Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Giáo Hội và Việc Thi Hành Thẩm Quyền

Đức Cha Samuel Aquila, giám mục giáo phận Fargo, North Dakota, trong một diễn văn đọc trước Hội Nghị Chuyên Đề Hàng Năm lần thứ 10 về Linh Đạo Và Bản Sắc Linh Mục Triều, do Viện Đào Tạo Linh Mục và Chủng Viện Thánh Charles Borromeo bảo trợ, tổ chức tại Philadelphia, Pensylvania ngày 22 tháng 3 vừa qua, thúc giục các linh mục hãy mạnh dạn noi gương Chúa Giêsu thi hành thẩm quyền của mình, không sợ phải sửa dạy người khác để phục vụ sự thật.

Ngài cho hay: từ Công Đồng Vatican II, cả thế giới lẫn Giáo Hội đều đã sống qua nhiều thời kỳ người ta chất vấn thẩm quyền, biến việc thi hành thẩm quyền trở nên khó khăn, vất vả. Đâu đâu, cũng thấy chủ nghĩa hoài nghi, ngờ vực, bất đồng và thách thức chống lại việc thi hành thẩm quyền. Bên trong Giáo Hội, việc này tỏ ra càng đặc biệt khó khăn vì nền văn hóa thế tục đang phá hoại bất cứ thẩm quyền nào được gán cho Thiên Chúa. Nó còn biến con người thành Thiên Chúa nữa.

Tuy nhiên, Đức Cha Aquila quả quyết rằng: dù chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, mà thuộc về Chúa Kitô, nên ta phải thi hành thẩm quyền như Chúa Giêsu đã thi hành, để phục vụ Chúa Cha, phục vụ sự thật, và phục vụ những ai đã được trao phó cho ta.

Thẩm quyền giảng dạy
Ai cũng biết: Giáo Hội được Chúa trao cho ba thẩm quyền: giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Cả ba thẩm quyền này ngày nay đều bị thách thức một cách trầm trọng. Nhưng nó là ba thẩm quyền tạo nên bản chất Giáo Hội. Ta có bổn phận thi hành theo khuôn mẫu Người Mục Tử Nhân Hậu, nghĩa là gắn bó với Chúa Kitô cả trong cuộc sống bản thân lẫn trong việc thi hành sứ vụ tông đồ, sao cho tâm tư Chúa Kitô hoàn toàn hướng dẫn tư tưởng, lời nói và việc làm của ta, và ánh sáng từ khuôn mặt Chúa Kitô chiếu rọi việc chăm sóc các linh hồn của ta. Câu hỏi của mọi người thi hành thẩm quyền do Chúa Giêsu trao phó cho, vì thế phải là: tôi có muốn để thẩm quyền của Chúa Giêsu chiếm hữu hay tôi muốn bám theo những ông thầy hợp với ý thích của tôi, để rồi xa rời sự thật, chạy theo những huyền thoại của thời đại? (2Tm 4:3-4).

Riêng về thẩm quyền giảng dạy, Chúa Giêsu luôn sử dụng một ngôn từ minh bạch, trực tiếp khi trình bày giáo huấn của Người, một giáo huấn của sự thật. Bài giảng trên núi là một điển hình: người nghe nào cũng hiểu rõ Người muốn nói gì về việc chu toàn lề luật và cái giá phải trả để thành môn đệ. Đã đành, Chúa hết sức cảm thương người có tội, người bệnh và bị qủy ám; Người dạy về tính trổi vượt của tình yêu, nhưng Người cũng dạy người ta về vâng lời và sự thật.

Chúa Giêsu không bao giờ từ chối trả lời các câu hỏi, ngay cả khi câu trả lời ấy khiến người ta khó chịu. Người thanh niên giầu có chán nản bỏ đi vì câu trả lời của Người, nhưng Người không chạy theo năn nỉ anh ta, chỉ tiếp tục nhắc nhở môn đệ rằng: với Thiên Chúa, việc gì cũng có thể. Khi giảng dạy, đức bác ái phải đi đôi với sự thật vì ích lợi người nghe.

Sự thật trên, theo Đức Bênêđíctô XVI, cần được nội tâm hóa và đem ra sống thực để người dạy thực sự đi vào hiệp thông sâu sắc với Chúa Kitô (Yết kiến chung, 14/04/2010). Mục tiêu của giảng dạy là giúp tín hữu vâng phục đức tin, chấp nhận sự thật được Thiên Chúa bảo đảm, đã được mạc khải trong Thánh Kinh và được trình bày trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo.

