Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Mùa Chay: Ý Nghĩa và Mục Đích

Vừa bắt đầu mùa chay thì xảy trận siêu động đất và sóng thần tại Nhật ngày 11/3/2011 gây ra cái chết và mất tích của hàng chục ngàn người. Nếu chỉ tính về con số thương vong thì so với trận sóng thần năm 2004 tại Indonesia ảnh hưởng đến các nước Thái Lan và Ấn Độ làm cho 230.000 người chết thì lần này chưa phải nhiều. Tuy nhiên sự thiệt hại ở đây rất lớn bởi Nhật là nước công nghiệp hàng đầu thế giới và Sandai lại là trung tâm công nghệ điện tử có chi nhánh hầu như khắp nơi. Mặt khác và điều này còn ghê gớm hơn nữa đó là chẳng những chỉ riêng nước Nhật mà cả thế giới sẽ phải hứng chịu thảm họa hạt nhân  nếu không khắc phục được. Hậu quả của trận động đất sóng thần tại Indonesia năm nào và tại Tân Tây Lan có lẽ không gây xúc động và lo âu nhiều cho thế giới cho bằng lần này. Hàng ngày trên các phương tiện truyền thông truyền hình mọi nơi mọi nhà đều theo dõi những hình ảnh hết sức kinh hoàng được chiếu đi chiếu lại dưới đủ mọi góc cạnh đã cho thấy bộ mặt cuồng nộ của thiên nhiên. Những cột sóng cao cả mười mét đổ ập vào phá hủy tất cả các công trình nhà cửa đường xá tàu bè, cầu cống rồi mau lẹ rút ra để lại sau lưng nó là sự đổ nát vỡ vụn. Những bãi cong te nơ, những sân chứa auto cả hàng ngàn chiếc, những con tàu đại dương  đủ loại ngổn ngang phơi bày và nhỏ nhoi như những đồ chơi trẻ con, như những đống xà bần trộn trong bùn nhếch nhác bẩn thỉu....Trong khung cảnh hoang tàn đó chúng ta không hề thấy được xác chết của những con người lý do bởi vì chúng quá nhỏ nhoi hoặc đã bị vùi lấp trong bùn, trong cái mớ hỗn độn ngổn ngang kia. Mặc dầu những xác chết trong thảm họa đó khó thể nhận thấy vì chúng quá nhỏ và bị lấp vùi. Thế nhưng đây mới chính là nỗi đau buồn gây thương tiếc vô hạn cách riêng cho những thân nhân bạn bè còn ở lại và cách chung cho tất cả những tâm hồn còn biết đau nỗi đau nhân thế. Người chết dẫu sao thì cũng đã chết rồi, vấn đề còn lại là của người sống. Chúng ta cảm thương về nỗi mất mát quá lớn của người Nhật trong thảm họa, đó là điều tự nhiên, nhưng rồi theo dòng thời gian những cảm tình ấy dần cũng phôi pha và đi vào quên lãng. Sự quên lãng dường như là thuộc tính của con người và phải chăng cũng chính do nơi sự quên lãng đó mà con người mới có thể tồn tại, nếu cứ nhớ hoài đến nỗi tang thương mất mát thì ai mà sống nổi ? Mặc dầu vậy, có một điều không thể và cũng không nên ..quên đó là phải làm sao tìm cho ra ý nghĩa của cuộc sống, nếu không con người sẽ còn phải hứng chịu hết thảm họa này tới thảm họa khác mà chẳng hề rút ra được một bài học nào. Cần phải tìm cho ra ý nghĩa của cuộc sống, đó là nỗi thao thức khôn nguôi của con người trải qua các thế hệ từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Nỗi thao thức ấy dù là của triết học hay tôn giáo cũng chỉ xoáy vào ba vấn nạn sau đây. Con người bởi đâu sinh ra? Sống trên đời này để làm gì ? và chết rồi đi đâu ? Xét trong ba câu hỏi này rút cục chỉ còn một. Hễ biết sinh bởi đâu thì ắt sẽ biết chết đi đâu, ngược lại không biết sinh thì cũng không biết tử. Sinh tử giống như đồng tiền xu hai mặt, mặt sinh và mặt tử, xoay mặt này sẽ thấy mặt kia và một khi đã biết được cái lẽ tử sinh sinh tử đó thì cũng sẽ biết mục đích sống ở đời để làm gì. Triết học với chức năng của mình lẽ ra cần tìm cách trả lời sao cho thỏa đáng ba câu hỏi lớn đó. Thế nhưng cả Đông lẫn Tây đều cố tình lẩn tránh hoặc như Không Tử người sáng lập Nho Giáo khi được môn đệ hỏi = Chết là thế nào ? liền đáp chưa biết việc sống làm sao biết được việc chết ? ( Vị tri sinh, an tri tử - T.T.Kim Nho Giáo Quyển thượng ). Hoặc như Aristote lại vội vã đưa ra câu định nghĩa " Người là con vật biết suy lý" ( l' Animal raisonnable ) Câu này theo M.Heiddeger là một định nghĩa sa đọa bởi vì nó cho con người có nguồn gốc động vật. Thần học Kito giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm triết Aristote thế nên nó không thể thoát khỏi cái quan điểm cho rằng có một Đấng gọi là Thần linh Tạo Hóa đã sinh ra con người. Với quan điểm Đấng Tạo Hóa như thế vô hình chung thần học đã tự động chấm dứt việc tìm kiếm Thiên Chúa " Đấng chẳng ai từng thấy biết bao giờ" Ga 1, 18 )Chỉ với Đấng chẳng từng thấy biết đó mà con người mới cần phải hết lòng tìm ...chứ nếu đã biết rồi thì ai còn tìm còn kiếm nữa làm gì ? Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại phải tìm kiếm Thiên Chúa, hơn nữa lại là Đấng chẳng ai từng thấy biết ? Thông qua các tiên tri Thiên Chúa luôn mời gọi con người " Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng" Gr 29, 13 ) Lời mời này trải qua các thế hệ  đã có biết bao con người  nhiệt thành đáp ứng mà một trong số họ phải kể đến là Thánh Augustino, có lần ngài đã thốt lên lời cầu " Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi   nghỉ an nơi Chúa" Không phải Chúa dựng nên ta vì ta nhưng là vì Chúa, cho Chúa. Quan niệm này quả hết sức độc đáo nhưng cũng chỉ như thế mới cho ta nhận hiểu được câu Kinh Thánh " Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài" Stk 1, 26 ). Nếu cho rằng Chúa dựng nên ta vì ta thì ta là cứu cánh và khi ấy Thiên Chúa không hiện hữu. Ngược lại khi nhìn nhận mình là hình ảnh Thiên Chúa tức Thiên Chúa dựng nên ta cho Chúa thì tâm hồn ta không thể không quy hướng về Ngài. Thật sự  không riêng con người mà toàn thể chúng sinh vạn vật đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa  và từ trong bản chất thâm sâu của mình nó vẫn không ngừng hướng về Ngài. Sự hướng về ấy diễn ra ở nơi thiên nhiên  = cây cối luôn hướng về phía ánh sáng, vật từ trên cao rơi xuống theo lực hút của trái đất, hành tinh xoay vòng theo quỹ đạo v.v. Minh triết Đông phương gọi tất cả những hiện tượng đó là Phản Phục " vạn vật tịnh tác ngô dĩ quan phục, phù vật vân vân các phục quy kỳ căn" ( Vạn vật cùng đều sinh ra ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! muôn vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó - Lão Tử ĐĐK chương 16 ) Đối với thiên nhiên thì sự quy hướng đó là  tất định nhưng con người bởi sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa thế nên nó được tự do. Tuy nhiên  cũng chính vì tự do đó mà con người phải chịu trách nhiệm toàn bộ cuộc đời mình = dấn bước trên con đường trở về với Chúa hay quay lưng phản bội Ngài. Mùa Chay là Mùa Hồng Ân mục đích là để giúp ta phương thế  trở về. " Bấy giờ Thiên Chúa phán = các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo" Ge 2, 12 - 13 ). Giống như người con hoang đàng bỏ nhà cha mình ra đi ( Lc 15 ) hết thảy chúng ta đều là những đứa con hoang cần trở về. Thế nhưng để có thể thực hiện sự trở về này thì trước hết cần phải nhận thức ra được hoàn cảnh khổ đau của mình. Đứa con trai ấy sẽ không thể có quyết tâm nếu y ta không bị bức bách vì..đói " Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho' Lc 15, 16 ). Cùng với việc nhận ra hoàn cảnh thê thảm của mình người con ấy sực nhớ ra là mình còn có một người cha giàu có vô lượng " Biết bao người làm thuê cho cha ta còn được có bánh ăn dư dật mà ta thì lại phải chết đói' Lc 15, 10 ). Nhớ ra được mình còn có một người cha phú hộ và nêu quyết tâm trở về nhưng đồng thời cũng nhớ ra mình là kẻ xấu xa không  xứng đáng địa vị là con nữa " Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng cha ơi tôi đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin đãi con như đứa làm thuê của cha vậy" Lc 15, 18 -19 ). Con người sẽ còn đi hoang  và chẳng bao giờ thoát được khổ nếu không nhớ ra  mình còn có một nơi chốn để VỀ. đức Kito xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời chính là để cho ta có cái Chốn để VỀ ấy " luật pháp và tiên tri đến Gioan ( Tiền Hô) là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào" Lc 16, 16 ) Mùa Chay khởi đầu bằng Lễ Tro có ý nhắc cho ta nhớ đến thân phận mong manh hèn yếu của mình nhưng cũng là để thúc giục mỗi người khi nhận tro trên đầu rằng " Hãy ăn năn sám hối tin vào Tin Mừng. Tin Mừng mà Chúa đòi hỏi chúng ta phải tin đó là tin rằng Nước Trời hiện hữu ngay ở nơi ta, chỉ cần quay về là gặp.

