Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Lời Chúa Là Nguồn Sống Của Hội Thánh - Tháng 07 năm 2006

CHỦ ĐỀ: LỜI CHÚA LÀ NGUỒN SỐNG CỦA HỘI THÁNH

I. HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẶC KHẢI số 21

Hội Thánh đã luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa: nhất là trong phụng vụ thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô mà trao ban cho các tín hữu. Hội Thánh đã và vẫn luôn luôn coi Kinh Thánh cùng với Thánh Truyền như là quy luật tối cao cho đức tin của mình, bởi vì Kinh Thánh, được Thiên Chúa linh ứng và được ghi chép một lần cho mãi mãi, truyền đạt Lời của chính Thiên Chúa cách bất di bất dịch và làm vang dội tiếng Chúa Thánh Thần trong lời của các Ngôn sứ và các Tông đồ.

Vì vậy, toàn thể công việc rao giảng trong Hội Thánh cũng như chính đạo Kitô phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Quả thật, trong các sách thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp con cái và trò chuyện với họ. Trong Lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng. Bởi thế, lời nói sau đây hoàn toàn đúng về Kinh Thánh: “Thật vậy, lời Thiên Chúa sống động và linh hoạt” (Dt 4,12), “có sức xây dựng và ban phần gia nghiệp cho mọi người đã được thánh hoá” (Cv 20,32; x. 1 Th 2,13).

II. DẪN GIẢI

  1. Hiến Chế nêu lên cho chúng ta thấy Hội Thánh trao ban cho chúng ta Kinh Thánh và Mình Thánh, để làm nguồn sống cho chúng ta.
  2. Kinh Thánh và Thánh Truyền được mãi mãi lưu truyền cho chúng ta, để nên quy luật sống nghĩa là thể cách biểu lộ sức sống.
  3. Kinh Thánh nuôi dưỡng, ban sức mạnh, hướng dẫn Hội Thánh, thể hiện công trình rao giảng (làm cho Hội Thánh sống).
  4. Đối với tín hữu, Hội Thánh tăng cường sức sống thiêng liêng (mạnh tin), làm cho sống trường tồn và tinh tuyền.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NÓI VỚI CHÚA

Một thầy dòng nọ viết như sau: Tôi thấy thỉnh thoảng có những chủng sinh, linh mục giỏi về thần học lại bỏ cuộc. Trong số đó có các các vị là giáo sư thần học nổi tiếng đã từng viết những quyển sách về thần học rất hay; và nếu có lưu ý, chúng ta sẽ thấy những diễn biến đó không xảy ra một cách đột ngột nhưng chậm từ từ. Lòng nhiệt thành từ từ giảm nhiệt, đức tin yếu dần.
- Có phải ma quỉ xâm lăng tâm hồn và cướp mất lý tưởng không?
- Thưa không.
- Có phải vì tiền tài, lạc thú bỏ lối họ từ từ đến chỗ nghi ngờ không?
- Thưa không.
- Mọi diễn biến đơn thuần ở chỗ những vị đó nói về Chúa nhiều quá mà quên nói với Chúa.
Đọc và suy niệm Kinh Thánh là tìm hiểu về Chúa, để biết Chúa và ý Chúa muốn, nhưng đồng thời, Lời Chúa là chính Chúa sẽ soi dẫn tâm hồn chúng ta gặp được chính Chúa. Đọc Kinh Thánh là một cách gặp gỡ, chuyện vãn với chính Chúa vậy! Bằng việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, chúng ta gắn bó thân mật với Chúa ngày một hơn và đời sống đức tin mỗi ngày một sung mãn hơn.

IV. DẪN Ý

Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải số 21nói về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Hội Thánh: “Hội Thánh đã luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa” và “toàn thể công việc rao giảng trong Hội Thánh cũng như chính Đạo Kitô phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (MK 21).

Thật vậy, trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chủ Nhật ngày 6 tháng 11 năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI mạnh mẽ khuyến khích mọi người Công Giáo hãy năng đọc và suy niệm Kinh Thánh, và Ngài nói rằng văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II Dei Verbum (Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải) về Kinh Thánh và Truyền Thống, chính là "một trong những cột trụ của toàn bộ cấu trúc của Hội Thánh. Văn kiện nầy nói về Mạc Khải của Thiên Chúa và sự lưu truyền Mạc Khải, về sự linh ứng và việc giải thích Kinh Thánh, về tầm quan trọng căn bản của kinh thánh trong đời sống của Hội Thánh."

