Sidebar

Chúa Nhật

15.09.2024

Sách GLHTCG_Phần 2_Đoạn 2_Chương 3_Mục 7

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1601.
"Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Ki-tô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng bí tích" (x. CIC, khoản 1055, triệt 1).

I- HÔN NHÂN TRONG Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA

1602 369, 796.
Kinh Thánh mở đầu với việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Người (x. St 1,26-27) và kết thúc với viễn ảnh về "đám cưới Con Chiên" (x. Kh 19,7.9). Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh nói về hôn nhân và "mầu nhiệm" hôn nhân, về việc thiết lập và ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho nó, về nguồn gốc và mục đích của hôn nhân, về những biến chuyển qua dòng lịch sử cứu độ, về những khó khăn do tội và việc canh tân trong Chúa (1Cr 7,39), trong Giao Ước Mới giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (x. Ep 5,31-32).

Hôn nhân trong trật tự sáng tạo

1603 731 2331 2210.
"Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng... chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân" (x. GS 48,1). Vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi hôn nhân được ghi khắc ngay trong bản tính của họ. Hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại, mặc dầu qua bao nhiêu biến đổi trải dài qua các thời đại, trong các nền văn hoá, cơ cấu xã hội và thái độ tâm linh khác nhau. Những sự khác biệt này không được làm chúng ta quên đi những nét chung và thường tồn. Mặc dù phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau (x. GS 47, 2), trong tất cả các nền văn hoá, có một ý nghĩa chắc chắn về sự cao quý của hôn nhân. "Vì sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Ki-tô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình" (x. GS 47,1).

1604 355.
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người và mời gọi con người đi vào tình thương, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người. Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St 1,27) là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8.16). Vì Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa thì tình yêu này tốt, rất tốt (x. St 1,31). Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu hôn nhân để nó được trở nên sung mãn và thể hiện trong việc bảo tồn công trình sáng tạo : "Thiên Chúa chúc phúc cho họ, Người phán : hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1,28).

1605 372 1614.
Thánh Kinh khẳng định người nam người nữ được tạo dựng cho nhau : "Con người ở một mình thì không tốt". Người nữ là "xương thịt bởi xương thịt" người nam, ngang hàng và gần gũi với người nam. Thiên Chúa đã ban người nữ cho người nam như một "trợ ta", như "chính Chúa đến trợ giúp người nam" (x. Tv 121,2). "Vì thế, người nam lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (x. St 2,24). Sự hợp nhất bền vững giữa hai người nam nữ được Đức Ki-tô nói rõ khi nhắc lại ý định "từ nguyên thủy" của Đấng Sáng Tạo. Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt" (Mt 19,6).

Hôn nhân dưới ách tội lỗi

1606.
Mọi người đều có kinh nghiệm về sự dữ chung quanh mình và nơi chính mình. Kinh nghiệm này cũng rõ trong các mối tương quan giữa người nam và người nữ. Qua các thời đại, sự hiệp nhất của hôn nhân bị đe dọa bởi bất hoà, óc thống trị, bất trung, lòng ghen tương và những xung đột có thể đưa đến hận thù và đoạn tuyệt. Sự xáo trộn này có thể bộc lộ nhiều hay ít và có thể khắc phục nhiều ít tùy theo văn hoá, thời đại và cá nhân, nhưng hình như đây là chuyện chung của nhân loại.

1607 1849 400.
Theo đức tin, xáo trộn đau xót này không xuất phát từ bản tính của người nam và người nữ, cũng không do bản chất của các mối tương quan giữa họ, mà do tội lỗi. Sự đổ vỡ với Thiên Chúa do nguyên tội dẫn đến hậu quả là phá vỡ sự hiệp thông nguyên thủy giữa người nam và người nữ. Tương quan giữa hai người bị xáo trộn do việc đổ lỗi cho nhau (x. St 3,12); sự hấp dẫn phái tính là hồng ân riêng của Đấng Sáng Tạo (x. St 2,22) biến thành tương quan thống trị và ham muốn (x. St 3,16b); việc sinh sôi nảy nở và thống trị mặt đất (x. St 1,28) vốn là ơn gọi cao đẹp của người nam và người nữ, trở nên nặng nề vì những đau đớn khi sinh con và cực nhọc khi kiếm ăn (x. St 3,16-19).

1608 55.
Trật tự của công trình sáng tạo vẫn tồn tại dù bị xáo trộn nặng nề. Để chữa lành những vết thương do tội lỗi, người nam cũng như người nữ cần đến Chúa trợ giúp bằng ân sủng mà với lòng nhân hậu vô biên, Người không bao giờ từ chối ban cho họ (St 3,21). Không có sự trợ giúp này, người nam và người nữ không thể đạt tới sự hoà hợp trong cuộc sống như Thiên Chúa đã muốn ngay từ "ban đầu khi dựng nên họ".

