Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Mùa Chay: Suy Niệm Cõi Sống Đời Đời

Đối mặt với thảm họa động đất sóng thần và nguy cơ phóng xạ hạt nhân tại Nhật vừa rồi không ai có thể bàng quan. Tuy nhiên nhân sự kiện này  cũng có không ít người đã đánh mất niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có bà mẹ gửi thư cho cha Nguyễn Hồng Giáo kể về trường hợp của con gái mình " Đứa con gái của con học bên Mỹ gọi điện về khóc sướt mướt, nó nói nó không tin Chúa, nó không đi nhà thờ nữa. tại sao Chúa không cứu vớt mà lại để cho thảm họa này xảy ra như vậy" ( Nguồn Dũng Lạc - Tâm linh Tôn giáo ) Biết trả lời cho câu hỏi của cô gái thế nào đây ? Cho rằng trận động đất sóng thần ấy và nhiều những thảm họa khác là hoạt động bình thường , theo quy luật của thiên nhiên, không may mà nó tác động xấu tới con người, điều ấy quả nhiên là đúng. Minh triết Đông phương cũng nói không khác " Thiên địa bất nhân. Dĩ vạn vật như sô cẩu" ( Trời đất không có nhân, coi vạn vật như loài chó rơm - Lão Tử ĐĐK chương V ) Đạo là cái luật lạnh lùng của Tạo Hóa, không vì kẻ rét mà thôi mùa đông, đang thời thì dùng, sái thời thì bỏ. Chó rơm là vật người xưa dùng trong khi cúng tế, lúc đang dùng thì quý, dùng xong thì bỏ. Thiên nhiên hoạt động theo quy luật tuần hoàn nhân quả. Không ai hay đấng nào có thể thay đổi. Con người thuận theo  thì sống, ngược lại thì chết ( Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong). Tuy nhiên vấn đề quan trọng đặt ra ở đây đó là về chữ " THIÊN". Chữ Thiên, tiếng Việt gọi là Trời và Trời khi nhân cách hóa gọi là Ông Trời. Với cái gọi là Ông Trời theo nghĩa dân gian này thì xưa nay người ta vẫn hiểu một cách lơ mơ đó là một vị ...ngự tít trên các tầng mây. Do vậy  người nữ...ế chồng mới buông lời chất vấn " Bắc thang lên hỏi ông trời, sao không thí bỏ cho tôi chút chồng ? ". Hoặc khi gặp đau khổ bất công thì lại buông lời  trách móc " Trời ơi trời ở không cân, kẻ ăn không hết người lần không ra....v.v... Những lời cầu khẩn ...oán trách Ông Trời như thế thường khi đó chỉ là những lời chế diễu nhằm nói lên sự bất lực khổ đau của con người trong một xã hội còn nhiều bất công thiên vị. Tuy rằng bất lực thật đó nhưng từ trong thâm tâm của mỗi con người, không ai lại không tin dù mơ hồ rằng ở đâu đó, đằng sau những đổ vỡ, đày ải bất công  đó lại không có một thực tại vĩnh cửu đời đời bền vững. Trong thảm họa kinh hoàng vừa rồi , đã có không biết bao nhiêu là hoàn cảnh khổ đau mà dân Nhật phải gánh chịu, ngay cả trẻ em cũng vậy. Nhật báo Thanh Niên tường thuật " Anh Atsushi Takahashi 36 tuổi kể = đứa con trai hai tuổi của mình chưa đêm nào ngủ yên kể từ sau ngày 11 tháng ba tang tóc, nhất là khi Nhật tiếp tục hứng chịu mấy trăm trận dư chấn. Đứa trẻ tội nghiệp liên tục la hoảng = đất bị rung, con không thích nơi này. Những lúc như vậy tôi chỉ biết ôm chặt lấy cháu và trấn an rằng mọi việc rồi ra sẽ ổn..." Trong hoàn cảnh bi đát ấy, có lẽ bất cứ người nào cũng chỉ có thể nói lên những lời vỗ về như thế. Tuy nhiên có lẽ chính người cha tội nghiệp này cũng khó mà tin được rằng mọi việc rồi đâu lại vào đấy, cuộc sống sẽ lại diễn ra bình thường. Thật sự thì đời sống ở nơi chốn nhân gian  này nào có bình thường đâu, hết thiên tai lớp này đến lớp khác, lại còn chiến tranh khủng bố đói khát dịch bệnh liên  miên ...Sống trong môi trường trần gian chứa đầy  bất trắc âu lo ..như thế, con người cần  niềm tin mới có thể tồn tại. Mặc dầu vậy niềm tin  tôn giáo không phải là cái gì đó cố định mà  phải được thường xuyên tái lập. Trở lại với cô gái đang  du học tại Mỹ, sau khi chứng kiến ( Qua màn ảnh) thảm họa tại quê nhà đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, sở dĩ như thế bởi vì niềm tin của cô ta mang tính cố định. Nói đúng hơn, cái gọi là đức tin ấy sở dĩ có là do người khác ( cha, thầy hay giáo lý viên) đã ..dạy bảo như thế chứ thực sự cô ta chưa bao giờ có đức tin, một đức tin chân thật. Giả thử  cô gái hoặc với tất cả mọi người khác đã và đang thực sự sống đức tin của mình thì dù cho có tai họa hoặc khổ đau nào đến với mình thì vẫn vững lòng, hơn nữa  lại còn thêm kiên vững bởi vì  đức tin đã được trui rèn trong thử thách.

