên Chúa, mà không đặt vấn đề gì đến chuyện con cái sau nầy. Đây chính là Giao ước tình yêu do Thiên Chúa hạ cố ký kết với dân Người. Lịch sử Cựu ước cho thấy Thiên Chúa thì luôn trung tín, còn dân Ngài thì hay bất trung. Tội ngoại tình (thờ bụt thần) của dân không do nguy cơ đưa những đứa con ngoại lai vào gia tộc, nhưng hệ tại ở chổ không còn thuộc về người phối ngẫu của mình mà lại thuộc về một người khác. Như vậy, điều quan trọng nhất trong hôn nhân nầy là sự gắn bó phu-thê và lòng chung thủy yêu thương.

Tình yêu chung thủy đặt nền tảng trên sự vâng phục ý muốn của người phối ngẫu, là bỏ đi ý riêng của mình mà vâng phục thánh ý Thiên Chúa, là đặt ý muốn của Thiên Chúa lên hàng đầu. Nhưng lịch sử cho thấy, dân Israel thường theo ý riêng mình, không còn vâng phục Thiên Chúa, bất trung với Chúa. Từ đó, tình yêu hôn nhân đòi phải tha thứ. Có yêu mới có tha thứ. Tha thứ chính là tạo một cơ hội mới để làm lại từ đầu. Chính từ kinh nghiệm về tình yêu chung thủy và tha thứ của Thiên Chúa đối với Israel mà các ngôn sứ nhận ra điều mà Thiên Chúa muốn cho đôi vợ chồng phải là hình ảnh, là dấu chỉ của hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Người làchung thủy yêu thương và tha thứ. Như vậy, bậc thang giá trị đã thay đổi: ưu tiên số một trong hôn nhân giờ đây không còn phải là con cái nữa mà là tình yêu vợ chồng.

Sách Sáng Thế còn đưa chúng ta đến một cái nhìn mới về con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ” (St 1,27). Người nam và người nữ đầu tiên, cả hai, đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Như vậy, đôi nam-nữ đầu tiên không chỉ là hình ảnh của Giao ước giữa Thiên Chúa với Israel, mà con giống hình ảnh của chính Thiên Chúa nữa. Điều nầy hé mở cho thấy các Ngôi Vị nơi Thiên Chúa duy nhất, mà đôi vợ chồng là hình ảnh. Mối tương quan gắn bó vợ chồng được Sách Sáng Thế diễn tả cách đặc biệt và trở thành tâm điểm của lịch sử loài người: ”Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương thịt” (St 2,24). Mối giây liên kết, trao ban, hiến thân chỉ có thể xảy ra cho hai con người, cùng một loài, tuy khác giống: sự hiệp thông của hai con người cả xác lẫn hồn.

Tân Ước tiếp nối truyền thống đã có của Cựu Ước và làm cho hoàn hảo. Đức Giêsu – khi trả lời cho câu hỏi có được phép bỏ vợ không – đã trích dẫn Sách Sáng Thế: “Từ thuở đầuThiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ” (St 1, 27), “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24). Và Người kết luận – điều mà từ trước đến nay chưa từng có ai dạy như thế – là chính Thiên Chúa đã muốn như thế: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy vai trò của đôi vợ chồng ở đây được đặt lên hàng đầu. Chính vì những thiệân ích của đời sống vợ chồng mà con người không được phân ly, chứ không phải vì con cái. Tính bất khả phân ly nầy không chỉ áp dụng cho người Do thái mà còn cho tất cả nhân loại.

Thánh Phaolô khi khuyên bảo giáo đoàn Êphêsô về đời sống gia đình đã lấy lại truyền thống Sách Sáng Thế cũng như Sách Ngôn sứ và còn đi xa hơn khi thay thế hôn ước “vợ-chồng” với “Thiên Chúa-Dân Israel” bằng hôn ước “vợ-chồng” với “Đức Kitô-Hội Thánh”. Đức Kitô chính là Phu quân, như Thiên Chúa là Phu quân của Israel và Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô, là Israel mới, dân mới của Thiên Chúa. Đây chính là nét mới của niềm tin Kitô giáo: qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã ký kết một Giao ước mới với một dân mới, đó là Hội Thánh, vượt xa khuôn khổ của dân Israel xưa. Qua Thập giá và Phép Thánh Thể. Đức Kitô tự hiến toàn thân nên một với Hội Thánh, trở thành Đầu của thân mình là Hội Thánh thì cũng vậy, trong hôn nhân, vợ chồng hiến thân cho nhau, nên một với nhau.

Vợ chồng yêu nhau là muốn điều tốt cho nhau, dâng hiến cho nhau những gì tốt đẹp nhất và như thế, cũng sẳn sàng tùng phục nhau để đạt được những thiện ích cho nhau. Tình yêu hôn nhân như thế trở thành bí tích, thành dấu chỉ tình yêu mà Chúa Kitô dành cho Hội Thánh của Người: hiến thân đến chết cho người mình yêu.

Tình yêu hiến thân nầy không chỉ ở trong lòng, trong ý muốn, nhưng còn thể hiện nơi chính thân xác. Việc hòa hợp thân xác của hai vợ chồng cũng chính là hình ảnh kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Đức Kitô, qua cái chết và cuộc Phục sinh của Người, được hiện thực nơi Phép Thánh Thể, đã trở nên một với những ai hợp nhất với Người qua việc rước Chúa vào lòng. Như vậy, hôn nhân không chỉ là bí tích (dấu chỉ) dây liên kết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, khi vợ chồng yêu thương nhau, như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh, mà còn là việc hợp nhất thân xác với nhau, như Chúa Kitô hợp nhất nên một Thân Thể với Hội Thánh của Người.

Món quà tuyệt hảo mà Chúa Kitô trao ban cho Hội Thánh, cũng như vợ chồng dâng hiến cho nhau là chính thân mình của mình. Việc trao hiến thân mình cho nhau là điều kiện thiết yếu để hôn nhân trở thành dấu chỉ Giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Thực vậy “hôn nhân chỉ được coi là thành nhận và hoàn hợp, nếu hai người phối ngẫu đã thực hiện hành vi vợ chồng với nhau theo cách thức hợp với nhân tính, mà hành vi nầy tự nó có khả năng dẫn tới sinh sản là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và do hành vi đó mà hai vợ chồng trở nên một xương một thịt” (Gl n.1061). Thiếu sự hoàn hợp, hôn nhân bất thành. Để thành hôn, đôi vợ chồng phải dâng hiến cho nhau cả tâm hồn lẫn thân xác.

Vậy, nếu hôn nhân là bí tích của Giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh, thì hôn nhân đó phải bền vững, bất khả phân ly (x. GL n.1056). Bởi vì, Giao ước mà Đức Kitô thiết lập với Hội Thánh là vĩnh viễn. Bất chấp sự bất trung của con người, Đức Kitô không bao giờ rút lại tình yêu của mình.

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp hôn nhân tan vỡ, khi một trong hai người không còn chung thủy và dứt áo ra đi, hôn nhân đó có còn là bí tích tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh không? Hôn nhân tan vỡ vẫn còn là dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô, khi mà người bạn đời bị rẫy bỏ vẫn trung tín yêu thương, gìn giữ thân xác và tâm hồn của mình, không bước thêm bước nữa. Họ chính là dấu chỉ tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh khi Người phải gánh lấy những đau khổ vì bị phản bội. (Tình yêu bị thương tích của Đức Kitô).

