Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Lời Chúa Là Lời Cứu Độ - Tháng 06 năm 2006

CHỦ ĐỀ: LỜI CHÚA LÀ LỜI CỨU ĐỘ

I. THƯ MỤC VỤ số 5

Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để sáng tạo và cứu độ. Ngài ngỏ lời với con người vì yêu thương và muốn cho con người được hạnh phúc. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta qua Thánh Kinh, đều nhằm mục đích cứu độ chúng ta cùng với tất cả mọi loài thụ tạo. Công Đồng Vatican II lưu ý khi nghiên cứu Thánh Kinh, ngoài những yếu tố nhân loại như cá tính và văn phong của tác giả, không bao giờ được quên rằng Thánh Kinh chủ yếu chứa đựng những chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người (MK 12). Vì thế, bầu khí thuận lợi và lý tưởng để đọc Lời Chúa vẫn là bầu khí cầu nguyện, nghĩa là đọc “trong Chúa Thánh Thần” và trong sự hiệp thông với truyền thống sống động của Giáo Hội (MK 12), vì “nhiệm vụ này đã được ủy thác cho một mình Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, quyền này được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (MK 10). Khi con người thực sự đến với Lời Chúa, tâm hồn và cuộc sống của họ được nâng lên cao, được nuôi dưỡng bằng chính Lời Hằng Sống. Bởi lẽ “tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).

II. DẪN GIẢI

Thơ Mục Vụ bảo chúng ta:
1. Xác tín Lời Chúa (có thể hiểu là chính Chúa Giêsu) là lời cứu độ.

2. Qua Kinh Thánh, Chúa thường mạc khải cho chúng ta.

3. Muốn được cứu rỗi thì phải đọc Kinh Thánh như một việc cầu nguyện, vì phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và phải theo đường lối Huấn Quyền Hội Thánh dẫn dắt để biết Ngôi Lời, theo Ngôi Lời và sống nhờ Ngôi Lời.

4. Nếu xác thực đến với Ngôi Lời qua việc đọc Kinh Thánh thì con người được nâng cao và được nuôi dưỡng bằng chính Lời hằng sống.

5. Kinh Thánh cũng là yếu tố căn bản cho việc giáo dục, đào luyện con người nên công chính.

III. CHUYỆN MINH HỌA

VÂNG LỜI

Một hôm, nhà vua triệu tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi:
- Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?
- Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.
- Ông hãy đập vỡ nó ra!
- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ!
Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.
Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, cũng hỏi:
- Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu?
- Bằng nửa vương quốc.
- Hãy đập vỡ nó ra!
- Đập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.
Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho Abdul:
- Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không?
- Muôn tâu, đẹp không thể nói được.
- Hãy đập nát nó đi.
Lập tức Abdul lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của Abdul. Họ hỏi:
- Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ?
Abdul bình tĩnh đáp:
- Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.
Nhà vua khen ngợi thái độ của Abdul và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.
Vâng lời Chúa thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu! "Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng lời Ngài" (Mc 9, 7), Tiếng Đức Chúa Cha từ trời giới thiệu cho chúng ta về Con Một chí ái của Người và cũng đồng thời mời gọi chúng ta hãy vâng theo lời chỉ bảo của Người. Bởi vì vâng nghe lời Chúa là bằng chứng chúng ta yêu mến Chúa vậy.

IV. DẪN Ý

Qua suốt dòng lịch sử cứu độ, bằng các hành động và lời nói, Thiên Chúa đã muốn giao du, kết thân với con người để con người để chỉ mong con người được hạnh phúc. Nhưng hành động yêu thương ấy mới chỉ được thể hiện, truyền đạt, qua các sứ giả là các ngôn sứ, thay mặt Người. Còn nay, Đức Kitô đích thân đến với chúng ta. Ngài chính là hiện thân Lời của Thiên Chúa nói với chúng ta, là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta – để chia sẻ kiếp sống con người cùng khốn của chúng ta, bất chấp tội lỗi của chúng ta và để chúng ta được thông dự vào đời sống thần linh của Người: được hạnh phúc, được cứu độ.

Khi tự nguyện đến gặp gở và tỏ mình cho con người, Thiên Chúa có một chương trình hẳn hoi và chương trình đó là cứu độ con người. Chương trình cứu độ ấy được lưu giữ lại qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả hai họp thành một “kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa” (MK 10) nhằm mục đích là để cứu độ con người.

Lời Chúa chính là nguồn sức sống cho mọi Kitô hữu: "Hội Thánh luôn tôn kính Sách Thánh như chính Thân Thể Chúa. Nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu" (MK 21).

Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là hai cách hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Tin Mừng theo thánh Lu-ca gợi cho chúng ta điều ấy trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau: Họ thấy lòng mình bừng cháy khi Chúa Giê-su nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh cho họ trên đường, và họ nhận ra Người khi Người "cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ" (x. Lc 24,13-32).

Nhằm giúp Giới Trẻ thế giới học hỏi và sống Lời Chúa, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ XXI, được cử hành tại các Giáo Hội địa phương vào Chúa Nhật Lễ Lá ngày 9-4-2006, với chủ đề suy niệm: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118 [119],105). Đồng thời Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời giải thích của Đức GioanPhaolô II về câu Thánh Vịnh nầy như sau: “Người cầu nguyện ngây ngất ca tụng Luật Chúa, và nhận Luật ấy như ngọn đèn soi cho bước chân của mình trên con đường nhiều khi tăm tối của cuộc sống”

Đức Thánh Cha viết: “Thiên Chúa tỏ mình ra trong lịch sử, nói với con người và lời Ngài có sức sáng tạo. Thực vậy, từ ngữ Do thái “dabar”, thường được dịch là “lời”, vừa có nghĩa là lời nói, vừa có nghĩa là hành động. Thiên Chúa nói điều Ngài làm và làm điều Ngài nói.”

Lời hứa ban Đấng Cứu Thế trong Cựu Ước đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể: “Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha, nơi Người, Thiên Chúa phán dạy mọi sự, và sẽ không có Lời nào khác ngoài Lời đó” (n.65).

Chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã soi sáng các tác giả Kinh Thánh, để Lời Thiên Chúa được viết bằng lời của con người, sẽ soi sáng tâm hồn tín hữu thấu hiểu điềâu Chúa muốn nói. Và cũng chính Chúa Thánh Thần, hiện diện nơi vị chủ tế, khi cử hành Thánh lễ “trong cương vị Chúa Kitô”, để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa, nên lương thực nuôi sống tín hữu, để họ được sống muôn đời. Lời Chúa và Thánh Thể chính là lương thực cốt yếu và không thể tách rời, đem lại sự sống đời đời.

Chính các Tông Đồ đã đón nhận lời cứu độ và đã thông truyền lại cho Hội Thánh. Vì thế, ĐTC mời gọi giới trẻ hãy yêu mến Hội Thánh. Vì Hội Thánh gìn giữ và giúp chúng ta biết quý chuộng kho tàng quý giá ấy. Đồng thời hãy yêu mến và bước theo Hội Thánh vì Hội Thánh đón nhận từ Đấng Sáng Lập sứ mạng chỉ cho loài người con đường hạnh phúc chân thực.

Ngoài ra Đức Thánh Cha còn khuyên dạy giới trẻ những điều thiết thực sau đây:

- Thế giới hiện nay đầy dẫy những tư tưởng sai lạc, dễ lôi kéo chúng ta lầm đường lạc lối. Do đó, giới trẻ cần phải: “thường xuyên suy niệm lời Chúa, hãy để cho Chúa Thánh Linh dạy dỗ các con. Như thế, các con sẽ khám phá thấy rằng tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của người phàm; các con sẽ được hướng dẫn chiêm ngắm Thiên Chúa chân thực và đọc những biến cố lịch sử với đôi mắt của Thiên Chúa; các con sẽ nếm hưởng trọn vẹn niềm vui nảy sinh từ sự thật.”

- Cho những ai đang phải đau khổ và mệt mỏi trong cuộc đời, hãy cảm nhận sự hiện diện nâng đỡ của Thiên Chúa qua Lời của Người: “Sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, qua lời Ngài, là ngọn đèn phá tan bóng đêm của sợ hãi và chiếu sáng đường đi, cả trong những lúc khó khăn nhất.”

