Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Kinh Thánh Với Người Tín Hữu - Tháng 08 năm 2006

CHỦ ĐỀ: KINH THÁNH VỚI NGƯỜI TÍN HỮU

I. THƯ MỤC VỤ số 8

Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.

Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.

Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta.

II. DẪN GIẢI

Hội đồng Giám Mục Việt Nam bảo chúng ta phải yêu mến Kinh Thánh (Lời Chúa).

Yêu không phải chỉ lo phổ biến Kinh Thánh mà yêu Kinh Thánh là ham đọc để biết Chúa và biết sống đẹp lòng Chúa.

Hội đồng Giám Mục cũng nói lên thực trạng là: Giáo hữu Việt Nam ta đọc kinh nhiều, còn Kinh Thánh thì ít đọc hay không đọc. Nhưng Kinh Thánh khẩn thiết cho đời sống tín hữu, cho đời sống gia đình .

Khẩn thiết hơn nữa vì xã hội hiện nay biến chuyển nhanh chóng hướng về vô thần và trụy lạc. Phải nhờ nền tảng Kinh Thánh mới khỏi bị khuynh đảo, mới được sức mạnh đứng vững mà soi đường cho thế giới.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

THIÊN CHÚA QUAN TÂM ĐẾN BẠN!

Cách đây không lâu, một tờ báo tại Kansas, Mỹ, có đăng một tin quảng cáo như sau: Tôi sẽ lắng nghe bạn nói trong 30 phút mà không có ý kiến gì: giá 5 đôla.

Nghe như chuyện tếu vậy. Nhưng thực sự không phải vậy! Đã có từ mười đến hai mươi cú điện thoại gọi đến trong một ngày để chia sẻ những nổi cô đơn dằn vặt. Nhiều người sẳn sàng thử bất cứ điều gì để chỉ mong tìm được nữa giờ của tình bằng hữu.

Chúa Giêsu biết tường tận mỗi người chúng ta. Ngài thấu suốt và chạm đến tâm hồn mỗi người. Và Ngài cũng đã cảm nhận nổi cô đơn cùng tận trên thập giá, khi mà những bạn hữu của người đã cao chạy, xa bay, bỏ rơi Ngài một mình giữa trời và đất, đến nỗi Ngài phải thét lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27, 46)

Khi đau khổ, cô đơn, chúng ta ước mong có người để chia sẻ nổi đau. Ai đó đã nói: “Đau khổ được chia sẻ, sẽ vơi đi một nữa”. Chúa Giêsu chính là người bạn đã từng trãi qua nổi cô đơn tột cùng trên thánh giá, sẽ nâng đỡ bước chân chúng ta, để chúng ta có sức mạnh giữ một bàn chân trước bàn chân kia.

Khi cô đơn, tuyệt vọng, chúng ta cần rời khỏi cái nhìn nơi chính mình để hướng về Chúa, để tìm được sự ủi an. Và chắc chắn, Thiên Chúa đầy yêu thương sẽ không bỏ rơi chúng ta, nếu chúng ta đặt niềm tin vào Người (x. Dth 12, 1-3). Bạn đã thực sự tin vào Chúa chưa?

IV. DIỄN GIẢI

Hội Thánh mời gọi chúng ta yêu mến Lời Chúa, không chỉ để hiểu Chúa, nhưng còn để tìm hướng đi cho cuộc đời. Lời Chúa là chính Chúa. Người sẽ dạy cho chúng ta biết cách sống thế nào cho phù hợp với đường lối của người. “Bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức” (MV 8).

Nhờ học hỏi Kinh Thánh mà chúng ta có thể rút ra từ Tin Mừng những chỉ dẫn cần thiết cho đời sống đức tin. Thánh Gioan viết: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5, 24). Nói khác đi, ai tin vào Chúa Kitô thì có sự sống đời đời, khỏi bị xét xử và vượt qua cõi chết để bước vào cõi hằng sống.