Như vậy, theo Hội Thánh, hôn nhân Kitô giáo trước hết là giao ước yêu thương giữa một người nam và một người nữ, cho dù họ có con hay không. Do đó, không thể nại lý do son sẻ, không con, để ly dị, hay cưới thêm vợ khác. Chính tình yêu của đôi nam nữ quyết đinh hôn nhân của họ, chứ không phải do cha mẹ hay dòng tộc.

Yêu như Chúa yêu vượt quá sức con người chúng ta. Do đó, một đàng, chúng ta cầu xin ơn Chúa trợ giúp chúng ta biết yêu thương đúng nghĩa; đàng khác, bất chấp những yếu đuối, lỗi lầm, chúng ta đừng nên thất vọng về mình, vì Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta.

(Theo Père Charles Bonnet - Le mariage, sacrement du couple, Revue Alliance, n.114)

KIỂM ĐIỂM

Chúng ta khinh thường hay tôn trọng gia đình?

Có nghĩ gia đình chỉ là phương pháp thoả mãn tính dục - gần với thú tính cho nên không có chi đáng trọng.

Gia đình là nhu cầu của thể xác (âm dương tương thôi), chỉ vì thể xác đòi hỏi thế thôi!

Có nhớ trên nhu cầu thể xác, thoả mãn thể xác, còn có yếu tố tình yêu. Thấy mình còn nhiều thiếu thốn, cần được bỏ túc cho nhau và hiến thân cho nhau.

Chúng ta không được quên, tình yêu trong gia đình phản ánh tình yêu của Chúa.

Gia đình là dụng cụ Chúa dùng để tạo dựng (sinh) và quan phòng (nuôi dạy).

Gia đình là mẫu gương cho hợp nhất.

V. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Gia đình là một đơn vị tập thể được Thiên Chúa thiết lập phỏng theo tình yêu giữa Ba Ngôi. Hơn nữa, chính vì yêu, mà Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội, nhằm đưa Giáo Hội vào liên kết trong Ba Ngôi. Chúng ta cầu nguyện cho gia đình diễn tả tình yêu Chúa.

  1. Chúa phán: “Ai yêu mến Ta thì tuân giữ lời Ta, Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, như một đại gia đình của Chúa, cùng nhau chia sẻ một tình yêu và một sức sống của Chúa Kitô.
  2. Thánh Phaolô nói: “Vợ chồng phải yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh”. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình Kitô-hữu biết tôn trọng các đặc tính gia đình, mà diễn tả Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh.
  3. Chúa phán: “Thầy truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình Kitô-hữu, biết tuân giữ lệnh truyền của Chúa là sống yêu thương nhau.
  4. Chúa phán: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, luôn sống đầm ấm, hạnh phúc, yêu thương và trên thuận dưới hoà.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa thiết lập gia đình trên nền tảng yêu thương. Xin cho chúng con và các gia đình, nhờ tác động Chúa Thánh Thần mà sống đầm ấm yêu thương nhau, hầu làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

DẤN THÂN CHO NHAU

Từ thưở đời đời Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ và chúc phúc cho họ “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (điều đó có thể hiểu là hãy làm cho tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho họ được sinh sôi nẩy nở) (St 1, 28) . Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ để thông chia hạnh phúc, thông chia vinh quang, thông chia tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, khi tạo thành con người – nam, nữ - Thiên Chúa muốn diễn tả sự phong phú xuất phát ngay từ chính tình yêu của Người. Như thế có thể nói được là tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình chỉ được trọn hảo khi tình yêu ấy được đặt trong tình yêu của Thiên Chúa tình yêu.

Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn về gia đình số 13 ngài nói: “Hôn nhân của những người đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa Cha đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả hai người nam nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Ecclesia in Asia số 13). Trong câu nói này Đức Thánh Cha đã cho thấy được ý định của Thiên Chúa cho đời sống hôn nhân gia đình trải dài trong dòng lịch sử cứu độ.

Những trang đầu của Sách Sáng thế cho thấy rõ về sự liên hệ mật thiết của tình yêu con người trong tình yêu của Đấng Hằng Sống, gắn bó với Đấng Hằng Sống con người được bình an, được hạnh phúc, tách ra khỏi Đấng Hằng Sống con người mất bình an, mất định hướng cho cuộc đời, và tình yêu mà con người dành cho nhau trở nên méo mó ích kỷ. Các ngôn sứ khi rao giảng cho dân Israel cũng thường mượn những hình ảnh hôn nhân để diễn tả mỗi liên kết giữa Thiên Chúa với dân Người, nổi bật là ngôn sứ Hôsê… Vì thế, ngay từ trong Cựu Ước đã cho thấy hình ảnh tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình là hình ảnh Thiên Chúa yêu thương dân Người.

Trong thời Tân Ước, thánh Phaolô đi xa hơn nữa với Mạc Khải trọn vẹn là Đức Kitô nên ngài nói: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh…” (Ep 2, 25 tt). Tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội thánh là một tình yêu tuyệt hảo, một tình yêu hiến mạng cho người mình yêu. Qua mạc khải này của Đức Kitô đã nói lên rằng hôn nhân của những người đã được Thanh Tẩy là một bí tích, tức là một dấu chỉ cứu độ. Tình yêu của người nam, người nữ dành cho nhau trong đời sống hôn nhân vợ chồng không đơn thuần là một khuynh hướng tình cảm mà còn là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với dân mới là Hội thánh.

Ý thức gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh, mang lại một niềm vui cũng như một niềm hãnh diện lớn lao cho những ai đang sống trong đời sống gia đình vì chính trong sứ mạng của mình, họ được thánh hiến bằng bí tích hôn phối chẳng những họ được trở nên vợ chồng mà đặc biệt hơn là tình yêu của họ mang một dấu chỉ của ơn thánh, của tình yêu của chính Thiên Chúa.

Mặt khác, khi diễn tả tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh đòi buộc những cặp vợ chồng phải biết dấn thân cho nhau, hy sinh phục vụ nhau như Đức Kitô đã yêu thương và phó mạng cho Hội thánh. Đời sống hôn nhân cũng vậy, cũng không thể có yêu thương thật nếu không biết hy sinh và hiến thân cho nhau. Chính khi hiến thân cho nhau trong đời sống gia đình họ đã trở thành những “Kitô” cho nhau, giúp nhau nên thánh, giúp nhau chu toàn sứ mạng của mình trong ơn gọi.

Sau cùng, các gia đình trong tất cả mọi sự hãy đặt tình yêu của mình trong tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của mình sẽ trở nên tròn đầy hơn khi được tháp nhập với nguồn tình yêu là Thiên Chúa. Tình yêu của mình là dấu chỉ, tình yêu Thiên Chúa mới là trọn hảo. Hãy gắn bó với nguồn tình yêu để tình yêu của chúng ta được trở nên tốt đẹp.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 39
NGÔN SỨ SÔ-PHÔ-NI-A

1/ Thời hoạt động của tiên tri.
Theo nhan đề của tập sách của ông thì Sôphônia đã làm ngôn sứ vào thời Giôsia (640-609) TCN.

2/ Sứ điệp của Sôphônia.
- Sứ điệp của ông tóm lại trong một lời loan báo ngày của Đức Giavê, một tai ương đánh vào chư dân cũng như Giuđa. Giuđa bị kết án vì những lỗi tôn giáo và luân lý mà nguyên nhân chính vì sự kiêu căng và phản nghịch.

- Đối với tội, Sôphônia có một khái niệm sâu đậm báo trước lời cảnh báo của Giêrêmia. Tội là một sự xúc phạm cá nhân đến Thiên Chúa hằng sống.