  Sở dĩ đức tin cần  được thường xuyên tái lập là bởi đối tượng của đức tin ấy không phải là tin vào một đấng nào khác nhưng là Đấng Thiên Chúa nội tại ẩn giấu ở nơi mình. Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconditus) nhưng mà Ngài không ẩn ở trên chốn cao xanh mịt mờ kia hay dưới đáy biển thăm thẳm nọ mà ở ngay trong tâm hồn của mỗi người. Với Đấng Thiên Chúa ẩn giấu đó thì không một thứ khoa học hay triết học cao siêu nào có thể khám phá ra ngoại trừ  một  Đấng duy nhất là Đức Giesu Kito " Ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con cũng chẳng ai biết Cha và người mà Con muốn mạc khải" Lc 10, 22 ). Theo quan điểm minh triết thì Thiên Chúa Ẩn Giấu đó chính là ĐẠO mà ĐẠO thì không thể nói, không thể gọi tên. Đạo mà có thể nói, đó không phải ĐẠO THƯỜNG. DANH mà có thể gọi, đó không phải DANH THƯỜNG" ( Đạo khả Đạo phi thuồng Đạo, Danh khả Danh, phi thường Danh - Lão Tử ĐĐK chương một ) Đạo không thể nói, nhưng nếu không nói thì chân lý  sao có thể rao truyền, không rao truyền làm sao ai biết để theo ?  Đức Kito xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời đó chính là rao truyền ĐẠO và ĐẠO ở đây mặc dù có thể gọi tên nhưng vẫn là một không khác với Đấng Thiên Chúa Giấu Ẩn. Tâm trí con người luôn luôn hướng chiều nơi thế giới ngoại vật là những gì có thể thấy, nghe, cảm nhận, nghĩ suy tức có thể nói, gọi tên. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà phải chuốc lấy biết bao phiền não khổ đau. Tại sao ? Bởi vì hết thảy những cái có thể nói, gọi tên đó đều là do giả hợp mà có. Cái nhà là do các duyên gạch ngói, xi măng, sắt gỗ, công thợ v.v. hợp lại mà thành. Các duyên ấy hợp lại thì còn, đập phá gạch ngói đi đàng gạch ngói, sắt đi đàng sắt, gỗ đi đàng gỗ mỗi thứ một nẻo thì nhà đâu còn là nhà ? Với nhà đã vậy, suy ra vạn sự kể cả con người đều thế cả. Không biết vạn sự là giả lại cho là thật, đến khi nó không thể không tan hoại thì lại tiếc xót, giận hờn, đây là nguyên nhân sâu xa đưa đến hết thảy  khổ đau của con người. Đức Kito xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Nước Trời chính là một thứ Quốc Độ để cho con người dễ dàng quy hướng. Nước Trời là quốc độ nhưng quốc độ ấy lại hoàn toàn không có hình thù tướng mạo tức không ở trong thế giới hiện tượng này. Mặc dù không ở trong giới hiện tượng nhưng lại hiện hữu ngay trong tâm hồn mỗi người " Có người Pharisieu hỏi Chúa Giesu, nước Trời chừng nào đến. Ngài đáp Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được = đây này hay đó kia, vì này Nước Trời ở trong các ngươi" Lc 17, 20 -21).

