Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Lối cầu nguyện đặc biệt của Giacóp: vật lộn với Thiên Chúa

Trong bài giáo lý thường lệ vào Thứ Tư hôm qua, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đề cập tới "một biến cố đặc thù trong lịch sử của Tổ Phụ Giacóp". Biến cố này, theo Đức Thánh Cha, không dễ giải thích chút nào, nhưng lại rất quan trọng đối với đời sống đức tin và cầu nguyện của ta đó là việc Tổ Phụ vật lộn với Thiên Chúa tại nhánh sông Giápbốc.

Như mọi người đã biết, Giacóp đã lấy mất quyền trưởng nam của người anh song sinh Esau của mình để đổi lấy bát cháo đậu nâu và sau đó, nhờ mưu mẹo đánh lừa, đã đánh cắp chúc lành của cha già Isaac lúc ấy tuổi đã cao và mù loà. Sau khi trốn tránh khỏi cơn thịnh nộ của Esau, ông đi lánh nạn tại một người họ hàng là Laban, rồi cưới vợ và trở nên giầu có. Nay ông muốn trở lại nơi sinh quán, sẵn sàng giáp mặt với người anh, sau khi đã đặt để sẵn một vài biện pháp khôn ngoan. Nhưng khi ông đã sẵn sàng mọi chuyện cho cuộc gặp mặt này: sau khi cho người nhà vượt qua nhánh sông sang bên kia lãnh thổ của anh, còn lại một mình, ông bỗng bị một người lạ mặt tấn công bất ngờ, hai bên vật nhau suốt cả đêm. Chính cuộc vật lộn tay đôi này, một cuộc vật lộn được thuật lại trong chương 32 Sách Sáng Thế, đã trở thành trải nghiệm độc đáo của ông về Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha bảo rằng: đêm khuya là thời điểm thuận lợi cho các hành động bí mật, đó là thời điểm tốt nhất để Giacóp xâm nhập lãnh thổ của anh mà không bị nhìn thấy, và có lẽ với ảo tưởng làm cho Esau phải bất ngờ. Nhưng thay vào đó, chính ông lại là người bất ngờ bị tấn công, một cuộc tấn công không hề được ông chuẩn bị. Ông từng sử dụng mưu chước để giải thoát mình khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm, ông tưởng ông đã thành công trong việc kiểm soát được mọi việc. Ấy thế mà lúc này, ông thấy mình phải đương đầu với một cuộc chiến đấu mầu nhiệm xẩy ra cho ông ngay trong nơi cô tịch, không cho ông cơ hội tổ chức cuộc chống đỡ thỏa đáng. Không có chống đỡ, lại là đêm hôm, Tổ Phụ Giacóp phái đánh nhau với một ai đó. Bản văn không nói rõ lý lịch người tấn công; nó chỉ dùng từ ngữ Hípri thường có nghĩa chung là "một người đàn ông", "một người, một ai đó" thành ra nó có một nghĩa mơ hồ, bất định cố ý dùng để giữ cho người tấn công khỏi bị lộ tung tích. Trời tối như mực. Giacóp cố gắng tìm cách nhìn cho rõ mặt người tấn công mình, nhưng không thành công. Cả với các độc giả, người tấn công này vẫn là người lạ. Một ai đó đã dựng mình lên chống lại Tổ Phụ; đó là sự kiện duy nhất chắc chắn được người thuật truyện cung cấp. Chỉ tới cuối, khi cuộc đánh nhau chấm dứt, và "một ai đó" đã biến mất, Giacóp mới đặt tên cho người này và có thể xác định là mình đã vật lộn với Thiên Chúa.

Như thế, biến cố trên quả diễn ra trong tối tăm và thật khó mà thấy không những căn tính người tấn công Giacóp mà cả diễn tiến của cuộc vật lộn. Đọc đoạn văn, khó mà xác định được ai trong hai người "phỗng" được tay trên. Các động từ được sử dụng đôi khi thiếu cả chủ từ minh nhiên, và các hành động diễn biến một cách gần như mâu thuẫn, đến nỗi khi ta nghĩ người này sẽ thắng thì hành động kế tiếp đã cho biết ngược lại để chỉ cho thấy người kia mới thắng thế. Thực thế, khởi đầu, Giacóp xem ra là người mạnh nhất, còn đối thủ, bản văn cho hay, "không thắng được ông" (câu 26 [25]); ấy thế nhưng, người này đánh vào khớp xương hông của ông, làm nó trật khớp. Lúc ấy, ai lại không nghĩ Giacóp đến phải đầu hàng thôi, nhưng chính người kia lại xin ông buông tha; tổ phụ không chịu, đòi đặt điều kiện: "tôi sẽ không buông ngài ra nếu ngài không chúc lành cho tôi" (câu 27). Người mà nhờ gian lận đã tước đoạt chúc lành của cha dành cho con trưởng, nay lại đòi chúc lành ấy từ một người lạ hoắc mà trong đó ông bắt đầu thoáng thấy những đặc điểm thần thiêng nhưng chưa có khả năng thực sự nhận ra người này.