- Hãy coi lời Chúa như một “khí giới” không thể thiếu được trong cuộc chiến đấu thiêng liêng hầu đem lại kết quả tốt đẹp, nếu chúng ta học cách lắng nghe Lời Chúa và vâng phục Lời Chúa: “Lời Chúa sinh động, hiệu năng và sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi” (Dth 4,12). Bí quyết để có một “tâm hồn ngoan ngoãn” là tập luyện để mình có một con tim biết “lắng nghe” nhờ không ngừng suy niệm và bám rễ vào Lời Chúa.

- Hãy làm quen với Kinh Thánh, giữ Kinh Thánh trong tầm tay như tấm la bàn chỉ đường. Bởi vì, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta sẽ học biết Chúa Kitô. Về điểm này, thánh Hiêrônimô đã nhận xét: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

- Một phương thức tốt đẹp để đào sâu và nếm hưởng Lời Chúa là Lectio Divina, đọc và suy niệm Kinh Thánh, đây thực là một hành trình thiêng liêng qua nhiều giai đoạn. Lectio ở đây là đọc đi đọc lại một đoạn Kinh Thánh, nắm bắt những yếu tố chính, rồi đến giai đoạn meditatio (suy niệm), giống như một trạm dừng trong nội tâm, trong đó linh hồn hướng về Thiên Chúa, tìm hiểu xem Lời Chúa nói gì cho đời sống cụ thể. Tiếp đến là giai đoạn oratio, là chuyện vãn trực tiếp với Thiên Chúa. Sau cùng là giai đoạn contemplatio, giúp chúng ta duy trì con tim chú ý tới sự hiện diện của Chúa Kitô, và Lời Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng trong nơi tăm tối, cho đến khi ngày ló rạng và sao mai mọc lên trong tâm hồn chúng ta” (2 Pt 1,19).

- Chúa Giêsu đã nói: “Ai nghe lời Thầy và mang ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá” (Mt 7,24). ĐTC mời gọi giới trẻ của Ngàn Năm Thứ Ba hãy xây dựng cuộc sống trên Chúa Kitô, bằng cách vui mừng đón nhận Lời Chúa và mang ra thực hành các giáo huấn của Ngài để có khả năng đáp ứng những thách đố của thời đại và sẵn sàng gieo vãi Tin Mừng khắp nơi.

- Và cuối cùng, nếu Chúa Giêsu mời gọi các bạn đừng sợ quảng đại đáp lại Ngài, nhất là khi theo Chúa trong đời thánh hiến hay trong đời linh mục. Các bạn đừng sợ; hãy tín thác nơi Chúa và các con sẽ không thất vọng. Hội Thánh luôn kỳ vọng vào các bạn!

Lời nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI:
Xin Mẹ Maria, Đấng hiện diện trong Nhà Tiệc Ly với các Tông Đồ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, trở thành Mẹ và là Người dẫn dắt các con.
Xin Mẹ dạy các con đón nhận Lời Chúa, gìn giữ cẩn thận và suy niệm trong tâm hồn các con (x, Lc 2,19) như Mẹ đã làm trong suốt cuộc đời của Mẹ.
Xin Mẹ khích lệ các con thưa “xin vâng” đối với Chúa, sống “vâng phục trong đức tin”.
Xin Mẹ giúp các con kiên vững trong đức tin, bền chí trong đức cậy, và kiên trì trong đức mến, luôn ngoan ngoãn đối với Lời Chúa.
Cha tháp tùng các con trong kinh nguyện và thành tâm ban phép lành cho tất cả các con.

Kiểm điểm:
1. Chúng ta có nhận định Lời Chúa trong Kinh Thánh có thể hiểu là chính Chúa Kitô không?
2. Chúng ta có mến trọng Kinh Thánh như mến trọng Thánh Thể không?
3. Chúng ta đọc Kinh Thánh thế nào? Vì tọc mạch? Vì nghiên cứu hay để tìm gặp Chúa, để hưởng ơn cứu độ.
4. Chúng ta có xác nhận Lời Chúa là khẩn thiết cho đời chúng ta? Vì nhờ Lời Chúa mà chúng ta được sáng, được sống.
5. Nhờ Lời Chúa, chúng ta mới biết được phải sống thế nào cho được đẹp lòng Chúa, được rỗi.

GỢI Ý SÁM HỐI
Tôi không đọc Lời Chúa, vì cho rằng: “Lời Chúa chướng tai quá, không giúp ích gì cho tôi”. Xin Chúa thương tha thứ.
Tôi không đọc Lời Chúa, vì cho rằng: “Lời Chúa làm cho tôi thua thiệt, khổ nhọc ở đời này”. Xin Chúa thương xót tôi.
Tôi không tin Lời Chúa chứa đựng sức sống, sự phấn khởi tâm hồn. Tôi sám hối và xin tha thứ.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để sáng tạo và cứu độ. Ngài ngỏ lời với loài người, là để cho những ai đón nhận, thì được hạnh phúc. Chúng ta hãy mau mắn đón nhận Lời ban sức sống dồi dào, và cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

- Thánh Phêrô đáp: “Bỏ Thầy, con biết theo ai? Chỉ nơi Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, vững tin Lời Chúa là Lời ban sự sống, là Lời cứu độ.

- Chúa phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết diễn tả cho mọi người hiểu rằng: nguồn sức sống dồi dào của mình, chính là Lời Chúa.

- Họ bảo nhau: “Lòng chúng ta đã chẳng phấn khởi hơn lên, khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?”. Chúng ta cầu nguyện cho những người khổ tâm, đang mất niềm tin… sớm gặp được nguồn an ủi, lấy lại đức tin… khi nghe đọc Lời Chúa.

- Chúa phán: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời, và khỏi bị xét xử”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, giúp nhau lắng nghe, suy gẫm hiểu biết, và thực hành Lời Chúa mỗi ngày.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Ngôi Lời Chúa làm người để cứu chuộc chúng con. Xin Chúa lại ban Thánh Thần, giúp chúng con đón nhận và sống Lời Chúa, hầu làm cho mọi người, mọi vật đều được cứu độ, được hân hoan ngay trên đời này, và được vinh hiển vĩnh cửu đời sau. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA

Đối với người Do thái, “Lời” không chỉ có nghĩa là sự vật, hay sự kiện, nhưng còn là tác động, năng động, hay sức sống của sự vật. Israel đã cảm nghiệm tác động của Lời Chúa và đã ghi chép lại trong Thánh Kinh với tất cả những phẩm tính đó. Họ gọi các thần ngoại lai là “thần tượng câm” (1Cor 12, 2), “chúng có miệng mà không nói được” (Tv 115, 5; 135, 16), “lưỡi chúng do thợ nắn uốn thành . . . giả tạo không thể ứng đáp” (Br 6, 8). Tất cả những kiểu nói trên làm nổi bật Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng có thể đối thoại và hiệp thông với họ. Ngài chuyện vãn thân tình “miệng đối miệng” với Israel (Ds 12, 8) hay “ trong thị kiến . . . qua giấc mộng” (Ds 12, 6).

Hơn thế nữa, người Do thái còn quan niệm Lời Chúa như mạc khải có sức sáng tạo và cứu rỗi.

Lời Chúa là mạc khải, vì Thiên Chúa tỏ mình trong và qua Lời của Ngài. Soạn thảo lề luật, đặc biệt Mười Giới Răn (Xh 34, 28; Đnl 4,13; 10, 4) là nhìn nhận ý muốn và quyền tối thượng của Thiên Chúa trên đời sống của toàn dân (Đnl 32, 47; 8, 3). Những thành ngữ “Thiên Chúa phán”, “Thiên Chúa truyền dạy”, “Sứ thần Thiên Chúa nói” v. v. . . đều đưa chúng ta đến ý niệm Thiên Chúa tự mạc khải cho Israel qua Lời của Ngài.

Lời Chúa có sức sáng tạo, vì chính bằng Lời của Ngài mà vũ trụ được tạo dựng. Ngài phán một lời tức thì liền có mọi sự (Stk 1, 3; Tv 33, 6-9; Kn 9, 1; Hc 42, 15). Vì thế, toàn thể tạo vật đều là cơ quan mạc khải Thiên Chúa.