Cũng giống như trong các Thư của các Tông đồ và của Thánh Phaolô, chúng ta thấy rất rõ, chính nhờ tin mà chúng ta được sống đời đời. Tuy nhiên, Thư của các Tông đồ gửi các tín hữu thì dạy rằng chính nhờ tin mà chúng ta được công chính hóa, được tha thứ và được tẩy sạch tội lỗi; còn Thánh Gioan thì tuyên bố đức tin của chúng ta phải được minh chứng bằng tình yêu. Thánh Gioan chú trọng đến khía cạnh sống đức tin thực tiễn: nếu nói mình tin Chúa, anh hãy chứng minh niềm tin ấy. Tình yêu của anh đối với Chúa và với anh em sẽ minh chứng niềm tin của anh!

Chỉ có hai câu trong Tin Mừng dùng cụm từ “từ cõi chết bước vào cõi sống” mà lại là của Thánh Gioan. Câu ở trên: Ga 5, 24 chỉ ra rằng ai tin thì vượt qua cõi chết, bước vào cõi sống. Câu khác trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan : “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1Ga 3, 14 ). Câu nầy muốn nói đến bằng chứng cho việc chúng ta từ cõi chết bước vào cõi sống chính là : yêu thương anh em.

Thật vậy, đức tin dẫn chúng ta đến với Chúa. Nhờ tin, chúng ta vượt cõi chết, bước vào cõi sống, và nhờ đức tin chúng ta được tái sinh, nên con cái trong gia đình của Thiên Chúa .Tuy nhiên, đức tin không chỉ đưa chúng ta đến với Chúa Cha mà còn đến với anh em, chia sẻ niềm vui hiệp thông của con cùng một Cha trên trời qua việc yêu thương gắn bó với nhau. Và chính khi chúng ta yêu thương nhau như thế, chúng ta “vượt qua cõi chết bước vào cõi sống”.

Yêu thương nhau chính là thước đo đức tin chân chính của chúng ta. Không thểâ có đức tin, nếu không có tình yêu! Chính Chúa đã ban cho chúng ta tình yêu để chúng ta biết yêu thương nhau. Rồi sau đó Chúa lại ban cho chúng ta giới răn yêu thương, buộc chúng ta yêu thương nhau. Do vậy, chúng ta yêu thương anh em mình bằng tình yêu của Chúa! Ai yêu thương thì được sinh ra bởi Chúa và hành xử như con cái Chúa và ngược lại, ai ghét anh em mình thì người đó không thuộc về Thiên Chúa và không có sự sống đời đời: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1Ga 3, 15).

Một vài phân tích trên cho thấy hữu ích của việc học hỏi Lời Chúa để Lời Chúa “thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta.”
Lạy Chúa xin dạy chúng con biết tìm thánh ý Chúa qua việc học hỏi và suy ngắm Lời Chúa. Amen

Kiểm điểm:

Có nhận thấy Lời Chúa liên kết mật thiết với đời sống tín hữu không?

Không Lời Chúa, chúng ta không hiện hữu. Chúng ta có nghĩ đến không?

Không Lời Chúa, thì làm thế nào để biết Chúa, để biết mình, biết phận sự… Có thấy Lời Chúa là khẩn thiết không?

Không Lời Chúa, chúng ta đi trong tối tăm, chúng ta có cảm thấy tình trạng này không?

Tôi có tâm trạng thế nào đối với Lời Chúa!

Tôi sẽ làm gì để biết sử dụng và mộ mến Lời Chúa?

GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi chưa chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh. Xin cho tôi quyết tâm sửa lỗi.

Tôi chưa chú trọng việc suy niệm Lời Chúa. Xin cho tôi quyết tâm sửa lỗi.

