Câu Chuyện từ 1 - 10
Câu Chuyện từ 11 - 20
Câu Chuyện từ 21 - 30
Câu Chuyện từ 31 - 40
Câu Chuyện từ 41 - 50
Câu Chuyện từ 51 - 60
Câu Chuyện từ 61 - 70
Câu Chuyện từ 71 - 80
Câu Chuyện từ 81 - 90
Câu Chuyện từ 91 - 100
Câu Chuyện từ 101 - 110
Hươu sao muốn xây nhà, mời khỉ thợ nề đến.
Sau khi xây nhà xong, chẳng ngờ các bức tường đều nghiêng lệch một bên, hươu sao chỉ ra cái sai lầm, nhưng khỉ lại lồng lộn lên, nói:
- "Tôi xây nhà đã hơn mười năm, làm sao sai được chứ ?"
Đến khi cửa sổ làm xong đem tới, nhưng ráp vào lại không ăn khớp với nhau, khỉ lớn tiếng chửi: "Thằng thợ mộc nào đây thật khốn nạn, làm cửa sổ mà để cho bị lệch".
Thật là kỳ quái, sau chuyện đó mỗi khi khỉ làm nhà đều bị nghiêng lệch, đến bác sĩ kiểm tra thì mới phát hiện ra bệnh của khỉ là nhìn lệch.
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Con người ta hay bị cái nhìn thành kiến làm cho lệch đi. Thành kiến + ích kỷ +ghen ghét = sai sự thật.
Sai sự thật tức là nhìn nghiêng lệch, nhìn trắng thành đen, nhìn tốt thành xấu.
Cái nhìn thành kiến của người bình thường đôi lúc ít nguy hiểm hơn cái nhìn thành kiến của người có trách nhiệm, của bề trên, của linh mục v.v...
Có một linh mục coi sóc một xứ đạo lớn, vì đã có thành kiến với một giáo dân của mình, nhưng vị giáo dân này rất tích cực với việc của giáo xứ, ông ta làm chuyện gì thì vị linh mục cũng không bằng lòng, cuối cùng ông ta bỏ luôn nhà thờ.
Có một thầy đại chủng sinh, trong thời gian giúp xứ có một lỗi nhỏ không đáng kể (so với các linh mục mắc lỗi này), bề trên đã cho thầy ấy hoàn tục, thầy ấy chuyển qua tu hội khác và sống đời tu đức rất tốt đẹp, nhưng khi xin giấy chứng nhận của chủng viện mà thầy đã học thì vị bề trên này không cho, thế là thầy ấy tìm cách khác để đi nốt con đường tu trì của mình và thầy đã trở nên một linh mục thánh thiện, nhiệt thành...
Nhưng cũng có những bề trên đã phá bỏ cái nhìn thành kiến cũ, để giúp đỡ và khuyến khích ơn gọi, khuyến khích cộng sự viên của mình.
Thành kiến chính là cái nhìn nghiêng lệch vậy.
32. TỪ KHI CON NHÍM CÓ GAI
Trước đây rất xưa, con nhím không có gai.
Thân nó nhỏ, lương thiện ôn hoà, thích thân cận với mọi người, nhưng cũng chính vì nó yếu đuối nhát gan, mà trở thành đối tượng cho người khác bắt nạt, đây không phải là đùa giỡn với nó, mà chính là công kích nó, thậm chí, có lúc ngay cả mạng sống nó cũng bị uy hiếp.
Nó kể khổ với Đấng tạo hóa:
- "Ngài coi, con, ngoài da không có sừng như tê giác hùng hậu, lại không có răng nhọn như sư tử và hổ, đã không linh mẫn như tai thỏ lại càng không có tứ chi nhảy vọt như linh dương. Ở một nơi mà cường địch theo dõi như thế này mà một chút năng lực đề kháng cũng không có, Ngài bảo con sinh tồn thế nào được chứ?"
Đấng tạo hóa nói:
- "Được rồi, để Ta nghĩ cách xem sao?"