Lời Chúa là Lời cứu rỗi, vì nó biến đổi con người tận căn nguyên: nó tái sinh con người (Is 55, 11; Kn 16, 26; Tv 79, 8 ; 1P 1, 23). Như thế, Lời Chúa không phải là một thực tại tĩnh, trái lại luôn hoạt động và tác động như chính Thiên Chúa.

Người ta không thể nào bắt giữ lời nói và đem ra phân tách trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên, người ta có thể nhìn thấy hiệu quả của nó cách cụ thể như bất cứ hiện tượng vật lý nào. Do đó, người ta có thể đề cập đến năng lực của lời nói, cũng như tính cách hay, hoặc dở của nó. . . Người ta tìm thấy trong Cựu ước và Tân ước vài biểu tượng làm nổi bật phẩm tính tiêu biểu của Lời Chúa. Những hình ảnh này được lấy ra từ cuộc sống thường ngày của con người. Nhưng sức mạnh, nhờ đó chúng làm sáng tỏ ý nghĩa những gì chúng muốn nói với chúng ta, làm chúng ta liên tưởng đến các dụ ngôn của Chúa Giêsu đã đi sâu vào tâm khảm của con người và mang lại hoa trái đúng mùa.

Chúng ta thử nêu ra bốn hình ảnh được dùng trong Cựu ước và Tân ước hầu giúp chúng ta am hiểu ý nghĩa thâm sâu của Lời Chúa trong đời sống chúng ta. Bốn hình ảnh đó là: cái búa (Gr. 23, 29), lửa (Gr. 20, 7 - 9), mưa (Is 55, 10 – 11), và thanh gươm (Dt 4, 12 – 13). Mỗi hình ảnh có một bối cảnh riêng, mang một sứ điệp khác nhau. Chúng ta cần phải tìm hiểu cẩn thận từng bối cảnh cũng như nội dung sứ điệp của chúng, để thẩm định sự phong phú huy hoàng muôn mặt của Lời Chúa.

1. LỜI VỚI BIỂU TƯỢNG CÁI BÚA.
(Gr 23, 29)

Trong đoạn Giêrêmia 23, 23 – 32, tác giả đối chiếu giấc mộng với Lời Chúa. Trái với quan niệm của một số người Do thái xem giấc mộng như nguồn linh ứng. Giêrêmia ví chúng như rơm rạ so với Lời đích thực của Thiên Chúa ( được ví như lúa mì). Lời Chúa giống như cái búa cứng chắc, đập vỡ đá tảng ra từng mảnh. Ở đây, tác giả so sánh giấc mộng rỗng tếch và hời hợt của các sứ ngôn giả hiệu, với Lời đầy năng lực của Đức Giavê.

Để làm nổi bật ý nghĩa của lúa mì là nuôi dưỡng dân chúng, ý nghĩa của củi lửa là thiêu hủy rơm rạ, và ý nghĩa của cái búa là gò vỗ hay đập phá, tác giả đối lập chúng với rơm rạ bị phế bỏ.

Nếu căn cứ vào Thánh kinh, chúng ta khó mà biết được ai là sứ ngôn chính hiệu đã nhận được mạc khải thần linh trong giấc mộng đích thực, đối nghịch với kinh nghiệm hão huyền. Sách Dân Số viết: “Đức Giavê phán với các sứ ngôn trong thị kiến và giấc mộng, nhưng lại đàm đạo thân tình (miệng đối miệng) với Môisen (Ds 12, 6 – 8). Văn mạch cho thấy chủ ý tác giả là nêu rõ sự cao trọng của Môisen, vì Aaron và Mariam nghi ngờ uy quyền của ông (Ds 12, 1 – 5) chứ không phải khẳng định và minh quyết Thiên Chúa phán dạy qua thị kiến và giấc mộng. Trái lại, Thánh Kinh thường xem những lời trong giấc mộng như ma thuật, tưởng tượng và sai lạc không đáng được nghe (Đnl 13, 1 tt; Zac 10, 2).

Lời Chúa là mạc khải chính yếu. Như cái búa nghiền nát vật gì nằm dưới nó, cũng thế, Lời Chúa sẽ đập tan từng mảnh vụn tất cả những mạc khải giả hiệu (giấc mộng và thị kiến). Kẻ nào lường gạt dân chúng tự xưng mình là đã nhận được Lời Chúa, hay lấy lời mình tráo đổi Lời của Giavê, hay ham thích những chuyện phù phiếm, ứng đáp ngoài môi miệng không do thâm tâm và Thánh Linh thúc đẩy, dầu họ có xác quyết và lời họ có vững mạnh như đá tảng, họ cũng chỉ là rơm rạ. Lời của Giavê sẽ như cái búa nghiền nát tất cả những lời gian ngoa, thái quá và mập mờ của các nhân chứng giả mạo. Mạc khải đích thực là cái búa trừng phạt sẽ đập vỡ mọi mưu toan phá hoại của các mạc khải giả hiệu. Bởi thế, khi thông truyền Lời Chúa, giảng viên không được lẫn lộn, hoặc tráo đổi lời mình vào Lời Chúa.

Cũng như cái búa bửa tan cả những tảng đá cứng vượt sức phàm, Lời Chúa có năng lực mở toang những tâm hồn chai đá, kiêu hãnh và ương ngạnh. Do đó, khi rao giảng Tin Mừng, nhà truyền giáo phải sử dụng Lời Chúa như cái để mở toang những lỗ tai đóng kín và những tâm hồn chai lỳ. Chỉ mình Thiên Chúa và Lời Ngài, dầu nhà truyền giáo có hùng biện hay không, mới có khả năng đánh động người nghe và khiến nước chảy ra từ tảng đá của những tâm hồn bướng bỉnh và lầm lạc (Xh 17, 6).

Lời Chúa là cái búa không chỉ làm bại hoại những mạc khải giả mạo, nhưng còn để mở toang những tâm hồn chai lỳ trong tội lỗi không tiếp nhận mạc khải đích thực, hoặc sau khi đã đón nhận, không sống đúng theo yêu sách của nó.

2. LỜI VỚI BIỂU TƯỢNG MƯA.
(Is 55, 10 – 11)

Cựu ước quan niệm ngay cả lời thề của con người cũng bất khả thu hồi (Stk 27, 33 – 40). Hơn thế nữa, Lời Chúa bảo đảm chắc chắn sẽ chu toàn mọi lời Ngài đã hứa. Đây là chân lý Isaia muốn trình bày.

Cũng như mũi tên phóng trúng đích, Lời Chúa luôn mang lại kết quả. Lời nói của môn đệ có thể không thấu đến tai thính giả, do đó, sẽ thành vô hiệu và trống rỗng (Mt 10, 12 tt; Lc 10, 5 tt); nhưng Lời Chúa thì không bao giờ như vậy, vì Lời Ngài chính là sự hiện diện toàn năng của Ngài và Ngài không bao giờ thất bại.

Như mưa chỉ trở về nơi phát xuất, sau khi đã thấm nhuần ruộng đất, làm hạt giống sống, mọc lên, đâm chồi, trổ bông và kết trái (Is 45, 23; 40, 5 – 8). Lời Chúa cũng tác động như thế. Lời Chúa mang đầy năng lực nên luôn luôn chu toàn mục đích đã nhắm, Lời Chúa có khả năng và chắc chắn thực hiện những điều kỳ diệu (Mc 1, 25 – 27; 2, 9 – 12). Chúng ta phải để cho Lời Chúa hoạt động theo năng lực nội khởi của nó. Lỗi lầm của các nhà truyền giáo ngày nay là quá tin tưởng ở mình nên mải miết trau dồi ngôn từ cách thái quá, do đó, đánh mất nội dung năng động của Lời. Vì chú trọng thái quá đến lối hành văn cũng như cách thức thông truyền, nên họ làm giảm bớt, hoặc gạt bỏ hiệu năng của ngôn từ nguyên thủy. Họ chỉ dừng lại trên ngôn từ, nên trong tiến trình, họ đánh mất Lời.