- Hình phạt cho dân để cảnh cáo (3,7) hầu dân Chúa biết trở lại đời sống vâng phục, khiêm nhường (2,3). Và sự cứu thoát chỉ được hứa cho nhóm “còn lại” vì biết sống khiêm nhường (3,12-13).

3/ Ảnh hưởng của sách Sôphônia.

Tập sách nhỏ này có một ảnh hưởng hạn hẹp và chỉ được nhắc đến một lần trong Tân ước (Mt 13, 41). Song sự miêu tả ngày của Đức Giavê (1,14-18) đã gây hứng cho sự miêu tả của Gioan và đã cung cấp phần đầu kinh Dies irae (Ngày thịnh nộ) vào thời Trung cổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sống cho Chúa thật là điều khó. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà, để cây đời con sinh thêm hoa trái. Xin cho con dám ra khỏi mình, để sống theo đòi hỏi bất ngờ của Chúa. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

ĐỜI LÀ KHỔ ?

Phật giáo khi nói: Sinh – lão - bệnh - tử, là có ý nói đời toàn là khổ. Đạo chúng ta cũng nói: đời là sũng khóc lóc. Văn chương lại tả: đời là bọt trong bể khổ.

Đời có khổ, không ai cãi, ai ai cũng nhận; nhưng nếu nói đời là toàn khổ thì quá đáng. Ông Trời tạo ra con người, bắt con người chịu khổ, rồi đến cái khổ sau cùng là chết... Tạo dựng như vậy nó vô lý quá! Tạo dựng làm gì? Không nên tạo dựng.

Thật ra Chúa tạo ra con người để con người được phúc; mà muốn được phúc thì phải khổ công, có khổ công mới đáng thương.

Khổ công không phải là mục đích của con người mà là phương tiện để đạt mục đích, nghĩa là đạt phước. Phật giáo dùng tứ diệu đế để diệt khổ, diệt vô thường, đạt hữu thường. Chúng ta không chấp nhận lập luận này và cái diệt khổ trong hiện sinh, trong thực tế chưa diệt được.

Không diệt được thì nên dùng chúng như phương tiện để đạt phúc. Ngay trong đời thường, muốn có cơm ăn, phải chịu khó, chịu khó nấu cơm; muốn có lúa phải khổ công cày cấy; muốn có một tác phẩm nghệ thuật cũng phải khổ công đụt đẽo mài giũa; ngay nhà trí thức muốn hiểu rộng, cần phải khó nhọc nghiên cứu.

Xem ra cái khổ nhọc là khẩn thiết cho con người. Cả ngày không việc làm (không ngủ nghỉ) chính là cái khổ. Có việc là thoải mái, là vui tươi. Do đó cái khổ không hoàn toàn là khổ.

Cái khổ để biểu lộ năng khiếu tái tạo, có thể là điều sở thích. Khổ nhọc để biểu lộ tình yêu, có thể là một khoái lạc. Có khó nhọc mới có được một đời sống thiện hảo.

Đối với Thiên Chúa, ngoài khổù nhọc chúng ta có gì dưng cho Chúa. Chịu khó, chịu chết để cứu người, cứu đời là một vinh hạnh đáng được hãnh diện.

Kết luận: Cái khổ, không hẳn là khổ, càng không phải là khổ hoàn toàn mà là phương tiện để đạt hạnh phúc, góp phần cho hạnh phúc. Tự cái khổ cũng đem đến cho chúng ta ít nhiều an lạc.

Vì thế, đã không thể diệt, càng không nên ghét, mà đón nhận khó, thích chịu khó để đạt hạnh phúc.

Hội dòng Mến Thánh Giá.

HẠNH PHÚC
Chân Thật, Hoàn Hảo Và Vĩnh Cửu

Chúa dựng nên loài người để qua việc tôn thờ Chúa - vì mình là vật thọ tạo - thay thế cho vũ trụ. Tôn thờ để được thọ hưởng hạnh phúc.

Hỏi: Chúa dựng nên ta làm chi? Thưa: cho đặng thờ phượng kính mến Chúa và hưởng phúc đời đời. Nhưng chúng ta hiểu phúc lạc đó như thế nào? Phúc lạc ở điểm nào?

Thiên Chúa đã dựng nên con người và muốn cho con người hưởng phước. Người đã tạo nên địa đàng để con người được hưởng an lạc “tốt” nơi trần thế, để rồi về hưởng phúc lạc trên Thiên đàng. Đó là Nhà trên trời, Nhà của Thiên Chúa là Cha, có đủ các yếu tố thoả mãn hoài bảo của con người.

Nguyên tội đã phá vỡ chương trình của Chúa. Địa đàng không còn nữa mà trần thế trở thành nơi sũng khóc lóc, nơi thử thách, nơi khổ sầu. Còn đâu hạnh phúc. Nhưng lạ lùng thay, Chúa đã thực hiện mầu nhiệm ơn cứu chuộc. Chính Chúa giáng trần, dùng chính những khổ nhọc và cả cái chết để chuộc lại đời hạnh phúc cho nhân loại.

Hạnh phúc! Hạnh phúc vĩnh cửu!

Đó chính là hoài bảo, ước vọng của con người, từ vua chúa đến hạng nghèo hèn, ai ai cũng muốn đạt phúc.

Tìm hạnh phúc vĩnh cửu? Tìm lại thiên đàng đã mất? Không còn nữa! Vả lại hạnh phúc của địa đàng chỉ là hình bóng. Sau nguyên tội những thứ hạnh phúc đó có thể trở thành những khuynh hướng xấu, chạy theo nó chẳng những không thoả mãn mà có thể nhàm chán, sinh bịnh hoạn và mang tội nữa.

Chỉ có Thiên đàng là nơi chúng ta gặp được Hạnh phúc chân thật vĩnh cửu. Nơi đó con gặp được Cha, sống gần Cha, kết hợp với Cha. Có hạnh phúc nào bằng?

Nhưng thảm quá! Tôi đang sống ở trần gian, làm sao nếm được hạnh phúc trên trời? Chính Chúa giáng trần, mặc lấy nhân tính, trải qua cuộc đời thánh giá và tử nạn để chuộc lại cho chúng ta chân tính làm con.

Nhờ Chúa Kitô, chúng ta cùng chịu khổ, chịu chết với Chúa Kitô, hợp với Chúa Kitô, đó là chúng ta kết hợp với Chúa Cha.

Kết hợp được với Chúa, đó là hạnh phúc hoàn toàn và vĩnh cửu. Dưới trần, nhờ Chúa Kitô, chúng ta có thể thực hiện việc kết hợp với Chúa Cha, nói được chúng ta tạo được một góc thiên đàng ở trần thế.

MÙA CHAY

Mùa chay là thời gian mà Hội Thánh muốn chúng ta dùng chay tịnh để chế ngự tính xấu, nâng cao tâm hồn, chuẩn bị đón chờ những hồng ân Chúa ban trong Lễ Vượt Qua, Lễ Phục Sinh.

Chay tịnh 40 ngày không còn nữa. Hiện nay chỉ còn 2 ngày: Thứ Tư lễ tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng Hội thánh vẫn giữ danh từ Mùa Chay.

Thật ra chay tịnh là chế ngự tính xấu, thế đâu phải một ngày hai ngày. Dùng tiếng “mùa” để chúng ta lưu ý, để giúp tâm hồn. Còn chính việc chế ngự thì nói được là thường xuyên trong cả cuộc đời.

Nói thường xuyên, không phải là mỗi giây, mỗi phút, bất cứ trường hợp nào, giai đoạn nào mà tính xấu ngóc đầu lên, thì chúng ta phải chế ngự. Đè đầu nó xuống thì chúng ta mới ngước mặt lên, tự chủ, thể hiện những việc thiện hảo để phần nào đáng hưởng ơn Chúa.