 I/- Mùa Chay, cuộc hành trình trở về

 Mùa chay kéo dài bốn mươi đêm ngày tính từ Lễ Tro tới Lễ Lá. Trong suốt quãng thời gian đó tín hữu được sửa soạn tâm hồn hầu sốt sắng đón mừng đại lễ Phục Sinh. Việc sửa soạn ấy cũng đồng một tính chất giống như xưa kia Dân Chúa vượt qua sa mạc trong bốn mươi năm tiến về Đất hứa. Sa mạc là nơi hoang vu khô cằn cùng với biết bao hiểm nguy chờ chực, nào tranh chiến với các bộ tộc bản địa, nào là thời tiết khắc nghiệt, nào đói khát, rắn độc thú dữ v.v. đến nỗi dân tình đã phải kêu trách và muốn quay lui về đất nô lệ Ai Cập " ôi thà chúng tôi chịu chết về tay Đức Giehova tại xứ Ê dipto khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán chê" Xac 16, 3. Cuộc vượt qua sa mạc chính là ý nghĩa của Mùa Chay mà dân Chúa mãi mãi về sau cần phải tuân thủ " các ngươi hãy ghi ngày đó để tưởng niệm = trải qua các đời, hãy giữ làm một lễ cho đức Giehova tức là một lễ lập ra đời đời. Trong bảy ngày phải ăn bánh không men vừa đến ngày thứ nhất hãy dẹp bỏ men khỏi nhà đi, vì hễ ai ăn bánh có men từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy thì sẽ bị truất ra khỏi Itsraen" Xac 12, 14-15 )

  Để thực hiện bất cứ công việc mang tính trí tuệ nào dù là đạo hay đời cũng đòi hỏi cần phải chay tịnh. Chính bởi vậy mà ta cũng không lạ gì những con người  xuất chúng trong các lãnh vực như danh họa Leonard de Vinci ( 1452- 1519) như nhà giáo dục J.J Rousseau ( 1712- 1778) nhà kinh tế Adam Smith ( 1723-1790)văn hào Leon Tolstoi ( 1828 -1910) Nhà cải ca1cdh vĩ đại Henry David Thoreau ( 1817 -18620 nhà vật lý Albert Einstein, Thánh Gandhi v.v..tất cả đều chủ trương ăn chay và nhiệt thành cổ xúy việc ăn chay. Đối với đời đã vậy, còn trong lãnh vực tâm linh thì chay tịnh là việc bắt buộc, là luật pháp phải tuân giữ. Trước khi nhận lãnh Mười Điều Răn, tiên tri Maisen đã ở trên núi Sinai và chay tịnh suốt bốn mươi đêm ngày " Maisen ở đó cùng với Đức Giehova trong bốn mươi ngày, bốn mươi đêm không ăn bánh cũng không uống nước, Đức Giehova chép cho hai bản bảng đá các lời giao ước tức Mười Điều Răn" Xac 34, 28). Giao ước tức là sự cam kết giữa hai bên, nếu con người triệt để thi hành luật chay tịnh thì sẽ vào được Đất hứa, ngược lại thì không. Thực tế thì càng ngày Dân Chúa càng lỗi luật, chỉ còn giữ cái vỏ bề ngoài, bởi đó nên đã bị Thiên Chúa chối bỏ " Ta ghét, Ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi, Ta không đẹp lòng về những đại hội này khác của các ngươi đâu. Dầu các ngươi dâng những của lễ thiêu và của lễ chay cho Ta, Ta sẽ chẳng khứng nhận" Am 5, 21- 22). Người Do Thái xưa có rất nhiều luật lệ và họ tỏ ra hết sức tôn trọng " Có mấy người Pharisieu và mấy kinh sư từ Gierusalem đến gặp Chúa Giesu và nói rằng sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay trước khi dùng bữa" ? Mt 15, 1=2 ).