Thế là Đấng tạo hóa làm cho con nhím toàn thân đầy gai nhọn.
Sau đó, mỗi lần có kẻ địch đến gần, cơ thể nhím giương lên, gai của nhím dựng đứng lên. Gai của nó nhọn hoắc sắc như dao, không cần phải nói, các động vật, thậm chí ngay cả hổ và sư tử, hoặc là cá sấu, trăn, là những động vật dữ tợn như thế, cũng đều sợ nó ba phần. Nhím thật là vạn phần đắc ý, không ngờ nó nhỏ con như thế, mà cũng có một ngày người ta phải sợ nó...
Dần dần kẻ địch không có, nhưng bạn bè cũng chẳng có luôn, rất nhiều con vật vừa thấy nó đều chết khiếp chạy trốn. Nhím cô đơn khó chịu, chịu không nỗi bèn kể lể với Đấng tạo hóa:
- "Mọi việc đều do Ngài cả, vì Ngài đã tạo cho con những cái gai kỳ quái này, báo hại con, một thằng bạn cũng không có".
Đấng tạo hóa phì cười nói:
- "Bé con, Ta tạo cho con cái gai nhọn là để cho con phòng ngự kẻ địch, chứ có nói con phải dựng đứng cái gai nhọn [của con] từ sáng đến tối đâu".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Tài năng Thiên Chúa ban cho mỗi người không phải để huênh hoang khoác lác, kiêu ngạo với anh chị em.
Mỗi người đều có một khả năng riêng, một cái hay riêng.
Những người có võ công cao siêu, nhìn họ chẳng có chi là con nhà võ cả, họ rất hiền, rất điềm đạm, họ chẳng bao giờ đánh ai, vì họ biết rằng học võ là để có sức khoẻ, là tự vệ, chứ không phải là để đánh người ta và đem đi khoe khoang. Trái lại, những người mới học võ vẽ đôi cú đấm đá, thì đi đâu cũng vung tay múa chân, cũng vỗ ngực ta đây đã từng học võ này võ nọ, không coi ai ra gì cả. Thật tội nghiệp cho họ.
Có người trời ban cho cái tài lợi khẩu, nhưng không dùng tài ấy để bênh vực người bị áp bức, chèn ép, mà lại dùng nó để nói móc họng anh em chị em, để chửi xéo anh chị em những lời bóng bẩy văn hoa, nghe mà muốn độn thổ.
Con người là một động vật có trí khôn, nếu trí khôn mất đi thì trở thành con vật, mà nhìn còn tệ hơn cả con vật nữa. Trí khôn là một báu vật vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, để con người tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, tức là làm đẹp vũ trụ này.
Có trí khôn, có tài năng mà lạm dụng chúng nó, làm những việc trái với lương tâm, gây đau khổ cho người khác, tự tư tự lợi cho mình, mưu mô làm hại người khác thì như con thú dữ.
Nên dùng tài năng và trí khôn Thiên Chúa ban cho để thăng tiến mình, và mưu ích lợi cho tha nhân.
33. CON KHỈ BỊ VỨT BỎ
Con khỉ, mỗi ngày đều có công việc, bận rộn vô cùng, giao tế thù tiếp để đến nỗi thân thể và tinh thần mệt mỏi. Nó vội vã muốn thoát khỏi gánh nặng và áp lực của cuộc sống, bắt đầu chạy trốn cõi hồng trần cuồn cuộn này, nó quyết định dời nhà đến một nơi không có ai làm phiền nó.
Chẳng ngờ, ở không được mấy ngày, nó bèn trốn về lại, oán trách bạn bè, nó nói:
- "Các anh đã quên tôi rồi ư, vứt bỏ tôi rồi sao?"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Người ích kỷ thì thích hưởng lợi một mình, nhưng trách nhiệm thì đổ cho người khác, khi thành công thì phấn khởi tuyên bố là do mình chịu trách nhiệm thi công công trình, nhưng khi thất bại thì la to lên: tụi nó làm ăn không ra cái giống gì, tôi không biết gì cả.