 Đây này, đó kia ám chỉ cho không gian và thời gian. Không thể nói Nước Trời  là đây này, đó kia, như thế có nghĩa nước ấy không bị giới hạn trong bất cứ một không gian  thời gian nào. Nước Trời không hạn cuộc trong không, thời gian nhưng lại ở trong tâm hồn ta, đó là một mầu nhiệm khôn tả, bởi vậy nên nói Nước ấy là một, không khác với Đấng Thiên Chúa ẩn giấu. Đức Kito rao giảng Nước Trời mục đích là để cho ta dễ dàng quy hướng. Nói đến " NƯỚC"  người ta ai cũng hình dung ra được đó là một thứ lãnh thổ hoặc quốc gia, Xứ Sở v.v..Mặt khác NƯỚC trên phương diện tâm linh gọi là Quốc Độ. Chúa rao giảng Tin Mừng Nước Trời tức là Ngài loan báo cho con người biết rằng có một Quốc Độ mà những ai hết lòng tin tưởng quy hướng về đó sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn đời đời. Quốc Độ Nước Trời ấy còn mang nhiều tên gọi khác như Nước hằng Sống, Thiên Đàng, Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời, Quê Thật Đời Sau v,.v.. Có nhiều tên gọi nhưng đó chỉ là một thực tại  duy nhất mà con nhà có đạo chúng ta cần phải hết lòng tìm kiêm. Có tìm mới gặp, không tìm thì không thể gặp " Vì hễ ai xin thì được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ thì được mở cho" Lc 11, 10).

 I/- CON ĐƯỜNG TÌM KIẾM

 Dù có hay không có tôn giáo, định mệnh của mỗi con người là phải trở về cái nơi mà nó đã ra đi. Thế nhưng việc trở về ấy lại chỉ có thể thực hiện thông qua con đường tâm linh, lý do bởi vì bất cứ sự trở về nào cũng là về với bản thể mình chứ chẳng  phải một nơi nào khác. Từ nơi Bản Thể  ra đi và nơi ra đi ấy tùy từng truyền thống mà có vô số những tên gọi khác nhau, chẳng hạn đạo Nho nói Thiên Mệnh, đạo Phật nói Phật tánh, đạo Ấn nói Đại Tự Tại Brahman...Còn với đạo Chúa thời cựu ( cựu ước ) nói Đấng Tự hữu, thời Tân ( Tân Ước ) Đức Kito  nói " luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết, rồi từ đó Tin Mừng Nước trời được rao truyền và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào" lc 16, 16 ). " VÀO" tức là Ngộ Nhập nhưng Ngộ đây không phải là gặp lại cái chi khác mà là Nước Trời luôn có ở nơi mình. Để có thể gặp lại Nước trời ở nơi mình, Đức Kito đưa ra hai điều kiện, một là phải có lòng ăn năn sám hối và hai là tin vào Tin mừng của Ngài " Thời đã mãn, hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng" Mc 1, 15 ). Sự ăn năn sám hối tội lỗi mình và lòng tin vào Tin Mừng luôn phải song hành bồi bổ cho nhau. Có thực tâm ăn năn sám hối thì mới có lòng tin vào Tin Mừng. càng thực lòng ăn năn bao nhiêu thì đức tin càng tăng trưởng bấy nhiêu, ngược lại thì đức tin không thể nào có. Chúa nói " Thời đã mãn" thì Mãn ở đây có nghĩa là hết, là chung cuộc. Thời đã mãn ám chỉ cho thời đại sau cùng và cũng là thời mà Tin mừng đã được rao giảng trong khắp mọi miền, từ những thành phố đông đảo dân cư cho đến các hải đảo xa xôi vắng vẻ, nơi nào cũng đã in dấu chân môn đệ của Chúa Kito. Tin mừng rao giảng khắp nơi nơi nhưng đây lại cũng là điềm báo cho Ngày Chúa quang lâm " Tin Mừng nước Trời phải được rao giảng cho khắp thiên hạ để làm chứng  cho muôn dân, bấy giờ thời điểm tận cùng sẽ đến" Mt 24, 14).