Tại sao phải chế ngự thường xuyên?
Vì tính xấu, khuynh hướng xấu còn mãi trong chúng ta. Chúa dựng nên chúng ta gồm nhiều yếu tố: yếu tố vật chất, yếu tố sinh sống, yếu tố cảm giác, yếu tố linh thiêng, có lý trí…

Trước nguyên tội, thì mọi yếu tố đều tuân phục yếu tố linh thiêng. Nhưng sau nguyên tội thì mọi yếu tố đều hỗn loạn, yếu tố nào cũng muốn tranh tiên, ngay yếu tố linh thiêng lại cũng muốn lạm dụng tánh cách tự do, tự chủ của mình, muốn quyền trên tất cả (không còn nhớ Chúa). Muốn tự do theo ý thích, không còn thấy mình phải lệ thuộc Thiên Chúa. Vì thế, không phải chỉ Mùa Chay mà cả đời chúng ta phải chế ngự và phải thắng.

Chế ngự lại thường xuyên, còn phải thắng, nghe dễ sợ, làm sao thể hiện?

Thánh Phaolô nói: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi làm được hết mọi sự”. Và ngài cũng nói: “Khi tôi yếu đó là lúc tôi mạnh” (vì có Chúa).

Vậy trong mùa chay chúng ta cố gắng chế ngự các khuynh hướng xấu, tập luyện chế ngự, thể hiện tự do, tự chủ chính đáng, để có nghị lực làm việc thiện hảo hầu phần nào xứng đáng hưởng ân phúc Chúa sống lại vinh hiển.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

TÌNH YÊU MẤT TỰ NƠI ĐÂU?

Tình yêu thương nơi gia đình như chất keo để hàn gắn những rạng nứt. Đánh mất yêu thương đời sống con người sẽ đứng trước bờ vực của sự chia cắt. Những rạng nứt có khi không thấy rõ nhưng rất hiểm nguy vì nó có khả năng gây đỗ vỡ bất cứ lúc nào.

Tiến bộ của xã hội đã đưa cách sống tinh thần con người có những đổi thay theo chiều hướng không như mong đợi. Người ta chú tâm lo ổn định kinh tế nhưng quên mất xây đắp sự yên ấm nơi gia đình. Người ta mãi mê tìm cách lắp đầy vốn kiến thức nơi khối óc mà không màng đến việc lắp đầy tình mến của trái tim. Có khi vì hoàn cảnh bắt buộc khiến người ta cứ chạy tìm một cuộc sống thoải mái tiện nghi nhưng khi trở về với chính mình thì thấy cõi lòng đầy trống vắng. Có lẽ con người quá dửng dưng trong việc xây đắp tình người, bởi cứ nghĩ rằng tình thương đương nhiên sẽ có. Không, mọi thứ trên đời không phải lúc nào cũng cho không biếu không. Tất cả đều phải cố công gầy dựng mới trở thành cơ nghiệp cho riêng mình. Ai hững hờ trong tình thương thì sẽ trả giá vì những đỗ vỡ do thiếu tình thương.

Mùa chay tôi có dịp đến các gia đình để viếng thăm và hăm nóng tinh thần cho những ai còn đang nguội lạnh. Tôi nhận thấy một điều: có những em ít đến nhà thờ, không học giáo lý, không biết gì về sinh hoạt họ đạo. Có nhiều lý do nhưng phần đông các em là những người đáng thương vì phải sống trong cảnh không đủ tình người, thiếu hẳn sự quan tâm. Có em sống với ông bà vì cha mẹ phải đi làm xa. Có em chỉ sống với mẹ, hoặc với cha vì cha mẹ đã chia tay nhau. Điều đáng tiếc hơn nữa, có em còn đủ cha mẹ nhưng rồi cha mẹ chẳng đến nhà thờ nên đối với em nhà thờ chẳng có gì thiết tha.

Đánh mất tình thương kéo theo mất mát nhiều điều. Thiếu vắng tình người ắt sẽ thiếu hẳn ước mơ, Mất đi hy vọng sẽ mất đi niềm tin để sống. Có một câu nói rằng “Nếu bạn mất tiền là mất một ít, nếu mất danh dự là mất cái lớn hơn, nhưng mất niềm tin là mất đi tất cả”. Phải chăng từ chỗ đánh mất tình thương người ta sẽ đánh mất niềm tin để bước đi trong đời. Nếu nói đánh mất niềm tin thì chỉ nhắm đến những cái mất thuộc sở hữu bên ngoài: mất thành công, mất sự nghiệp, mất quyền lợi. Nhưng nếu mất tình thương cũng đồng nghĩa đánh mất chính bản thân mình: mất đi tương quan, mất đi sự trưởng thành trong đời sống, mất lẽ sống cuộc đời. Người sống không tình thương thì không lớn nỗi thành người.

Tình thương là thứ gia tài quý giá. Tình thương có rất khó nhưng mất đi thì rất dễ. Chỉ một hững hờ, thiếu quan tâm trong gia đình thì rạng nứt tình thương sẽ xây nền móng. Hãy thắp sáng niềm tin, cùng xây đắp tình người để tình yêu không bị đánh mất nhưng luôn hiện diện và lớn mãi trong mỗi cá nhân. Có cố công xây dựng tình thương chắc chắn sẽ gặt được hoa trái do tình thương mang lại. Hạnh phúc không đến được nơi gia đình thiếu mất tình thương.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG

Hôn nhân gia đình là một định chế tự nhiên. Là con người ai cũng công nhận một vợ một chồng là điều tốt. Vì qua đó hai người hiến thân và lo cho nhau một cách trọn vẹn. Cách riêng với người Công giáo đời sống hôn nhân gia đình còn mang một ý nghĩa thiêng liêng và cao quý hơn nhiều. Bởi lẽ: “Hôn nhân công giáo được nâng lên hàng bí tích, trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội” (Thư Mục vụ của HĐGM năm 2008 số 6).

Chúa Giêsu đã ví Giáo hội như là Hiền thê yêu dấu của Người. Cho nên, Người một lòng gắn bó và hy sinh cho Giáo hội. Người nói : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Đúng vậy, suốt 33 năm sống ở trần gian này Chúa Giêsu đã hoàn toàn tự hiến đời mình cho nhân loại. Cho đến hôm nay và cho đến tận thế dù không hiện diện bằng xương bằng thịt như trước kia nhưng Người vẫn không lìa xa Giáo hội. Người vẫn còn tiếp tục hiện diện và hy sinh cho Giáo hội qua các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể.

“Như Đức Kitô đã làm gương qua việc Người hiến mình vì Giáo Hội, tình nghĩa vợ chồng phải được xây dựng trên mẫu mực nền tảng đó” (Thư Mục vụ của HĐGM năm 2008 số 6). Ngày nay chúng ta đang sống trong xã hội hưởng thụ ích kỷ. Là người trẻ chúng ta rất dễ bị lây nhiễm bởi cách sống không hay này. Lối sống: “Của mình thì bo bo của người ta …”. Chuẩn bị hay đang sống đời sống gia đình người trẻ chúng ta nên biết tập sống mở ra như Chúa Giêsu. Khi sống biết mở ra để quan tâm hy sinh cho nhau là chúng ta đang diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu và Giáo hội.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

Tình Yêu Thiên Chúa Được Diễn Tả Nơi Gia Đình

Thiên Chúa là Tình Yêu. Và chính tình yêu ấy mà Thiên Chúa đã dựng nên con người, mời gọi con người sống yêu thương. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được diễn tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau, trong đó có hình ảnh mối tình hôn nhân. Đây là hình ảnh cụ thể con người có thể nhận ra nơi đó sự quảng đại, sự hy sinh và tận hiến mà Thiên Chúa dành cho con người.