Người ích kỷ thì đổ lỗi như... con nít.
Nhưng con nít có giáo dục thì không như thế.
34. MẶT TRĂNG TRÒN HAY KHÔNG TRÒN
Hoa dạ lý hương trông nhìn ánh trăng lưỡi liềm, than thở nói:
- "Trăng có âm quang tròn khuyết, giống như người thế gian họa phúc vô thường vậy".
Đấng tạo hóa nhè nhẹ cười:
- "Bé con, con sai rồi, mặt trăng từ trước đến nay không bị khuyết, nó chỉ bị bóng đêm che khuất. Bản chất của sinh mệnh cũng thế, lúc nào con có thể để xuống gánh nặng, thoát khỏi bóng đêm, sinh mệnh tự nhiên đầy đặn tròn trịa".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Con người sống thì phải làm việc, làm việc thì có trách nhiệm, và trách nhiệm là gánh nặng.
Bổn phận và trách nhiệm là cụm từ luôn đi đôi với nhau, làm bổn phận mà không chu toàn, thì gọi là vô trách nhiệm, người có lương tâm thì không muốn trở thành kẻ vô trách nhiệm, cho nên luôn luôn thấy gánh nặng trên vai của mình.
Để gánh nặng xuống, nhưng không phải để cho người khác mà là để trong tay Chúa, xin Chúa cùng vác với mình, hay ít nữa, xin Chúa nhân từ bỏ qua những thiếu sót trong bổn phận của mình vì quá mệt mỏi. Chúa Giê-su đã nói: "Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng..." đó sao?
Làm hết sức lực của mình, và phó thác gánh nặng (công việc) cho Chúa, đó là người khôn ngoan vậy.
35. CUỘC THI CỦA NÚI VÀ NƯỚC
Núi nói:
- "Tôi nhìn cao hơn anh".
Nước nói:
- "Tôi đi xa hơn anh".
Thế là, núi trơ trọi lâu dài, nước cả ngày bôn ba.
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Những tư tưởng lớn gặp nhau, hợp nhau, thì đúng là họ nói chuyện quên cả ngày giờ, thật tương đắc.
Nhưng những con người kiêu ngạo mà gặp nhau thì đúng là chiến tranh bùng nổ, vì không ai biết nghe ai, ai cũng nói tài tôi cao hơn anh, trí tôi xa hơn anh.
Tài cao như núi, trí rộng như biển mà cứ kênh kênh kiệu kiệu trong mớ kiến thức của mình, thì chỉ làm người cô độc không ai muốn đến gần.
Có vấn đề cần tranh luận, thì cứ tranh luận, nhưng tranh luận trong hoà bình, nghĩa là khiêm tốn nhận ra cái lý của anh em chị em.
Trong một chương trình giải trí vui chơi trên truyền hình của các nghệ sĩ thủ đô Đài Loan, người dẫn chương trình giới thiệu một đôi vợ chồng trẻ, chị bán tạp hoá, anh đang đi nghĩa vụ quân sự, hai vợ chồng đã có một em bé, người dẫn chương trình hỏi cô vợ:
- "Anh chị còn trẻ, vậy thì có lúc nào anh chị to tiếng đến nỗi động thủ với nhau không ?"
Cô vợ trả lời:
- "Hồi trước anh ấy còn ở nhà, em biết anh ấy đi làm về mệt, nên mọi việc đều tự tay làm và không để cho anh ấy mệt thêm, nên ít khi có chuyện to tiếng với nhau".
Người chồng nói tiếp:
- "Cứ mỗi lần tôi lớn tiếng thì vợ tôi im lặng, và khi vợ tôi lớn tiếng thì tôi im lặng và bỏ đi chỗ khác".
Cả hội trường vỗ tay ầm ầm.
