Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể - Tháng 01 năm 2005

CHỦ ĐỀ: GIÁO HỘI SỐNG NHỜ THÁNH THỂ

I. ĐỌC THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 1.

Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia vivit). Chân lý nầy không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày trong đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp, nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong hân hoan, Giáo Hội cảm nghiệm dưới nhiều hình thức sự thể hiện liên tục lời hứa : “ Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. ” (Mt 28, 20). Nhưng trong Bí Tích Thánh Thể , nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Giáo Hội vui hưởng sự hiện diện nầy với một cường độ duy nhất. Từ ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Giáo Hội, Dân của Giao Ước mới, khởi đầu cuộc lữ hành về hương thiên quốc, Bí tích thần linh vẫn tiếp tục in dấu trên những ngày sống của Giáo Hội, lắp đầy chúng với niềm hy vọng và tín thác.

Công Đồng Vaticanô II đã chính thức công bố rằng Hy Tế Thánh Thể là “ nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu ” . Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể rất thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó chính là Chúa Kitô, Người là Chiên Lễ Vượt Qua của chúng ta, người là bánh hằng sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sinh động nhờ Chúa Thánh Thần và làm cho con người được sống. Vì thế, Giáo Hội luôn chăm chú hướng nhìn vào Chúa mình, hiện diện trong Bí tích của bàn thờ, trong đó, Giáo Hội khám phá ra tình yêu vô biên của Người được tỏ hiện tràn đầy.

II. DẪN GIẢI

Chúng ta có thể hiểu:

A. Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể.

Giáo Hội tin như thế , và cũng tin Thánh Thể là cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội.

Giáo Hội cũng hân hoan vì được có Chúa hiện diện và chính trong cuộc lữ hành về quê trời, Thánh Thể vẫn luôn in dấu trên cuộc sống của Giáo Hội, làm cho Giáo Hội được luôn hy vọng và tín thác.

B.Thánh Thể Là Nguồn Mạch Và Chóp Đỉnh Của Toàn Thể Đời Sống Kitô Hữu.

Vì chính Chúa là sự sống, là Bánh (= Mình Thánh) ban sự sống, nguồn mạch các ơn làm cho sự sống mạnh lên, lớn lên.

Là chóp đỉnh vì Thánh Lễ là việc tôn thờ, thương yêu cao quý nhất.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

THÁNH THỂ TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG KITÔ GIÁO

Đức Cha Theodore Mc Carrick Giáo Phận Newark, New Jersey đã thămviếng Việt Nam 3 lần với phái đoàn Giám Mục Hoa Kỳ. Trong buổi lễ nhậm chức, Đức Cha kể lại một sự tích Ngài đã chứng kiến :"Một lần tôi thăm trại tị nạn Việt Nam ở Campuchia, trong thời kinh hoàng Khmer Đỏ. Một người tị nạn dẫn tôi vào rừng rậm, đi suốt nửa tiếng đồng hồ, tới một túp lều, người tị nạn rút trong ngăn bàn ra một cái hộp, giống như hộp đựng xì gà. Trong hộp có một Mình Thánh Chúa. Người tị nạn kể rằng cách đó 6 tháng, có một linh mục ghé lại trại cử hành Thánh Lễ và con giữ lại một Mình Thánh Chúa để thờ lạy. Ông nói :"Chúng con không hề nói với Ban Giám Đốc trại và cũng chẳng nói với ai về điều này. Mỗi khi có thể, chúng con đến đây để cầu nguyện. Đây là sự hiện diện duy nhất của Chúa giữa Bangkok và Saìgòn".

Sau khi kể lại sự tích trên, Đức Cha nói với đông đảo giáo hữu tại nhà thờ chính tòa rằng :"Tôi tin thực rằng chỉ trong Bí Tích Thánh Thể, anh chị em và tôi mới có thể tìm được sức mạnh để phục vụ các tín hữu và chỉ trong Thánh Thể, các tín hữu này mới tìm được sức mạnh để sống cuộc sống của họ trong Chúa Kitô" (CNS 4.1.2001).

Trong dịp Giáo triều Roma chúc mừng Giáng Sinh lên Đức Thánh Cha ngày 23-12-2004 , Ngài nói:

"Mỗi năm đến gần những ngày lễ Giáng Sinh mang lại cho chúng ta cảm giác trầm lặng và an bình. Đức Giêsu sinh ra là một biến cố đánh động đến tâm hồn" .

” Hài Nhi Thánh mà chúng ta chiêm ngưỡng nơi máng cỏ là đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta và là Đấng hiện diện thật trong bí tích nơi bàn Thánh là Bí Tích Thánh Thể”

Hành động diệu kỳ của Thiên Chúa là Đấng mặc lấy xác phàm tại Bêlem , hằng liên tục tái canh tân trong bí tích Thánh Thể , vì lý do này đó là nguồn sống và sự thánh thiện của Giáo hội.

IV. DIỄN Ý

Trong loạt bài về Phép Thánh Thể cho suốt năm nay, Năm Thánh thể, trước tiên chúng ta cùng xác định lại theo Giáo Lý Công Giáo, Phép Thánh Thể là gì, để làm khởi điểm cho những bài tiếp sau.

1. Phép Thánh Thể là gì?

Theo Giáo Lý Công Giáo, Phép Thánh Thể là:
Lời tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa Cha;
Tưởng niệm hy tế của Đức Kitô và Nhiệm Thể người.
Sự hiện diện của Đức Kitô, nhờ quyền năng của Lời và Thánh Thần của người.

Tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha: “Trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô dâng toàn thể công trình sáng tạo được Thiên Chúa yêu thương lên trước nhan thánh Chúa Cha qua cái chết và sự phục sinh của mình. Nhờ Người, Hội Thánh có thể dâng hy tế tạ ơn và ca ngợi vì tất cả những chân thiện mỹ Thiên Chúa đã làm cho vũ trụ và cho con người... Bí Tích Thánh Thể trước hết là :Hy tế tạ ơn ” (GLCG n. 1360)

Tưởng niệm: hy tế của Đức Kitô và của Thân Thể Người là Hội Thánh: Theo Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa thực hiện cho nhân trần. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố nầy hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Dân Israel hiểu cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập như sau: khi dân Chúa cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện cách sống động trong ký ức, để họ căn cứ vào đó mà diều chỉnh cuộc sống của mình.

Thời Tân Ước, tưởng niệm mang một ý nghĩa mới: Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô; lúc đó, cuộc Vượt qua nầy trở nên hiện diện giữa công đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên Thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ...Thánh lễ là một Hy tế vì hiện tại hoá hy tế Thập giá, vì tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế nầy. Hy tế Thập giá của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể chỉ là một. (x. GLCG n.1363-1367)

Thánh lễ cũng là hy tế của Hội Thánh: Là Thân Thể, hợp nhất với Đầu, Hội Thánh hiệp nhất với Đức Kitô để dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha tất cả đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu...nhờ đó tất cả có được một giá trị mới.