Khi giảng giải như thế, ta phải hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô, nghĩa là để qua một bên các ý kiến riêng để chỉ nhìn bằng con mắt và trái tim Chúa Kitô. Ở đây cần nhấn mạnh sự dị biệt giữa suy tư thần học và sự chống đối (dissent). Chống đối hay từ khước không chấp nhận kho tàng đức tin là việc của cha sự dối trá. Còn suy tư thần học nhằm mục đích thâm hậu hóa và phong phú hóa sinh hoạt Giáo Hội.

Đàng khác, không bao giờ có lý do phải xin lỗi, phải bào chữa cho giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Thánh Phaolô từng nhắc nhở Timôtê về điều này (2Tm 4:2). Khi thế gian coi Chúa Giêsu như không còn hợp thời, là đầy tớ của Người, ta phải giảng dạy một cách mạnh bạo, không ngập ngừng do dự.

Thẩm quyền thánh hóa
Phải làm cho người ta nên thánh bằng ơn thánh của Chúa qua các bí tích và á bí tích mà Chúa đã ủy cho Giáo Hội. Đức Bênêđíctô XVI nhắn nhủ các linh mục phải hiểu rõ mình là dụng cụ cần thiết cho hành động cứu rỗi của Thiên Chúa và chỉ là dụng cụ mà thôi. Nên các vị cần khiêm nhường và đại lượng trong việc ban phát các bí tích, biết tôn trọng các qui định chính thức, biết hướng dẫn người cử hành cũng như người lãnh nhận bí tích vào hiệp thông với Chúa Cha, Đấng vốn là nguồn mọi sự thánh thiện.

Ở đây cần nhấn mạnh rằng ta nhận được thẩm quyền thánh hóa qua đức vâng lời. Muốn là một dụng cụ trung thành, linh mục phải truyền lại điều mình đã lãnh nhận (1 Cor 11:23). Điều này có nghĩa: người thụ phong phải trung thành với sách phụng vụ của Giáo Hội và việc cử hành đúng đắn các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

Tưởng cũng nên nhắc lại Chúa Giêsu đã trao quyền thánh hóa cho các tông đồ và nhóm 72 môn đệ để họ tha tội (Ga 20:22-23), giảng dạy, chữa bệnh và xua trừ ma quỉ (Mc 3:14-15; Lc 9:1; 10:19; Eph 6:12). Linh mục không bao giờ sợ sệt chữa lành và giải thoát khi được tín hữu yêu cầu. Họ được Chúa trao thẩm quyền để chiến thắng quyền lực sự ác trong trận chiến thiêng liêng.

Thẩm quyền cai trị

Có lẽ điều khó khăn nhất đối với các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội ngày nay, do ảnh hưởng của thế giới thế tục, một thế giới bác bỏ Thiên Chúa và thẩm quyền của Người, và chủ nghĩa hoài nghi về thẩm quyền nói chung, chính là việc thi hành thẩm quyền cai trị. Ở đây, theo Đức Bênêđíctô XVI, các nhà lãnh đạo phải học hỏi cách Chúa Giêsu thi hành thẩm quyền này.

Người thẳng thắn kêu gọi người ta ăn năn, thay đổi lối hành động và suy nghĩ. Sự thẳng thắn này hẳn làm nhiều người chúng ta ngày nay khó chịu. Nhưng ta nên bắt chước gương sáng và ngôn từ của Người, dù ta không sử dụng y chang các từ ngữ của Người. Ngôn từ của Chúa Kitô quả là tuyệt diệu và nhất định phải thách thức ta tìm ra cách sửa dạy các tín hữu, kể cả các linh mục và các giám mục, và nói sự thật, nhất là cho những ai nói rằng họ theo Chúa Kitô và Giáo Hội nhưng không chấp nhận giáo huấn của Người và của Giáo Hội.