Lời Chúa phải thấu đến tai người nghe một cách hết sức đơn thuần, không son phấn. Nó phải phán xét, cắt chặt, đả thương, xâm nhập. Tâm hồn nào được chuẩn bị sẽ đón nhận Lời Chúa như mảnh đất phì nhiêu sẽ đón nhận và thừa hưởng hương mưa. Để đạt mục đích ấy, người giảng lẫn người nghe phải tin vững vào năng lực của Lời có thể chu toàn bất cứ những gì Thiên Chúa nhắm tới. Lời Chúa không chỉ khởi xướng, nhưng sẽ hoàn tất công trình cải tạo, như mưa không chỉ thấm nhuần ruộng đất, nhưng còn làm cho nó trở nên phì nhiêu, mang lại hạt giống cho người gieo và bánh cho thực khách. Chính Lời Chúa phải là Khởi điểm (Alpha) và Chung cuộc (Oméga) cho tất cả công tác rao giảng và nổ lực lắng nghe.

3. LỜI VỚI BIỂU TƯỢNG LỬA.
(Giêr 20, 8 – 9; 23, 29; 5, 14)

Khủng hoảng nội tâm và nỗi tuyệt vọng của ngôn sứ được Giêrêmia (20, 7 – 18) mô tả cách rất bi thảm. Giêrêmia đã bị Thiên Chúa đánh lừa và quyến rũ. Ông rảo khắp nơi công bố bạo lực, tàn phá và chết chóc, bởi đó ông trở thành trò đùa cho dân chúng. Bấy giờ, ông không muốn rao giảng nhân danh Đức Giavê nữa; nhưng ông không thể nào toại nguyện, vì Lời Chúa như Lửa thiêu đốt tâm hồn ông.

Các thánh ký mô tả Đức Giavê như ngọn Lửa rực cháy, nhưng không ám chỉ đến Lời của Ngài, duy mình Giêrêmia áp dụng hình ảnh này vào Lời của Giavê: Lời Ngài “như ngọn lửa bóc cháy” (20, 9); Lời Ngài “như lửa” (23, 29); hơn thế nữa, Lời Ngài “là lửa” (5, 14).

Lời Chúa thôi thúc con người thông truyền nó mãnh liệt như cơn cháy đang hoành hành không thể nào dập tắt. Sứ ngôn như ngọn lửa đang bốc cháy sẽ hoạt động cuồng nhiệt trong sứ mệnh của mình. Không một trở lực nào có thể chận đứng ông, không một can gián nào của giáo quyền có thể làm ông câm miệng; không một quyền lực độc tài, chuyên chế nào có thể bóp nghẹt lời ông rao truyền; không một kháng cự nào của dân chúng có thể buộc ông ngồi im. Trái lại, ông sẽ đốt rụi mọi chống cự và trở lực, vì ông mang lời của lửa. Ông không thể nào chống lại hoặc dứt bỏ nó, vì nó không phải là lời của ông, nhưng là của chính Thiên Chúa. Nó không trấn an, nhưng gây rối loạn, không tùng phục, nhưng phản kháng, không phải là tiếng “Vâng” mù quáng tuân theo truyền thống và tập tục, nhưng có thể là tiếng “Không” trọng thể và công khai (đôi khi có vẻ chướng kỳ) trước những bất công chán chường. Đó là lời sứ ngôn, là lửa sẽ thiêu đốt để thanh tẩy, canh tân. Nó phải thiêu đốt, vì là Lời của Chúa và phải được loan truyền.

Dường như theo quan niệm của sứ ngôn, thinh lặng là có tội và phản kháng là một đòi hỏi, một nhân đức, đặc biệt trong vấn đề giải phóng con người khỏi những chèn ép và cơ cấu bất công.

4. LỜI VỚI BIỂU TƯỢNG THANH GƯƠM.
(Dt 4, 12 – 13; Eph 6, 17; Kh 19,15; Is 49, 2)

Theo thư gửi tín hữu Do thái, Lời Chúa không thụ động, nhưng tác động (Is 55, 11), không sát hại, nhưng ban sự sống (Đnl 32, 47). Thiên Chúa phán dạy qua các sứ ngôn và trong Thánh Kinh (Rm 9, 6; 1Cor 14, 36), Ngài thấu suốt mọi dự phóng, kế hoạch và tư tưởng thầm kín nhất của con người. Đó là ý nghĩa của Lời trong biểu tượng thanh gươm.

Lời Chúa đâm thấu qua quả tim con người. Nó không chỉ cứu vớt, nhưng còn phán xét. Nó vạch mặt nạ những tâm hồn “mồ mả tô vôi” trước sự xét xử của quan án.

Tư cách bên ngoài có thể là gương mẫu, nhưng cũng có thể chỉ là bức rèm che giấu một tâm hồn phản loạn. Nhưng không có gì có thể che giấu được khỏi Lời Chúa. Tất cả mọi sự đều được phô bày minh bạch trước Lời Ngài.

Với chủ ý cảnh giác các tín hữu không nên cứng lòng, nhưng phải kiên tâm bền đổ trong vâng phục Lời Chúa, tác giả thư gửi tín hữu Do thái nhấn mạnh đến năng lực xét xử của Lời Chúa: luôn xét xử công minh mọi ẩn khúc của con người. Tất cả mọi chạm trán với Đức Giêsu Kitô và Lời của Người đều gây một âm hưởng sâu xa, riêng biệt nơi tâm hồn người chân thật vì tâm hồn họ đã được phô bày trần trụi trước Lời Chúa đang xét xử và vì họ đã được khai quang và tập trung hết nghị lực để nhìn vào chính mình nhờ ánh sáng huy hoàng thúc đẩy. Lời Chúa đâm qua lòng họ, “phân chia linh hồn, trí khôn, khớp tủy, phân biệt tư tưởng và chủ ý của mọi tâm can”.

Tác giả Khải Huyền cũng mô tả Lời Chúa trong hoạt động xét xử như đã được trình bày trong thư gửi tín hữu Do thái nhưng với những giọng điệu kém dũng mãnh hơn. Thánh Phaolô ví Lời Chúa như thanh gươm của Thánh Linh trong phận vụ che chở. Người Kitô hữu phải trang bị bằng khí giới của Thiên Chúa để đương đầu với ngày của Satan. Với tất cả những vũ khí phòng thủ và tấn công trong kho tồn trử của Thiên Chúa, thánh Phaolô chọn lấy Lời Chúa như thanh gươm sẽ giúp người Kitô hữu trong nổ lực loan truyền Tin Mừng hòa bình. Nói chung, tất cả những bản văn khác đều nhấn mạnh đến khía cạnh phán xét của Lời Chúa.

KẾT

Thánh Kinh dùng hai yếu tố thiên nhiên ( lửa, mưa ) và hai dụng cụ nhân tạo (búa, gươm ) để mô tả Lời Chúa và tính năng động của nó. Hình ảnh hai yếu tố thiên nhiên giúp chúng ta hiểu tác động thanh tẩy (lửa) và ban sinh lực (mưa); còn biểu tượng búa và gươm giúp chúng ta thẩm định năng lực của Lời Ngài trong hoạt động hoán cải cũng như trong việc sử dụng nó, cách chính đáng hay sai lệch, để xét xử (thanh gươm) và tái tạo (búa) kẻ nghe Lời Chúa.

Các tác giả Thánh Kinh ít khi dám nhân cách hóa Lời Chúa. Đối với các ông, Lời Chúa là tiêu chuẩn, mẫu mực đo lường và phê chuẩn đời sống, hành động của người Kitô hữu. Lời Chúa có năng lực thấu suốt, lột trần, thanh tẩy, ban sinh lực và tái tạo các tín hữu mà không tuỳ thuộc vào thái độ của họ đối với Lời. Đây là ý nghĩa phẩm tính toàn năng của Lời Chúa. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta phải để ý đến kiểu nói của Thánh Kinh trong những bản văn khác. Lời Chúa sẽ vô hiệu lực, nếu nó không được người nghe “đón nhận bằng đức tin” (Dt 4, 2); hoặc nếu dân chúng “không đếm xỉa gì đến đường lối của Ta” (Tv 95, 10). (The Word in biblical imagery. 1979)

VII. HỌC HỎI KINH THÁNH

Bài 6: CHÚA GỌI ABRAHAM
(Stk 12)

Abraham cùng với cha mình, rởi bỏ thành Ur đến vùng đất Canaan. Nhưng khi đến thành Kharan cả hai đã dừng lại ở đó. Sau khi cha ông qua đời, Chúa đã gọi Abraham đi về vùng đất Canaan như ông và cha ông dự tính trước đây. Ông đã ra đi mang theo vợ là Sara và vợ chồng Lót, cháu của ông. Lúc ấy Abraham đã 75 tuổi (Stk 12,4-5).