Thánh Phaolo còn diễn tả đẹp hơn nữa tình yêu hôn nhân và gia đình qua mối tình gắn bó giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Ngài mời gọi tình nghĩa vợ chồng phải xây dựng trên nền tảng tình yêu thương ấy. Nơi môi trường gia đình, tình yêu là nền móng xây dựng các mối tương quan trong gia đình. Vợ chồng thể hiện sự tự hiến khi trao tặng chính mình cho người mình yêu. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa.

Chính trong môi trường gia đình này mà con cái nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả lại qua tình yêu của cha mẹ dành cho nhau. Thật vậy, người chồng, người cha được mời gọi sống sự tự hiến của mình. Qua sự yêu thương quảng đại chu toàn trách nhiệm của mình, người chồng, người cha trở thành một chứng tá sống động cho con cái về tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Người vợ, người mẹ cũng được mời gọi sống sự tự hiến trong nhiệm vụ của mình. Đời sống yêu và tôn trọng, sẵn sàng tha thứ cho nhau, cũng như sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhau và của con cái đó là điều mà đôi vợ chồng công giáo được mời gọi để diễn tả lại tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh. Ben Witherington có một nhận xét như sau: “Người chồng trở thành người tôi tớ chính, y hệt như Chúa Kitô, còn người vợ trở thành mẫu mực của kẻ biết đáp trả với niềm tùng phục đầy yêu thương, y hệt Hội Thành yêu thương phục tùng Chúa Kitô vậy”.

Những người con trong gia đình nhận ra được tình yêu mà cha mẹ dành cho nhau và cha mẹ dành cho mình. Từ tình yêu ấy cùng với lời dạy dỗ của cha mẹ mà con cái nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói gia đình là trường dạy về tình yêu; là nơi mọi thành viên nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả lại tiếng Người. Cũng nơi đây lời mời gọi hiến dâng phục vụ nước Thiên Chúa cũng được cất lên. Con cái trong gia đình nhận ra tiếng Thiên Chúa gọi trước tiên nơi chính gia đình của mình.

Và cũng chính nhờ tình yêu trong gia đình mà Giáo Hội đã và đang có biết bao con người tận hiến hy sinh để phục vụ nước trời. Sự hy sinh và tận hiến ấy, trước hết và trên hết là thấm nhuần từ chính trong gia đình, nơi gia đình biết rập theo khuôn mẫu tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh.

XII. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

MỘT CÁCH CẦU NGUYỆN

Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Độ), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy: “Người truyền giáo phải là người chiêm niệm”. Người truyền giáo ấy là Giáo lý viên. Kinh nghiệm của hai người đang yêu nhau. Họ gặp nhau, lắm khi chẳng nói với nhau một lời nào. Âm thầm. Lặng lẽ. thế nhưng lại nói với nhau tất cả. Kinh nghiệm này sẽ giúp cho GLV đi vào tương quan sâu thẳm với Đấng yêu ta và Đấng ta yêu mến. Đó là chiêm niệm. Nói đến đây có lẽ bạn GLV sẽ bớt xa lạ với từ ngữ “chiêm niệm”. Bởi vì hình như từ trước tới giờ, chúng ta thường quen nghĩ rằng đời sống chiêm niệm thường là của những bật chân tu, nhà khổ hạnh…..họ sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng thật ra, đời sống chiêm niệm là đời sống của tất cả mọi người và chiêm niệm trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc.

Muốn trở thành người chiêm niệm sâu xa, ta cần tập nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Mời bạn thử dùng một vài cách đơn giản:

  • Ôn lại đời mình:

Bạn hãy tìm nơi thích hợp, đặt mình trước mặt Chúa và ôn lại cuộc đời trong ánh sáng của Chúa. Chính lúc ấy, bạn sẽ nhận ra cuộc đời mình được đan kết bởi những biến cố, những niềm vui nỗi buồn. Xâu chuỗi những biến cố ấy lại ta khám phá có sự can thiệp trực tiếp của Chúa trong đời mình. Bao nhiêu ơn lành ta nhận được, thâm chí những lúc đau khổ bất hạnh ta cũng nhận ra đó là ơn ban. Nếu nhận ra tất cà là hồng ân thì tâm tình còn lại của ta là gì nếu không phải là tạ ơn. Bởi thế, đời người là 1 lời tạ ơn không ngơi nghỉ

  • Tạ ơn theo hơi thở:

Khi nói đến hơi thở là nói đến sức sống hiện tại. Còn thở là còn sống, hết thở là hết sống. Kinh thánh dùng hơi thở để chỉ Chúa Thánh Thần. Như thế hơi thở đối với con người là rất quan trọng vì nó vừa mang tính sinh học vừa mang tính thần học. Thở để sống và khi con người thở là đụng chạm đến Thánh Thần. Đây là điều mà rất nhiều khi chúng ta quên. Vì vậy, ở cách này, bạn hãy tập yêu Chúa trong từng hơi thở. Bạn hãy ngồi thật thẳng lưng, tập trung vào hơi thở, hít thật sâu, thở thật chậm và nguyện 1 lời nào đó theo nhịp hít thở trên.

Như thế, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bạn đều có thể cảm nghiệm mình đang được Chúa yêu. Và đáp lại, mình đang thực sự yêu Chúa.

  • Tạ ơn trong mọi hoàn cảnh:

Khi vui, bạn hãy tạ ơn theo hơi thở, để niềm vui không biến thành hời hợt bên ngoài

Khi buồn, khi gặp thử thách, bạn hãy tạ ơn theo hơi thở để thử thách ấy không làm bạn chao đảo nhưng bạn sẽ tìm lại được bình an.

Khi bị cám dỗ, hãy hướng lòng lên Chúa và tạ ơn theo hơi thở, lúc ấy cám dỗ sẽ tan biến.

XIII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG

Gia đình là cộng đoàn gồm những người yêu thương nhau tha thiết và thân thiết, họ đón nhận nhau trong niềm vui vẻ, hân hoan va øsung sướng, họ luôn luôn cần nhau và sống gần nhau, xa nhau là nhớ, gần nhau là mừng. Vợ chồng yêu nhau chân thành làm sao có thể xa nhau, cha mẹ thực tình yêu thương con cái làm sao có the åkhông chăm sóc con về mọi mặt, con cái kính mến cha mẹ làm sao có thể rời mẹ cha? hằng ngày lo sống tốt đẹp, làm vui lòng cha mẹ

Gia đình công giáo qua hôn nhân bí tích diễn tả tình yêu phong phú đầy tràn giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội.

Hôn nhân tự nhiên giữa Ađam – Eva, lúc còn sống tình nghĩa với Chúa và thuận thảo với nhau gia dình thật êm đềm, ấm cúng, hạnh phúc, họ sống vì nhau, cho nhau, phục vụ lẫn nhau, chỉ làm mọi điều tốt đẹp cho nhau. Nhưng khi con người cãi lời Thiên Chúa, chối bỏ tình yêu của Người, tội lỗi chi phối con người thì mọi sự xáo trộn, đau khổ phủ lấp gia đình : vợ chồng đổ lỗi cho nhau, tố cáo lẫn nhau, anh em ghen ghét nhau đến độ giết nhau; Cain đánh chết Abel. Gia đình đánh mất hiệp nhất, yêu thương, hạnh phúc.