Như chúng ta biết về thành quả của Công Đồng Vaticanô II là có 16 văn kiện chính thức được công bố . Các văn kiện này đề cập đến các mặt khác nhau trong đời sống Hội Thánh và được chia thành 3 loại xếp theo tầm quan trọng : 4 hiến chế, 9 sắc lệnh, 3 tuyên ngôn. Văn kiện về Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh: Dei Verbum (18.1.1965), thuộc loại thứ nhất và mang tên là “Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa” (gọi tắt là Hiến chế về Mặc khải).

Đức Thánh Cha giải thích: Công đồng Vaticanô II đã đặt Chúa Kitô vào trung tâm của Mạc Khải và trình bày Ngài như là Đấng trung gian và là sự viên mãn của tất cả Mặc Khải (x.MK 2). Thật vậy, Chúa Kitô, Ngôi lời nhập thể, Đấng đã chết và sống lại, đã hoàn tất công cuộc cứu rỗi, đã thực hiện bằng hành động và lời nói, và đã biểu lộ, cách trọn vẹn, dung mạo và thánh ý của Thiên Chúa Cha. Với Đức Giêsu Kitô, mạc khải đã chấm dứt, sẽ không có mạc khải công khai và mới mẻ nào khác nữa cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang (x.MK 3).

Các Tông đồ và những Đấng kế vị các ngài, tức các giám mục, có nhiệm vụ gìn giữ sứ điệp mà Chúa Kitô đã trao phó cho Hội Thánh, ngõ hầu sứ điệp ấy được lưu truyền cách trọn vẹn cho tất cả mọi thế hệ. Sứ điệp nầy được lưu giữ trong Kinh thánh (Cựu Ước và Tân Ước) và Thánh Truyền và Chính Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện trong Hội Thánh soi sáng cho chúng ta hiểu và thực hành đúng như ý Chúa muốn, sao cho “Thiên Chúa, Đấng xưa đã nói với các tổ phụ và các tiên tri, nay không ngừng nói với Hội Thánh và qua Hội Thánh mà nói với toàn thế giới.” (x.MK 5).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: "Hội Thánh không thể tự mình sống được, mà phải sống nhờ vào Phúc Âm, và thường xuyên tìm ra những chỉ dẫn từ Phúc Âm trong cuộc hành trình của Hội Thánh." Nhờ Hiến Chế về Mặc Khải “mà từ đó phát sinh cuộc canh tân sâu xa trong đời sống của cộng đoàn Hội Thánh, nhất là trong việc giảng huấn, trong việc dạy giáo lý, trong thần học, trong tu đức và trong những tương quan đại kết.”

Đức Thánh Cha khuyến khích người tín hữu tiếp cận bản văn Kinh Thánh, đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm trong tâm trí đoạn Kinh Thánh đóù, và “vắt lấy nước” từ đoạn Kinh Thánh đó, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh.

Cần đọc Sách Thánh dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần và trong “thái độ lắng nghe” như Đức Maria. Đức Thánh Cha diễn giải: “Trong các cảnh vẽ về biến cố Truyền Tin: Đức Nữ Đồng Trinh tiếp đón vị sứ giả truyền tin đang khi suy niệm Kinh Thánh, qua chi tiết Mẹ cầm quyển Kinh Thánh nơi tay, hoặc đặt quyển kinh thánh nơi đầu gối, hoặc trên bàn quỳ. Đây cũng là hình ảnh của Hội Thánh được Công Đồng mô tả trong Hiến chế về Mạc Khải.”

Tóm lại, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người Công Giáo hãy năng đọc và suy gẫm Kinh Thánh, vì lẽ thói quen tốt đẹp này sẽ giúp khai sinh ra "một mùa xuân tâm linh mới" cho Hội Thánh.

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI:

“Chúng ta hãy cầu nguyện sao cho, giống như Mẹ Maria, Hội Thánh trở nên người nữ tì vâng phục Lời Chúa và luôn rao giảng Lời nầy với lòng tín thác mạnh mẽ, ngõ hầu toàn thế giới, nhờ lắng nghe, mà tin vào Lời công bố ơn cứu rỗi; Tin sẽ dẫn đến Hy vọng; và Hy vọng dẫn đến Yêu thương.”