Hôn nhân dưới Lề Luật của Giáo Ước Cũ

1609 410.
Thiên Chúa nhân từ không bỏ con người tội lỗi. Những đau khổ do tội như "đau đớn khi sinh con" (x. St 3,16), lao động "đổ mồ hôi trán" (St 3,19) là những phương thuốc giảm bớt những tác hại của tội. Sau khi con người sa ngã, hôn nhân giúp vượt thắng tình trạng co cụm, ích kỷ, tìm khoái lạc riêng để sẵn sàng mở ra với tha nhân, tương trợ và hiến thân cho nhau.

1610 1963 2387.
Ý thức đạo đức về sự duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân được phát triển dần trong Cựu Ước. Tục đa thê của các tổ phụ và vua chúa chưa được đẩy lui rõ rệt. Nhưng luật Mô-sê bênh vực người nữ khỏi bị người nam áp chế. Dầu vậy, như Đức Ki-tô nói luật Cựu Ước còn mang những dấu vết của "sự cứng lòng" của người nam, do đó Mô-sê đã cho phép bỏ vợ (x. Mt 19,8; Đnl 24,1).

1611 219,2380 2361.
Khi nhìn giao ước của Chúa với Ít-ra-en dưới hình ảnh của một tình yêu hôn nhân độc hữu và chung thủy (x. Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31, Ed 16;23), các ngôn sứ đã dọn lòng Dân Tuyển Chọn để họ ý thức sâu xa về tính duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân (x. Ml 2,13-17). Sách Rút và Tô-bi-a đã nêu lên những chứng từ cảm động về ý nghĩa cao qúy của hôn nhân, của lòng chung thủy và sự âu yếm của vợ chồng. Truyền thống luôn nhận thấy trong sách Diễm Ca lời diễn tả tình yêu con người theo nghĩa là phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu "mãnh liệt như sự chết" mà "thác lũ không dập tắt được" (Dc 8,6-7).

Hôn nhân trong Chúa

1612 521.
Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en theo hình ảnh hôn nhân, chuẩn bị một giao ước mới vĩnh cửu. Trong giao ước này, Con Thiên Chúa khi nhập thể và hiến mạng mình đã liên kết với toàn nhân loại được Người cứu chuộc (x. GS 22). Qua đó, Người chuẩn bị cho tiệc cưới của Con Chiên ( Kh 19,7.9)

1613.
Khởi đầu đời sống công khai, Đức Ki-tô thực hiện dấu chỉ đầu tiên trong lễ cưới, theo lời yêu cầu của Mẹ Ma-ri-a (x. Ga 2,1-11). Hội Thánh coi việc Đức Ki-tô hiện diện trong tiệc cưới Ca-na có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Ki-tô.

1614 2336 2382.
Trong khi rao giảng, Đức Ki-tô cho thấy rõ ràng ý nghĩa nguyên thủy của việc phối hợp giữa người nam và người nữ như thuở ban đầu Đấng Sáng Tạo đã muốn. Việc Mô-sê cho phép bỏ vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá của người nam (Mt 19,8). Đúng ra, sự phối hợp hôn nhân là bất khả phân ly : chính Thiên Chúa đã quyết định như vậy:  "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19,6)

1615 2364 1642.
Khi Đức Ki-tô nhấn mạnh rõ ràng hôn nhân là bất khả phân ly, nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được (x. Mt 19,10). Tuy nhiên, Đức Ki-tô đã không đặt cho các đôi vợ chồng một gánh quá nặng không thể mang nổi (x. Mt 11, 29-30), nặng hơn luật Mô-sê. Khi tái lập trật tự ban đầu của công trình sáng tạo đã bị tội lỗi làm xáo trộn, Người đã ban sức mạnh và ân sủng để các đôi vợ chồng sống đời hôn nhân trong chiều kích mới của Nước Thiên Chúa. Khi từ bỏ mình và vác thập giá theo Đức Ki-tô (x. Mc 8,34) các đôi vợ chồng "có thể hiểu được" (x. Mt 19,11) ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống đời hôn nhân nhờ sự trợ giúp của Đức Ki-tô. Ân sủng của hôn nhân Ki-tô giáo là hoa quả của Thánh Giá Đức Ki-tô, nguồn mạch mọi đời sống ki-tô hữu.

1616.
Thánh Phao-lô cho thấy điều đó khi nói : "Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh để Người thánh hoá Hội Thánh" (Ep 5,25-26). Ngài còn nói thêm : "Chính vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh" (Ep 5,31-32).