Thánh lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế Thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa, hai ý nghĩa nầy đi đôi với nhau và không thể tách rời nhau. Cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Kitô nhờ rước lễ. Rước lễ là đón nhận chính Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta.

Đức Kitô hiện diện nhờ quyền năng của Lời và Thánh Thần: Trong Bí Tích Thánh Thể , có sự hiện diện thật đích thực, thực sự và bản thể cuả Mình và Máu Đức Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Kitô trọn vẹn...đây là cách hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thề, nơi đây có Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người , hiện diện trọn vẹn. (x. GLCG n. 1374)

Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh hình rượu còn tồn tại. Trong hình bánh cũng như hình rượu, (trong mỗi hình) đều có Đức Kitô hiện diện trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa. Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. (CĐ Trentô: DS 1641)

Theo cha Peyriguere: “ Biết phép Thánh Thể là biết tất cả Kitô giáo, sống Phép Thánh Thể là sống tất cả Kitô giáo ” . Quả vậy, tầm quan trọng vượt bậc của Thánh Thể trong giáo lý và đời sống Kitô hữu được chính Công Đồng Vaticanô II xác nhận bằng việc luôn sử dụng những từ ngữ như : trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh, khi nói về Thánh Thể.

Trước tiên, Thánh Thể là : nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitohữu . (LG 11), là bảng tóm lược và tổng hợp đức tin Kitô, và cũng là “ cội nguồn, trung tâm, chóp đỉnh của mọi cộng đồng Kitô ” (Công Đồng 11, 30; PO 5, 6). Chính vì thế, các mục tử có nhiệm vụ lưu tâm để cho Thánh Thể phải là “ trung tâm và chóp đỉnh của toàn thể đời sống tín hữu ” (Công Đồng 30).

Thánh Thể còn là nguồn mạch bất tận của đời sống thiêng liêng đối với tu sĩ (PO 6); căn rễ và trung tâm của đời sống linh mục (PO 14, 18); nguồn mạch của sự thánh hoá con người và tôn vinh Thiên Chúa (SC 10); đỉnh cao của hành động Giáo Hội, nguồn mạch của mọi đức hạnh (SC 10). Nguồn mạch và chóp đỉnh của việc Phúc Âm hoá ( PO 5).

2. Phép Thánh Thể mật thiết gắn liền với Hội Thánh.

a. Mối tương quan mật thiết giữa Phép Thánh Thể và Hội Thánh phát xuất từ hai yếu tố:

Phép Thánh Thể là nguồn gốc phát sinh Hội Thánh. Không có Thánh Thể, không có Hội Thánh. “ Hội Thánh được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt qua. Chính vì lý do nầy mà Thánh Thể, Bí tích trổi vượt của mầu nhiệm Vượt qua nằm ở trung tâm của đời sống Hội Thánh ” (TĐ. Ecclesia de Eucharistia, 3). Thánh Thể là nền tảng của đời sống Hội Thánh hay nói đúng hơn, không có phép Thánh Thể, Hội Thánh không thể sinh hoạt theo đúng chức năng siêu nhiên của mình. “ Không một cộng đoàn Kitô nào được thành hình mà không đặt nền tảng trọng tâm vào việc cử hành Thánh Thể ” (P0 6).

Phép Thánh Thể là dấu chỉ sự hiệp nhất trong Hội Thánh, mà nền tảng và nguồn gốc là sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Điều nầy được Công Đồng Vaticanô đặc biệt nhấn mạnh. Phép Thánh Thể , bày tỏ mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh (SC 2, 41), Đặc biệt là dấu chỉ sự hiệp nhất (LG 3, 11.26) là mối dây liên lạc của đức ái (LG 26), là dấu chỉ đặc tính phổ quát của Hội Thánh (LG 13).

b. Tầm quan trọng của phép Thánh Thể đối với Hội Thánh được thể hiện trên hai mức độ: mức độ cơ cấu của Hội Thánh và mức độ đời sống tín hữu. Về phương diện cơ cấu: Thánh Thể là nguồn phát sinh và là dấu chỉ sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Về phương diện đời sống người tín hữu, Phép Thánh Thể chiếm địa vị ưu việt trong mọi sinh hoạt của đời sống người tín hữu.

c. Vị trí duy nhất của phép Thánh Thể trong đời sống tín hữu phát xuất từ chức năng thánh hoá, tức là đưa con người đến với Thiên Chúa và kéo ân sủng Thiên Chúa xuống trên con người. Điều nầy bắt nguồn từ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ của Chúa Kitô mà phép Thánh Thể là một việc tưởng niệm.

” Phép Thánh Thể là nguồn ơn thánh hoá cho con người và là nguồn mạch của việc tôn vinh Thiên Chúa “ (SC 10). Nhờ hy tế Thánh Thể, tội lỗi được tẩy xoá và tình yêu Thiên Chúa đến trên con người. Nhờ việc hiệp thông vào Mình máu Chúa Kitô, con người cũng được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chính vì phép Thánh Thể là phương thế tuyệt diệu để thánh hoá nên “ Phép Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sốnng Kitô giáo ” (LG 11). Cũng vì lẽ đó mà Công Đồng Vaticanô II khuyên các cha xứ phải hết sức lo liệu để việc cử hành hy tế Thánh Thể phải trở nên “ trung tâm và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu ” (CD 30).

d. Nếu phép Thánh Thể là trung tâm của đời sống tín hữu, thì điều nầy còn có nghĩa đặc biệt với những tâm hồn tận hiến, Theo Công Đồng, phép Thánh Thể “ là nguồn mạch bất tận cho đời sống thiêng liêng ” (PC 6) mà các tu sĩ phải đến múc lấy để nuôi dưỡng đời sống dâng hiến của mình. Thiếu vắng Lời Chúa và nhất là Mình Thánh Chúa, người ta không thể sống đời dâng hiến cách tốt đẹp. Mình Thánh Chúa là của ăn thiêng liêng, ban sức mạnh siêu nhiên để chiến thắng ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Riêng với các linh mục mà chức vụ gắn liền với hy tế Thánh Thể, thì theo lời ĐTC Gioan-Phaolô II: “ Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh, thì Thánh Thể cũng là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống linh mục... ” (Ecclesia de Eucharistia 31).

e. Phép Thánh Thể còn là nguồn mạch của mọi hoạt động Hội Thánh. “ Hy tế Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Tin Mừng ” (P0 5). Bởi vì, mọi công việc của Hội Thánh hướng về mục đích là làm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có một việc tôn vinh tuyệt hảo là Phụng Vụ Thánh, nên “ Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội Thánh phải hướng về, đồng thời là nguồn mạch làm phát xuất mọi giá trị siêu nhiên ” (Sc 10). Phép Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của Phụng vụ. Phép Thánh Thể là linh hồn của mọi hoạt động trong Hội Thánh, mà hoạt động chủ yếu là việc tôn thờ Thiên Chúa. Phụng vụ là việc chính thức và công khai của Hội Thánh nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thực sự cứu chuộc con người. Tất cả việc phụng tự theo nghĩa trên, không thể tách rời khỏi Phép Thánh Thể. Trái lại, mọi công việc phụng tự đều phải qui về Thánh Thể, như chóp đỉnh hay nguồn mạch để múc lấy nguồn ân sủng.