  Quả đúng là Tin Mừng đã được truyền rao khắp muôn dân thiên hạ, từ trẻ em cho đến người già lão, không ai lại không nghe biết về Tin Mừng chẳng cách này thì cách khác. Dẫu vậy, có một nghịch lý là, càng nghe, càng được học hỏi ( chia sẻ) nhiều bao nhiêu thì đức tin càng có chiều hướng  sai lạc và tàn lụi sớm bấy nhiêu. Đức tin cũng không, mà ăn năn sám hối chừa cải tội lỗi cũng không. Điều ấy không thể không đưa tới chỗ phản bội Tin Mừng để rồi biến cải Nước Trời mầu nhiệm của Đức kito khiến nó trở thành một thứ Nước Trời ...chính trị " Nước Thiên Chuá mà Đức Giesu rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người áp bức không còn bị áp bức" ( Albert Nolan - Đức Giesu trước khi có Kito giáo). Nước Trời mà Chúa Giesu rao giảng đúng là không phải thực thể ở trên trời nhưng cũng hoàn toàn không phải là một tình trạng ở thế gian khi người nghèo...hết nghèo. Cứ giả thử hoặc ảo tưởng rằng có ngày nào đó thế gian này không còn người nghèo, không còn ai bị áp bức thì đó cũng chẳng phải nước Trời mà đức Kito rao giảng. Duy chỉ có một Đức kito, hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời vẫn là một ( Dt 13, 8 ) Đồng thời Ngài cũng chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là Tin mừng nước Trời mà thôi " bất cứ kẻ nào rao giảng một thứ Tin mừng nào khác với Tin mừng của Đức Kito cũng là kẻ phản bội và sẽ bị nghiêm khắc luận phạt" Gal 1, 6- 9 )

  Để giải quyết bất cứ một vấn đề nào dù là kinh tế, chính trị hay tôn giáo, nhất thiết là phải tìm cho ra cái nguyên nhân gây ra cho nó. Biết rõ được nguyên nhân tức là đã giải quyết được khâu quan trọng nhất. Ngược lại không rõ  nguyên nhân mà muốn giải quyết thì chỉ càng làm cho nó rối tung như ..mớ bòng bong. Vậy đâu là nguyên nhân của sự phản bội Tin Mừng của Đức kito ? Xin trả lời rất vắn tắt rằng nó không ngoài việc giải nghĩa Sách Sáng Thế rằng ắt hẳn phải có một đấng Thần linh Tạo hóa tạo dựng muôn loài. Một khi đã chấp nhận quan niệm Đấng Tạo Hóa như thế đó thì hệ quả tất nhiên đưa đến là Nước Trời sẽ phải và chỉ có thể thiết lập ở nơi trần gian, không thể khác ?  Nếu Nước Trời là nước ...chính trị như thế thì làm gì còn có Thiên Đàng, Hỏa Ngục phán xét, thưởng phạt gì nữa ? Không có Thiên đàng Hỏa Ngục, phán xét, thưởng phạt thì cũng đâu cần gì đến đức tin cùng với lòng ăn năn sám hối, tóm lại con đường tìm kiếm đã rơi vào chỗ hoàn toàn bế tắc.

 II/- TÌM KIẾM ĐỂ TRỞ VỀ

  Từ Cựu Ước trải dài qua Tân ước, lời mời gọi trở về của Thiên Chúa luôn vang vọng và với những ai nhiệt thành đáp trả thì đều được hoan hỷ " Lạy Chúa Ngài tốt lành với những ai trông cậy và tìm kiếm Ngài" Ac 3, 25). Tìm kiếm Thiên Chúa hay tìm kiếm nước Trời theo như mệnh lệnh của Đức Kito " trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài' Mt 6, 33 ) thật ra vốn dĩ là một. Nếu có thể vượt thoát khỏi giới hạn của ngôn ngữ thì ắt sẽ thấy Thiên Chúa và nước Thiên Chúa không thể là hai nhưng chỉ là một. Nhà huyền học Eckhart đã phát hiện chân lý nội tại ấy thế này ' Trong cái đáy sâu linh hồn, cái đáy sâu của Chúa và cái đáy sâu của linh hồn chỉ còn là cái đáy sâu duy nhất" Còn Thánh Augustino cũng nói không khác = Thiên Chúa sâu thẳm hơn cõi sâu thẳm nhất trong Ngài" ( D. Suzuki - Huyền học Đạo Phật và Thiên Chúa). Đáy sâu của linh hồn và của Chúa chỉ còn là cái đáy sâu duy nhất và đáy sâu duy nhất ấy chính là bản Tâm Vô phân biệt ở nơi mỗi người " Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính" mt 5, 45).

  Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa và bản Tâm Vô Phân Biệt nơi mỗi người vốn dĩ là một, điều ấy không thể không đặt ra cho chúng ta không ít vấn nạn và một trong số đó là sự hiện hữu của nước Thiên đàng. Trong Tân ước khi thì trực tiếp,  khi dùng dụ ngôn Đức kito đã nhiều lần nói đến Nước Trời đồng thời cũng không ít lần về Hỏa Ngục. Còn riêng về Nước Thiên Đàng thì rất ít, dường như chỉ hai hoặc ba lần gì đó. Một lần bằng dụ ngôn " Vua nói với những kẻ bên hữu = Hãy đến thừa thọ Nước đã sắm sẵn cho các ngươi từ buổi sáng thế" mt 25, 34 ) Một lần nói với các tông đồ trước khi nộp mình chịu chết " Ta đi để sắm cho các ngươi một chỗ,. Khi Ta đi mà sắm cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại để tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó" Ga 14, 3. " Một chỗ" mà Chúa đi để sắm sẵn cho chúng ta đó là Nước Thiên đàng. Nước này vốn vẫn hằng hữu từ thuở đời đời và đây cũng là nơi trở về cùng Chúa Cha của Đức Kito Phục Sinh trong lời nguyện của Ngài " Cha ơi ! Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con vì từ trước buổi sáng thế Cha đã thương yêu Con' Ga 17, 24 ).

  Nước Thiên Đàng vốn hằng hữu từ thuở đời đời và đây cũng là chốn cư ngụ của các tổ phụ Abraham, Isac, Giacop , của các tiên tri Maisen Elia, Thánh vương Davit v.v.. Thiên đàng là nơi các tổ phụ, các Thánh tiên tri hiện nay cư ngụ và cũng là nơi mà Phaolo đã được đưa lên tới tầng trời thứ ba " Tôi biết thể nào người đó hoặc trong thân xác, hoặc ngoài thân xác tôi cũng chẳng biết, có Thiên Chúa biết, đã được cất lên tới Lạc Viên, nghe những điều không thể nói mà người nào cũng không được phép nói" 2C 12, 2 - 4). Phaolo đã được đưa lên tới Lạc Viên tức là Vườn Vui Vẻ, nơi hạnh phúc tràn trề viên mãn, được nghe những điều chưa ai từng nghe , nhưng không được phép nói ra bởi có nói người ta do không hiểu được nên chỉ gây hoang mang vô ích. Thánh Phaolo sau khi đã được đưa lên tới tầng trời thứ ba, sau đó lại trở về nơi trần thế, tiếp tục hy sinh làm việc tông đồ cho Chúa để rồi đến khi  đầy công phúc đã được đón về Thiên đàng hưởng hạnh phúc bất diệt. Điều này khiến chúng ta cần  suy niệm về sự khác và không khác giữa Nước Trời và Nước Thiên Đàng. Nước Trời mà Đức Kito rao giảng tuy cũng là NƯỚC nhưng NƯỚC ấy hiện hữu ngay ở đây, bây giờ. Còn Nước Thiên Đàng là NƯỚC mà những ai sống trong ơn nghĩa Chúa được về sau khi đã lìa đời. Nói một cách khác Nước Trời ở đây, bây giờ tức đó là Tâm Vô Phân Biệt. Khi Tâm ở trong trạng thái vô phân biệt lúc nào thì khi đó Nước Trời hiển hiện lúc đó. Tâm phân biệt là tâm còn thấy, còn phân biệt Ta và Người, ta và sự vật ở ngoài ta. Bao lâu còn phân biệt Ta Người ( Nhân Ngã ) thì không cách chi mà không có sự yêu ghét, lấy bỏ, bất công thiên lệch. Bao lâu tâm còn trong trạng thái phân biệt như thế thì bấy lâu Tâm vẫn bất an. Bỏ đi được Tâm phân biệt lúc nào thì tâm an định được lúc đó. Đạo lý Chúa dạy những ai theo Ngài thì phải bỏ mình đi ( Lc 9, 23 ) Bỏ mình tức là bỏ đi tâm phân biệt chứ chẳng phải điều gì khác. Hiểu như thế thì Nước Trời chỉ là một trạng thái của Tâm vô phân biệt chứ không phải một chốn một nơi như Thiên Đàng đời đời bất diệt. Nơi Nước Thiên đàng này có thể dung chứa cả những kẻ tội lỗi vẫn còn mang nặng nghiệp chướng nhưng do lòng thương xót vô biên của Chúa vẫn có thể được về nếu trong giây phút cuối cùng  biết thực lòng ăn năn sám hối quay về và được ơn tha thứ. Trường hợp kẻ trộm lành được lời hứa của Chúa là một ví dụ rõ ràng nhất " Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở cùng Ta trên Nước Thiên Đàng" lc 23, 43 ).