1/ Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện như thế nào?
Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua việc tuyển chọn Abraham, ông đã tin và vâng nghe Thiên Chúa.
2/ Thiên Chúa đã đối xử như thế nào và đã hứa với ông những gì?
Thiên Chúa đã xem Abraham như người thân tình và đã thề hứa:
* Một dân tộc sẽ phát xuất từ ông.
* Một đất nước thuộc quyền sở hữu của dân tộc đó.
* Mọi phúc lành được ban cho các dân trên thế giới nhờ Abraham.
Lời Chúa: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc ngươi; ai nhục mạ ngươi Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia súc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Stk 12, 2).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa.

VIII. SỐNG ĐẠO (tt)

4. GIỮ ĐẠO ‘BA RỌI’.

Dùng tiếng bình dân ‘ba rọi’ để nói lên tánh cách nữa nạc, nữa mỡ, nghĩa là nữa giữ, nữa không. Bình thường thì giữ, mà có việc, có rắc rối, thì chẳng những không giữ, mà có thể thực hiện những việc nghịch đạo nữa.

Hạng người như thế, không phải là không có; không nói được là số đông, nhưng vẫn thường thấy trong nhiều họ đạo. Có người nhận định rõ thì la lên: con ếch trong bình nước thánh. Con ếch vẫn thảnh thơi, nhưng nhìn vào, chắc phải bắt nó ném đi nơi khác.

Nhà đạo, ai lại không đi lễ, đọc kinh, làm việc từ thiện, bác ái…nhìn vào đó thì nói được là giáo hữu lành thánh. Nhưng gặp việc, muốn biết tương lai, thì quên mất Chúa, chạy tìm thầy bùa. Chúa thì còn tin, nhưng tạm gác lại một bên.

Vua Saolê trước đã cấm, đã hành tội mấy tay đồng bóng, nhưng đến lúc lâm trận, tìm hỏi Chúa, hỏi tiên tri không được, Vua đã tìm bà bóng, nhờ triệu hồn tiên tri Samuen về hỏi.

Mang bịnh có hơi lạ, không tìm bác sĩ mà nhờ thầy pháp trừ tà. Xây nhà, định hướng. Xuất hành, định giờ. Cưới gã, chôn cất, coi ngày. Tin những điều như thế, mong chúng đem lại may mắn, hạnh phúc!

Người ta thuật lại: Theo thầy coi định giờ, thì đám cưới phải vào ban đêm mới tốt. Thôi thì đêm! Cầm đuốc lò mò qua cầu. Cầu nhỏ, lại cũ. Chất lên đông. Cầu gãy. Dâu rễ gì đều lọt xuống sông. May quá, dâu rễ không giao bôi bên mâm tơ hồng ở nhà Hà Bá!

Xấu tệ hơn nữa là lúc bực tức, thù oán ai đó, lại nhờ mấy ông thầy bùa để họ trù ếm, bỏ bùa cho người bị hại, bị bệnh, có thể bị chết nữa (cũng có thứ bùa mê, chài gái). Họ quên rằng Chúa là Đấng quyềøn năng, bùa ngải làm sao lấn quyền của Chúa được. Chúa ban cho con người có tự do, nếu con người cương quyết chống đối, thì dầu ma quỉ có năng lực hơn người, cũng không làm gì được.

Đó là hạng người tin mà chưa hẳn là tin, mến mà chưa hẳn là mến. Như mê gái rồi bỏ Chúa, dù bề ngoài vẫn còn đi lễ, đọc kinh.

Vua Henri VIII, vì sa đắm sắc dục, mà bỏ Chúa, bỏ luật Chúa, thiết lập Anh giáo…thờ Chúa theo sở thích. Cũng có thể vì tiền như Giuđa nộp Chúa, dù ông vẫn còn tin tưởng Chúa cách nào đó, nhưng mê tiền nên bất đếm để rồi sau đó, buồn khổ, rồi tự treo cổ để tự trách hay để quên đi?

Hạng người vừa kể trên, không phải lợi dụng hay lạm dụng đạo, nhưng có thể do lòng tin, mến còn kém và lại tự thị, tự ái quá nhiều không nhớ quyềøn năng tuyệt đối của Chúa và cũng không nhớ rằng tự do của mình có giới hạn: tự do muốn điều tốt, nhưng không được tự do muốn điều xấu, điều hại (có thể tự do muốn; nhưng muốn như thế là xấu, là tội)

Trong họ đạo cũng có những người giữ đạo ‘ba rọi’ - vừa giữ đạo, vừa chống đạo – nhưng họ vẫn tỉnh bơ lại còn mỉa mai những người giữ đạo bê bối!

Chúng ta có thể đặt vấn đề: giữ đạo như thế thì mức độ học biết đạo được tới đâu? Đức tin có lớn mạnh không? Hay theo đạo vì hiếu thuận, đạo của cha ông thì mình theo? Giữ đạo vì tình cảm, thấy đẹp đẹp, hay hay nên quý nhưng thật ra chỉ có chút ít tiềm thức (cái biết ẩn sâu trong con người) nào đó thôi.

Nhìn người…để nhìn mình và cố gắng cải tiến. Xin Chúa Thánh Thần hãy đến canh tân bộ mặt trần thế (Renovabis facem terrae).

5. GIỮ ĐẠO CÁCH TỰ NHIÊN – CÁCH SIÊU NHIÊN.

Chúng ta thường nghe nói: tự nhiên, siêu nhiên, nhưng không mấy để ý, nhưng thiết nghĩ vấn đề này cũng khá quan trọng. Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu.

A. Tự Nhiên, Siêu Nhiên Là gì?

Tự nhiên cũng có thể nói là thiên nhiên, trời ban cho, tự nhiên có các yếu tố cấu thành một bản tính và có những tác động đúng hợp với tâm tình. Cây có bản tính sống lớn lên, cầm thú có bản tính biết cảm xúc và hành động theo bản năng. Thiên nhiên: Trời khiến như thế. Đó là tự nhiên.

Riêng về con người có xác, có hồn. Hồn có tài năng, lý trí và ý chí: biết được chân lý và mộ mến được thiệân mỹ, đó là bản tính tự nhiên của con người.

Khi Chúa tạo dựng thì Chúa lại nâng bản tính con người lên: Chúa tạo dựng Adong và Evà trong tình trạng siêu nhiên.

Siêu nhiên có thể hiểu là những chi trên bản tính tự nhiên. Tự nhiên không có quyền đòi.

Cái sống của con người được nâng lên làm cho con người có sự sống giống như sự sống của Chúa. Nhà thần học nói là thông phần, là tham gia vào sự sống của Thiên Chúa.

Trong thực tế, nhờ mạc khải, nhờ Hội Thánh truyền, chúng ta biết được: con người được siêu nhiên hoá nghĩa là được hiểu biết như Chúa biết (đức tin), thương yêu như Chúa thương yêu (đức mến).

Không những hướng về Chúa, lệ thuộc Chúa như vật thụ tạo, mà được Chúa nâng lên cao hơn là được thân mật với Chúa, nên nghĩa tử của Chúa, và hưởng gia nghiệp, được kết hiệp với Chúa.

Thêm vào đó, Chúa còn ban cho con người được ơn thiên phú thức (những đều đáng lý ra phải học mới biết), có khả năng chủ trị dục vọng và không bệnh, không chết. Những điều trên này thì gọi được là tự nhiên hay siêu nhiên tương đối. Khổ nổi ông bà nguyên tổ đã không tuân lệnh Chúa là mất tình trạng siêu nhiên. Tình trạng này phải là cao siêu, quý trọng nên vì đó mà Chúa đặt chương trình cứu chuộc, tái tạo, Chúa giáng sinh, chịu chết để cứu độ, để ban lại tình trạng siêu nhiên thuở đầu. Con người vẫn có thể nhờ sống siêu nhiên mà thu đạt đuợc ơn chủ trị dục vọng và sống đời đời.

Chúa đã dùng mạc khải để tỏ cho chúng ta biết đạo chúng ta siêu nhiên, vượt trên bản tính, trên hiểu biết của chúng ta. Chúa cũng dùng mạc khải để dạy chúng ta biết cách thế siêu nhiên để sống đạo siêu nhiên.