Trong thực hành đối với người công giáo, mọi việc thờ phượng, hoặc công khai trong các nhà thờ, hoặc từng nhóm ở các nhà tư...đều kết thúc hay khởi đầu bằng một Thánh lễ. Đối với người công giáo, không có Thánh lễ hầu như đồng nghĩa với không có sinh hoạt tôn giáo. Người không đi lễ được coi như đã “ bỏ đạo ” . Dù không hiểu hết ý nghĩa của Thánh lễ nhưng giáo dân luôn có lòng kính trọng đặc biệt đối với Thánh lễ, với Mình Thánh Chúa, như người giáo dân Việt nam trong câu chuyện minh họa, dù trong cảnh tù tội vẫn giữ Mình Thánh Chúa bên mình. Thánh lễ bao hàm ý nghĩa là việc phụng thờ tuyệt hảo, là nghi lễ thánh thiện nhất.

Việc rao giảng Tin Mừng cuối cùng đưa đến việc lãnh nhận Thánh Thể. Chính vì thế , bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Tin Mừng : trong khi các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến việc tham dự bí tích Thánh Thể, thì các tin hữu, những người đã mang ấn tích Rửa tội và Thêm sức, sẽ được kết hiệp trọn vẹn với Thân thể Chúa Kitô, nhờ bí tích Thánh Thể" (LM 5, 2).

Vaticanô II khẳng định rõ ràng chỉ có một chức tư tế duy nhất, chức tư tế của Đức Kitô. Tất cả dân Thiên Chúa đều tham dự vào chức tư tế này nhờ việc xức dầu trong Bí tích Thánh Tẩy: chức tư tế cộng đồng. Một đàng, Công đồng Vaticaô II phân biệt rõ ràng :” Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật ( vốn ) khác nhau không chỉ về cấp bậc, mà còn về bản chất, đàng khác nói lên sự bổ túc cho nhau, bởi vì cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, theo cách thức riêng của mình ” (Giáo Hội 26).

Từ cái nhìn giáo hội học này, Công đồng Vaticanô II nói rằng việc cử hành Thánh Lễ là việc của toàn thể Hội Thánh, trong đó mỗi người chỉ làm và làm trọn công việc thuộc về mình, tùy theo cấp bậc của mình trong dân Thiên Chúa.

Thánh Thể là kho tàng xây dựng Giáo hội, nghĩa là nguồn suối và cùng đích của đời sống Kitô hữu, là kinh nguyện tạ ơn, là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa .

Thánh Thể, bánh của Lời Chúa và Bánh của Mình và Máu Chúa Kitô, nuôi dưỡng cuộc sống Giáo hội và tạo nên khuôn mặt tín hữu của các chi thể. Thánh Thể là thức ăn đem niềm vui đến cho Giáo hội mỗi ngày, là lương thực hàng ngày giúp Giáo hội lữ hành tiến về phía trước, hôm nay và ngày mai.

Giảng trong thánh lễ Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48 ngày 10 tháng 10 năm 2004, Đức Hồng Y Tomko đã nhấn mạnh đến mục đích chính của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế là để chứng tỏ và cũng cố Đức Tin vào Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể:

"Chúng ta đến với Chúa để gặp được ánh sáng cho đời sống chúng ta, để tìm gặp câu trả lời cho những thắc mắc, để được can đảm làm chứng cho Đức Tin vào bí tích Thánh Thể, của ăn nuôi sống, giữa anh chị em đang gặp khó khăn. Thế giới đang bị xáo trộn: một đàng nhân loại đang khao khát sự hiệp nhất, hòa bình, đang khám phá lại vẽ đẹp của thiên nhiên, sự tôn trọng nhân quyền, vân vân... và một đàng thì có những bóng tối chiến tranh, bạo lực, những xung đột đủ loại, những tấn công ý thức hệ vào gia đình, vào chính sự sống con nguời, sự đánh mất ý thức luân lý, mất đi khả năng sống trung thành trong tình yêu; sự khủng bố đã trở nên kinh khiếp, sự âm thầm chối bỏ Chúa Kitô tại vài vùng kitô giáo, chủ thuyết vô tri không còn dành chổ nào cho tôn giáo nữa, sự lan tràn những giáo phái và nạn cuồng tín, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo."

Sau đó, nhắc đến những khía cạnh khác nhau của Bí Tích Thánh Thể, Đức Hồng Y nói rằng bí tích Thánh Thề là món quà đặc biệt của Chúa Kitô cho Giáo Hội, món quà chính Mình Ngài. Thánh Thể là "chính Chúa Giêsu sống động, thật sự, hiện diện dưới hình bánh và rượu." Chúa Giêsu yêu thương tất cả chúng ta đến độ trở nên của ăn nuôi sống chúng ta, và ở lại với chúng ta, kết hiệp mặt thiết với chúng ta. Hy tế của Chúa Kitô trên bàn thờ không phải là một "cảnh nhắc nhớ" như một màn kịch; nhưng đó là dấu chỉ bí tích làm cho biến cố cứu rỗi được hiện diện".Đức Hồng Y khuyến khích các tín hữu hãy tôn thờ, cảm tạ chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta và xin Mẹ Maria, người nữ của Thánh Thể hãy đồng hành với chúng ta hằng ngày, sao cho nhờ qua việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta có thể trở thành ánh sáng trong Chúa Kitô, giữa những bóng tối; và sao cho chúng ta có thể sống cuộc đời mình trong sự kết hiệp với Chúa.