Kiểm điểm:

Tôi có xác tín Lời Chúa ban sự sống cho tôi không?

Có biết nhờ Lời Chúa để được sống, lớn lên và sống mạnh?

Có biết nhờ Lời Chúa để biết được sống thế nào đúng ý Chúa, đẹp lòng Chúa?

Tôi có biết nhờ Lời Chúa để được có sức mạnh sống siêu nhiên không?

Tâm ý tôi thế nào đối với Lời Chúa?

GỢI Ý SÁM HỐI.

Tôi không nhận ra sức sống của Lời Chúa. Xin thương xót tôi.

Trong cuộc sống, lúc gặp bế tắt, chán nản,… tôi không tìm đến với Lời Chúa. Xin thương xót tôi.
Tôi không chọn Lời Chúa làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của đời tôi. Xin thương xót tôi.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa hằng sống, nên Lời Chúa phát sinh sự sống hạnh phúc. Mọi Lời Chúa phán, với bất cứ hình thức nào, đều đưa loài người đến sự sống và là sự sống dồi dào. Chúng ta cảm tạ Chúa, vì đã ban Ngôi Lời làm nguồn sống cho Hội Thánh. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa Giêsu phán: “Ta đến để cho chiên Ta được sống, và sống dồi dào”. Chúng ta cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh, triệt để thực thi các lệnh truyền của Chúa, và biểu hiện nguồn sức sống của mình được múc lấy từ Lời Chúa.
  2. Chúa Giêsu phán: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Trí và là Sự Sống”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, nhờ một Thánh Thần duy nhất hướng dẫn, mà lắng nghe Lời Chúa, và phúc âm hoá mọi sinh hoạt của đời sống.
  3. Thánh Phêrô đáp: “Chính nơi Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết dùng Lời Chúa làm nền tảng cho mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm, và giúp cho xã hội nhận biết “Lời Chúa ban sự sống”.
  4. Chúa phán: “Anh em đã được thanh sạch rồi, nhờ Lời Thầy đã nói với anh em”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, thường xuyên đón nhận Lời Chúa: Lời ban ơn tha tội, Lời ban bình an, Lời ban sự sống dồi dào.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Ngôi Lời tạo thành vạn vật cho trần gian. Xin cũng ban Thần Trí Chúa, giúp chúng con hiểu biết và đón nhận Lời Chúa làm nguồn mạch mọi sinh hoạt của đời sống; hầu ngày sau đặng hưởng sự sống dồi dào trên Thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

KINH THÁNH là GẠCH NỐI
Giữa LOÀI NGƯỜI TỰ DO Với THIÊN CHÚA TỰ DO

Tôi yêu Kinh Thánh như một người, chứ không như một bản văn. Con người ấy vừa là Thiên Chúa vừa là nhân loại không thể chia cách. Thiên Chúa bày tỏ con người: Con người được Thiên Chúa diễn tả do chính tiếng nói của họ, con người lắng nghe Thiên Chúa qua những tiếng nói xuất phát từ chính họ, con người này là lời nói của Thiên Chúa. Cuốn sách nói và tất cả con người tôi lắng nghe: Con người ấy như khoảng không gian huyền bí đang tỉnh thức lắng nghe, ở đó mỗi tiếng trong sách biến thành hơi thở, lời của sách thông ước (đo lường) được trở thành không thể thông ước (không thể đo lường) được đối với trí hiểu của tôi. Tôi chỉ đọc cuốn sách đó để nghe nó, đụng chạm tới nó, bắt lấy nó bằng mọi giác quan của tôi, và hơn nữa, để nó bắt lấy tôi. Nói rằng nó là hơi thở thì không đủ, hay nói nó là LỜI vượt trên mọi lời cũng hãy còn quá ít. Nó là Hiện Diện, là Tiết Điệu của Thiên Chúa sáng tạo muôn loài ở giữa chúng ta. Nó là tiếng đập của trái tim Thiên Chúa, thứ tiếng đập không thể ghi được bằng tiếng của loài người, nhưng có thể nhận thức được qua tiếng nói của loài người, bởi lẽ chính là tiếng của họ.