Đúng là đôi vợ chồng trẻ dễ thương, bởi vì chồng không nói tôi là chồng của cô nên tôi có quyền, và vợ không nói tôi đi làm tiền lương nhiều hơn ông nên tôi có quyền...
36. CHIM CÁNH CỤT KHÔNG BIẾT LẠNH
Chim cánh cụt đi bên bờ biển xích đạo, tứ cố vô thân, nó cảm thấy gió biển lặng lẽ, khí lạnh kinh người, một cảm giác thê lương tận đáy lòng của nó tự nhiên bùng lên.
Đến nam cực, nó cùng các bạn cùng lớp vui đùa đánh đáo, tương thân tương trợ "liền một khối", mà không cảm thấy mình đang đứng trên tảng băng nguyên vẹn lạnh như cắt, nó hỏi Đấng tạo hóa:
- "Lạ thật, khi con ở nam cực không cảm thấy lạnh, vậy mà tại sao lúc ở xích đạo toàn thân cứ run lên cầm cập?"
Đấng tạo hóa không nín được, cười nói:
- "Bé con, có những lúc lạnh, không nhất thiết là phải liên quan tới thời tiết, nhưng có quan hệ với sự cô đơn".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Xích đạo thì nóng vô cùng, nhưng cảm thấy lạnh lẽo, vì sự cô đơn.
Nam cực thì lạnh vô cùng, nhưng cảm thấy ấm áp dễ chịu, bởi vì không cô đơn, bởi vì có bạn bè vui đùa.
Con người ta khi vắng người tình thì không phải cảm thấy cô đơn lạnh lẽo đó sao ? Mùa xuân trời đẹp, chim ca bướm lượn, ai ai cũng vui vẻ đón xuân, mà mình thì lại rĩ rã ca bài; "mùa xuân cô đơn", có phải là thời tiết không ? Chắc chắn là không.
Tâm hồn của chúng ta cũng có lúc cảm thấy cô đơn, không phải vì thất tình, vì vắng xa người yêu, mà là vắng bóng Thiên Chúa ở trong tâm hồn mình. Ở đâu vắng bóng Thiên Chúa, ở đó sẽ có hận thù ghen ghét, mà hận thù ghét ghen không phải là bóng đêm của tội lỗi sao?
Vắng bóng Thiên Chúa là vì chúng ta chọn vật chất, danh vọng, quyền uy, và đem Thiên Chúa quăng ra ngoài đường, rước ma quỷ vào làm chủ trong tâm hồn của mình.
Khi trong lòng chúng ta có Thiên Chúa, tràn ngập ân sủng của Ngài, thì chúng ta sẽ không còn cô đơn, không còn cảm thấy lạnh lẽo dù thời tiết nóng như thiêu, lạnh như cắt.
Khi tâm hồn chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, thì dù sống trên đống của cải, trên mọi danh vọng, thì cũng cảm thấy cô đơn và bất an.
Và khi chúng ta có Chúa ở trong lòng, thì dù bị đày ra ngoài nam cực hay xích đạo, thời tiết nóng hay lạnh, hoặc nghèo rớt mồng tơi thì cũng chẳng nhằm nhò gì với chúng ta, bởi vì Thiên Chúa là ánh quang huy chiếu rọi tâm hồn mọi người.
- Tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa thì tâm hồn lạnh lẽo, bất an, cô đơn và sợ hãi.
- Thế giới vắng bóng Thiên Chúa thì thế giới chiến tranh, loạn lạc, bất công và hận thù.
37. THẾ GIỚI CỦA GIUN ĐẤT.
Chúng nhân đều chế giễu giun đất:
- "Mày không có mắt, không thể nhìn".
- "Mày không có tai, không thể nghe".-
- "Mày không có chân, không thể đi".
- "Mày không có cánh, không thể bay".
Giun đất khóc lớn nói với Đấng tạo hóa:
- "Tại sao Ngài đem cái hèn mọn thấp kém mà tạo nên con như thế này, không có một tí gì là tốt đẹp cả..."