Tôi chưa đặt Kinh Thánh đúng chỗ trong các sinh hoạt đạo đức và đời sống gia đình. Xin cho tôi quyết tâm sửa lỗi.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Lời Chúa là phương chăm hành động của đời sống người tín hữu, là lời ban sự sống đời đời. Chúng ta hãy dành chỗ đứng ưu tiên cho Kinh Thánh trong đời sống của tín hữu. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi tín hữu Chúa Kitô:

  1. “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh chú trọng việc đọc Kinh Thánh, chọn Kinh Thánh làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của đời sống mình.
  2. Chúa Giêsu phán: “Điều con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu thấm nhuần Lời Chúa, đến nỗi mọi người đều nhận thấy Kinh Thánh là nguồn sống hướng dẫn đời họ.
  3. Chúa Giêsu phán: “Một thành phố xây dựng trên núi, thì không thể che giấu được”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, chú trọng đến việc đọc, lắng nghe, suy niệm, và áp dụng Kinh Thánh vào các sinh hoạt của đời sống mình.
  4. Thánh Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, say mê Lời Chúa, siêng năng học hỏi Kinh Thánh, và sống những điều Chúa dạy.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã ban Ngôi Lời Chúa hướng dẫn đời sống chúng con. Xin cũng ban Thánh Thần Chúa, giúp chúng con biết quí trọng và thực hành Lời Chúa. Hầu cho mọi người chúng con đạt tới sự sống Thiên đàng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LỜI HẰNG SỐNG

“Emmanuel : Thiên Chúa ở cùng chúng ta”,
Ngài đang hiện diện thân thiết với mỗi người,
Bao người gặp được Ngài,
Và cuộc đời họ đã được đổi mới.
Ngài đang đến với chúng ta, ân cần, dịu hiền,
Như đã đến với Giakêu, với Mađalêna.
Ngài đang thức tỉnh chúng ta,
Như đã thức tỉnh Maria khi đứng cạnh bên, mà không nhận ra Ngài. "
Ngài đang khai sáng cho chúng ta,
Như đã khai sáng cho Nicôđêmô.
Ngài đang khích lệ chúng ta,
Như đã khích lệ hai môn đệ trên đường Êmaus.
Ngài đang kêu gọi chúng ta,
Như đã kêu gọi Phêrô, Anrê, Gioan, Matthiêu . . .
Ngài đang yêu thương chúng ta,
Như đã yêu Lagiarô, Matta, và các đồ đệ . . .
Những trang Kinh Thánh được viết ra cho chúng ta,
Như những tín hiệu giúp chúng ta nghe tiếng Ngài,
Và nhận ra Ngài đang hiện diện trong đời chúng ta.
Những trang Kinh Thánh được viết ra cho chúng ta,
Như những tín hiệu giúp chúng ta nghe tiếng Ngài,
Và mạnh dạn bước theo Ngài.
Chúng ta hãy cầm lấy và đọc mỗi ngày ít trang,
Với tâm hồn thanh tĩnh lắng nghe,
Với con tim rộng mở đón chờ.
Chúng ta sẽ nhận ra Ngài,
Như Gioan bên bờ hồ Tibêria,
Như hai môn đệ tại nhà Emaus,
Như Phaolô trên đường Đamas,
Như Têrêsa Calcutta trong thế giới người cùng khổ,
Như muôn người đang hiến thân phục vụ những kẻ bất hạnh nhất trong xã hội hôm nay.
Chớ gì mỗi người chúng ta tìm gặp Ngài,
Như Lời Hằng Sống
Như Ánh Sáng Chân lý
Như Sức Mạnh của Tình Thương
Đang đồng hành cùng chúng ta
Trên từng bước đường cuộc đời.

VII. HỌC HỎI KINH THÁNH

Bài 8: Isaac, Êsau và Giacob.

1/ Việc Giacob dùng mưu giả dạng Êsau giúp ta hiểu thế nào về cách thức hành động của Thiên Chúa?
Thiên Chúa muốn thể hiện chương trình cứu độ của Ngài qua những yếu đuối sơ sót của con người.
2/ Ta có nhận xét gì về con người của Giacob?
Lúc đầu Giacob xuất hiện như một con người thủ đoạn, nhưng càng về sau ông càng tỏ ra khôn ngoan, kiên trì và khéo léo.
Lời Chúa: “Xin Thiên Chúa ban cho con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào”(Stk 27, 28).
Cầu nguyện: Chúa biết con người con yếu đuối, mọn hèn, nhưng Chúa vẫn thương chọn con làm con Chúa, xin cho con biết sống ngày càng xứng đáng hơn với ơn gọi làm con Chúa.
Bạn có biết mười hai con trai của Giacob?
Đó là: Ruben, Simêon, Lêvi, Giuđa, Issakhar, Zabulon, , Giuse, Bengiamin, Đan, Neptali, Gad, Asher.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