  Tâm trạng quyết định cho cảnh giới, tâm thiện lành thì có cảnh giới tốt đẹp thiện lành, tâm ác có cảnh giới xấu xa xung đột. Tâm và Cảnh diễn ra ngay trong từng giây lát, chỉ vì nó quá tinh tế thế nên khó nhận biết, tâm sân hận hiện ra ngay trong ánh mắt long sòng sọc, lời nói gay gắt khó nghe. Bởi đó cho nên tướng số có câu Tướng tùy Tâm sinh là vậy. Người sống ở đời mà chỉ biết có mình, phe nhóm, đảng mình để mà gian tham độc ác bày mưu tính kế hại người thì sau khi chết cảnh giới mà người đó phải đến chỉ có thể là Hỏa Ngục đời đời. Thiên Đàng đời đời mà Hỏa Ngục cũng đời đời , tất cả chỉ là do Tâm quyết định, vậy tại sao ta lại không quyết định chọn Thiên Đàng ngay khi còn ở chốn dương gian này. Nói thì nói vậy nhưng để có được cái quyết định quý giá đó không thể cậy vào sức mình mà cần phải có thật nhiều ơn sủng của Chúa bởi " Không có Thầy các con không thể làm gì được" Ga 15, 5 ).

 III/ - TRỞ VỀ TRONG ƠN SỦNG CỦA ĐỨC MARIA

  Những biến động liên tiếp xảy ra trên thế giới những ngày gần đây tại Trung Đông, Bắc Phi cùng với thiên tai động đất sóng thần khiến nhiều người nghĩ ngày tận thế sắp đến, chỉ trong nay mai. Thế nhưng Chúa nói đó mới chỉ là khởi đầu cơn quặn thắt " Các ngươi sẽ nghe về giặc và tiếng đồn về giặc. hãy giữ mình đừng kinh hoảng vì những sự ấy phải xảy đến. Song kỳ cuối cùng chưa tới đâu, vì dân này sẽ dấy nghịch cùng dân kia, nước nọ đánh nước khác. Nhiều nơi sẽ đói kém, động đất, nhưng mọi sự ấy mới chỉ là khởi đầu của cơn quặn thắt" Mt 24, 6 -8 ). Tuy cơn quặn thắt chỉ mới khởi đầu nhưng nên nhớ nó đã diễn ra cách nay hơn hai thế kỷ tính từ ngày mà nhóm Bách Khoa ( Encyclopedistes) với những tên tuổi lớn như Diderot, Montesquieu, Voltaire, Buffon, Holbach v,v,,xuất hiện. Sở dĩ nhóm này có tên như vậy là vì họ đã cùng sọạn  thảo cuốn Từ Điển bách khoa nhằm thống kê tất cả kiến thức của con người. Với mục đích để  xây dựng một cuộc sống mới hoàn toàn dựa trên lý trí, vì vậy trong quan niệm của họ, tôn giáo là một lực cản trước hết cần phải triệt phá. Tinh thần bách khoa này, có thể nói nó là Bản Cương Lĩnh chính trị cho tất cả các cuộc cách mạng của Âu Châu thời ấy, dẫn đầu là cuộc cách mạng pháp 1789. Trong cao trào cách mạng đó, một tôn giáo mới đã được thiết lập để thờ Thần Lý Trí. Nhà thờ đức bà Paris ( Notre Dame de Paris ) được đổi thành đền thờ Thần Lý Trí. Việc làm của cách mạng thay tên nhà thờ Đức Bà bằng đền thờ Thần Lý Trí tuy chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng nhưng cực kỳ quan trọng,  đó là đức tin sẽ phải thay thế bằng lý trí. Nhà thờ Đức Bà cố nhiên là để tôn kính Đức Mẹ và Đức Mẹ là Mẹ của toàn thể tín hữu Công Giáo. Thay thế Đức Mẹ bằng Thần Lý Trí tức là đã ngang nhiên gạt bỏ vai trò của Ngài trong công trình Cứu Độ của Đức Kito. Đức Maria trong tư cách Người Nữ, Ngài đã được tiên báo ngay từ buổi đầu sáng thế " Giehova Thiên Chúa phán với con rắn = Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người" St 3, 15).