Chỉ cần đọc chương 23 Tin Mừng Mátthêu ta sẽ thấy ngôn ngữ mạnh mẽ mà Chúa Giêsu dùng để nói với và nói về Biệt Phái và Luật Sĩ. Người gọi họ là giả hình, mù dẫn mù, mồ sơn trắng, rắn độc, loài hổ mang, tránh sao khỏi bị phạt sa hoả ngục. Trong thế giới cái gì cũng phải chính xác về chính trị (politically correct) ngày nay, loại ngôn từ này khó được chấp nhận, ấy thế nhưng các soạn giả Tin Mừng đâu có ngần ngại truyền lại cho ta!

Ngay với Phêrô, Người cũng đâu có nhỏ nhẹ, Người quát ông: im lặng, đồ Xa tan! Ngươi cản trở Ta; vì ngươi không về phe Thiên Chúa mà về phe con người (Mt 16:23). Có điều, Người nói thế vì yêu thương, muốn mở mắt những người mà tâm trí đã trở thành chai đá. Lời nói thẳng thắn của Người, nói ra vì yêu những con người ấy, chỉ muốn họ ăn năn quay về với đường lối của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng cung cấp cho Giáo Hội và các nhà lãnh đạo Giáo Hội các tiêu chuẩn để sửa dạy anh em. Nếu họ có lỗi hãy bảo họ một mình, họ nghe thì tốt. Họ không nghe, thì lấy thêm người khác đến nói với họ. Họ không nghe, thì mang chuyện ra Giáo Hội. Đến Giáo Hội mà họ cũng không nghe, thì kể họ là người ngoài (Mt 18:16-17). Các bước này hết sức rõ ràng, nhưng hình như ta chưa chịu theo. Nếu ta theo những bước đó với các nhà thần học, các linh mục, tu sĩ và giáo dân bất đồng ngay từ năm 1968, lúc có "Sự Sống Con Người", thì theo Đức Cha Aquila, ngày nay ta đâu có phải nhức đầu với những người bất đồng về ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, an tử và nhiều vấn đề khác.

Người ta có quyền hỏi tại sao một chính trị gia Công Giáo ủng hộ điều tự gọi là quyền phá thai, nhưng Đức Gioan Phaolô II gọi là giết người, mà vẫn được rước lễ? Việc ấy còn hơn cả bất đồng, vì là một gương mù quá lớn, phá hoại thẩm quyền giảng dạy và cai trị của Giáo Hội và có thể được tín hữu giải thích là những người có trách nhiệm cai trị đã dửng dưng đối với giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo Hội. Một cách trung thực, ta chỉ thấy sự do dự và vô trách nhiệm này không phải là đường lối của Chúa Kitô, mà đúng hơn là việc thất bại không thi hành thẩm quyền cai trị.

Đức Cha Aquila nhấn mạnh: như một hành vi vâng phục đầy yêu thương đối với Chúa Kitô, các giám mục và linh mục phải trở lại với việc thi hành trọn vẹn thẩm quyền cai trị của Chúa Kitô như đã được ghi lại trong Tin Mừng. "Nếu chúng ta không thi hành thẩm quyền ấy, do dự không chịu thi hành thẩm quyền này, hay hoài nghi nó, thì điều này chỉ dẫn ta tới cha sự gian dối, kẻ sẽ nắm trọn tâm trí tín hữu, và họ sẽ mãi mãi hành động theo đường lối con người chứ không phải đường lối Thiên Chúa".

Đức cha nhắc lại lời Đức Bênêđíctô XVI nói với ký giả Peter Seewald trong "Ánh Sáng Thế Gian": não trạng nổi bật sau Vatican II cho rằng Giáo Hội không nên là một giáo hội của luật lệ, mà phải là Giáo Hội của yêu thương, không trừng phạt. Như thế hóa ra việc trừng phạt như một hành động yêu thương đã không còn hiện hữu nữa hay sao? Hiểu như thế là hạn hẹp hóa ý niệm yêu thương, nó đâu phải chỉ là dễ thương (nice) hay lịch sự, mà còn phải tôn trọng sự thật. Sự thật là: tình yêu đối với người gây họa và tình yêu đối với người bị hại cần được cân bằng qua việc trừng phạt kẻ gây hại một cách có thể và thích đáng (tr.25-26).