(Tham khảo: Vì sự Sống Trần Gian. Antôn Ngô văn Vững S.J)

Xét Mình:

Chúng ta có nhận biết việc tham dự Thánh lễ là một việc cao trọng nhất không?
Có tìm hiểu về Thánh Thể và Thánh lễ không?
Chúng ta dự lễ vì nếu không thì mang tội , dự lễ theo lệ, theo ý của cha mẹ, dự lễ như dự một cuộc sinh hoạt , chúng ta dự lễ như thế nào?
Có nhận biết Thánh lễ là khẩn thiết, là quyền sống cho đời chúng ta không?
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng con ý thức sự hiện diện thực sự thân tình nhưng âm thầm và đầy quyền năng của Chúa trong Phép Thánh Thể, để chúng con múc lấy nguồn ân sủng từ Chúa cho cuộc đời mỗi người và cộng đoàn họ đạo chúng con. Amen

NHỮNG KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT:
L.G. Lumen Gentium: Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh.
S.C.
Sacrosantum Concilium: Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh.
P.O.
Presbyterium Ordinis: Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục.
P.C.
Perfectae caritatis: Sắc lệnh về canh tân đời sống tu trì.
U.R.
Unitatis redintegratio: Sắc lệnh về hiệp nhất.
C.D.
Christus Dominus: Sắc lệnh về chức vụ Giám mục.
A.A.
Apostolicam actuositatem: Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Trong những ngày kết thúc NĂM THÁNH TRUYỀN GIÁO, và đã bắt đầu NĂM SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ, chúng ta nhận ra: Nguồn Sống và Hoạt động của Giáo Hội là nhờ Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi người:

Chúa Giêsu phán: “ Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn ý thức rằng: mình sống nhờ Thánh Thể, mà siêng năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Chúa Giêsu phán: “ Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, cùng tin thật Chúa ngự trong Phép Thánh Thể, cùng được hiệp thông trong Một Tấm Bánh, và cùng trở nên Một đàn chiên theo Một Chủ Chiên.

Chúa Giêsu phán: “ Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống ” . Chúng ta cầu nguyện cho Dân Công Giáo, dọn lòng xứng đáng để Rước Lễ thường xuyên, mà nuôi dưỡng sự sống linh hồn mình và nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ở giữa trần gian.

Chúa Giêsu phán: “ Các con hãy cầm lấy mà ăn, Nầy là Mình Ta ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, ý thức mình là thành phần của Giáo Hội, cần múc nguồn sinh lực từ Bí tích Thánh Thể mà sốt sắng tham dự Thánh lễ cách tích cực.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là Nguồn Sống của chúng con và là nguồn mạch nguyên thuỷ của mọi việc tông đồ. Xin Chúa hằng ngự trong tâm hồn chúng con, để NHỜ Chúa, VỚI Chúa và TRONG Chúa, chúng con đem ơn Cứu độ đến cho mọi người.

Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HY TẾ TẠ ƠN

Nguồn Mạch Và Chóp Dỉnh Của Đời Sống Kitô Hữu.

Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:"Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội".(Mt 26, 27 - 28).

Đây là thời điểm quan trọng nhất của lễ tế Chúa Giêsu. Ngài dâng lời cảm tạ và nói:

"Này là Mình Thầy . . ."
"Này là chén Máu Thầy . . .".

Tất cả đều đã được nói ra và đã được thực hiện tại đây . . . Danh từ Eucharistia có nghĩa là Tạ Ơn, Ca Tụng và Tôn Thờ Thiên Chúa, để tỏ lòng tri ân của toàn thể nhân loại cùng với vị thủ lãnh của mình là Đức Kitô. Do đó nhịp điệu trang trọng của Kinh Tiền Tụng đã nói lên mục đích thứ nhất của việc tế lễ: dâng lên Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Con của Ngài, tất cả vinh quang Ngài có quyền đòi hỏi nơi chúng ta. Chẳng những toàn thể nhân loại, mà còn toàn thể vạn vật, cùng với toàn thể các thiên thần, đều được kết hiệp trong hành vi tôn thờ đó:"Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô Chúa trên các tầng trời."

THỰC HÀNH

1. Việc Truyền Phép thực hành điều Kinh Tiền Tụng diễn tả. Cũng như lễ tế thứ nhất trong bữa tiệc ly đi trước lễ tế trên thập giá. Thánh lễ nào cũng nhắc lại lễ tế trên thập giá và cho phép chúng ta tham dự vào lễ tế đó.

Trên thập giá đã xảy ra sự gì? Chúa Giêsu đã tự sát tế, Ngài đã dâng hiến mạng sống mình cho lẽ công minh của Chúa Cha, để đền tội chúng ta và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Như thế, khi chết cho chúng ta, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta được cùng với Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài sống đời sống mới, đời sống của con cái Thiên Chúa, mà Ngài đã đổ máu ra để trả lại cho chúng ta sự sống ấy.

Trên bàn thờ xảy ra sự gì? Cũng như trên thập giá, việc Truyền Phép bánh và rượu, cũng như lời đọc khi truyền phép đều nhắc lại việc sát tế trên núi Sọ, ở đó thân xác Chúa Giêsu bị bầm dập vì roi vọt và máu Ngài đã chảy ra đến giọt cuối cùng:"Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội". Linh mục chủ tế nói nhân danh Chúa Giêsu..

Nhưng chúng ta đừng quên điều này: từ lúc dâng của lễ, cuộc đời chúng ta hòa lẫn với lễ tế của Đức Kitô, chúng ta cùng hy sinh với Ngài, để làm vinh danh Chúa Cha, chúng ta chết cho tội lỗi, để được tái sinh trong ơn thánh và trong chính sự sống Thiên Chúa. Vậy, bạn hãy chấp nhận sự từ bỏ mà Thánh Lễ đã gợi lên cho bạn. Nhờ Đức Kitô, bạn hãy gỡ mình ra khỏi mọi dính bén với tội lỗi.

2. Thảm kịch thập giá sẽ dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh. Nhờ Thánh Lễ, chúng ta được chết với Đức Kitô thế nào, thì cũng nhờ Thánh Lễ, chúng ta được sống lại với Ngài như vậy. Như thế, sự đồng hóa của chúng ta với Đức Kitô, có tính cách thường xuyên, nhất là trong Thánh Lễ, chúng ta trở nên một với Ngài: Thánh Lễ giúp chúng ta thực hiện điều đó. Thánh Lễ là mầu nhiệm thập giá được đặt vừa tầm tay chúng ta và đưa mầu nhiệm thập giá vào cuộc đời chúng ta để nâng chúng ta lên đến tận Thiên Chúa. Thánh lễ nối kết hai việc tế lễ, quan trọng như nhau, và cần thiết như nhau, đối với ơn cứu độ của chúng ta. Nhưng việc tế lễ thứ hai chỉ có giá trị và chỉ được thực hiện nhờ việc tế lễ thứ nhất: Việc tế lễ của Đức Kitô không cần bắt đầu lại nữa, nhưng việc tế lễ của chúng ta phải được tiếp diễn mỗi ngày. Trong mỗi Thánh Lễ, cùng với mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm Phục Sinh cũng được tái diễn lại đối với Hội Thánh. Đức Kitô vinh hiển đã qua đau khổ, để vào vinh quang: Nhờ Thánh Lễ, Chúa Giêsu cũng muốn dẫn chúng ta qua các giai đoạn mà Ngài đã đi trước vì lòng yêu thương chúng ta. Bạn hãy để Chúa Giêsu dẫn dắt, bạn hãy để Ngài nắm lấy tay bạn. Ước chi Thánh Lễ bạn tham dự mỗi ngày, tập cho bạn đem thập giá vào cuộc đời bạn, để đời sống của bạn cũng mang một vết thương như Chúa Giêsu.