Trong cựu ước, các ngôn sứ (Hôsê, Giêrêmia, Êgiêkiel) thường mượn hình ảnh hôn nhân để diễn tả mối liên kết giữa Thiên Chúa và dân Ngài (TMVHĐGMVN 2008 số 6). Tình thương yêu Chúa dành cho dân riêng được diễn tả sống động và cụ thể qua tình yêu vợ chồng đối với nhau. Khi dân bỏ Chúa tôn thờ ngẫu tượng bị coi là mãi dâm, khi dân bất trung với Chúa bị coi là ngoại tình, và khi dân không tuân hành thánh ý Chúa bị coi là chối bỏ tình yêu Thiên Chúa. Thực tế dân riêng có phản bội, bất trung, bất tín, Chúa vẫn trung tín, tình yêu Chúa vẫn bền bỉ mãi gắn bó với dân, đây là kiểu mẫu cho mọi tình yêu trung tín giữa vợ chồng (viết theo FC 12). Trong thư gửi tín hữu Eâphêsô, Thánh Phaolô lấy mối tình chung thuỷ, hiến dâng, phục vụ của Chúa Kitô và hội thánh làm mẫu mực cho cuộc sống yêu thương giữa vợ chồng (EP 5, 21-33)

Khi vợ chồng công giáo lãnh nhận bí tích hôn phối họ đang rập khuôn đúc mẫu theo giao ước hôn nhân giữa Chúa Giêsu và hội thánh, giao ước mới và vĩnh cữu đầy sự sống, tình yêu, ân sủng.

Tình yêu quảng đại: Vâng theo thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ mọi sự vinh quang của trời cao để mặc lấy bản tính nhân loại trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, và Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài cũng đòi hỏi hiền thê của Ngài là hội thánh từ bỏ mọi sự, vâng theo ý Ngài vác thánh giá hằng ngày theo Ngài. Vợ chồng quảng đại cho nhau hết, cho cả bản thân, sẳn sàng đi trên một hướng mới để chỉ sống cho nhau, cha mẹ hoàn toàn cống hiến đời mình cho con cái, con cái hoàn toàn sống cho cha mẹ, vì cha mẹ, làm nở mày, nở mặt, làm hãnh diện cho cha mẹ. Cho di mà không tính toán.

Tình yêu hy sinh: Ba năm rong ruổi dặm trường trên khắp xứ Do thái để rao giảngTin Mừng cứu độ, thi ân giáng phúc cho mọi người, để qui tụ mọi kẻ tin theo Người, Chúa Giêsu đã cống hiến sức lực, mọi cơ hội để hội thánh nhận biết Chúa, tin vào Chúa, bước theo Chúa, kết hiệp với Chúa, cộng tác với Chúa. Chúa hy sinh cho hội thánh, hội thánh hy sinh cho Chúa. Càng hy sinh càng chứng tỏ tình yêu tha thiết. Vợ chồng công giáo cũng phải hy sinh cho nhau. Cha mẹ hy sinh cho con cái, con cái hy sinh cho cha mẹ. tình yêu hy sinh được thể hiện qua việc từ bỏ ý riêng, tận tâm phục vụ nhau trong đời sống hằng ngày, biết ý nhau, làm theo ý nhau để thăng tiến nhau, tình yêu hy sinh của gia đình sẽ được kết hiệp với tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu và hội thánh trong thánh lễ hằng ngày dâng trên bàn thờ.

Tình yêu hiến mạng: Đức Giêsu đã khẳng định bằng lời nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), Người đã thể hiện bằng việc làm cụ thể chết trênThập giá. Vâng theo ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã dẫn đoàn môn đệ, hạt nhân của hội thánh lên Giêrusalem, Người đã phó mình cho những kẻ bắt Người, hành hạ đánh đập Người, kết án Người, đóng đinh Người trên Thập giá giữa hai tên trộm cướp. Người chết vì yêu, chết để chứng minh tình yêu bao la dành cho nhân loại. Từ cạnh sườn bị đâm thâu trúng tim máu cùng nước chảy ra phát sinh hội thánh, hiền thê của người. Chính trong cái chết đẫm máu của mình, Chúa Giêsu đã thanh tẩy, thánh hiến và điểm trang hội thánh thành người nữ thánh thiện, tinh tuyền, không tỳ ố xứng đáng với Người. Tình yêu cạn kiệt đổ hết giọt máu và nước cuối cùng chính là giao ước mới và vĩnh cữu biểu tượng cho tình yêu hy sinh, hiến mạng sống giữa chồng và vợ. Ngày vợ chồng kết hôn, Chúa Cha đổ tràn Thánh Thần xuống trên họ. Thánh Thần tình yêu sẽ ban cho họ một trái tim mới, trái tim ấy giúp vợ chồng, cha mẹ con cái biết yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương hội thánh.

Để cho gia đình sống hạnh phúc và nhân loại được sống trong hạnh phúc thật, Chúa Giêsu đã ban một điều răng mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chỉ sống trong yêu thương chúng ta mới hưởng được niềm vui trọn vẹn (Ga 15,9-11).

CHÓP ĐỈNH CỦA TÌNH YÊU

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô, vị hôn phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người.

Người mặc khải sự thật nguyên thuỷ của hôn nhân, sự thật của “thuở ban đầu” và khi giải phóng con người khỏi tâm hồn chai đá, Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật này trọn vẹn.

Mặc khải này đạt đến sự viên mãn dứt khoát của nó trong việc trao ban tình yêu mà Ngôi Lời Thiên Chúa ban cho loài người khi mặc lấy bản tính nhân loại và trong việc hy sinh mà Đức Giêsu Kitô đã hiến mình trên thập giá cho hiền thê của Người là Hội Thánh. Sự hy sinh ấy biểu lộ trọn vẹn ý định mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong nhân tính của người nam và người nữ từ khi tạo dựng nên họ (x. Tông huấn Familiaris Consortio của ĐGH Gioan- Phaolô II, số 13).

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Nói như thế không có nghĩa là con người khi được sinh ra là đã có tình yêu trọn hảo giống như tình yêu của Thiên Chúa, mà là con người có khả năng yêu giống như Chúa yêu.

Thiên Chúa không ban cho con người một tình yêu như là một kết quả bất biến mà là một vốn quý, để con người tận dụng và phát triển nó hầu mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người. Như chúng ta thấy tình yêu cần được vun trồng, chăm sóc, bảo vệ. Tình yêu có thể lớn lên, cũng có thể mất đi.

Khi tạo nên con người, Thiên Chúa đã muốn con người sống trong gia đình, sống thành tập thể, để từ môi trường đó, con người học biết yêu, để tình yêu của con người dần dần đạt tới mức viên mãn.

Khi mới được sinh ra, đứa bé chỉ biết yêu bản thân mình, nó đòi người khác phải phục vụ mình. Lớn hơn một chút, nó được dạy biết yêu cha mẹ ông bà, anh chị em, sau đó nó học biết yêu bạn bè, yêu đồng bào, yêu quê hương…..nhưng tình yêu chỉ đạt tới mức hoàn mỹ khi nó biết yêu một người và quyết tâm gắn bó suốt đời với người “ấy”.

Yêu bản thân, yêu cha mẹ, yêu gia đình, bạn bè, quê hương…đó mới chỉ là những bài học, tình yêu đó chưa thật sự hoàn thiện bởi nó còn bị ảnh hưởng một chút gì đó mang tính bổn phận, vụ lợi. Nơi tình yêu hôn nhân, người ta không còn nghĩ đến mình nữa mà nghĩ đến người khác, sống và chết cho người khác, chỉ mong tìm hạnh phúc cho người mình yêu chứ không tìm cho bản thân mình.