  Mặc dù trình thuật không nhắc nhở gì đến Đấng Cứu Thế nhưng các nhà chú giải Thánh Kinh đều nhất trí cho rằng đây là giao ước mà Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Nguyên tổ Adam Eva vì đã cố tình ăn trái cấm nên đã bị đuổi ra khỏi Vườn địa đàng  di họa cho muôn đời con cháu. Đàn ông thì phải lao công khổ nhọc mới có cái ăn cái mặc, còn đàn bà thì phải mang nặng đẻ đau vất vả nuôi con ( St 3, 16 -19). Bị đuổi, thế nhưng do có Lời hứa của Thiên Chúa thế nên Đấng Cứu Thế đã giáng trần hầu đem muôn dân trở về với Cõi Địa Đàng mà xưa kia từ đó mình đã ra đi. Chúa Giesu Đấng Cứu Thế chỉ có thể sinh xuống làm người với sự ưng thuận Xin vâng ( Fiat) của  Nữ Trinh Maria, điều ấy nói lên vai trò vô cùng quan trọng của đức Mẹ. Tuy nhiên tính chất quan trọng ấy không phải chỉ vì Mẹ đã hạ sinh Chúa Giesu nhưng bởi Ngài còn tiếp tục sinh Chúa Con nơi các tâm hồn. Cũng chính vì để sinh hạ Chúa Con nơi các tâm hồn mà Đức Maria đã phải giao chiến với quỷ Satan từng ngày từng giờ trong suốt cuộc đời của các tín hữu. Cuộc chiến với Satan, đặc biệt nguy hiểm ở chỗ nó là đứa lừa dối cả và thiên hạ ( Kh 12, 9). Nơi Vườn Địa Đàng, rắn Satan nói với người nữ Eva rằng Các người chẳng chết đâu nhưng hai người ăn trái cây đó thì mắt mình sẽ mở ra giống như ĐCT biết điều thiện điều ác" St 3, 4 -5). Sự lừa dối của Satan quả thật tinh vi quỷ quyệt bởi nó chỉ đưa ra một phần sự thật nhưng lại khiến người nghe tưởng là chân lý. Quỷ nói ông bà cứ ăn đi, chẳng chết đâu, mắt lại còn mở ra nữa, thì quả y như rằng mắt có mở thật nhưng mắt đây là mắt xác thịt. Mắt xác thịt mở để chỉ còn thấy có vật và cũng bởi vì mắt tâm linh đã đóng thế nên hoàn toàn không biết những cái mà mắt giác quan thấy, tất thảy chỉ là ảo mộng đảo điên giả trá " Phù vân nối tiếp phù vân, tất cả chỉ là phù vân" Gv 1, 1).

  Cuộc đời suy cho cùng chỉ là tấn tuồng hư ảo, mọi sự  rồi sẽ qua đi nhưng vấn đề ở chỗ là nó sẽ qua đi như thế nào, đó mới thực quan trọng. Đời chúng ta có thể qua đi trong mê lầm hay tỉnh thức đợi chờ là do quyết định của mỗi người " Anh em biết, chúng ta đang sống trong thời nào, đã đến lúc anh em phải thức dậy vì hiện nay Ngày Thiên Chúa Cứu độ đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin Đạo" Rm 13, 11.)

Trà cổ - Mùa Chay 2011

Tác giả Phùng Văn Hóa (nguồn dunglac.org)

1097    15-04-2011 09:09:38