Đối thủ, người xem ra bị động và do đó bị Giacóp đánh bại, thay vì thỏa mãn lời yêu cầu trên, lại quay qua hỏi tên ông: "tên ngươi là gì?" và Tổ Phụ trả lời: " là Giacóp" (câu 28). Ở đây cuộc đánh nhau bước vào một khai triển quan trọng. Thực thế, biết tên ai hàm nghĩa có quyền trên người ấy, vì trong tư duy Thánh Kinh, tên chứa đựng thực tại sâu xa nhất của cá nhân; nó vén mở bí mật cũng như căn tính của người này. Do đó, biết tên người nào có nghĩa là biết sự thật của người này, và cái biết này giúp người ta khả năng thống trị người đó. Cho nên, khi người lạ kia yêu cầu, và Giacóp tỏ lộ tên riêng của mình, là Giacóp đã trao mình vào tay đối thủ đó vậy; đây là một hình thức đầu hàng, hoàn toàn trao mình cho người khác.

Nhưng nghịch lý thay, trong hành vi đầu hàng này, Giacóp cũng đã xuất hiện như người chiến thắng, vì ông nhận được một tên mới, cùng với việc chính đối thủ nhìn nhận ông chiến thắng như sau: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là It-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng" (câu 29 [28]). "Giacóp" là tên nhắc lại khởi thủy đầy vấn nạn của Tổ Phụ; thực vậy, trong tiếng Hípri, nó gợi cho người ta từ ngữ "gót chân" và đưa độc giả trở về lúc Giacóp sinh ra: từ bụng mẹ, tay ông đã nắm chặt gót chân thằng anh song sinh (xem St 25:26) như thể báo trước việc ông sẽ tiếm quyền của anh sau này khi đã lớn; nhưng tên Giacóp cũng gợi ta nhớ tới động từ "đánh lừa, hất cẳng". Giờ đây, trong cuộc vật lộn, Tổ Phụ tiết lộ cho đối thủ của mình, trong một hành vi tín thác và đầu hàng, thực tại đích thực của mình là tên đánh lừa, là tên hất cẳng; nhưng người kia, là chính Thiên Chúa, đã biến đổi cái thực tại tiêu cực ấy thành một điều tích cực: tên đánh lừa Giacóp trở thành It-ra-en; ông được ban cho một tên mới hàm nghĩa một thực tại mới. Nhưng cả ở đây nữa, trình thuật vẫn duy trì ý định nước đôi của mình, vì nghĩa có thể có hơn cả của tên It-ra-en chính là "Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa chiến thắng".

Như thế là Giacóp thắng thế, ông chiến thắng, chính đối thủ của ông xác quyết điều đó, nhưng căn tính mới của ông, tiếp nhận từ chính đối thủ của ông, khẳng định và chứng minh cuộc chiến thắng của Thiên Chúa. Khi đến lượt Giacóp hỏi tên đối thủ, người này đã từ khước không xướng rõ tên mình, nhưng tiết lộ bằng một cử chỉ không mơ hồ chút nào, đó là ban cho ông chúc lành của mình. Sự chúc lành ấy chính Tổ Phụ đã xin từ trước, nay mới được ban cho. Nhưng đó không phải là chúc lành do đánh lừa chộp được, mà là chúc lành do Thiên Chúa tự ý ban cho, một chúc lành Giacóp có khả năng tiếp nhận vì nay ông chỉ có một mình, không được bảo vệ, không mưu mẹo đánh lừa. Ông trao thân không vũ trang; ông chấp nhận đầu hàng và thú nhận sự thật về chính mình. Và do đó, ở cuối trận đánh nhau, sau khi đã nhận chúc lành, Tổ Phụ đã có thể nhận ra người khác, Đấng Thiên Chúa chúc phúc: "Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng" (câu 31 [30]), thế là giờ đây ông có thể qua nhánh sông, mang theo tên mới, nhưng bị Thiên Chúa "chinh phục" và được ghi dấu mãi mãi bằng cái khập khiễng từ chấn thương nhận được.