  Tại sao Dân Chúa ngày càng vi phạm giao ước đến nỗi chỉ còn giữ lại một mớ những luật lệ vô bổ chẳng ích lợi gì cho việc thực hành tâm linh như thế ? Lý do là vì họ đã không nhận ra được tính chất nội tại của Đất Hứa sau cuộc vượt qua " Cho đến khi Dân mà Ngài đã chuộc,  vượt qua rồi. Hỡi đức Giehova Ngài đưa Dân ấy vào và lập núi cơ nghiệp Ngài tức là chốn Ngài đã sắm sẵn để làm nơi ở của Ngài. Hỡi Chứa là Đền Thánh mà tay Ngài đã lập, Đức Giehova sẽ cai trị đời đời kiếp kiếp" Xac 15, 16-18 ). Núi Cơ Nghiệp ám chỉ cho Đất Hứa, tuy nhiên Đất Hứa ấy hoàn toàn không phải là Canaan mà cho đến tận bây giờ vẫn còn là miền  tranh chấp khốc liệt giữa dân Do Thái và người Palestin. Theo huyền nghĩa thì Đất Hứa trong Cựu Ước nhất thiết cần phải hiểu đó chính là nước Trời mầu nhiệm nội tại trong Tân ước mà đức kito rao giảng " Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước Trời chừng nào đến thì Ngài đáp rằng nước Trời không đến cách mắt thấy được, người ta cũng không thể nói được rằng đây này hay đó kia vì này Nước Trời ở trong lòng các ngươi" Lc 17, 20-21). Đây này, đó kia ám chỉ cho không gian và thời gian. Nước Trời là nước không thể nói đây này hay đó kia nghĩa là nó không bị hạn cuộc cả trong không gian lẫn thời gian. Nước Trời không thuộc thế gian ( Ga 18, 36 ) nhưng lại hiện hữu ngay ở nơi tâm hồn của mỗi người, đó là một mầu nhiệm vĩ đại mà Đức Kito muốn mạc khải cho những kẻ  theo Ngài. Lại nữa Nước Trời " Ở  trong" ấy cũng là một không khác với " Con người bề trong" như lời Thánh Phao lo nói " dẫu người bề ngoài hư nát nhưng người bề trong cứ ngày càng đổi mới. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm thời của chúng ta sẽ sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời vô lượng vô biên. Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được nhưng chăm sự không thấy được. Vì những sự thấy được chỉ là giả tạm mà sự không thấy được là đời đời vậy" 2C 4, 16-18). Người bề ngoài ám chỉ cho thân xác, còn người bề trong là bản tâm chân thật ( chân tâm ) của mỗi người. Chân tâm ấy cũng chính là Con Thiên Chúa, được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta phải quay về để nhận biết.

 II/- Trở về với chính mình

 Cùng với việc ăn chay kiêng thịt hai ngày thứ tư Lễ Tro, thứ sáu Tuần Thánh và ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể, còn có một việc khác không thể thiếu trong Mùa Chay đó là các buổi tĩnh tâm. Đối với linh mục thì hàng năm, hàng tháng hay vào những dịp đặc biệt đều có những cuộc cấm phòng tức là các ngài tập trung  cầu nguyện xét mình nghe giảng để hâm nóng lại đời sống tâm linh. Còn với tín hữu ngày nay, cứ vào mùa chay cũng có những buổi tĩnh tâm dành cho các giới và dĩ nhiên mỗi giới đều có đề tài thích hợp cho giới của mình. Tuy nhiên về đại thể thì những thì những giờ gọi là Tĩnh Tâm đó là để nghe cha giảng mà phần lớn các ngài chỉ đề cập tới những vấn đề luân lý nhân bản. Vợ chồng  phải biết thương yêu nhường nhịn,  giúp đỡ nhau trong bổn phận giáo dục con cái. Với các thiếu nhi thì phải chăm ngoan vâng lời cha mẹ thầy cô, các anh chị giáo lý viên v.v..Việc gọi là Tĩnh Tâm nếu chỉ có như thế thì hoàn toàn không đúng với tính chất của nó là làm cho tâm hồn được trở nên an tĩnh. Sống ở đời, hầu như không ai có thể thoát  khỏi những mối lo toan. Ngoài mối lo cho bản thân = sinh già bệnh chết còn có biết bao nỗi lo khác, đặc biệt trong thời này còn phải lo thiên tai, động đất sóng thần núi lửa, trái đất nóng lên từng ngày, rồi khủng bố, ô nhiễm môi trường v.v..và v.v. ..Có thể nói người đời sống thường trực  trong những mối lo âu,  nhưng điều đáng lo nhất  với họ đó là không biết cậy dựa vào đâu cho hết lo ? Người có đạo thì cũng có những mối lo như bao người nhưng khác với họ chúng ta còn có chỗ dựa là Đức Kito bởi Ngài nói " Hỡi những ai đang lao khổ và gánh nặng, hãy đế cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi" Mt 18, 28. )