SỐNG ĐẠO LÀ MỘT LỐI SỐNG TRANH ĐẤU KHÔNG NGỪNG

Sống đạo xem ra cũng dễ, và nhiều tín hữu, qua ngày đoạn tháng đã giữ đạo, sống đạo mà không thấy khổ nhọc. Thì tại sao nói được sống đạo là một cuộc tranh đấu không ngừng?

Tại chúng ta chưa ý thức sâu xa về đạo cho nên xem thường. Đây có thể nhắc vài điểm để chúng ta cảm nhận và có thể xác tín: Đời sống tín hữu (sống đạo) là một cuộc trang đấu không ngừng.

1. Con người luôn muốn được hạnh phúc, mà hạnh phúc không có sẵn như ở vườn địa đàng. Nên đòi hỏi con người phải chịu khó, phải tranh đấu để tìm, để vượt thắng những trở ngại, vướng mắc… mới mong thấy biết và hưởng phúc.

2. Con người sau nguyên tội, đã mất các đặc ân “chủ trị dục vọng”, nghĩa là tánh cách tự do tự chủ của con người có năng lực hướng đến điều khiển dục vọng; tự do hướng thiện mạnh hơn khuynh hướng ác hại. Con người phải tranh đấu để ít ra còn giữ được tình trạng trung dung.

3. Phần khác Chúa dựng nên chúng ta trong tình trạng siêu nhiên, Chúa muốn chúng ta tranh đấu để hưởng phần sống siêu nhiên (Chúa đã đòi nguyên tổ tranh đấu... Các ngài đã thua, mất ơn nghĩa và các ơn đặc biệt - ơn trừ nhiên). Chúa tái tạo bằng việc cứu chuộc, để chúng ta có thể tự tranh đấu - Với ơn Chúa - để đạt lại ơn nghĩa thánh; tranh đấu để gìn giữ ơn nghĩa thánh và đạt lại tình trạng kết hợp.

4. Có điều, chúng ta thường không nghĩ đến:

Chúa ban cho mỗi người chúng ta, có bản tính tự do, không phải để chúng ta muốn làm chi thì làm, nhưng để nhận thấy trách nhiệm hay thấy thiện ác… tự do lựa chọn, đúng trách nhiệm, theo hướng thiện… thì đời chúng ta, con người chúng ta mới có phẩm giá, không rơi vào tình trạng nô lệ (Chúa không bắt ép chúng ta tùng phục như nô lệ… dùng quyền đàn áp…).

Nhắc những điểm trên cho chúng ta nhận thấy: sống đạo không đươcï sống theo lệ, sống qua ngày đoạn tháng, mà phải thường xuyên cố gắng, nghĩa là tranh đấu mãi. Trong cuộc sống xung quanh chúng ta thỉnh thoảng chúng ta gặp những nhà tu, có thể nói là chiền sĩ chuyên nghiệp, vì chuyên sống tu, tu đến chết, mà tu có nghĩa là sửa đổi, là bổ túc.

Phải sửa đổi mãi, vì các khuynh hướng trong con người chúng ta cần chỉnh hướng mãi, vì các việc chúng ta làm chắc chắn không việc nào hoàn hảo mọi phương diện (kể cả việc tham dự thánh lễ chúng ta đã làm, đã dự theo lệ). Ít có người chú tâm học học hỏi cho biết nhiều hơn, sâu hơn để thực hiện công việc tốt đẹp hơn, siêu nhiên hơn.

Chúng ta không có quyền sống đạo theo lệ. Phải chú tâm, cố gắng nhiều hơn cho cuộc sống đạo của chúng ta được giống Chúa, gần Chúa và kết hợp với Chúa.