B. Như Thế Nào Là Sống Đạo Cách Siêu Nhiên:

Chống đạo lạm dụng đạo thật tình chúng ta sống đạo siêu nhiên, giữ đạo cách siêu nhiên không?

Có khi chúng ta chưa nghĩ đến và trong thực tế chúng ta giữ đạo theo lệ thói, theo tình cảm không tìm hiểu chi cả. Mặc dầu là nhân linh có lý trí, mà giữ đạo không hiểu biết thì không mấy khác biệt với vật theo bản năng!

Nếu chúng ta giữ đạo vì là phận sự của vật thọ tạo phải tôn thờ Đấng Tạo Dựng, phận sự thay thế và hướng về Chúa, lệ thuộc Chúa, tôn thờ Chúa để khỏi Chúa phạt, để Chúa ban ơn, ban phúc… - mặc dầu Chúa đã ban lại cho chúng ta tình trạng siêu nhiên - nhưng sống như thế là còn trong ảnh hưởng của tự nhiên (tâm trí tự nhiên có thể thấy biết).

Sống đạo siêu nhiên, sống đạo cách siêu nhiên là các tác động của chúng ta phải phát xuất từ sự sống siêu nhiên, nghĩa là sống ý thức theo đức tin soi dẫn, đức mến thúc đẩy. Không tác động như nô lệ nhưng tác động như người thân, người con của Chúa, tác động để mong kết hiệp với Chúa.

Giữ đạọ cách siêu nhiên thì không phải chỉ hiểu về việc xem lễ đọc kinh thôi. Mà cũng phải nhờ đạo là kỷ luật hướng dẫn mối tương quan với Thiên Chúa, với xã hội, với người, với mình. Do đó cũng phải siêu hoá luân lý đối xử, liên hệ…Và có thể siêu hoá các tác động như ăn, uống, ngủ, nghỉ, kể cả vui chơi giải trí. Giữ được mức trung dung thì kể được là đức (virtus in medio stat). Nhưng siêu hoá nó thì giá trị nó được tăng

(Nota: Chúa cho tôi thấy mình hèn kém nên cần phải giải trí, mong nhờ đó tôi làm việc tốt hơn, tôi phục vụ nhiều hơn. Ít ra tôi cũng bớt bị căng thẳng bớt cau có rầy la thiên hạ).

Còn đều này, chúng ta không ngờ, không mấy ai để ý là: chúng ta có thể siêu hoá các vật thọ tạo (các vật vô tri, vì là vật thọ tạo nên phải hướng về Chúa, con người dùng các vật thọ tạo, nhờ có lý trí do đó biết hướng về Chúa, thay cho vạn vật hướng về Chúa, làm cho vạn vật thật sự có ý nghĩa); con người là động từ của vạn vật.

Thánh giá được Chúa dùng để chịu chết đã được siêu nhiên hoá và thực tế được tín hữu sùng kính.

Kết luận: đạo chúng ta là đạo siêu nhiên. Chúa đã dùng mạc khải là việc siêu nhiên để dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta. Chúa mạc khải những chân lý vượt trên hiểu biết tự nhiên của chúng ta. Chúa cũng dạy chúng ta dùng những phương pháp siêu nhiên. Do đó chúng ta phải giữ đạo cách siêu nhiên mới đúng, mới thích hợp. Hiện thời chúng ta giữ đạo thế nào?

IX. THÁNG 6

KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

1. Hội thánh dùng tháng Sáu để nhắc nhớ, khuyến khích tín hữu sùng mộ, tôn thờ Thánh Tâm Chúa.

Thật ra việc tôn thờ Thánh Tâm đã có từ lâu và ngay trong đất nước Việt Nam cũng có giai đoạn việc tôn sùng Thánh Tâm có vẻ nhiệt thành, sôi động.

Qua thời kỳ biến động lịch sử, việc tôn sùng này kể như chìm lặng, chỉ còn lại lễ Thứ Sáu Đầu Tháng.

Đúng ra, việc tôn sùng Thánh Tâm có căn bản cao siêu và lợi ích có thể nói trên các việc tôn sùng khác.

Cao siêu, vì qua biểu tượng trái tim, chúng ta tôn thờ tình yêu vô biên của Chúa, hàm chứa cả khía cạnh cảm giác của nhân tính Chúa Giêsu. Và do đó việc tôn sùng này đưa chúng ta đến tuyệt đỉnh của Chúa Ba Ngôi là Chúa tình yêu và cũng đưa con người đến điểm thâm sâu nhất của con người là yêu… Mục đích tối chung của con người là kết hiệp với Chúa (sáng danh Chúa và hạnh phúc của con người nhờ kết hợp với Chúa).

Nhìn qua điểm lợi ích chúng ta thấy không việc tôn sùng nào hơn được. Chúng ta cũng nhớ những điều Chúa hứa ban cho những ai tôn sùng Thánh Tâm. Có thể lưu ý đến vài điều sau đây:

a. Việc tôn sùng này đưa chúng ta đến thẳng tình yêu của Chúa và thúc đẩy chúng ta yêu mến, đáp lại.

b. Giúp loại trừ nguội lạnh, giúp sống đạo nhiệt thành (Nota: nguội lạnh có thể là bệnh đặc biệt của giới tu trì). Tôn thờ Thánh Tâm là phương pháp đặc trị.

c. Người tội lỗi thấy được nơi dung thân (yêu nhiều thì được tha nhiều). Tông đồ Thánh Tâm được ơn giúp người tội lỗi cải hoá.

d. Giúp cho tín hữu nên thánh: Mến Chúa thì mong giống Chúa, bắt chước (noi gương Chúa), kết hợp với Chúa, đồng hoá với Chúa... Chúa Thánh, mình cũng… thánh.

Yêu là sở thích của mọi người, nên đúng ra chúng ta phải sùng mộ Thánh Tâm.

2. Sùng Mộ Thế Nào?

Sùng mộ nghĩa là ham thích và thường làm những việc tỏ ra tôn thờ, kính mếân thực tế.

a. Thực hiện việc tôn vương trong gia đình nghĩa là tôn Trái Tim. Không phải chỉ là việc đặt tượng bề ngoài, nhưng bên trong phải là một việc van nài Thánh Tâm làm chủ thật sự trong gia đình.

Chúa nhận mọi người trong nhà là người thân của Chúa, mọi người trong nhà cũng nhìn Chúa là người thân.

Sống chung… đó là một cách biểu lộ tình yêu. Sống gần: sớm viếng tối thăm (kinh hôm, kinh mai).

Sống chia xẻ vui buồn, lo nghĩ… Có vui, có buồn hay lo nghĩ gì thì đều trình với Thánh Tâm. Cha Mattêô đã trưng vài tấm gương: con em học giỏi đạt thưởng, gia đình đem phần thưởng đặt trước Thánh Tâm, cám ơn và dâng niềm vui cho Chúa. Lần khác được điện tín người con tử trận… cùng nhau đưa điện tín đặt dưới chân Thánh Tâm, tỏ lòng tuân phục và sau đó buồn khóc trước mặt Chúa.

Khi gặp những khó khăn thắc mắc: đến trước Thánh Tâm xin ơn soi sáng, khôn ngoan.

Nếu chúng ta thực hiện viêc Tôn Vương như thế thì chúng ta làm cho gia đình nên như cung thánh thứ hai. Và thật sự làm cho việc tôn sùng dường như được nên như việc (không những nhiều) thường xuyên trong cuộc sống.

b. Dẫu sao, chúng ta cũng không nên quên phép Thánh Thể, vì Thánh Thể là Bí tích tình yêu. Nhờ Thánh Thể ta thấy được Chúa yêu và nhờ Thánh Thể thúc đẩy mình yêu Chúa nhiều.

Tượng trái tim là biểu tượng còn Thánh Thể là chính tình yêu.

Mộ mến Thánh Thể là tôn sùng tình yêu, tôn sùng Thánh Tâm! Tháng sáu: yêu!

X. HÀNH HUƠNG

Giáo Phận Vĩnh Long chúng ta có những ngày Hành Hương đặc biệt: Tại Trung Tâm Fatima vào các ngày 13/05 và 13/10 để Kính Đức Mẹ và tại Trung Tâm Đình Khao vào các ngày 03/ 07 và 24/11 để Kính Các Thánh Tử Đạo Vĩnh Long.