Như thế, có thứ tình yêu sửa lỗi vì lợi ích người ta. Sửa lỗi có thể khó khăn và gây đau đớn, điều này, cha mẹ nào cũng biết, và mục tử của Chúa Kitô cần phải sẵn sàng chấp nhận bị rẫy bỏ, bị người khác giận dữ khi nói sự thật vì lợi ích người ta, và vì lợi ích Giáo Hội. Sửa lỗi và/hay trừng phạt một ai đó phạm trọng tội lỗi tình yêu đích thực là hành vi phục vụ yêu thương và sự thật. Trong thế giới ngày, quá nhiều người nghĩ rằng sửa trị hay trừng phạt là không yêu thương người khác mà là thống trị họ. Đức Cha Aquila cho rằng ý nghĩ đó chỉ có thể phát xuất từ cha sự dối trá. Ngần ngại hay do dự không sửa lỗi hay không trừng phạt thích đáng là không mời gọi người khác bước vào sự thật giải thoát, và như thế là thiếu bác ái. Môn đệ Chúa Kitô từ khước điều này.

Hiệp thông với Chúa Kitô
Đức cha Aquila nhiều lần nhấn mạnh chủ đề: phải thi hành thẩm quyền trong hiệp thông với CHúa Kitô, dựa theo khuôn mẫu của Người. Ngài quả quyết: "Chúa Giêsu là mục tử; Người dạy giám mục, linh mục và linh mục tương lai chúng ta cách chăn dắt, cách sống thẩm quyền mục vụ của Người, một thẩm quyền đã được Người và Chúa Thánh Thần ban cho ta lúc ta được thụ phong". Thẩm quyền ấy, Người lãnh nhận từ Chúa Cha, để phục vụ Chúa Cha.

Tân Ước dùng chữ exousia để chỉ rằng thẩm quyền của Chúa Giêsu là một thẩm quyền nhận được chứ không hẳn một thẩm quyền nội tại. Thẩm quyền của Người không phải là một thẩm quyền tự nó đầy đủ mà là môt thẩm quyền biết nhìn nhận sự tối thượng của Chúa Cha. Dù Chúa Giêsu có "quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống" của Người (Ga 10:18), nhưng Người khiêm nhường và vâng phục nhìn nhận rằng mọi quyền đều từ Chúa Cha. Qua cái chết và sự phục sinh, mọi thẩm quyền trên trời hay dưới đất đều được ban cho Người (Mt 28:18). Tất cả là do Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Tâm điểm của thẩm quyền này là đức vâng lời và tình yêu. Đức Cha Aquila trích dẫn cuốn "Một Bài Ca Mới Cho Chúa" của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Cuốn này nói tới thẩm quyền vâng lời: Chúa Giêsu chỉ tìm cách thi hành thánh ý Chúa Cha. Người hoàn toàn phó mình cho thánh ý Chúa Cha. Đức Hồng Y trích dẫn các suy niệm của Romano Guardini về sự vâng lời của Chúa Giêsu: vâng lời không phải là điều thứ yếu nơi Chúa Giêsu, mà là cốt lõi bản tính Người. Vì quyền năng của Người chính là thánh ý Chúa Cha được Người tự do chấp nhận. Trong trái tim và ý chí nhân bản của mình, luôn kết hiệp nội tâm với Chúa Cha, Người tiếp nhận và chấp nhận thánh ý Chúa Cha, không hề bị trói buộc bởi thánh ý ấy. Như hế, Chúa Giêsu thong dong thi hành thẩm quyền của mình trong sự kết hợp đầy yêu thương với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.

Theo Đức Cha Aquila, Đức Hồng Y Ratzinger cũng cho rằng quyền năng của Chúa Giêsu là quyền năng dựa trên tình yêu, một tình yêu trở nên quyền năng. Chính quyền năng này chỉ đường cho ta từ những gì rờ mó thấy và nhìn thấy tới những gì vô hình và thực sự hiện thực trong tình yêu quyền năng của Thiên Chúa. Mà tình yêu thì luôn luôn vâng lời bởi nó luôn hướng về người yêu, không hướng về chính mình. Thẩm quyền do vâng lời của Chúa Giêsu đặt cơ sở trên chính tình yêu vô điều kiện từ đời đời của Người đối với Chúa Cha.