Trái tim Thiên Chúa luôn đập suốt qua lịch sử này, một lịch sử thường là ghê tởm và luôn thánh thiện: không lúc nào trái tim ngừng đập và nhờ đó lịch sử này đã thành một mối.. Trái tim giúp con người ý thức một cách sâu sắc về hư vô và thực tại của mình.

Người ta ưa nói rằng Chúa Yahvé của Cựu ước là Thiên Chúa hung dữ. Thuyết Manichéisme (chủ trương Thiên Chúa sáng tạo vừa thiện vừa ác) nham hiểm đã tạo nên một định kiến làm cho nhiều người chống lại với Ngài. Họ quên rằng trong sự việc ấy có một chủ chốt khác chính là con người và sự tự do khủng khiếp của nó. Là kẻ phiến động trong sự ác cho đến cùng, là kẻ cố chấp thách thức không biết mệt mõi, con người trong Kinh Thánh cũng tự do như Thiên Chúa, còn có cả đến 9 lần tự do như Pharaon, Achab, hay Antiochus Epiphane, tự do để tự tiêu diệt, để chối bỏ cả những cái đương nhiên để không thừa nhận tiếng la hét, suốt trong cuốn sách, đã vang lừng tuyên bố rằng Thiên Chúa có thể làm mọi sự.

Hãy tìm trong lịch sử linh thiêng của loài người, xem có cuốn sách nào khác đã thắt chặt được tự do của loài người với tự do của thiên Chúa một cách chặt chẽ đến như thế. Hai tự do cũng có nguồn mạch ghen tương chung, thịnh nộ hay tình yêu là tùy ở chúng ta. Tôi được tự do chối bỏ uy quyền, nhưng như vậy là phá bỏ tự do của tôi: nhìn nhận cái này tức là xây dựng cái kia. Giữa con người tự do và Thiên Chúa tự do thì cuốn sách là gạch nối.

Bởi thế chẳng có gì gây xúc động trong Kinh Thánh hơn là lòng ưu ái của Thiên Chúa.

Đúng là Thiên Chúa “làm chai đá tấm lòng” những kẻ ác, dường như để chúng mạnh mẽ hơn mà chống lại Ngài: nhưng khi Môisen yêu cầu được thấy vinh quang của Ngài thì Ngài che chở ông bằng cách lấy bàn tay úp lại trên ông khi Ngài ngang qua ông (Xh 33, 18-23). Thiên Chúa “lân ái và từ bi, chậm bất bình, nhã nhặn và chung thủy”; chính Ngài được các tiên tri và những ai được linh hứng ca ngợi không biết mỏi mệt; không biết mỏi mệt ngang với bọn ác ôn, với các vua chúa không tận chức hoặc với các tư tế hư thân: dường như có một điểm thăng bằng luôn luôn bị đe dọa, luôn luôn được thừa nhận giữa những lực lượng xấu càng ngày càng tăng với lời ca ngợi hoặc lời tiên tri cô quạnh. Toàn bộ Kinh Thánh, cuốn sách những chứng nhân, chỉ là một bài ca tri ân vận chuyển một mạc khải. Tình yêu Thiên Chúa được nhận biết ở chổ Ngài đặt lời trong ai thuộc về Ngài: trọng tâm của toàn bộ ấy tức là cuốn Kinh Thánh, trong đó lời tựa của Tin Mừng Thánh Gioan tỏa sáng khắp nơi. (Pierre Emmanuel)

VII. HỌC HỎI KINH THÁNH

Bài 7: LÒNG TIN CỦA ABRAHAM.

(x. Stk 13, 9-19). Thiên Chúa đi qua giữa những con vật được sát tế bằng một “luồng lửa” và Thiên Chúa ký kết với ông: sẽ ban cho ông cùng dòng dõi ông một mảnh đất. Chỉ đơn giản như vậy mà Abraham đã tin vào lời hứa của Chúa.

(x. Stk 22, 1tt). Thiên Chúa đã giữ lời hứa với Abraham qua việc ban cho ông một đứa con trai trong lúc tuổi già, đứa con ấy tên là Isaac, nghĩa là: “Chúa đã làm cho tôi cười được”. Nhưng ông vẫn không chối từ khi Thiên Chúa kêu ông sát tế đứa con duy nhất dâng cho Ngài.

Tại sao gọi Abraham là cha của những kẻ tin?