Đây mới thật sự là chóp đỉnh, là sự viên mãn của tình yêu vì để có được nó, con người phải đánh đổi tất cả: bản thân, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, nghề nghiệp, đồng bào, quê hương…để gắn bó suốt đời không chia lìa với một người, dù có đi đến tận chân trời góc bể, dù có thể phải khổ đau, túng thiếu, dù có thể bị chê cười, hất hủi, dù có thể bị bội phản…chỉ mong có một điều là mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu cũng chỉ có thế là cùng !

Chúa Cha yêu thương Chúa Con đến nỗi trao ban tất cả, những gì của Cha đều là của con. Chúa Con yêu loài người đến nỗi bỏ cõi trời, xuống trần gian, mặc lấy thân xác loài người, đón lấy thân phận con người, để thật sự sống như một con người, để đồng cam cộng khổ, để chấp nhận bị hiểu lầm, chống đối, bị hành hạ, bị phản bội….rồi chết đi cho con người. Tất cả là vì cái gì ? Chỉ vì yêu mà thôi. Và đây cũng chính là hành động cuối cùng của Chúa để mặc khải về tình yêu.

Các con hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương các con. Hôn nhân bí tích (đơn hôn và vĩnh hôn) là hình ảnh đẹp nhất và rõ nét nhất hoạ lại tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, bởi chỉ ở nơi đó chúng ta mới thấy đầy đủ các yếu tố trao hiến và đón nhận hoàn toàn và vô vị lợi, ở đó người ta mới thật sự sống và chết cho nhau. Sống chung, sống thử…chỉ là những phương thế đi tìm khoái lạc, thoải mái, tiện lợi….mỗi người còn nghĩ đến tự lợi thì làm sao người ta có thể tự hiến tất cả, đón nhận tất cả, trao ban tất cả cho người mình yêu ? tình yêu đó sao phản ánh được tình yêu Thiên Chúa ?

Ước gì những ai đang và sẽ sống trong tình yêu hôn nhân biết sống sao cho hình ảnh ấy luôn phản ánh trung thực giao ước giữa Thiên Chúa với loài người nơi Đức Kitô và Hội Thánh của Người.

XIV. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương V: Hệ Thống Phải Theo 11*
23. Nhập đề

Việc tông đồ của giáo dân, cá nhân hay tập thể, phải được đặt vào đúng chỗ trong công cuộc tông đồ của toàn thể Giáo Hội. Hơn nữa, điều cốt yếu của việc tông đồ Kitô giáo là liên kết với những người đã được Chúa Thánh Thần đặt lên cai trị Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Vả lại, việc cộng tác giữa các tổ chức tông đồ khác nhau cũng cần thiết và phải được Hàng Giáo Phẩm điều hành thích đáng.

Vì muốn cổ võ tinh thần hiệp nhất để bác ái huynh đệ nổi bật lên trong mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội, để đạt được những mục đích chung cũng như để tránh những cạnh tranh nguy hại, cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau và sự phối hợp thích đáng giữa các tổ chức tông đồ trong Giáo Hội, miễn là đặc tính riêng của mỗi tổ chức vẫn được duy trì 1.

Điều đó rất thích hợp mỗi khi có công tác đặc biệt nào trong Giáo Hội đòi phải có sự hòa hợp và cộng tác vào việc tông đồ giữa hai hàng giáo sĩ dòng triều, giữa tu sĩ và giáo dân.

Gợi ý giải thích:

11* Sắc Lệnh đã nói tới nền tảng của nhân vị và cá nhân trong hoạt động tông đồ giáo dân, tới bản tính cộng đoàn và xã hội của Kitô hữu, tới óc sáng kiến và tinh thần tùng phục, tới việc tông đồ cá nhân và có tổ chức. Giờ đây Công Đồng đưa ra một vài tiêu chuẩn để cho các khía cạnh tông đồ này, dầu bề ngoài có vẻ đối nghịch nhau, vẫn hòa hợp với nhau, dựa theo sự khôn ngoan cao đẹp và thánh thiện. Sắc Lệnh xác định rằng Giáo Hội không thể chấp nhận chủ nghĩa duy giáo sĩ hay duy giáo dân; hoặc duy pháp lý hay tình trạng vô trật tự. Tự do của con người và sáng kiến cá nhân phải hòa hợp nhau trong việc tìm kiếm công ích. Quyền bính là để phục vụ nhưng phục vụ qua việc điều khiển hướng dẫn. Vấn nạn trung ương tập quyền hay phân quyền giải quyết được nhờ sự kiện hàng Giáo Phẩm và giáo dân cùng theo đuổi một mục đích nhưng có chức vụ khác nhau với quyền lợi và bổn phận khác nhau.

Cũng thế, tinh thần đoàn thể không có nghĩa là tình trạng lộn xộn hay vô trật tự, nhưng là hành động có tổ chức nhắm tới ích chung. Về phía hàng Giáo Phẩm, các ngài nên có khuynh hướng tôn trọng sáng kiến giáo dân, nhất là trong những lãnh vực chuyên biệt của họ, làm sao cho tất cả mọi người đều tha thiết và lo lắng cho thành quả của việc tông đồ trong tinh thần hiệp thông và phục vụ. Đây là những tiêu chuẩn hướng dẫn việc tông đồ giáo dân:

- Tông đồ giáo dân, cá nhân hay có tổ chức phải ăn nhập với hoạt động tông đồ của toàn thể Giáo Hội, để cho sự hiệp nhất với các mục tử trong Giáo Hội trở thành điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ.

- Sự cộng tác giữa các tổ chức khác nhau là điều cần thiết và cần được hàng Giáo Phẩm hướng dẫn.

- Sự kính trong lẫn nhau và sự phân phối xứng hợp trở nên như những điều kiện cấp bách cho việc cổ võ tinh thần hiệp nhất và bác ái huynh đệ. Công Đồng nhắn nhủ tín hữu cần tránh mọi tinh thần tranh đua bất chính giữa các hội đoàn. Điều kiện này theo Sắc Lệnh, còn cần thiết hơn nếu có những tổ chức tông đồ giữa các linh mục triều và dòng, tu sĩ và giáo dân.

Việc tông đồ của giáo dân cần liên hệ với hàng giáo phẩm.
Cần có sự hoà hợp và cộng tác giữa giáo dân, giáo sĩ, và tu sĩ.

Gợi ý thực hành:

Là một tập thể Hàng Quới Chức tại địa phương, Ông bà Quới Chức có tôn trọng ý kiến của các cha và các tu sĩ từ nơi khác đến không?
Ông bà Quới Chức có cộng tác tích cực với giáo sĩ và tu sĩ không?

XV. TẢN MẠN

CHUYÊN GIA

Chuyên gia được định nghĩa là một người tinh thông một ngành nghề chuyên môn về khoa học, kĩ thuật . . .

Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta đang sống rất cần những người chuyên thông cho một vấn đề nào đó trong cuộc sống để khi cần thiết là họ nghĩ ngay đến người đó và tìm đến đúng địa chỉ để vấn đề được giải quyết cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngày nay, người ta có khuynh hướng yêu chuộng những gì là chuyên môn, chuyên biệt hơn những gì là bách khoa, tổng hợp. Các “bác sĩ” chuyên khoa ngày nay được yêu chuộng hơn những “bác sĩ” đa khoa. Bởi lẽ, biết rộng và biết nhiều vấn đề thì cũng đồng nghĩa với không thể biết sâu, biết xa về chúng được. Vì thế, nếu chúng ta đã tìm hiểu vấn đề gì, đã được cắt đặt để làm vấn đề gì thì nên tìm hiểu vấn đề đó, chuyên môn đó cho cho tới nơi tới chốn. Đừng biến mình thành những con người đa năng và toàn năng. Khổ lắm!