- "Bé con, bản thân của sinh mệnh là không có phân biệt cao thấp, quý tiện."- Đấng tạo hóa buồn sầu nói tiếp: "Ta không coi nhẹ con, tại sao con lại coi nhẹ mình !"
- "Nhưng con vừa mù vừa điếc, vừa không biết bay, lại vừa không biết chạy, Ngài tạo nên con có gì là hay, có gì là lợi chứ ?"
- "Con tiêu hóa rác rưởi để bùn đất tơi xốp, đầy tràn sức sống, vạn vật cứ thế mà sinh dưỡng không ngơi, tại sao con nói là không tốt tí gì chứ?"
- "Nhưng... nhưng..."- Giun đất sụt sùi nói: "Chúng nó đều chế nhạo con..."
- "Có mắt chỉ nhìn thấy mình, có tai chỉ nghe được mình, có chân chỉ vì mình mà chạy vội chạy vàng, có cánh chỉ lượn nơi thế giới của mình..."- Đấng tạo hóa thở dài nói tiếp: "Không thì cũng giống như là vừa đui vừa điếc, vừa què vừa thọt; có và không có, thì có gì là khác biệt chứ?"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Anh sinh viên bạn của tôi thời đại học, từ quê hương Bạc Liêu lên thành phố Sài Gòn học ở trường Đại học Mở - Bán công. Đã viết thư cho người yêu: "Anh sinh ra nhằm ngôi sao xấu, cho nên yêu em mà không dám nói, anh chỉ sợ rằng nói ra rồi em lại cho anh là người đèo cao..." (cám ơn anh bạn của tôi đã cho phép tôi mượn đoạn thư này).
Tôi đã nói với anh bạn: "Cái gì mà ngôi sao xấu với ngôi sao đẹp, nếu mày thật tình yêu cô ta, thì mày chính là ngôi sao đẹp nhất, nhưng nếu mày giả vờ yêu cho "qua ngày đoạn tháng" ở thành phố này, thì mày là một ngôi sao xấu xí nhất trần gian". Cuối cùng anh ta trở thành ngôi sao tốt, anh học giỏi, hiền, và hay mặc cảm, tình yêu của anh ta đã được đáp trả, tôi nói đùa với họ: "Tụi bây hai đứa thật hết ý".
Nhưng không biết khi tôi ra nước ngoài tu nghiệp, chúng nó còn yêu nhau không ?
Mặc cảm thường thấy mình thua thiệt mọi thứ rồi dẫn đến trạng thái thiếu tự tin vào mình, và rồi oán trách mọi người. Các bạn trẻ ở ngôi trường mù Nguyễn Đình Chiểu, khi sinh hoạt hát hò, đi lại, nếu không để ý, đố ai mà nhận ra được họ là những người khiếm thị, các bạn này vui chơi, đàn hát cứ như là những người sáng mắt vậy.
Tại Đài Loan, người ta vận động mọi người đến sinh hoạt với các trẻ em tật nguyền, dạy các em hát, dạy các em làm thủ công, dạy các em học vi tính. Nhìn những người tật nguyền thi lái xe lăn, thi khiêu vũ trên xe lăn, thì không ai nói họ là những con người rầu rỉ, chán đời. Họ rất nhộn nhịp thi đua...
Ở đời có những người sáng mắt nhưng lại cứ muốn mình đui, đi trên đường phố, thấy cụ già qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc: làm ngơ như không thấy; thấy một phụ nữ tay ẵm con, tay xách nặng nề đi cho kịp chuyến xe nơi bến xe Bình Triệu thì phớt lờ như không thấy...
Cũng có những người lành lặn tay chân, nhưng hình như họ muốn làm người tàn phế. Đôi chân của họ thích đi đến nơi nhà chứa, chỗ hút xì ke, có phải là họ muốn cụt tay cụt chân không?