Chiến đấu thế nào? Về mặt thực tế, chúng ta thường nói: con người có ba hạng thù địch dữ tợn là: ma quỷ, thế tục, thịt mình.

Thánh Phêrô nói:

- Ma quỷ như sư tử rảo quanh tìm mồi. Chúng ta phải tựa vào đức tin để chống cự. Thật ra chúng ta không thấy rõ việc nào, trường hợp nào ma quỷ cám dỗ, nhưng sự thật thì ma quỷ đã cám dỗ nguyên tổ. Phần chúng ta, những lần chúng ta dường như có ý nghĩ chống đối Chúa, hay bị khích động mạnh và lâu dài, xem như đàn áp bắt ép chúng ta làm tội, thì có thể nghĩ: cơn cám dỗ như thế là do ma quỷ.

- Thế tục: có những trường hợp bách hại, tàn sát. Lại có những thuyết chống đối, miệt thị luân lý và cả Thiên Chúa. Xã hội thế tục cũng đề cao hay tôn thờ tiền bạc, danh vọng và lạc thú… Gợi ý mời mọc, có khi cung cấp phương tiện cho con người: mê tiền, mê danh, mê hưởng lạc. Chúng ta đang sống trong một thế giới ít nhiều bị lún sâu trong trụy lạc.

- Thịt mình: thứ cám dỗ này đặt sau ma quỷ và thế tục. Vì ma quỷ và thế tục là thù địch bên ngoài. Còn trận tuyến chính điểm là nơi con người.

Những khuynh hướng tự nhiên, như bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ mạng sống, tự nó không hẳn là thù cũng chưa là bạn. Dễ cho ma quỷ và thế tục khai thác. Nếu chúng ta để cho khuynh hướng lôi cuốn chúng ta làm những việc xấu, việc tội, thì khuynh hướng là thù, trái lại, nếu chúng ta dùng khuynh hướng để nên lành, nên tốt thì chúng là bạn.

Ví dụ: Kiêu là khuynh hướng bảo vệ nhân phẩm. Nếu chúng ta kể mình và sống như mình hơn người, khinh chê những người khác, tìm cách cho mình trỗi vượt hơn, bất đếm thiên hạ, bất đếm Chúa nữa, thì khuynh hướng bảo vệ phẩm giá là thù. Trái lại sống đạo đức, thánh thiện, để cho chính phẩm giá đẹp hơn, cao siêu hơn, thì khuynh hướng đúng là bạn. Đời chúng ta phải tranh đấu, và phần nào đòi buộc chúng ta phải thắng.

IX. TẢN MẠN

Mầng Bổn Mạng

Thời xưa, có một cha giáo ấm ức về ngày mầng bổn mạng, cho nên bực mình phát biểu: thường ngày thì “chổng khu” dạy, đến ngày bổn mạng lại phải “chổng khu” đãi.

Không biết ngài có hưởng chút nào một trong tứ khoái của “Ba Tàu” không… hay khó chịu vì trong bụng lộn xộn?

Dẫu sao vẫn có số anh em không thích mầng bổn mạng và cho đó là trò ăn nhậu không nghĩa lý chi cả. Nhưng tại sao việc mầng bổn mạng vẫn phổ biến và vẫn có nhiều người thích. Hoặc có khi không thích nhưng kể là một buổi tiệc cần phải có?

Lệ thói của Âu Châu, người ta thường mầøng sinh nhật, mầng vì mình được hiện hữu, được sinh ra trên đời. Cái phút đầu tiên là mình được có, được là hiện hữu, không ở trong tình trạng hư vô, mầng cũng có lý!

Các đấng bực trong Hội Thánh lạ đời, không mầng ngày sinh mà mầng ngày bổn mạng. Nếu nhìn sâu hơn thì cũng hiểu được, cũng có lý.

Mầng bổn mạng là mầng ngày sinh được làm con Chúa. Ngày Chúa ban cho có một đấng thánh bổn mạng, thánh quan thầy, thánh bảo trợ, hướng dẫn (quan thầy: dạy dỗ, nêu gương) nâng đỡ cho cuộc sống làm con Chúa.