Chính những việc làm trên ông được gọi là cha của những kẻ tin vì ông là người đầu tiên đã tin tưởng hoàn toàn vào những lời Chúa phán. Đức tin chính là tín nhiệm vào Chúa, sẵn sàng nghe và thi hành theo những gì Chúa phán dạy. Abraham chính là“mô hình mẫu” cho mọi tín hữu trong cuộc hành trình đức tin.

(Có thể đối chiếu giữa hai mẫu người: Adong và Abraham. Adong được Chúa yêu thương đặt để trong vườn Địa đàng với mọi thứ cần dùng, được gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng ông còn hoài nghi tình yêu của Thiêân Chúa dành cho ông. Trong khi Abraham chỉ thấy những dấu chỉ và lời Chúa phán thì ông đã hoàn toàn tin theo...)

Lời Chúa: “Nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch” (Stk 22, 17).

Cầu nguyện: Xin Chúa thêm đức tin cho con để con đủ can đảm đón nhận những thử thách trong đời sống chúng con. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

Ý THỨC TRONG CUỘC SỐNG ĐẠO

Nhìn thoáng qua những lối sống đạo, chúng ta thấy nhiều lối mâu thuẩn, không tốt và có khi tai hại nữa. Chúng ta cũng nhận thấy sống đạo phải siêu nhiên. Sống đạo siêu nhiên, nhưng không thể đến mức độ hoàn hảo được (hoàn hảo như Cha trên trời). Vì thế chúng ta phải luôn gắng sức tiên lên mãi. Trước tiên, đề nghị chúng ta nên lưu ý:

1. Ý thức trong lối sống đạo.

Thật ra, trong cuộc sống đạo, phần đông không mấy ai suy nghĩ: tại sao mình tin Chúa, thờ Chúa, giữ luật Chúa (nghĩa là tại sao tôi sống đạo?). Thấy được những lý do, nhờ đó mình tin, mình thờ… thì đạo có nền tảng. Nếu không ý thức được lý do thì sống đạo chỉ theo tình cảm, vì ông bà mình giữ đạo, thì mình cũng giữ. Hay vì cảm tình với linh mục, với bạn bè… thấy đạo hay hay, theo cho vui (chưa ý thức sâu hoặc nhờ Chúa, Đức Mẹ ban cho những ơn đặc biệt, cảm mến ơn… rồi theo đạo.

Tôi biết một anh, con nhà đạo dòng, có bằng tiến sĩ, có địa vị cao trong xã hội… trước những thử thách, mặc dầu vẫn giữ đạo nhưng thắc mắc “Tại sao Chúa để như thế?” Một người khác trong giai đoạn kháng chiến bị bắt và đem ra xử bắn cùng với mười người. Người này âm thầm van xin: nếu con thoát nạn thì con xin theo đạo… Phi thường, chín người ngã gục, người thứ mười lại được tha. Anh đã giữ lời nên theo đạo, đặc biệt sau đó có một người con làm linh mục.

Sống đạo theo tình cảm, với ơn Chúa cũng có thể đạt đức tin sâu xa, và giữ đạo đều độ, anh dũng, sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Nhưng nếu dựa vào cảm tính mà sống đạo… khi gặp cơn thử thách tình cảm, thiện cảm không còn, khi gặp cái vui, cái lợi, cái vừa sở thích nơi khác thì dễ sang ngang (Một gia đình lúc thịnh thời hay mời linh mục, tu sĩ…đến lúc suy sụp, đến nhà tu mượn gạo…nghe nhà tu nói với nhau: cho mượn không biết có trả nổi không? Chạm tự ái, nên cả nhà đều bỏ đạo.

Ý thức là biết rõ, biết sâu, xác tín thì mới có thể nhiệt tâm sống đạo. Nhưng cũng còn phải có:

2. Ý thức trong chính việc sống đạo.

Nếu mình giữ đạo theo lệ thói, người ta làm, mình bắt chước làm theo, như máy móc thì chưa nói được là sống đạo.

Tình trạng sống đạo theo lệ, sống như máy, lan rộng khá nhiều trong tín hữu. Có thể cũng có nhiều nhà tu sống như thế. Thuở nhỏ, chúng ta được dạy cho đọc kinh, dạy làm việc lành, nhưng kể như không được dạy ý nghĩa. Rồi đến lớn, đọc kinh, làm lành… nhứt là đọc kinh ngày này qua ngày khác, làm cho chúng ta quên đặt để ý thức vào kinh vào việc. Đáng lý ra, khi đọc kinh chúng ta phải ý thức: đó là tiếp xúc với Chúa, để tôn thời, tâm sự với Chúa.