Các giải thích do khoa chú giải Thánh Kinh đưa ra liên quan tới đoạn văn này khá nhiều; cách riêng, các học giả nhận ra trong đó các ý hướng và thành tố văn chương đủ loại, cũng như các tham chiếu nhiều truyện kể bình dân khác nhau. Nhưng khi những yếu tố này được các tác giả thánh thu lượm và cho vào trình thuật Thánh Kinh, chúng đã thay đổi về ý nghĩa và do đó, bản văn mở ra nhiều chiều kích rộng lớn hơn. Biến cố vật lộn bên Sông Giápbốc được viết cho tín hữu làm bản văn mẫu mực trong đó dân It-ra-en nói về nguồn gốc riêng của họ và lần dở lại các nét của mối liên hệ đặc thù giữa Thiên Chúa và con người. Vì lý do đó, như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng khẳng định: "Truyền thống linh đạo của Giáo Hội luôn duy trì biểu tượng cầu nguyện như một trận đánh của đức tin và như một chiến thắng của kiên nhẫn" (số 2573)

Bản văn Thánh Kinh nói cho ta về đêm dài đi tìm Thiên Chúa, về trận vật lộn để biết danh Người và thấy nhan Người; đó là đêm của cầu nguyện để trì chí và kiên nhẫn xin Chúa ban cho chúc lành và tên mới, thực tại mới như hoa trái hồi tâm và tha thứ.

Như thế, đối với tín hữu, đêm dài của Giacóp tại nhánh sông Giápbốc đã trở thành điểm qui chiếu để hiểu mối tương quan của họ với Thiên Chúa, mối liên hệ mà trong cầu nguyện sẽ tìm thấy biểu thức tối hậu. Cầu nguyện đòi hỏi tín thác, gần gũi, qua biểu tượng "tay đôi" không phải với một Thiên Chúa đối thủ và kẻ thù, nhưng với một Chúa Tể chúc phúc, Đấng luôn luôn huyền nhiệm, xem ra không với tới được. Vì lý do này, tác giả thánh sử dụng biểu tượng đánh nhau, một biểu tượng hàm nghĩa linh hồn phải mạnh mẽ, kiên nhẫn, trì chí để đạt cho bằng được điều ta ước mong. Mà nếu đối tượng ước mong của ta là mối tương quan với Thiên Chúa, với sự chúc lành và tình yêu của Người, thì trận đánh chỉ có thể lên đến đỉnh cao ở chỗ hiến mình cho Thiên Chúa, nhìn nhận sự yếu đuối của mình, trao phó ta cho bàn tay nhân hậu xót thương của Thiên Chúa.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha cho hay: trọn cuộc sống ta giống như đêm dài chiến đấu và cầu nguyện vốn có mục tiêu là ước muốn và lời cầu được Thiên Chúa chúc phúc, một việc ta không thể chộp dựt hay chiếm đoạt nhờ cậy vào sức mạnh của riêng ta, nhưng phải khiêm hạ tiếp nhận từ chính Người, như một hồng phúc nhưng không, giúp chúng ta, cuối cùng, nhận ra khuôn mặt của Chúa. Khi điều đó xẩy ra, toàn bộ thực tại của ta thay đổi; ta nhận được tên mới và chúc lành của Thiên Chúa. Nhưng còn hơn thế nữa: Giacóp, người vừa nhận được tên mới, trở thành It-ra-en, cũng đặt tên mới cho nơi ông vật lộn với Thiên Chúa; ông cầu nguyện ở đấy và đặt tên lại cho nó là Penien, nghĩa là "khuôn mặt Thiên Chúa". Với tên này, ông nhìn nhận ra nơi ấy đầy sự hiện diện của Chúa; ông biến nơi này thành thánh thiêng bằng cách khắc ghi ở đó một kỷ vật về cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Thiên Chúa. Ai tự ý để Thiên Chúa chúc lành cho mình, ai phó mình cho Người, ai để mình được Người biến đổi, sẽ biến thế giới thành nơi được chúc phúc.

Vũ Văn An5/26/2011 (nguồn vietcatholic.org)

4639    26-05-2011 15:44:02