Hơn nữa, ngày rửa tội cũng nhắc nhớû những hồng ân đặc biệt là ơn kêu gọi sống đời tận hiến. Bổn mạng là đấng thánh bảo trợ, hướng dẫn đời sống làm con Chúa, đời sống được ơn gọi tận hiến.

Nhưng còn có lý đặc biệt này: Mầøng bổn mạng cách chính đáng thì lại đòi phải tạ ơn. Ơn càng dồi dào, càng cao siêu, thì cũng đòi tạ ơn đặc biệt.

Cha sở dâng lễ mầng và tạ ơn riêng một mình vẫn được; nhưng thực tế đâu có được. Vì cha sở là người của mọi người, cũng là trưởng của một đại gia tộc. Do đó gia tộc đứng ngó không, đâu có được; cũng phải tập trung để mầng gia trưởng, mầøng ơn huệ Chúa ban cho gia trưởng, mà cũng mầng tạ ơn vì hồng ân Chúa ban cho gia trưởng cũng là hồng ân Chúa ban cho cả gia tộc.

Nhờ điểm trên đây của thượng tế, mà ơn Chúa tuôn xuống trên tín hữu. Vì lẽ đó, cha con cùng mầng, cùng tạ ơn là rất hợp lý, hợp tình. Vì thế, buổi tiệc mầng phần nào rất đúng lý.

Thêm vào đó, không những cha con hợp nhau vui mầng, tạ ơn mà còn cầu nguyện cho nhau được khả năng dùng ơn Chúa và làm cho ơn Chúa đạt nhiều hiệu quả.

Chính là buổi tiệc xóa đi những khác biệt, quên đi những xô xát, lại giúp cho thể hiện được tình gia tộc, tình đồng bào, tình cùng là con Chúa. Hình ảnh của buổi tiệc liên hiệp toàn phúc ở thiên quốc.

Chúng ta nghĩ sao? Nếu chúng ta luôn luôn đặt đúng việc, đúng tác động, những ý nghĩ tốt đẹp, thánh thiện, và thể hiện không lệch lạc nhưng đúng đường lối, thì việc dầu là đơn thường cũng có gia trị, hợp tình hợp lý và cũng nói được vui lòng Chúa.

CÂY CẦU

Trong cuộc đời của bạn, chắc chắn bạn đã đi qua không ít cây cầu! Có cầu gỗ, cầu đá, cầu bê-tông và cầu thép. Công dụng của chúng đều như nhau, giúp bạn đi sang bờ bên kia của con sông. Chúng lặng lẽ nằm đó, trên dòng nước chảy êm ả hay cuồn cuộn.

Nơi nào có sông thì thường có cầu. Khi người ta không nhẫn nại nổi với những chiếc thuyền bè chậm chạp thì người ta dựng lên cầu gỗ; khi cầu gỗ mục nát thì đổi thành cầu đá; khi cầu đá sụt lỡ thì xây cầu bê-tông; khi cầu bê-tông nứt vỡ thì bắt cầu thép, rồi sau nầy sẽ có những kết cấu mới mẻ hơn. Vì vậy, cùng là một cây cầu, trăm ngàn năm trước đến trăm ngàn năm sau, nhiều lần thay thế, kiểu dáng cây cầu và vật liệu xây cầu cũng thay đổi, duy nhất một điều không đổi: “Nó là một cây cầu”. Một cây cầu giúp bạn đi, nối liền hai bờ, thu ngắn khoảng cách.

Từ thời đại xa xưa, khi trí thức còn chưa mở mang, cho đến cái thời hiện đại khoa học hưng thịnh; từ cầu độc mộc tạm thời dễ mục đến cầu thép kiên cố bền chắc; từ người có cống hiến nhỏ bé đến người có ảnh hưởng sâu xa, tất cả đều là những chiếc cầu.