Những ngày nầy qui tụ khá đông các tín hữu. Nhìn bên ngoài ta có thể nghĩ người tín hữu có lòng đạo đức nồng nhiệt cao siêu; nhưng nếu nhìn vào bên trong, có khi cảm nghĩ của chúng ta không đúng lắm. Giáo quyền tổ chức, dĩ nhiên, chỉ mong củng cố tâm tình đạo đức siêu nhiên và chỉ có hoài bảo mong tạo được phong trào tôn sùng thích đáng và thật sự đạo đức.

Chúng ta hiểu thế nào về Hành Hương?
Đây là một buổi hội họp đông người, vui vẻ, có những bài hát hay, có hoạt cảnh, có múa vũ…Đông. Vui. Đi cho vui!

Nơi hành Hương ít nhiều cũng linh thiêng hơn ở nhà, có thể van xin cho những nhu cầu của mình và nếu đạt nguyện, sau ta sẽ đền tạ lễ. Âu cũng có lời!

Chúng ta có tâm trạng thế nào?

Ít ra chúng ta cũng phải muốn đến cầu nguyện vì nơi đó có vẻ linh htiêng hơn; nếu không có ý cầu nguyện thì cũng phải có tâm tình đến nơi linh htiêng để thêm lòng tôn sùng, đạo đức hơn.

Xin đề nghị: Phải xác tín hành hương là một việc đạo đức. Các Đoàn thể cần nâng đỡ, khuyến khích nhau thực hiện việc đạo đức nầy. Vậy thực hiện thế nào?

a. Khởi hành: Với tâm hồn đạo đức, chúng ta có thể nghĩ đời là một cuộc lữ hành (đi đường). Chúng ta không bám trụ vào bất cứ nơi nào.

b. Lên đường: Quên đi những bận rộn ở gia đình, để nghĩ đến mục đích, ước vọng của việc hành hương. Có thể nhìn lại đời sống, để thấy những tội lỗi cần được sửa đổi, thấy những khuyết điểm cần tu bổ.

c. Giao tiếp: với các bạn hành hương tìm nâng đở tinh thần của nhau, nếu gặp thử thách tinh thần, vật chất (vd. Người tiếp mình không vui mà còn cau có với vẻ khinh khi hay lúc bị cảm bệnh. Hãy tìm gặp, biểu lộ tình yêu, để thông cảm, hiệp lực vượt qua thử thách.

d. Đến nơi kính viếng: Phải biết dìm mình vào bầu khí linh thiêng, dường như bao trùm cả người và vật; nhận ra đó là nơi giúp hiểu biết và khích động lòng tôn sùng. Đó cũng chính là nơi tốt nhất cho mình được ơn và là nơi thích hợp để cầu nguyện cho thân nhân, cho những người tội lỗi, cho những ai không được phước hành hương.

e. Về lại nhà: Tiếp tục cuộc sống hằng ngày, được ảnh hưởng của cuộc hành hương với ước muốn sống tốt đẹp hơn, sống đổi mới (nhật tân, nhật nhật tân). Xưa nay chúng ta Hành Hương thế nào?

Hãy kiểm điểm và cố gắng làm thế nào cho cuộc Hành Hương đúng là việc đạo đức giúp cho tín hữu thăng tiến trong tình yêu Chúa.

XI. TẢN MẠN

GIA ĐÌNH SỐNG LỜI CHÚA

“Nghỉ lễ”, thiên hạ nhộn nhịp đi lại, kẻ về quê, người đi du lịch. Không biết có điểm du lịch nào ở miền Tây Nam Bộ thu hút lượng khách đến 1400 người không? Đó là những tham dự viên đến Nhà thờ Chánh toà Vĩnh Long vào ngày 1/5 tham dự “Ngày Gia Đình” của Giáo phận.

Họ đã có mặt từ sáng sớm, có nhiều người phải thức dậy từ khuya để vượt con đường dài hàng trăm cây số cho kịp giờ khai mạc. Tinh thần phấn khởi xoá tan cơn buồn ngủ như chiếc khăn lạnh lau sạch lớp bụi mõng đường xa. Bải đậu xe không mấy chốc chứa đầy các loại xe, từ 50 chỗ, 25 chỗ, 15 chỗ và rất nhiều xe gắn máy 2 bánh. Riêng họ đạo Cái Mơn đếm được 118 đôi vợ chồng đi bằng phương tiện xe gắn máy. Số người đông như vậy mà nhập cuộc rất nhanh, chia tổ phân nhóm gọn gàng nhanh nhẹn đến không ngờ. Lý do: Nhưng người được tuyển chọn từ các họ đạo, 2/3 đã từng tham dự ngày gia đình, cũng phải khen ban tổ chức của Nhà thờ Chánh Toà quá hay.

Chương trình “Ngày gia đình” chính thức được khai mạc với lời ngõ của cha Tổng Đại Diện. Ngay sau đó, cha Trưởng Ban Mục vụ gia đình hướng dẫn đoàn kiệu tượng Thánh Gia Thất tiến vào nhà thờ cách trang nghiêm và long trọng. Đó cũng là hình ảnh mẫu guơng sáng tỏ mà cha Tổng Đại Diện mời gọi những bậc phu thê nhìn vào để tâm sống vâng nghe Lời Chúa. Không lạ gì, cha Tổng của chúng ta rất khéo nói, do đó cha bán con gì cũng được giá, nhờ đó cha giới thiệu các sách Tin Mừng quá ấn tượng, ai cũng thấy thấm ý. Thí dụ cha hỏi:

- Ai ở nhà có TV?
Cử toạ đưa tay gần 100%
- Ai ở nhà có đầu máy video?
Số người đưa tay giảm một chút, còn khoảng 70/%
- Ai ở nhà có sách Phúc Âm?
Số lượng giảm trầm trọng, còn khoảng 20/% !
Chúa Giêsu cũng thường đặt vấn đề như vậy trước đám đông dân chúng : “Ai trong các ngươi … “
Như vậy, những tâm hồn đã được chuẩn bị đón nhận hạt giống Lời Chúa trong Thánh lễ. Đức Cha Tôma mới vừa trở về từ Bắc Mỹ, ngài cho con cái mình những món quà tinh thần qua bài giáo huấn sống động giúp cho những người làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ ý thức nhiều hơn nữa căn tính và giá trị của gia đình kitô hữu.

Từ sớm đến giờ này, các tham dự viên chỉ nghe mà chưa được nói năng gì. Phần thảo luận nhóm là cơ hội để họ chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống của mình. Bốn nhóm được phân chia theo phái tính rõ ràng, nam riêng nữ riêng. Cách chia nhóm này đem lại hiệu quả tích cực, dễ thông cảm và mạnh dạn chia sẻ. Đặc biệt lần này không nghe ai nói xấu chồng, không có ai phiền trách vợ, đúng là “hai người yêu nhau không phải nhìn vào nhau, nhưng cùng nhìn về một hướng”. Qua cuộc thảo luận nhóm, ghi nhận có nhiều thắc mắc sẽ được các cha phụ trách giải đáp sau cơm trưa. Những vấn đề nào có tính cách riêng tư khó nói thì đến với vài cha đặc trách tư vấn để mong tìm được một lời khuyên hoặc một cách giải quyết vấn đề sao cho nhẹ lòng thanh thản.

Cha mẹ xa con chắc phải nhớ thương lắm. Biết vậy, ban tổ chức đã nhờ các cháu 2 trường Mẫu giáo Thanh An và Mai Linh đến múa hát giúp vui. Nét thơ ngây hồn nhiên dễ thương của các bé gợi lên hình ảnh “thiên đàng” của bài hát chủ đề:

Thiên đàng ở ngay mái ấm của ta,
Nếu biết yêu thương sẻ chia nồng nàn,
Thiên đàng ta đó, mỗi người sẳn có,
Nếu biết mở ra thì vào thiên đàng.
Đã đến lúc mỗi người trở về lại mái ấm của mình, thắp sáng lên và sưới ấm nhau bằng Lời Chúa.