Có những người nhà của họ chỉ cách nhà thờ khoảng một trăm thước tây, nhưng cả năm đi không đến nơi, mà những chỗ vui chơi nổi tiếng bất kỳ ở chỗ nào cũng không vắng mặt họ, thì có chân cũng như cụt rồi vậy!
Vậy thì, mặc cảm, tự ti, buồn vì mình thua kém mọi người đều không quan trọng, quan trọng là tâm hồn của chúng ta có đui mù, có tật nguyền hay không mà thôi?
38. TÌM KHÔNG ĐƯỢC THIÊN ĐÀNG
Chuột túi hỏi Đấng tạo hóa:
- "Xét cho cùng thì thiên đàng ở đâu?"
- "Ở đây".
- "Ở đâu?"- Chuột túi nhìn chung quanh bốn phía, không hiểu nên hỏi lại: "Sao con nhìn không thấy?"
Đấng tạo hóa dịu giọng trả lời:
- "Bé con, nếu như trong lòng con có thiên đàng, thì không có chỗ nào là không thiên đàng. Nếu như trong lòng con không có thiên đàng, thì dù cho con có đặt mình trong thiên đàng thật, thì nhìn mà như không thấy vậy!"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Có một vị tướng quân, ông ta không tin có thiên đàng và hoả ngục, một ngày nọ, ông mang cây kiếm bén nhọn bên mình vào nhà xứ hỏi cha sở:
- Thưa ngài, thiên đàng ở đâu và hoả ngục ở đâu?"
Vị linh mục không nói gì cả, đưa tay tát mạnh vào mặt ông tướng, ông ta tức giận nói: "Tại sao ngài đánh tôi?", và rút gươm ra khỏi vỏ. Linh mục nói: "Hoả ngục ở trong ông đấy". Ngài nói tiếp: "Khi ông tức giận thì đó chính là hoả ngục, và khi ông hiền hoà vui vẻ, thì đó là thiên đàng".
Có một số nhà thần học nói rằng: "Trời mới và đất mới" không phải là Thiên Chúa sẽ dựng thêm một thế giới khác sau khi tận thế, mà chính là Ngài làm cho thế giới này mới hơn.
Mới hơn, tức là thế giới này không có hận thù, không có ghen ghét, không có oán giận, tóm lại là không có hoả ngục.
Mới hơn, tức là thế giới này trở thành thiên đàng, là nơi mà mọi người biết yêu thương nhau và tha thứ cho nhau. Muốn được như vậy, thì ngay bây giờ, mỗi người chúng ta lo kiến tạo thiên đàng ở trong tâm hồn của mình, tức là sống bác ái, yêu thương, tha thứ cho nhau, sống khiêm tốn với hết mọi người...
Tập cho mình có cái nhìn yêu thương và hành động bác ái, là chúng ta đã đem thiên đàng dâng tặng cho người khác rồi vậy.
39. BUỒN RẦU CỦA HẢI CẨU
Hải cẩu nhìn thấy hoàn cảnh chung quanh càng ngày càng dơ bẩn bừa bãi, sinh thái bị phá hoại, sông ngòi bị ô nhiễm, chịu không nổi, âu sầu rầu rỉ nói:
- "Thiên Chúa ạ, ban đầu Ngài sáng tạo trời đất đâu phải như thế này! Ngài coi, thế giới này càng ngày càng xấu xí."
- "Đó là vì tâm hồn của chúng con càng ngày càng không đẹp đấy chứ."
Hải cẩu nói:
- "Như vậy, nếu chúng con muốn phục hồi tình trạng cũ, thì sự sạch sẽ phải bắt đầu từ đâu?"
- "Phải bắt đầu từ tâm hồn của chúng con trước".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Các nhà xã hội học nghiên cứu tận căn những tệ đoan của xã hội và đưa cách trị cho các nhà giáo dục; các nhà giáo dục thì chạy đến nhờ các tâm lý gia cố vấn; các nhà cố vấn tâm lý lại hợp đồng nghiên cứu với các nhà xã hội học. Và xã hội rối loạn vẫn cứ rối loạn, tệ nan vẫn cứ tệ nạn.