Ý thức Chúa trước mặt: có thể diện đối diện, ý thức nghĩa lời kinh, mặc dù mượn của Hội Thánh, mình phải ý thức như lời của mình và mình có thể tự phát những lời của tâm sự.

Khi tác động thì phải ý thức: Mình làm theo ý Chúa, làm cho vui lòng Chúa (chứ không theo trắc ẩn tự nhiên, hay phô trương tài năng làm theo sở thích).

Nếu làm theo lệ thì tỏ ra mình chưa trưởng thành: chưa biết sống đạo, và có thể nghĩ mình chưa hẳn là con người vì chưa biết sử dụng lý trí.

Xin Chúa ban cho chúng ta trong công trình sống đạo, biết dùng lý trí để ý thức được đạo và sống đạo.

IX. HÀNH HƯƠNG ĐÌNH KHAO

ĐÌNH KHAO

Danh từ gợi lên niềm vui cho tướng sĩ, nơi khao quân. Nhưng Đình khao chính là khu vực nhuộm thấm máu đào của thánh Philípphê Minh, một nơi ghi lại thảm trạng của người tử tội chăng? Không hẳn thế .

Trái lại Đình Khao là một tiếng vang động lan rộng ra khắp vũ trụ … làm chứng cho Chúa, cho đạo Chúa.

Đình Khao, nhắc nhớ điểm tuyệt vời của tình yêu “không tình yêu nào siêu vượt bằng chết vì yêu”

Đình Khao đối với tín hữu Vĩnh Long, dầu không hình thể bên ngoài, nhưng vẫn là một đài danh vọng cho Đấng Anh Hùng.

Đình Khao… Đình Khao! Đó là tiếng gọi của Giáo phận: anh em chúng ta hãy về đây cùng hợp nhau để mến nhớ ngày chiến thắng của các bậc anh hùng tiền nhân, nói được là trong gia tộc của chúng ta. Chiến thắng tự do để đặt mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa; chiến thắng khuynh hướng đam mê khoái lạc tạm thời để đạt hạnh phúc chân thật vĩnh cữu; chiến thắng tình đời để đạt tình Chúa.

Hãnh diện thay! Con cháu các thánh. Đình Khao… Đình Khao!!!

Tiếng mời anh em tín hữu Vĩnh Long hãy tôn sùng Các ĐấngThánh, nơi được gọi là của riêng biệt cho Giáo phận Vĩnh Long. Tôn sùng nghĩa là ham thích, mến kính. Chúng ta vẫn biết: Máu tử đạo là hột giống sinh nên giáo hữu. Mặc dầu, chúng ta không cùng một dòng huyết nhục nhưng vẫn là đồng bào. Chúng ta vẫn quả quyết được mình là con cháu các Đấng Tử Đạo. Không mến nhớ, thì cũng nói được mình có phần bất hiếu.

Đã có tình gia tộc cho nên không có quyền không nhớ, mặc dầu không có lệ thói đặt tượng các thánh trên bàn thờ cùng với tượng Chúa (có thể đặt tượng nơi khác). Dầu vậy, nếu thật sự mộ mến tôn sùng có thể thường nhớ đến… Như trong cuộc sống có nhưng lo âu, đau phiền, nhưng phước thay chúng ta có thể bộc lộ với Đấng Thánh Minh, Thánh Lựu mộ mến. Hoặc khi gặp những khó khăn, yếu kém cần nâng đỡ, chúng ta có thể trình bày, van xin, cứu trợ…

Nói được, chúng ta có thể thường gặp gỡ và có thể ngắm nhìn, để chúng ta là con cháu, noi gương tiền nhân, biết sống tốt, sống thánh, sống can đảm, sống yêu thương, sống là người chứng cho đức tin, cho đạo Chúa.

Những lời kêu gọi, khuyên mời trên này, chúng ta đã nghe chưa?

Nghe?...Mà có suy nghĩ, nhận định, mình phải ra sức tôn sùng Thánh Bổn Mạng Quan Thầy Của Giáo Phận hay có khi bất mãn vì bên trong dường như có tiếng gì đó nói: Thánh Minh không linh, ít ra bề ngoài không linh bằng Cha Bữu Diệp!