Đức Cha nhấn mạnh: "Chúa Giêsu, khi thi hành thẩm quyền của mình, lúc nào cũng có ý nguyện của Chúa Cha trong cả ý chí nhân bản lẫn ý chí thần linh của Người thế nào, thì chúng ta, trong tư cách môn đệ của Người, chúng ta cũng được kêu mời phải có ý nguyện của Chúa Giêsu trong ý chí nhân bản của mình để thi hình thẩm quyền của Người như thế". Nguồn gốc ý nguyện của Chúa Giêsu phát xuất từ việc cầu nguyện chiêm niệm, trong đó, trong một cử chỉ phó thác tin yêu, ta bước vào trái tim của Ba Ngôi Thiên Chúa. Lời cầu nguyện thân mật với con mắt hướng về người yêu sẽ dẫn ta tới đức vâng lời: "như Cha đã yêu Ta thế nào, Ta cũng yêu các con như vậy; hãy ở lại trong trái tim Ta. Nếu các con giữ các giới răn Ta, các con sẽ ở trong tình yêu của Ta, hệt như Ta đã giữ các giới răn của Cha Ta và ở trong tình yêu của Người. Ta nói với các con những điều này để niềm vui của Ta ở trong các con, và niềm vui của các con nên trọn vẹn" (Ga 15:9-11).

Đào tạo chủng sinh
Đức Cha Aquila kêu gọi phải đặc biệt lưu ý tới việc đào tạo trái tim chủng sinh, giúp họ tiếp nhận ý nguyện của Chúa Giêsu trong chính trái tim họ, và chuẩn bị để họ tiếp nhận trong vâng phục thẩm quyền mà Người sẽ trao vào tay họ ngày họ được thụ phong.

Về phương diện này, Đức Cha đưa ra 4 phương thế thực tiễn: đọc Lời Chúa (lectio divina), bài học Nadarét, bí tích hòa giải và cử hành Thánh Lễ hàng ngày.

Về việc đọc lời Chúa, Đức Cha Aquila nhắc lại Tông Huấn Lời Chúa của Đức Bênêđíctô XVI, theo đó, lời Chúa chính là nơi Chúa Cha tự tỏ mình cho chúng ta, đặc biệt nhất qua Lời của Người là Chúa Giêsu. Theo Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn "Pastores Dabo Vobis", đọc lời Chúa không những giúp ta xa lánh điều ác và gắn bó với điều thiện, mà còn nuôi dưỡng trái tim ta bằng chính tâm tư Thiên Chúa, nhờ thế, đức tin sẽ trở thành căn bản mới để ta phán đoán và lượng định người và sự việc, biến cố và vấn đề. Cũng nhờ đọc lời Chúa, ta chia sẻ cuộc đàm đạo cha con giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, và nhờ chia sẻ cuộc đàm đạo này, ta trở nên một người con trong Chúa Con và nhờ Chúa Con, ta trở nên của lễ dâng lên Chúa Cha. Tóm lại, nhờ đọc lời Chúa, người chủng sinh thuộc lòng mọi lời, mọi hành động và mọi tâm nguyện của Chúa Giêsu, nhờ thế thâm hậu hóa được ý thức về bản sắc thực sự của mình như là người con yêu dấu của Chúa Cha. Tâm nguyện của họ sẽ trở thành đức vâng lời đầy con thảo của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, giúp họ sẵn sàng tự do hiến đời mình cho những người họ phục vụ.

Về bài học Nadarét, Đức Cha Aquila cho hay: theo đức Phaolô VI khi ngài viếng thăm nơi này năm 1964, đó là bài học thinh lặng và đơn sơ. Trước khi Chúa Giêsu sinh ra, Đức Mẹ và Thánh Giuse ngoan ngoãn, sẵn sàng tiếp nhận Lời Chúa. Đức Mẹ vâng nghe lời Gabrien chuyển giao và chính trong tình yêu tiếp nhận ấy, Ngôi Lời đã mặc lấy xác thịt trong lòng Đức Mẹ. Ngài cưu mang Chúa Giêsu 9 tháng, sinh hạ rồi dạy dỗ Người. Ngài thinh lặng suy niệm trong tâm hồn tất cả mọi điều người ta nói về Con mình (Lc 2:19, 51). Sự suy niệm này dẫn ngài tới một tình yêu sâu đậm hơn, tiếp nhận nhiều hơn, một tình yêu cuối cùng đã dẫn ngài tới chân Thánh Giá, hoàn toàn hiến thân cho Con trong cái chết của Người.