Có lẽ cha Trưởng Ban Mục vụ gia đình là người vui nhất. Thân mình đã “mõng” lại ưu tư trăn trở tổ chức nên càng giảm cân. Mượn lời của cha Trưởng Ban để chấm kết: Thành công ! Êâm quá ! Mừng !

XII. NGHỆ THUẬT SỐNG

BÌNH TĨNH

Thưa bạn, tôi xin nói thẳng ngay rằng thầy dạy vô cùng quý giá, đó là sự bình tĩnh.

Trong đời bạn, chắc có nhiều lúc hết sức bình tĩnh, bạn mới có thể lướt thắng được nhiều trường hợp rất nguy hiểm đối với bạn.

Trong nhiều trường hợp như thế, bạn thường đứng trước hai ngã đường: hoặc mất hoặc được tất cả, hoặc bại hoặc thắng, hoặc chết hoặc sống.

Trong những lúc đó, sự bình tĩnh đã chế ngự lòng sợ hải của bạn, đã chỉ cho bạn những lối hành động rất khôn ngoan, đã làm cho tinh thần bạn vững chắc như bàn thạch. Thật, bạn là con người có chí khí và đầy đủ sáng suốt. Bạn hãy tin như vậy.

Nhất là trong những hồi bạn gặp rủi ro, thất bại, tình cảnh éo le, hiểu lầm, buồn chán, túng thiếu, cô đơn, v.v..., trong những lúc đó, xin bạn hãy hết sức bình tĩnh bằng cách thản nhiên đạp trên dư luận bất công đối với bạn, bằng cách ôm đầu ngồi lặng trong phòng vắng, bằng cách thong thả đi bách bộ giữa khí trong, bằng cách nhoẽn một nụ cười đại độ trước những nhỏ nhen tầm thường của con người, bằng cách vẫn tiếp tục công việc đang bỏ dở của bạn, bằng cách vẫn im lặng thi hành những công việc bổn phận của bạn giữa một bầu không khí không đem lại gì khuyến khích hoặc an ủi cho bạn, và nhất là, bằng cách đến nhà thờ, ngồi lì trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể.

Xin lỗi bạn vì tôi đã viết một câu quá dài để diễn tả một ý mà thôi. Ý đó là: xin bạn hãy luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh bạn buồn chán, lo âu, và gần như tuyệt vọng.

Và để khuyến khích sự bình tĩnh của bạn, tôi xin thuật lại câu chuyện sau đây.

Nhờ nghĩ đến ích chung, nhà ảo thuật Blackstone đã giữ vững được tinh thần trước cơn nguy hiểm.

Đang biểu diễn trên sân khấu, bỗng chàng dừng lại và ra lệnh hạ màn. Vớ ngay một cuộn dây dài, chàng ra đứng trước màn và nói với khán giả: "Chắc các bạn đã nghe người Ấn Độ dùng một cuộn dây để làm ảo thuật. Họ quăng sợi dây lên trên không. Sợi dây đứng thẳng phắt như một con sào. Họ cho một người trèo lên sợi dây. Người đó trèo lên trên chót rồi biến mất. Bây giờ, tôi muốn diễn trò ảo thuật ấy lại cho các bạn. Tôi không muốn diễn ở đây vì các bạn cho tôi thành công là nhờ có ánh đèn và kiến giọi. Tôi muốn diễn ngay tận giữa đường. Vậy mời các bạn ở cuối phòng hãy ra trước."

Trong vòng hai phút, khán giả đã ra khỏi rạp xiếc. Và trong phút chốc, ngọn lửa đã rần rật thiêu đốt cả sân khấu.

Blackstone được báo là rạp xiếc sắp bị cháy. Và lòng bình tĩnh của chàng đã cứu sống được toàn thể khán giả (st)

XIII. GỢI Ý SỐNG LỜI CHÚA

Mộ mến Kinh Thánh là cả vấn đề. Vì thúc đẩy tín hữu mộ mến kể là không thể được. Hoạ hoằng mới có được một hay hai người mộ mến. Khuyến khích đọc Kinh Thánh có thể dễ hơn.

Vấn đề hiểu Kinh Thánh xem ra dễ, làm đúng ra rất khó. Vì Kinh Thánh xem ra đơn sơ, bình dân, nhưng thật sự rất sâu thẳm, bao la, nên người tín hữu ít học (nhờ Chúa Thánh Thần) có thể nắm bắt được chân lý cách dễ dàng, mà có khi cũng hiểu sâu nữa. Còn những nhà trí thức, vận dụng cả cái sáng suốt thông minh của mình cũng chưa chắc thấu đáo bao quát.

Dẫu vậy, theo ý Hội Thánh, theo đường hướng của Đức Thánh Cha, thì phải khuyến khích tín hữu nên đọc Kinh Thánh.

Giáo hữu thời nay kể được là trưởng thành, trí thức được mở mang, học hỏi cũng khá nhiều, cho nên giữ đạo đừng bám vào đường lối của cha ông, nghĩa là giữ đạo theo tình cảm, mà phải tự tìm hiểu, ý thức: Tại sao mình tôn thờ Thiên Chúa, thờ Chúa Giêsu?

Người tín hữu thấy được mình giữ đạo là đúng, là hợp lý thì mới trưởng thành và đạo mới có nền tảng sâu hơn. Cho được thế thì phải nhờ Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh.

Hội Thánh vẫn biết đọc, hiểu Kinh Thánh không phải dễ, cho nên hắc nhở tín hữu phải khiêm tốn, luôn nương nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn. Chúa Thánh Thần luôn soi sáng, nhưng con người có tự do, không chắc đã biết theo ánh sáng Chúa Thánh Thần, nên còn cần phải kiểm chứng những ý nghĩ, những hành động của mình xem có hợp với những chỉ thị của Huấn Quyền không? Nếu ngược lại, thì chắc là không phải Chúa Thánh Thần soi sáng. Vì thế, đọc Kinh Thánh phải có lòng khiêm tốn, nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và Hội Thánh hướng dẫn.

Gần đây, trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ 2006, ĐTC Bênêđictô XVI, sau khi nhắc đến việc phải nhờ Chúa, ngài đưa ra đường lối sau đây:

1. Một là đọc (lectio): đọc đi đọc lại vài ba lần
2. Hai là suy gẫm (meditatio).
3. Thứ ba là Khẩn nguyện (oratio)
4. Thứ bốn là chiêm niệm (Contemplatio).

Dựa vào lời ĐTC dạy chúng ta có thể đề nghị một lối chia xẻ, suy gẫm đơn sơ, sau đây (mỗi nhà nên có một Quyễn Kinh Thánh và Suy Niệm Hằng Ngày):

Đọc một kinh: Kinh Chúa Thánh Thần hay Kinh Tin Kính. Liền sau đó, đọc một đoạn Phúc Âm (có thể đọc Phúc Âm trong lễ của ngày hôm ấy, nếu dài có thể đọc ngắn, bới đi một phần).

a. Thinh lặng 1-2 phút. Nhìn Chúa, quan sát Chúa, thấy những cử chỉ tác động giao tiếp của Chúa, nghe Chúa nói.

b. Chia xẻ: mỗi người (nếu được) nói lên ý nghĩ, nhận định về Chúa như Chúa cao siêu, Chúa quyền năng, Chúa gặp gỡ…Chúa đổi xử với mình thế nào? Có thể kéo dài 5’. Nếu có người hướng dẫn có thể đúc kết ý nghĩ, nhận định chung càng hay.

c. Sau cùng tâm sự với Chúa trong thinh lặng hoặc nói lớn tiếng. Đây cũng là một cách nối kết việc chia xẻ: vài phút.

d. Kết thúc bằng Kinh Cám ơn hay Trông Cậy. Nếu chúng ta giúp hay thúc đẩy được có những buổi kinh chiều như thế thì Thơ Mục Vụ có hiệu lực đạt kết quả tốt đẹp. Đó là thể hiện một lối suy gẫm nhỏ, đơn sơ. Người giáo hữu có thể thực hành và nếu có người hướng dẫn càng tốt.

XIV. LỜI HAY Ý ĐẸP

Tạo ra may mắn chính là chuẫn bị điều kiện lý tưởng cho những cơ hội khi nó đến.
Mà cơ hội thì lại chẳng liên quan gì đến may mắn hay sự tình cờ: Nó đến với tất cả chúng ta (First News)

1374    20-04-2012 15:10:10