3. Do đó, việc tế lễ của Đức Kitô làm cho việc tế lễ của chúng ta có giá trị, đồng thời việc tế lễ của chúng ta là một Thánh lễ của Đức Kitô nối dài.

Quả thực, chúng ta biết điều này: Thiên Chúa sẽ không thể cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta không cộng tác với công cuộc cứu chuộc của Ngài. Trong tinh thần hiệp thông với Hội Thánh, chúng ta hãy đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách chúng ta cùng cộng tác với ơn cứu độ của Chúa Giêsu. (trích: Hương Việt, Suy niệm với các Bí Tích)

VII. TRANG THIẾU NHI

I/-Câu chuyện:

Trong giờ giáo lý sáng thứ năm, Tí và các bạn ngạc nhiên vì không phải thầy dạy lớp như mọi khi, mà chính Cha Sở xuống lớp.

-Sáng Chúa Nhật vừa rồi, bạn nào bỏ chầu Thánh Thể thì tự giác đứng lên!

Sau lời tuyên bố của Cha Sở, cả lớp im lặng như tờ. Chả là Chúa Nhật vừa rồi là ngày Chầu Lượt của Họ đạo. Để tiện việc giờ giấc, Cha Sở đã xếp phiên chầu của thiếu nhi ngay sau lễ nhì . Thánh lễ vốn dành riêng cho thiếu nhi. Sau khi lễ tan, biết hôm nay chỉ ở lại chầu Thánh Thể chứ không về lớp học giáo lý như mọi khi, hơn phân nửa thiếu nhi đã tự động bỏ ra về. Cha Sở giận lắm và hôm nay ngài xuống lớp để làm rõ về việc đó.

Nhìn vẻ mặt nghiêm của Cha Sở, Tí sợ lắm, nhưng em nghĩ mình đã có lỗi thì phải can đảm nhận, nên em quyết định đứng lên nhận lỗi. Sau đó, các bạn khác, tính ra hơn nửa lớp, cũng lần lượt đứng lên. Đứng nhìn các em một lúc, Cha Sở cất tiếng ôn tồn:

-Dù sao Cha cũng khen các con vì biết tự giác nhận lỗi. Nhưng các con phải cho Cha biết lý do tại sao các con lại bỏ chầu?

Nghe Cha nói thế, các em lần lượt nói lý do. Hầu hết cho rằng vì thấy sau lễ không phải về lớp học giáo lý như mọi khi, nên bỏ ra về, chứ không quan tâm đến việc chầu Thánh Thể. Những em còn lại, em thì nói phải về đi học thêm, em thì nói về trông nhà cho ba má, em thì nhận thẳng là mình ham đi chơi , thôi thì đủ mọi lý do!

Sau khi lắng nghe, Cha Sở kết luận:

-Theo các con kể, có rất nhiều lý do. Nhưng có một lý do chính mà không bạn nào nhắc đến, đó là các con chưa có thái độ tôn trọng đúng mức với Bí tích Thánh Thể, nếu không nói là phần nào các con đã xem thường Bí tích cực trọng đó.

Sau đó, Cha Sở đã dành hết thời giờ còn lại của buổi học để nói chuyện với các em về Bí tích Thánh Thể. Qua lời dạy của ngài, Tí và các bạn thấy được tầm quan trọng của Bí tích cực thánh này. Ngài cho các em thấy Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, chính vì và chỉ vì yêu thương chúng ta mà Chúa Giê-su đã lập BT/TT để “ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28,20); ngài cũng cho thấy Bí tích này là ” nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Ki-tô hữu ” (CĐ Vat.II . Hiến chế Tín lý LG , số 11); ngài cũng không quên nhắc nhở các em rằng BT/TT là Bánh Trường Sinh: không chỉ là của ăn, của uống thiêng liêng nuôi dưỡng hồn xác ta ở trần gian, mà những ân sủng thiêng liêng của BT/TT còn đưa dẫn chúng ta đến với sự sống đời đời .

Qua những lời dạy của Cha Sở, Tí và các bạn đã nhận ra sai lỗi của mình. Từ trước tới nay các bạn chưa có thái độ tôn trọng đúng múc đối với BT/TT. Mỗi bạn đều tự nhủ rằng từ nay mình sẽ yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể hơn, sẽ siêng năng đi lễ và rước lễ hơn, sẽ thường xuyên viếng Chúa hơn . Và chắc chắn rằng những buổi chầu Thánh Thể của thiếu nhi sau này, sẽ luôn có mặt đầy đủ của Tí và các bạn.

II/-Trò chuyện cùng thiếu nhi:

Các bạn thiếu nhi thân mến,

Có thể các bạn đang cười Tí và các bạn trong câu chuyện ở trên, vì các bạn ấy đã có lỗi trong việc bỏ trốn phiên chầu lượt của thiếu nhi. Nhưng nếu các bạn tự xét lại mình cách kỹ lưỡng, các bạn sẽ thấy rằng không khỏi có những lúc này lúc khác, chúng ta cũng đã mắc phải những sai phạm tương tự như thế. Thật vậy, biết bao lần tôi đã xem thường hoặc bất kính với BT/TT: khi tôi lười biếng trong việc đi lễ; khi tôi ơ hờ không ý thức giữ mình sạch tội để có điều kiện rước Chúa thường xuyên; khi tôi bỏ qua những dịp viếng Chúa hàng ngày; khi tôi đùa giỡn, nói chuyện, hay có những thái độ bất kính khác trong nhà thờ-nơi có Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm .

Tất cả những thái độ sai trái trên đều bắt nguồn từ việc không ý thức tầm quan trọng của BT/TT.

Trước hết, chúng ta phải thật sự xem BT/TT chính là nguồn sống của Giáo hội (Thông điệp Ecclesia de Eucharistia , số 1). Thật vậy, Chúa Giê-su đã lập BT/TT để ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Trong suốt cuộc lữ hành của Giáo hội về quê hương thiên quốc, BT/TT vẫn tiếp tục in dấu trên những ngày sống của Giáo hội, lấp đầy chúng với niềm hy vọng tín thác . (Thông điệp Ecclesia de Eucharistia , số 1).