Cuộc sống vốn rất phong phú và đa dạng nên một người không thể nào nắm bắt mọi vấn đề. Điều đó ai cũng hiểu, cũng biết và cũng chấp nhận. Nếu những sự việc trong cuộc sống vốn đã phức tạp thì con người lại càng phức tạp hơn. Làm chuyên gia cho những vấn đề của cuộc sống đã khó, thì làm chuyên gia cho con người lại càng khó hơn gấp bội, vì “đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Nhưng vấn đề con người phải là vấn đề ưu tiên trong cuộc sống. Con người cần phải có những chuyên gia giúp đỡ, nhất là những chuyên gia trong lĩnh vực tinh thần. Các linh mục, các tu sĩ chính là những chuyên gia tinh thần cho những người Kitô hữu.

Linh mục và tu sĩ là những người được đào tạo để chuyên lo việc Chúa, việc hướng dẫn các linh hồn để giúp và dẫn đưa người ta tới gần Thiên Chúa và nên thánh trong cuộc sống của mình. Vì thế, linh mục và tu sĩ phải chuyên chú vào chuyên môn của mình, vào công việc căn cốt của mình. Đừng trở thành những người “đa năng” hay “toàn năng” thì khổ ! Khổ cho mình và khổ cho người khác!

Chúng ta hãy nhớ lại lời của thánh tông đồ Phêrô: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."” (Cv 6, 2-4). Các tông đồ đã được Chúa Thánh Thần soi sáng nên đã xác định được công việc chính yếu hay chuyên môn của mình là “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”. Thiết nghĩ đó cũng là chuyên môn cần có nơi các linh mục và tu sĩ. Đành rằng, trong việc truyền giáo có rất nhiều việc cần làm, nên làm và hữu ích cho mọi người, nhưng ta hãy xét lại xem đó có phải là việc chính yếu, việc chuyên môn của tôi không? Có nhiều họ đạo rối tung, có những chuyện vô cùng “lảng nhách” đã xảy ra nơi các xứ đạo phát xuất từ việc những người đứng đầu, những người có trách nhiệm đã xác định sai “chuyên môn” của mình.

Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng, trình độ của người giáo dân ngày nay đã khác xưa nhiều lắm rồi, có rất nhiều những người giáo dân được đào tạo đúng chuyên môn của họ, nên họ rất giỏi trong những chuyên môn đó và làm việc trôi chảy lắm với những gì họ được đào tạo đó. Chúng ta cần nhờ đến họ và cần sự cộng tác của họ cho những công việc không phải chuyên môn của mình nhưng là chuyên môn của họ để mọi sự được tiến triển tốt đẹp, đỡ mất thời giờ, đỡ mất công sức và tiết kiệm nhiều thứ khác nữa. Không ai chê trách cũng chẳng có ai ca thán rằng: ông cha, ông thầy, dì phước mà không biết xây cất, không biết làm vườn, không biết chăn nuôi . . . gì hết. Nhưng nếu lỡ có ai “chê” mình trong những chuyện đó thì mình cứ việc “cười trừ” và cứ hiên ngang nhìn đời, vì chuyên môn của mình đâu phải là những chuyện đó đâu! Chuyên môn của linh mục, của tu sĩ là “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa. Chuyên lo cho phần rỗi linh hồn của tha nhân qua việc trao ban các Bí tích cách vui lòng và nhiệt tâm”. Nhưng chúng ta phải thật sự lo sợ, phải thật sự thẹn thuồn nếu có ai nói rằng: ông cha, ông thầy, Dì phước ấy không biết cầu nguyện, không biết lo việc Chúa và việc giúp đỡ người ta gặp Chúa gì cả. Vì nếu như vậy thì chúng ta quá “yếu kém” trong chuyên môn của mình rồi. Không xứng đáng là người “kỹ sư tâm hồn, kỹ sư phần hồn” cho người giáo dân rồi!

Có một thời, người ta quá thần tượng các linh mục. Họ coi các ngài là cuốn tự điển bách khoa, biết mọi chuyện trên trời dưới đất, nên chuyện gì không biết thì cứ chạy đến các linh mục là xong ngay! Họ không ngừng tắm tắc khen ngợi: sao các cha tài quá! Nhưng tôi nghĩ rằng, cái thời “quá khứ vàng son” ấy nay cần khép lại. Ngày nay, các cha cần tạo chỗ đứng cho giáo dân trong các họ đạo của mình, nên mời gọi giáo dân cộng tác để san sẻ những công việc của họ đạo mà họ được phép làm. Chúng ta cần nhìn nhận rằng có nhiều giáo dân có thể đảm trách nhiều công việc khác nhau cách rất chuyên môn và hiệu quả trong những chuyện thuộc cấp bậc của họ.Các linh mục rất cần và chỉ nên làm những công việc chính yếu liên hệ đến “chuyên môn” của mình, còn những chuyện khác, chúng ta hãy can đảm và khiêm tốn nhờ nhiều người khác cộng tác vào. Cứ tin tưởng trao việc, trao phương tiện và trao luôn cả quyền quyết định vấn đề cho những người được tín nhiệm sau khi đã cẩn thận suy xét.

Muốn là một chuyên gia giỏi thì phải luôn luôn nâng cao tay nghề, phải luôn luôn làm mới động lực làm việc nơi mình. Các chuyên gia coi sóc phần hồn của giáo dân cần nâng cao tay nghề và làm mới động lực phục vụ của mình bằng cách siêng năng kết hợp với Chúa, làm các việc bổn phận và các việc đạo đức trong tinh thần đạo đức. . . Hãy trở thành những chuyên gia giỏi cho Dân Chúa được hưởng hưởng nhờ, cho Hội thánh được rạng rỡ vinh quang và cho Danh Cha được cả sáng từng ngày.

XVI. NGHỆ THUẬT SỐNG

HẤT NÓ XUỐNG VÀ BƯỚC LÊN TRÊN !

Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm, con lừa bị rơi xuống một cái giếng hoang khô cạn và đau đớn kêu la thảm thiết.

Sau khi bình tĩnh đánh giá tình hình, vì thương cho con lừa, người nông dân đã quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa tội nghiệp.

Lúc đầu, con lừa thêm phần kinh hoảng vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập trên vai nó, một ý nghĩ chợt loè lên: cứ mỗi lần một tảng đất rơi đè lên vai, nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và ngoi lên trên !

Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một, với một lời thầm tự nhủ và tự cổ vũ: “Nào, mình hãy hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên...”

Mặc cho sự đau đớn ê ẩm phải chịu sau mỗi tảng đất ập xuống, mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa tiếp tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên”.

Và không bao lâu sau, cuối cùng, dù bị bầm dập và kiệt sức, con lừa già đã vui mừng đắc thắng bước lên khỏi miệng giếng. Những gì như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế, đã cứu sống nó. Tất cả đều nhờ vào cái cách mà con lừa đã can đảm đối diện với nghịch cảnh của mình.

Cuộc sống là như vậy đó. Nếu chúng ta đối mặt với các vấn đề của mình một cách tích cực và quả cảm, khước từ sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự tự thương hại, thì những nghịch cảnh tưởng chừng có thể chôn vùi chúng ta, lại sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới.

Hãy hất nó xuống và bước lên trên, hãy can đảm bước từng chút một ra khỏi cái giếng mà bạn đang gặp phải.

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: GIOAN 12,25  

Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

6605    23-04-2012 15:04:33