  Đến với Chúa để được nghỉ ngơi, đây phải là mục đích duy nhất của việc tĩnh tâm. Nói là đi tĩnh tâm mà sau đó trở về Tâm chẳng những chẳng Tĩnh chút nào lại còn...động thêm thì ích lợi gì đâu ? Mùa Chay cùng với những buổi gọi là Tĩnh Tâm rồi cũng qua đi, hết Giáng Sinh lại đến Chay, hết Chay lại đến Phục Sinh, Thường Niên v.v. Cuộc đời cứ trôi đi một cách vô ích như thế để rồi cho đến một lúc nào đó bắt gặp cái chết trong tuyệt vọng , có hối cũng chẳng kịp !!! Suy niệm về Bốn Sự Sau ( Tứ Chung ) = Chết, Phán xét, Thiên Đàng Hỏa Ngục mà tín hữu chúng ta trước đây vẫn được nghe trong Mùa Chay là một đề mục hết sức bổ ích cho phần tâm linh. Mỗi người đều sẽ bị phán xét về hành vi tư tưởng lời nói mình khi sống cuộc đời này. Thế nhưng bởi vì đây là thời tục hóa nên con người không còn tin có Thiên Đàng, Hỏa Ngục nữa, mà nếu đã không tin như thế thì khác nào cho rằng không có đời sau và ..chết là hết chuyện ? Chết không thể hết, ngay cả những kẻ tự cho mình là duy vật vô thần cũng không nghĩ như vậy, bởi nếu không thì họ lập lăng để rồi hàng năm kéo nhau đến đó dâng công báo cáo với người đã chết ấy để làm gì, chẳng phải vô lý lắm sao ? Thật sự thì không vô lý mà đó chỉ là tình trạng..thiếu trí tuệ và trí tuệ cần yếu nhất cho con người đó là Biết Mình. Vấn đề " Biết Mình" triết học không bao giờ có thể giải quyết lý do là vì bản thân nó là " Chiết" tức sự chia chẻ phân biệt. Có phân biệt là có nhị nguyên đối đãi, thấy có ta, có người, có vật thật ở ngoài mình. Điều mà triết học không thể thì tâm linh Đạo Chúa lại được lý do bởi vì đường lối Chúa là đường bỏ mình " Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo" Lc 9, 23 ). Chúa nói cần phải " Bỏ Mình" bởi vì cái mình ấy không thật, nếu nó thật thì không lý gì lại bỏ ? Thế gian chấp lấy xác thân là mình, cho cái giả làm thật thế nên chẳng bao giờ có thể hết lo. Thế nhưng dưới cái nhìn tâm linh thì thân xác chỉ là cấu hợp của vật chất vô tri nay còn mai mất " Mạng sống của anh em là chi, chẳng qua như chút hơi nước hiện ra một lát rồi lại tan mất" Gc 4, 14 ). Thân xác hư hèn, điều ấy chúng ta đã được Lời Chúa nhắc nhở trong ngày Lễ Tro " các ngươi chỉ là bụi tro rồi sẽ trở về tro bụi" ( Stk 3, 19 ). Chúng ta hết thảy mặc dầu là bụi tro được tạo dựng bằng tro bụi nhưng đồng thời cũng là Hình Ảnh là Con Thiên Chúa " Lại vì anh em là con nên Thiên Chúa đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta kêu lên rằng " Cha - Aba" Dường ấy người không phải là tôi mọi bèn là con mà nếu là con thì cũng là kẻ thừa tự bởi Thiên Chúa vậy" Gl 4, 6-7 ) Từ khi nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội chúng ta hết thảy đều được nhận vào hàng con cái Chúa nhưng là con thì phải trở về với Cha cũng là Thiên Chúa của mình. Để việc trở về ấy có thể thành tựu thì nhất thiết cần thực lòng nghĩa là phải trở về trong chay tịnh, nước mắt và than van. Mùa Chay này biết đâu chẳng là mùa cuối cùng của cuộc đời chúng ta, sao mà biết được ? " Vậy hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ" Mt 25, 13.

Tác giả Phùng Văn Hoá (nguồn dunglac.org)

5536    29-03-2011 21:37:03