Kế đến, chúng ta cũng phải xác tín rằng BT/TT cũng chính là ” nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Ki-tô hữu ” (CĐ.Vat II . Hiến chế Tín lý LG , số 11). Thật vậy, Chúa Giê-su đã lập ra BT/TT để Mình và Máu Người trở nên của ăn, của uống thiêng liêng nuôi dưỡng hồn xác ta. Và vì đó là Bánh Trường Sinh, nên không chỉ nuôi dưỡng và tăng sức cho ta trong cuộc lữ hành ở đời này, mà còn đưa chúng ta đến với sự sống đời đời.

Cuối cùng, BT/TT là Bí tích cực trọng, bao gồm mọi Bí tích, vì BT/TT chính là Chúa Giê-su Ki-tô, nguồn mạch mọi mầu nhiệm, mọi của cải thiêng liêng, mọi sức sống của Giáo hội.

Các bạn thiếu nhi thân mến,

Một khi các bạn đã có cái nhìn đúng đắn và đúng mức về BT/TT như trên, thì tự nhiên các bạn cũng sẽ có những thái độ yêu mến, trân trọng và tôn kính một cách tương xứng đối với BT/TT.

III/-Bài học thực hành:
-Em yêu mến, tôn kính, thờ phượng BT/TT với thái độ xứng hợp.
-Em tập siêng năng đi lễ và rước lễ mỗi ngày.
-Em tập thói quen viếng Chúa, nhất là mỗi khi có dịp đi ngang nhà thờ.
-Em tập giữ thái độ nghiêm trang đứng đắn trong nhà thờ, nơi có Chúa Giê-su Thánh Thể ngự trong Nhà Tạm.

VIII. BẠN CÓ BIẾT?

Tai họa sóng thần: Bài học về tình liên đới toàn cầu

Tính cho đến nay 01/01/2005, hơn 150.000 người đã bị thiệt mạng và mất tích bởi cơn sóng thần phát xuất từ một trận động đất dưới lòng biển Ấn Độ Dương tại Sumatra, Indonesia. Những cơn sóng cao đến hơn 10m đã đánh vào bờ biển của 9 quốc gia, để lại những tang thương kinh hoàng cho bao nhiêu gia đình. Khó lòng cầm được nước mắt trước cảnh bà mẹ Ấn Độ ôm xác con khóc ngất đi, bên cạnh đó người cha nghẹn ngào không nói lên lời; hay cảnh một thiếu phụ ô xác người chồng Indonesia và những đứa con đã một sớm một chiều vĩnh biệt chị.

Tầm vóc thiệt hại của cơn sóng thần này làm choáng váng các quốc gia và con số nạn nhân đông đảo này là do cơn sóng thần đã không hề được báo trước. Tính chất bất ngờ của cơn sóng đã là yếu tố chính gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về nhân mạng.

Trận động đất tại Sumatra đo được ở mức 9.0 độ Richter, là trận động đất lớn nhất từ năm 1509 đến nay trong khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vào năm 1964, ngoài khơi Alaska cũg đã xảy ra một trận động đất lên đến 9.2 độ Richter, nhưng chỉ có 122 người thiệt mạng. Khác biệt không phải là 9 chấm hay 9.2 chấm mà là có được báo trước hay không? Vào năm 1960, một trận động đất 9.5 độ Richter đã xảy ra tại Chilê và lan đến tận Nhật Bản nhưng thiệt hại cũng chỉ ở mức vài trăm người. Trong khi đó, đúng ngày 26/12 năm ngoái trận động đất ngoài khơi thành phố Bam của Iran chỉ có 6.6 độ Richter đã tiêu diệt 41,000 người. Cũng là yếu tố bất ngờ.

Cơ quan quản trị Hải Dương Học và Thiên Vn Học Hoa Kỳ (National Oceanic & Atmospheric Administration - NOAA) cho biết họ có 6 phao đặt từ đảo Aleutian ngoài khơi Alaska đến tận xích đạo. Khi cơn sóng thần vượt qua một phao, các khu vực duyên hải Hoa Kỳ lập tức được báo động.

Ông Vasily Titov, khoa học gia tùng sự tại văn phòng NOAA ở Seattle cho tờ Los Angeles Times biết : Một hệ thống cảnh báo sóng thần như thế không tồn tại ở khu vực Ấn Độ Dương.

Ông Waverly Person thuộc cơ quan Vật Lý Địa Chất Hoa Kỳ U.S. Geological Survey, cho biết TháiLan, Nam Dương và các nước Á Châu không có kế hoạch phòng thủ vì , chi phí bảo dưỡng quá cao so với những gì họ gặt hái được. Ông lạnh lùng bình luận: “ Vụ này là một bài học dành cho họ. Họ có quá nhiều những trận động đất lớn có khả năng gây ra sóng thần ” .

Cơ quan Vật Lý Địa Chất Hoa Kỳ cho biết trung tâm trận động đất nằm cách Jakarta 1,605km về phía Tây Bắc ở độ sâu đến 10km. Indonesia có 18,000 đảo trong khu vực núi lửa Thái Bình Dương và dân cư trên các đảo này dễ dàng làm mồi cho các cơn sóng thần trong khu vực quá nhạy cảm với động đất này.

Trong thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005, Đức Thánh Cha đã phàn nàn về sự thiếu chia sẻ kỹ thuật giữa các nước giàu và các nước nghèo. Ngài đã trưng dẫn Phi Châu như một thí dụ hùng hồn. Tai họa sóng thần này lại là một thí dụ nữa về sự thiếu vắng một tình liên đới toàn cầu.

IX. TÌM HIỂU

Tóm lược Thông điệp

Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Lúc 11 giờ sáng 16/12/2004 tại Vatican, Đức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đã mở cuộc họp báo giới thiệu thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được cử hành vào ngày 1/1/2005 tới đây với đề tài là một câu trích từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Rôma: “ Anh em đừng để sự dữ lấn lướt, nhưng hãy chiến thắng sự dữ bằng điều thiện ” (Rm 12, 21).

Đức Hồng Y nhận định rằng: “ Qua câu nói trên đây Thánh Phaolô Tông Đồ mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc phân định cá nhân cũng như cộng đoàn về những vấn đề quyết định liên quan đến sự dữ và ảnh hưởng thê thảm của nó trong đời sống con người. Thánh nhân nhắn nhủ hãy thực hiện và phổ biến điều thiện với một trách nhiệm trưởng thành. Toàn thể thông điệp của Đức Thánh Cha đã dùng thư của Thánh Phaolô gởi các tín hữu Rôma như một hướng đi để đề cập đến vấn đề hòa bình và đặt nó trong một suy tư về sự dữ và sự thiện ”

Đức Thánh Cha viết viễn tượng của “ Vị Đại Tông Đồ này đem đến một sự thật nền tảng: hòa bình là thành quả của một cuộc chiến lâu dài và cam go mà chỉ có thể thắng khi sự dữ bị khuất phục bởi điều thiện. Khi chúng ta nhìn đến thảm cảnh của những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn trên nhiều miền của thế giới, và những đau khổ, bất công không sao kể xiết mà chúng gây ra, lựa chọn duy nhất có tính xây dựng thực sự, như Thánh Phaolô đưa ra, là anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành (x. Rm 2, 9) ” .