Thánh Giuse, thoạt đầu còn ngần ngại vì sự bất xứng của mình, vì dù sao, ngài cũng là người có tội như ta, nhưng sau đó đã mở trái tim mình ra trong một thái độ phó thác đầy tin yêu, đón nhận sứ điệp của thiên thần trong giấc mơ, và nhận Đức Mẹ làm vợ mình (Mt 1:24). Ngài che chở Chúa Giêsu và Đức Mẹ, và dạy Chúa Giêsu biết yêu lễ Vượt Qua, yêu Thánh Kinh, yêu nghề thợ mộc. Người chủng sinh có thể học nơi Thánh Giuse cách làm một người cha của những Giêsu đang hiện diện trong linh hồn những người sẽ được trao cho họ chăm sóc mục vụ.

Còn Chúa Giêsu thì, tại Nadarét, luôn khiêm hạ vâng lời Thánh Giuse và Đức Mẹ, tăng trưởng về vóc dáng và khôn ngoan, được Thiên Chúa và mọi người quí mến (Lc 2:51-52). Cảnh thinh lặng của Nadarét chính là nơi để chiêm niệm bằng trái tim Thánh Gia, dẫn người chủng sinh vào trái tim Chúa Ba Ngôi. Thánh Gia cũng giúp người chủng sinh hiểu và nắm được những đức tính cần cho đời linh mục của mình: sự ngoan ngoãn, sẵn sàng tiếp nhận, tín thác và tin tưởng, tiếp nhận thể thần linh ngay trong việc làm tầm thường nhưng hiện thực, hợp tác trong cuộc sống cộng đoàn, và điều quan trọng nhất là khiêm nhường và vâng lời.

Về Bí Tích Hòa Giải, Đức Cha Aquila nhắc các chủng sinh nhớ mình là người có tội. Nên việc ăn năn quay đầu trở lại phải luôn diễn ra trong đời linh mục. Việc này sẽ dễ dàng hơn nhờ thường xuyên cử hành Bí Tích Hòa Giải. Bí tích này không phải là một tòa án, mang đến mặc cảm tội lỗi và xấu hổ, mà đúng hơn là nơi gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu nhân từ, yêu thương và tha thứ. Trường hợp Thánh Phêrô làm nổi bật sự thật vừa nói: sau khi ngài chối Chúa, Chúa không kết án ngài, trái lại chỉ hỏi ngài có yêu Chúa hay không (Ga 21:16 và tiếp theo). Tình yêu là điều Chúa Giêsu muốn nơi người tông đồ.

Việc xưng tội giúp người chủng sinh lớn lên trong sự vâng phục Chúa Cha, vì họ không còn dấu diếm gì Người; trái lại, trong sự trong sáng, họ trình bày mọi tội và mọi yếu đuối bản thân của họ cho tình yêu và lòng nhân từ của Chúa Cha. Ý riêng và cái tôi của họ biến thành tùy thuộc và hiệp thông. Vì trong mỗi lần xưng tội, họ làm Chúa Cha đến với họ; trái tim Người đầy lòng cảm thương, sẽ ôm ấp họ dẫn họ vào tình hiệp thông với Người (Lc 15). Nhờ thế, tâm hồn người chủng sinh sẽ trở nên sẵn sàng tiếp nhận hơn đối với tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha, dẫn họ tới chỗ hợp nhất với đức vâng lời của Chúa Kitô.

Phương thế sau cùng giúp người chủng sinh lớn lên trong tâm nguyện của Chúa Giêsu là việc hàng ngày cử hành Thánh Thể. Vì Thánh Thể chính là nơi tình yêu vâng lời, và do đó, thẩm quyền, được đổi mới. Mạc khải và hành vi yêu thương vâng lời lớn nhất chính là nơi Thánh Giá Chúa Giêsu. Trong tình yêu, Người đã phó thác cho thánh ý Chúa Cha và quay mặt khỏi ý thích phàm nhân của Người. Qua Bí Tích Thánh Thể, người chủng sinh học biết tâm nguyện của Chúa Giêsu, không phải là tâm nguyện tự thoả mãn mình mà là thực sự thoả mãn bằng cách tìm cách thực hiện thánh ý Chúa Cha, dù có vì thế mà phải chết cho chính tâm nguyện bản thân của mình.

Vũ Văn An  3/27/2011 (nguồn vietcatholic.org)

950    28-03-2011 06:25:30