Cầu đời trước hư hỏng, cầu đời nầy được dựng lên; cầu đời nầy mục, cầu đời sau lại được xây lên. Chỉ cần con người còn tồn tại ngày nào thì không thể không có cầu, ngàn vạn năm, con người cứ như thế mà gieo trồng hạt giống văn hoá lịch sử.

Thời đại là một dòng nước lũ, chúng ta bắt một chiếc cầu ở trên nó. Chúng ta đi trên chiếc cầu của thế hệ trước sang bờ bên kia, rồi lại dựng lên chiếc cầu của chúng ta cho thế hệ sau đi qua. Chúng ta biết rằng: bất luận là cầu gỗ, đá, bê-tông, thép hay vật liệu mới nào, không có chiếc cầu nào là vĩnh viễn không mục nát. Nhưng chúng ta biết rằng:

Trên dòng nước lũ của thời đại,
Luôn có một chiếc cầu của sự sống,
Lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, tâm linh…

(Theo Hoài Bảo)

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

VỆT MỰC ĐEN TRÊN TỜ GIẤY TRẮNG

Kofi Annan là Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, nhân dân các nước biết đến ông như một sứ giả thiện chí trong những cuộc đàm phán, hoà giải…

Kofi Annan lớn lên từ một khu ngoại ô khốn khó của một đất nước nghèo nhưng học hành rất thông minh, luôn đứng nhất lớp. Có một câu chuyện mà cậu bé Kofi Annan còn nhớ mãi, đó là lần thầy giáo đưa ra một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen rất dễ nhìn thấy và đặt câu hỏi: “Các em thấy gì trên tờ giấy trắng nầy và hãy nêu nhận xét của mình?”

Kofi Annan cùng nhiều bạn khác giơ tay lên phát biểu với những hiểu biết riêng, nhưng có chung một “điểm thấy” là “có vệt mực đen”. Thầy giáo lắc đầu và nói: “Các em trả lời đều không sai, vệt đen quả là rất nổi bật trên trang giấy trắng. Nhưng nầy các em, sao không ai trong mỗi chúng ta nhận ra rằng tờ giấy nầy còn nhiều khoảng sạch lắm, có hữu ích lắm. Ta có thể viết lên đó những dòng chữ có ích cho đời, những trang viết mà nội dung, ý nghĩa của nó có thể giúp ta quên đi vệt đen gần đó. Đáng gì một chấm đen, một vệt đen, mà bỏ đi trang giấy trắng quý giá”.

Thầy giải thích tiếp: “Trong mỗi con người chúng ta cũng vậy, giữa những ngang trái trong cuộc sống, có người cũng sẽ mắc lỗi lầm, nhưng chúng ta phải có cái nhìn xa hơn, toàn diện hơn về người đó. Đừng quá chú trọng vào lỗi lầm của họ, mà không thấy được những ưu điểm tích cực có trong con người họ”.

Nàgy nay trong các cuộc diễn đàn, hội nghị chính thức hay “không cà-vạt”, khi được hỏi bí quyết về những thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp chính trị, Kofi Annan đều kể lại câu chuyện “Vệt Mực Đen Trên Trang Giấy Trắng” và câu kết bao giờ cũng là: “… chúng ta phải có lòng bao dung, vị tha, phải có cái nhìn vài tính nhân ái các bạn ạ!”

(Theo Hoài Bảo)

XI. LỜI HAY Ý ĐẸP

Đôi Điều Suy Gẫm
1. Đáng khâm phục nhất của đời người là ý chí vươn lên.
2. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ.
3. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.
4. An ủi lớn nhất của đời người là làm phúc (bô thí).
5. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.
6. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.
7. Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa mình, dối người.
8. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị.
9. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.
10. Đau thương lớn nhất của đời người là tự ti.
11. Món nợ lớn nhất của đời người là nợ tình cảm.
12. Phá sản lớn nhất của đời người là sự tuyệt vọng.
13. Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất mình.
14. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
15. Tội ác lớn nhất của đời người là bất hiếu.
(Lm Trần Thanh Sơn)

913    20-04-2012 15:04:29