Trong bối cảnh đó, hòa bình được định nghĩa như một thiện ích cần phải được thăng tiến bằng điều thiện. Hòa bình là điều thiện hảo cho cá nhân, cho gia đình, cho quốc gia và cho toàn nhân loại; tuy nhiên đó là điều cần phải được duy trì và vun trồng bởi những quyết định và những hành động được linh hứng hởi điều thiện.

Đức Hồng Y Martino nhận định rằng thông điệp của Đức Thánh Cha gồm ba phần, trong đó đề tài hòa bình lần lượt được bàn đến trong tương quan với những khía cạnh và bình diện khác nhau của điều thiện. Trong phần thứ nhất, hòa bình được xét đến trong tương quan với sự thiện luân lý. Trong phần thứ hai hòa bình được nhìn trong tương quan với một nguyên tắc tiêu biểu của đạo lý xã hội Hội Thánh. Đó là nguyên tắc về công ích. Trong phần thứ ba, hòa bình được bàn đến trong quan hệ chặt chẽ với việc sử dụng những của cải trái đất và có sự tham chiếu thích hợp đến một nguyên tắc khác của giáo huấn xã hội Công Giáo theo đó mọi tài nguyên Chúa dựng nên là để cho tất cả mọi người: “ Thiên Chúa muốn thế giới và tất cả những tài nguyên của nó phải được dùng cho mọi người và mọi dân tộc; sao cho các tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ đồng đều cho mọi người, theo sự hướng dẫn của công lý đi kèm với bác ái ” .

Trong phần thứ nhất, Đức Thánh Cha bác bỏ mọi lối giải thích lịch sử theo đó sự dữ trong thế gian này là một động lực khách quan, phi nhân cách hay đã được tiền định ra như vậy. Sự dữ là : hệ quả của sự tự do của con người. Tự do, điều phân biệt con người với những loài thọ tạo khác trên thế giới, luôn hiện diện nơi trung tâm của thảm trạng sự dữ. Sự dữ luôn có một danh xưng và một khuôn mặt: đó là danh xưng và dung mạo của những người nam nữ lựa chọn nó cách tự do. Thánh Kinh dạy chúng ta rằng ở buổi sơ khai của lịch sử nhân loại, Ađam và Evà đã phản nghịch cùng Thiên Chúa, và Cain đã giết Abel, em mình (x. Sáng Thế 3-4). Đây là những lựa chọn sai lầm, được tiếp nối bởi vô vàn những điều khác nữa trong những thế kỷ tiếp theo. Mỗi một lựa chọn này có một chiều kích luân lý nội tại, liên quanđến những trách nhiệm cá nhân và mối liên hệ căn bản cá vị của mỗi người với Thiên Chúa, với tha nhân và với tất cả những thụ tạo.

Bàn về quan hệ giữa sự dữ, sự thiện và yêu thương, Đức Thánh Cha nhận định: Ở mức thâm sâu nhất, sự dữ là sự khước từ bi đát những đòi hỏi của yêu thương.Sự thiện luân lý, ngược lại, được sinh ra trong yêu thương, tỏ lộ chính mình như tình yêu và hướng về tình yêu. Tất cả điều này đặc biệt hiển nhiên với những người Kitô hữu, là những người biết rằng tư cách thành viên trog Nhiệm Thể Chúa Kitô đặt họ vào một mối quan hệ đặc biệt không chỉ với Thiên Chúa nhưng còn với anh chị em của mình. Luận lý nội tại của tình yêu Kitô Giáo, theo Tin Mừng là nguồn sinh lực cho những hành vi luân lý thiện hảo, dẫn đến việc yêu thương kể cả kẻ thù: “ kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống ” (Rm 12, 20).

Dựa trên phân tích về mối tương quan giữa sự dữ, sự thiện và yêu thương, Đức Thánh Cha khẳng định rằng : Để đạt đến thiện ích của hòa bình, cần phải có một sự nhìn nhận rõ ràng và đầy ý thức rằng bạo lực là tội ác không thể chấp nhận được và nó không bao giờ giải quyết được những vấn nạn. “ Bạo lực là điều dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin chúng ta, sự thật của nhân loại chúng ta. Bạo lực hủy diệt điều mà nó tuyên bố bảo vệ: phẩm giá, sinh mạng, và tự do của con người ” . Điều cần thiết là một nỗ lực to lớn để hình thành lương tâm và giáo dục thế hệ trẻ về những điều thiện qua việc đề cao chủ nghĩa nhân bản hội nhập và huynh đệ mà Giáo Hội công bố và đề cao. Đó là nền tảng cho một trật tự xã hội, kinh tế và chính trị tôn trọng phẩm giá con người, tự do và các quyền căn bản của mỗi cá nhân.

Trong phần thứ hai, Đức Thánh Cha bàn đến hòa bình trong tương quan với thiện ích chung. Hoà bình không thể nào đạt được trên luận lý “ mạnh được yếu thua ” , “ sống chết mặc bây ” .Trái lại, Đức Thánh Cha khẳng định muốn có hòa bình, trong phạm vi xã hội, mỗi người phải : thường xuyên để ý đến thiện ích của người khác như là thiện ích của chính mình. Trách nhiệm này cách riêng thuộc về những nhà cầm quyền chính trị ở mọi cấp, vì họ được mời gọi để tạo ra tổng hợp những điều kiện xã hội cho phép và nuôi dưỡng nơi mọi người sự phát triển toàn diện của họ. Quan hệ giữa các dân nước cũng vậy, Thiện ích chung, đòi buộc sự tôn trọng đối với sự thăng tiến toàn diện của cá nhân và những quyền căn bản của họ, cũng như đòi buộc phải tôn trọng sự thăng tiến quyền lợi các quốc gia trên hoàn vũ. Về phương diện này, Công Đồng Chung Vatican II đã nhận xét rằng: “ sự phụ thuộc tương tác ngày một gần gũi đang dần dà bao trùm toàn thế giới sẽ dẫn đến một thiện ích chung phổ quát hơn.. và điều này lôi kéo theo những quyền lợi và bổn phận trên quy mô toàn nhân loại. Mỗi một nhóm xã hội cần phải tính đến các nhu cầu và những khát vọng hợp pháp của các nhóm khác cũng như thiện ích chung của toàn nhân loại " . Thiện ích của toàn nhân loại như một tổng thể, bao gồm cả những thế hệ tương lai, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế thật sự, theo đó mỗi nước cần phải đưa ra những cống hiến của mình..