Nghĩ như thế không đi đúng đường lối tôn sùng. Tôn sùng để được nhiều ơn Chúa, để nên tốt, nên thánh. Nếu tôn sùng chỉ để được phúc lợi thể xác, thì không phải là việc tôn sùng nữa, có thể nói là lạm dụng việc thiêng thánh.

Đình Khao… Đình Khao!

Chúng ta hãy tôn sùng Đấng Thánh Bổn Mạng của Giáo Phận, Đấng Thánh thân yêu của chúng ta. Xin ngài cầu bàu cho con cháu biết noi gương Ngài, cho Giáo Phận ngày càng phát triển: Đông người biết Chúa, làm con Chúa và cũng làm chứng nhân cho Chúa.

TỬ ĐẠO LÀ GÌ ?

Nhắc đến Đình Khao, chúng ta nhớ đến cuộc tử đạo của hai Thánh Tổ phụ Philipphê Minh và Giuse Trùm Lựu; Thiết tưởng cũng nên tìm hiểu tiếng “tử đạo” nghĩa là gì và tử đạo để làm chứng cho những gì?

Tử đạo là chết vì Đạo, vì theo Đạo mà bị người ta ghét, người ta thù, không muốn cho cùng đội trời chung, nên họ giết, thủ tiêu để khỏi thấy mặt, khỏi phải chung đụng nữa. Còn những đương sự thì vì xác tín vào Đạo là tốt, là thật, là phận sự khẩn thiết, cho nên không có chi bắt mình bỏ Đạo được.

Cứ bên ngoài thì chúng ta có thể nói nhà tử đạo có lập trường vững chắc, người ta không thể dụ dỗ, mê hoặc được; không thể dùng tiền bạc, danh vọng, khoái lạc hay bất cứ thứ chi làm nhà tử đạo đổi ý, ngay cả những cực hình đe dọa.

Cũng có thể nói, nhà tử đạo là bậc anh hùng, can đảm đón nhận những khổ hình và cả cái chết nữa (khác với tánh cách anh hùng ở đời, vì các vị nầy thường chịu khổ, chịu chết là vì tự ái, tự phụ, kể mình là tốt, là hơn người, không thể nghe phục đối phương được).

Từ tử đạo nguyên gốc có nghĩa là làm chứng. Không phải làm chứng mình có lập trường, mình can đảm, mà làm chứng như các thánh Tông đồ: chịu chết để quả quyết mình thấy, mình tiếp xúc với Chúa sống lại hay nói rõ hơn, làm chứng Chúa sống lại là đúng, là thật.

Còn chúng ta, tuy không thấy Chúa, nhưng nghe những chân lý về Chúa, về luật Chúa, chúng ta xác tín (tin mạnh) và vì xác tín, chúng ta sẳn sàng chịu khổ, chịu chết để trực tiếp nói lên những điều chúng ta tin là thật, là đúng. Tôi chết để nói lên cho mọi người biết những điều tôi tin là đúng, là thật. Không biện hộ bằng lời nói mà bằng chính việc khổ nhọc và chịu chết.

Chúng ta cũng có thể nhìn việc tử đạo theo phương diện khác. Hiện tượng tử đạo đa diện, phổ biến và có rất nhiều người chịu chết vì Đạo, kể cả trẻ con và phụ nữ, cũng như những người thông minh xuất chúng nữa! Tại sao lại có hiện tượng phi thường như thế?

Chúng ta có thể quả quyết vì chân Đạo có một siêu lực phi thường, chiếm đoạt được nhiều người, khích động được những tâm hồn anh dũng. Những cá nhân riêng biệt tử đạo, cũng là những chứng nhân. Nhưng tập thể chịu chết vì Đạo, thì càng tỏ ra chính hiệu lực của Đạo Chúa.

Các Thánh tử đạo là những chứng nhân. Tổ tiên chúng ta, Thánh Philipphê Minh, Thánh Giuse Lựu là những chứng nhân. Còn chúng ta, chúng ta có là chứng nhân cho Chúa phần nào không?

Xin Chúa ban cho chúng ta biết noi gương tiền nhân, không những sống đạo tốt mà còn sống đạo “nêu gương”.

