Sidebar

Chúa Nhật

12.05.2024

Muốn Chơi Cần Biết Cách Ăn

Dù là tiền vệ Ballack của đội bóng Bayern Munich của Đức hay tay đua siêu đẳng Schumacher, chế độ dinh dưỡng bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng trong quá trình tập luyện. Đợi chi đến giới chuyên nghiệp, ngay cả với người chơi thể thao nghiệp dư hình thức ăn uống cũng là nhân tố quyết định cho hiệu năng mong muốn. Theo nhận xét của Viện nghiên cứu về dinh dưỡng trong thể thao ở Bad Nauheim, CHLB Đức, không nói chi đến chuyện bệnh hoạn về sau, thậm chí nhiều trường hợp chấn thương trong khi thao dượt là do sai lầm trước đó về quy cách ăn uống khiến vận động viên mất cảm giác tinh tế trong lúc thi đấu!

Lỗi thường gặp nhất ở người chơi thể thao tài tử là quyết định vội vàng vào cuộc ngay sau giờ làm việc dù bụng đang đói. Hậu quả là kho năng lượng dự trữ bị vét sạch rất nhanh. Vận động viên khó có thể tập trung tinh thần và phản ứng càng lúc càng chậm chạp. Không lạ gì khi đa số tai nạn trong thể thao xảy ra trước khi hiệp một chấm dứt. Để phòng tránh, người chơi thể thao nên ăn, cho dù chỉ lót dạ với trái chuối, miếng bánh... khoảng 30 phút trước khi ra sân. Tốt hơn nữa là bữa ăn hẳn hoi với lượng chất đường và rau quả tươi tối thiểu gấp đôi chất đạm động vật. Đừng tưởng muốn sút mạnh phải châm nhiều thịt mỡ. Ngược lại là khác. Không chỉ sút chính xác mà còn đi được nhiều đường banh lắt léo nếu trên bàn ăn trước trận đấu có nhiều trái cây, mật ong hơn thịt cá. Đừng quên là cơ thể trong lúc thi đấu rất cần năng lượng với vận tốc cấp bách. Thịt mỡ tuy đúng là nguồn năng lượng dồi dào nhưng đợi đến khi cơ thể thu được năng lượng từ quy trình biến dưỡng chất béo thì trận đấu đã chấm dứt! Hơn nữa, với bữa ăn quá nặng về chất béo thì tim nào còn đẩy máu đến đôi chân cho nổi khi dạ dày đã dành phần tiêu thụ! Ngay cả lực sĩ cử tạ cũng không chọn khẩu phần chỉ có chất béo và chất đạm. Nói cụ thể hơn, nếu nhất định ăn thua với trận này mà chọn tô bún bò Huế làm món ăn trước khi lâm trận thì phải cắn răng bỏ lại miếng... giò heo!

Sai lầm kế tiếp là thói quen không uống nước trong khi thi đấu. Sai không chỉ vì lý do sức khỏe. Đã ra sân thì khó tránh không đổ mồ hôi, không thở hổn hển, trừ khi ra sân với nhiệm vụ... phòng hờ! Cơ thể một khi đã mất nước phải kéo theo mất quân bình giữa chất điện giải, như canxi, kali, natri... Dẫn truyền thần kinh một khi không còn ổn định thì chỉ còn trông mong vào phép lạ mới giữ nổi phản xạ như mong muốn. Khi đó chân muốn co mà tay cứ duỗi! Uống chút nước tiếp hơi trong lúc trọng tài ngó lơ chính là bí quyết để đừng chôn chân như trời trồng lúc đồng đội vừa châm một đường banh tuyệt đẹp.

Sau giờ tập dượt, nói chính xác hơn, trong vòng 30 phút sau trận đấu, dù thắng hay thua cũng phải ăn và uống, vì đó là khoảng thời gian cơ thể có nhu cầu phục hồi khẩn trương. Nếu bỏ lên bàn cân lợi hại thì uống nên được ưu tiên hơn ăn. Lượng nước uống vào phải đủ để bù trừ lượng nước thất thoát qua mồ hôi, qua hơi thở. Tất nhiên không có cách nào đo lường chính xác. Nhưng cứ yên tâm uống nước nhiều hơn ước tính. Tối thiểu 15 phút sau khi uống hãy đến bữa ăn. Phải ăn không chỉ vì đói. Khoảng thời gian chờ bữa ăn càng lâu thì hiện tượng mệt mỏi của ngày hôm sau càng rõ rệt. Khẩu phần sau giờ tập nên được xây dựng trên bốn thành phần cơ bản nhằm bổ sung:

- Sinh tố và khoáng chất đã hao hụt trong lúc đổ mồ hôi, trong số đó đứng đầu là sinh tố C và kẽm, hai khoáng tố khó tránh bị tiêu hao dữ dội do tuyến thượng thận bị huy động tối đa trong lúc tranh đua. Kế đến là canxi và magnê. Do đó, ly nước khoáng có pha thêm nước chanh với tỷ lệ 3/1, hay thậm chí với viên thuốc sủi bọt có thành phần đa sinh tố và khoáng tố, không nên thiếu trên bàn ăn của vận động viên vừa kết thúc trận đấu.

- Chất đạm có tác dụng phục hồi trên hệ vận động và thần kinh ngoại biên như carnitin, glucosamin. Thịt dê, thịt trừu, hay ngay cả gia cầm, hải sản vì thế phù hợp cho người vừa chơi thể thao hơn thịt heo, thịt bò.

- Hoạt chất thiên nhiên có công năng chống tình trạng gỉ sét âm ỉ do hậu quả tiêu dùng dưỡng khí trong cơ thể người vận động nhiều. Với mục tiêu này, người sành điệu khó bỏ qua các món thuộc nhóm cà như cà chua, cà rốt, cà tím... để tận dụng chất kháng oxy-hóa như lycopen, tiền sinh tố A cho mục tiêu phòng bệnh lâu dài. Chơi mà mang bệnh lão hóa về sau thì đâu có gì hay!

- Các loại diếu tố có khả năng phục hồi chấn thương phần mềm như papain, bromalin... Đu đủ, thơm, dưa hấu vì thế nên là món tráng miệng của người muốn lại ra sân với phong độ tối ưu.

Thắng hay thua cũng phải ăn. Ăn ở đây là để phục hồi sinh lực, để tiếp tục vui chơi với ngày tháng còn dài trước mặt. Ăn không để cố thắng lần sau. Nhưng ăn cũng không phải để thua. Nghề ăn xem vậy cũng lắm công phu!

Lỗi thường gặp nhất ở người chơi thể thao tài tử là quyết định vội vàng vào cuộc ngay sau giờ làm việc dù bụng đang đói. Hậu quả là kho năng lượng dự trữ bị vét sạch rất nhanh. Vận động viên khó có thể tập trung tinh thần và phản ứng càng lúc càng chậm chạp.

1289    11-01-2011 21:34:54