Đức Thánh Cha cũng thẳng thắn bác bỏ một số quan điểm có khuynh hướng giản lược hóa đã trình bày thiện ích chung như một tình trạng kinh tế-xã hội thịnh vượng thuần tuý, thiếu mất mục đích siêu việt, và như thế đánh mất đi ý nghĩa sâu sa nhất của nó.. Đức Thánh Cha khẳng định: “Thiện ích chung có một chiều kích siêu việt, vì Thiên Chúa là cùng đích của mọi tạo vật do Ngài dựng nên. Người Kitô hữu biết rằng Đức Kitô đã dõi chiếu ánh sáng tỏ tường trên cách thức làm sao thiện ích chung của nhân loại có thể đạt được. Những hành trình lịch sử hướng về Đức Kitô và trong Ngài tìm thấy được cùng đích của nó: bởi vì nơi Chúa Kitô, qua Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô mọi thực tại nhân loại có thể được dẫn đến sự viên mãn hoàn toàn nơi Thiên Chúa”.

Trong phần thứ ba, Đức Thánh Cha đã nhắc đến khái niệm “công dân thế giới”, một điều ngài đã từng trình bày tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. “Là thành viên của gia đình nhân loại, mỗi người trở nên công dân của thế giới, với những bổn phận và quyền lợi đi kèm, vì tất cả nhân loại được liên kết bởi một nguồn gốc chung và có cùng một phẩm giá cao trọng”. Với đà gia tăng của hiện tượng toàn cầu hóa, các nước càng ngày càng có những phụ thuộc tương tác với nhau đến mức hòa bình và an ninh của một nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự ổn định chung trong vùng và trên thế giới.

Những vấn đề cam go nhất đe dọa nền hòa bình thế giới hiện nay là vấn đề sử dụng của cải trái đất, vấn đề hợp tác quốc tế, chia sẻ tiến bộ kỹ thuật, tình liên đới, thảm trạng nghèo đói tột cùng của một số nước và vấn đề nợ nước ngoà chồng chất.

Theo Đức Thánh Cha, thiện ích của hòa bình có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của tất cả các dân tộc, những yêu cầu luân lý cho việc sử dụng các tài nguyên của trái đất luôn phải được tính đến. Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở thật chính đáng rằng: “Thiên Chúa muốn thế giới và tất cả những tài nguyên của nó phải được dùng cho mọi người và mọi dân tộc; sao cho các tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ đồng đều cho mọi người, theo sự hướng dẫn của công lý đi kèm với bác ái”.

Đức Thánh Cha đã trưng dẫn Phi Châu như một bằng chứng hùng hồn cho thấy trái với những hứa hẹn tốt đẹp được lặp đi lặp lại nhiều lần, tình liên đới và sự hợp tác quốc tế dành cho đại lục này còn chủ yếu trên môi miệng. Đức Thánh Cha ghi nhận: “cơ man những khó khăn trên đường phát triển của Phi Châu: vô số những cuộc xung đột vũ trang, các dịch bệnh gây ra bởi nghèo đói tột độ, và sự bất ổn chính trị đang dẫn đến tình trạng bất an lan rộng. Đó là những thảm trạng đòi hỏi một hướng đi cấp tiến mới cho Phi Châu: trong đó có nhu cầu phải hình thành những hình thái liên đới mới, ở các cấp độ song phương và đa phương, thông qua một sự cam kết với quyết tâm hơn nữa của tất cả mọi phía, với niềm xác tín hoàn toàn rằng sự thịnh vượng của các dân tộc Phi Châu là một điều kiện thiết yếu cho sự đạt đến thiện ích chung toàn cầu”.

Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng: “Ngày nay, hơn bao giờ hết, điều có tính chất quyết định mang lại hòa bình cho thế giới là việc nhìn nhận các phụ thuộc tương tác giữa các nước giàu và các nước nghèo, đến mức sự phát triển hoặc là được chia sẻ ở mọi miền trên thế giới, hoặc là sẽ dẫn đến một tiến trình suy thoái ngay cả tại các miền được ghi dấu bởi sự tiến bộ không ngừng”.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu đừng đánh mất đi niềm hy vọng. Mặc dầu “mầu nhiệm của sự ác” (2 Th 2, 27) vẫn hiện diện và tác quái trong thế giới, chúng ta không được quên rằng nhân loại đã được cứu chuộc có thể chống lại nó. Mỗi tín hữu, đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc bởi Đức Kitô, “Đấng cách nào đó đã liên kết chính mình với mỗi người”, có thể hợp tác vào chiến thắng của sự thiện. Tác động của “Thánh Thần Thiên Chúa ngập tràn trái đất” (x Kn 1, 7).

Vì thế, “Các Kitô hữu, đặc biệt anh chị em giáo dân”, “không thể chôn kín niềm hy vọng của họ trong thẳm sâu tâm hồn, nhưng phải diễn tả ra qua các cấu trúc cuộc sống trần gian của họ trong sự hoán cải liên tục và trong cuộc chiến chống lại các quyền lực tối tăm của thế giới, chống lại các thế lực tinh thần của sự dữ”. (Eph 6, 12)

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Không một người nam nữ thiện chí nào có thể từ bỏ cuộc đấu tranh chiến thắng sự dữ bằng điều thiện. Cuộc chiến này chỉ có thể có hiệu quả với vũ khí yêu thương. Khi điều thiện chiến thắng sự dữ, tình yêu thắng thế và nơi đâu tình yêu thắng thế, nơi đó có hòa bình”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến năm nay Giáo Hội đang cử hành năm Thánh Thể. Đức Thánh Cha cầu mong ,mọi con cái nam nữ của Giáo Hội tìm thấy nơi bí tích cao cả của tình yêu này nguồn mạch của mọi sự hiệp thông: hiệp thông với Đức Giêsu Cứu Thế và, trong Ngài, hiệp thông với mỗi con người. Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, hiện diện cách bí tích trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta được cứu khỏi sự dữ và có thể thực thi điều thiện. Qua cuộc sống mới mà Đức Kitô ban cho, chúng ta có thể nhận ra người khác là anh chị em của mình, bất chấp mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch, và văn hóa. Tóm lại, qua việc chia sẻ trong cùng một bánh và cùng một chén, chúng ta đi đến nhận thức rằng chúng ta là “gia đình củaThiên Chúa” và rằng cùng nhau chúng ta có thể đưa ra cống hiến có hiệu quả để xây dựng một thế giới trên cơ sở các giá trị công lý, tự do và hòa bình”. (Theo Vietcatholic News)

2456    20-04-2012 10:34:18