X. TẢN MẠN

MÙA HỒNG ÂN

Cuối tháng 5, cha Đôminicô Thanh đã ly trần. Giáo phận mất đi một linh mục. Cánh đồng truyền giáo vắng một thợ gặt chuyên nghiệp. Chúng ta cùng thắp một nén hương tượng nhớ cầu nguyện cho cha Đôminicô.

Kết thúc một cuộc đời. Khởi đầu những sứ vụ mới. Đầu tháng 6, hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn và Cái Nhum tổ chức lễ tạ ơn và khấn dòng cho các nữ tu. Tất cả là hồng ân. Mùa hồng ân đem lại hoa trái thiêng liêng (x. Ga 15, 16), cũng như mưa đầu mùa thấm nhuần vùng đất màu mỡ đồng bằng sông Cửu Long đem lại nhiều hoa trái có hương thơm vị ngọt.

Quốc lộ 57 những ngày này tấp nập những đợt xe lớn nhỏ từ khắp nơi đổ dồn về 2 Hội Dòng Mến Thánh Giá. Các Dòng tu khác cùng với bà con thân thuộc mong muốn được chia sẻ niềm vui đời thánh hiến. Dầu đường đi có xa, đợi chờ có mệt, nhưng lòng người phấn khởi vì hiểu được “một ơn gọi đặc biệt, chiếm chỗ danh dự trong Giáo Hội, là ơn gọi sống đời tận hiến” (sứ điệp cầu nguyện cho ơn gọi của ĐGH Bênêđitô XVI).

Trong một xã hội đang chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, xu hướng trần tục hoá như đang lấn lướt, giới trẻ xem đời sống tu trì là lập dị lãng phí, thì còn có nhiều ơn gọi trong Giáo phận Vĩnh Long nói riêng và Giáo Hội Việt Nam nói chung. Đây là một tín hiệu vui mà Đức Hồng Y Sepe, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, khi đến thăm Việt Nam đã nói lên sự phong phú của ơn gọi sống đời thánh hiến nơi cộng đồng người công giáo Việt Nam.

Trong tông huấn về “Đời Tận Hiến”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ghi ra như sau : “Trong truyền thống của Giáo Hội, việc khấn dòng được nhìn như là việc đào sâu sự thánh hiến do Bí tích Rửa tội, nhờ qua việc khấn giữ những lời khuyên Phúc Aâm, được trở nên giống Chúa Kitô hơn” (xem số 30).

Mùa hồng ân là một “khởi đầu mới” cho những khấn sinh. Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui thánh thiện và thắp lên cho những ngọn nến thêm lung linh bùng cháy trong lòng mọi người.

Thay lời kết, xin mượn lời trích từ một bài thánh ca để cầu chúc cho các nữ tu mừng lễ tạ ơn và khấn dòng:
………..

Đời con là lời mang sứ điệp Tin Mừng, Là dòng sông mang đến cho nhân trần phù sa chứa chan hồng ân.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

NGƯỜI THÀNH CÔNG

Chim muốn bay đường dài đều phải biết lượn. Chúng phần lớn có đôi cánh rộng và thân mình uyển chuyển, sau khi ra sức vỗ cánh sẽ thư giản, xoẻ rộng đôi cánh chậm rãi bay lượn về nơi chân trời.

Vì vậy, trong hành trình thiên di, nhìn thì tựa như chúng liên tục vỗ cánh bay, nhưng thực sự phần lớn thời gian chúng đều tận dụng sức nâng của không khí để tiêu trừ căng thẳng, vừa tích trữ sức lực, chẩn bị cho lần vỗ cánh khác.

Người thành công trong dựng nghiệp lớn đều biết cách thư giãn. Họ phần lớn đều có tấm lòng rộng rãi và tính tình cởi mở. Sau những vất vả bận rộn, họ thả lỏng bản thân, tận hưởng sự yên tĩnh, lặng lẽ quan sát sự phát triển của thế giới bên ngoài, tính toán bước phát triển ở tương lai, khôi phục nguyên khí và xung lực. (H.Y theo Salesrecruiters.com)

XII. LỜI HAY Ý ĐẸP

Để tạo được may mắn, Bạn phải có niềm tin và lòng kiên trì, Sau khi đã tạo ra những cơ hội lý tưởng cho may mắn đến. (First News)

1436    20-04-2012 15:07:25