Các nhà chuyên môn này quên mời một chuyên gia cố vấn về tâm hồn, đó là các linh mục, vâng, tôi nói lại, đó là các linh mục công giáo.
- Có ai nghe đựơc những lời sâu kín nhất của tội nhân bằng các linh mục.
- Có ai vừa là quan toà kết án và giải án cho tội nhân, vừa là luật sư biện hộ cho tội nhân, lại vừa là bác sĩ trị liệu cho tội nhân như các linh mục công giáo.
Xã hội có quá nhiều tệ nạn, phong hoá xã hội có quá nhiều ô nhiễm. Bắt đầu làm lại không phải chỉ là giải quyết nhà ổ chuột, xây chung cư, lập nhiều đội cảnh sát hình sự, lập thêm nhiều trại cải huấn, những điều này, chỉ cần vốn tri thức tự có của nhà nước cũng có thể làm được.
Nhưng xây dựng lại, mà bắt đầu lại từ tâm hồn thì cần phải có tôn giáo tham gia, bởi vì, tôn giáo là cơ sở tạo nên nhân cách của con người, bởi vì bản chất con người là "nhân chi sơ, tính bổn thiện", và vì hoàn cảnh môi trường đã làm con người mất đi tính bản thiện, do đó, cần phải có những nhà tôn giáo cộng tác, để đem lại cho mọi thành phần trong xã hội một niềm tin, một sức sống mới, sức sống của tình thương đại đồng.
Đúng là phải bắt đầu lại từ tâm hồn.
40. MÔN ĐỒ KHÔNG MUỐN RỬA CHÂN
Chim nhạn rừng mát lòng hả dạ nói với Đấng tạo hóa:
- "Con đến làm môn đồ của Ngài có được không?"
_ "Tốt thôi"- Đấng tạo hóa chỉ con hạc đằng xa nói tiếp: "Con đi rửa chân cho nó, nó vừa mới đi qua một vũng bùn lầy lội".
- "Cái gì?"- Nhạn rừng kinh ngạc kêu lên một tiếng, không thèm để ý nói tiếp: "Con là môn đồ của Đấng tạo hóa, không được phép phục vụ người khác".
Đấng tạo vật cười nói:
- "Bé con, con không phục vụ người khác, thì người ta làm thế nào mà nhận ra được con là môn đồ của Ta chứ ?".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Nghi thức rửa chân chiều thứ Năm Tuần Thánh, thật vô cùng có ý nghĩa: Phục vụ.
Đối với người Do thái, tập quán chủ nhà rửa chân cho khách trước khi dự tiệc là biểu lộ sự kính trọng, yêu mến.
Chúa Giê-su đã dùng tập quán này để dạy cho các tông đồ bài học: Phục vụ và yêu thương.
Sau khi rửa chân cho các tông đồ xong, Chúa Giê-su đã nói: "Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cùng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13, 15).
Phục vụ là yêu thương, phục vụ là quên mình.
Nhưng các mục tử của Chúa đã để cho con chiên phục vụ mình nhiều hơn. Tôi đã nghe một linh mục nói: "Chúng nó (giáo dân) phải lo cho mình chứ ?...". Giáo Hội không để cho các linh mục của mình chết đói, giáo hữu cũng không để cho cha sở của mình chết đói. Có bao giờ nghe nói linh mục đói ăn chưa, chắc chắn là chưa.
Phục vụ là yêu thương, là bao dung những thói xấu, những khuyết điểm và những cái chưa được tốt của anh em chị em, để làm cho nó tốt hơn bằng yêu thương và phục vụ của mình.
Phục vụ trong khiêm tốn, trong vui vẻ, trong lịch sự, trong sự tôn trọng nhân cách của tha nhân.
Phục vụ là dấu hiệu của người môn đệ Đức Ki-tô.
Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.
Sưu Tập tại http://gxnamlo.org
4239 17-04-2012 21:37:20