1617 796.
Toàn bộ đời sống Ki-tô giáo mang dấu ấn của tình yêu "hôn nhân" giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Bí tích Thánh Tẩy, cửa ngõ dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là mầu nhiệm "hôn nhân", nên cũng được gọi là "thanh tẩy chuẩn bị hôn nhân" (x. Ep 5,26-27) trước khi dự tiệc cưới là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Ki-tô giáo là dấu chỉ hữu hiệu, là bí tích của giao ước giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội là một bí tích thực sự của Giao Ước Mới, vì biểu thị và thông ban ân sủng cho họ (x. DS 1800; CIC 1055, 2).

Khiết tịnh vì Nước Trời

1618 2232 1579.
Đức Ki-tô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo. Phải coi trọng mối liên kết với Chúa hơn mọi mối liên kết khác, dù là gia đình hoặc xã hội (x. Lc 14,26; Mc 10,28-31). Ngay thuở ban đầu của Hội Thánh, đã có những người nam và nữ từ bỏ sự tốt lành của đời sống hôn nhân để theo Con Chiên bất cứ nơi nào (x. Kh 14,4), chuyên lo việc của Chúa, tìm cách làm đẹp lòng Người (x. 1Cr 7,32), và sẵn sàng để đón Tân Lang đang đến (x. Mt 25,6). Đức Ki-tô đã mời gọi một số người sống theo gương mẫu của Người :

"Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu" (Mt 19,12).

1619 922-924.
Khiết tịnh vì Nước Trời là một hoa trái đặc biệt của ân sủng bí tích Thánh Tẩy, một dấu chỉ nổi bật về sự trổi vượt của mối liên kết với Đức Ki-tô, sự nóng lòng chờ đợi Chúa lại đến, và là một dấu chỉ nhắc nhớ hôn nhân là một thực tại của một thế giới đang qua đi (x.Mc 12,25; 1Cr 7,31).

1620 2349.
Bí tích Hôn Phối và đời sống Khiết Tịnh vì Nước Trời đều phát xuất từ Đức Ki-tô. Người đem lại cho hai lối sống này ý nghĩa và ban ân sủng cần thiết để ở bậc nào người ta cũng có thể sống đúng theo thánh ý Người (x.Mt 19,3-12). Vừa phải đề cao đời sống khiết tịnh vì Nước Trời (x.LG 42; PC 12; OT 10) vừa phải tôn trọng hôn nhân công giáo. Chẳng vậy, chúng ta sẽ không hiểu được ý nghĩa và giá trị của cả hai :

Nếu hạ giá hôn nhân, thì đồng thời hạ giá đức khiết tịnh; nếu hôn nhân được ca ngợi, thì đức khiết tịnh cũng được đề cao... Điều gì chỉ tốt khi so sánh với điều xấu, thì chưa phải là tốt thật, nhưng nếu tốt hơn những điều được công nhận là tốt, thì mới là điều tuyệt hảo (Thánh Gio-an Kim Khẩu, về sự Khiết Tịnh, 10,1; x. FC 16).

II. CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1621 1323 1368.
Trong nghi lễ La-tinh, hôn nhân giữa hai người công giáo thường được cử hành trong thánh lễ, vì các bí tích đều liên hệ với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô (x. SC 61). Trong thánh lễ, chúng ta tưởng niệm Giao Ước Mới, trong đó Đức Ki-tô kết hiệp vĩnh viễn với Hội Thánh là Hiền Thê được Người yêu mến và hiến thân để thánh hoá (x. LG 6). Do đó, bí tích Hôn Phối được cử hành trong thánh lễ thật là thích hợp : đôi hôn phối bày tỏ sự ưng thuận hiến thân cho nhau bằng việc liên kết với Đức Ki-tô hiến thân cho Hội Thánh, điều được hiện tại hoá trong thánh lễ, và bằng việc rước lễ để nhờ kết hợp với Mình và Máu Đức Ki-tô, họ "trở thành một thân thể" trong Người (x. 1Cr 10,17).

1622 1422.
"Xét như một hành vi bí tích để thánh hoá, Hôn Phối phải được cử hành thế nào để bí tích được thành sự, xứng đáng và sinh hiệu qua" (x. FC 67). Do đó, đôi hôn phối nên lãnh nhận bí tích Giao Hoà để chuẩn bị cử hành bí tích Hôn Phối.

1623.
Theo truyền thống La-tinh, chính đôi hôn phối là thừa tác viên ân sủng Đức Ki-tô; họ ban bí tích Hôn Phối cho nhau khi họ bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội Thánh. Trong truyền thống các Giáo Hội Đông Phương, linh mục hay giám mục chủ lễ làm chứng việc đôi hôn phối trao đổi lời ưng thuận kết hôn (x.CCEO 817), nhưng lời chúc hôn của các ngài cũng cần thiết để bí tích thành sự (x. CCEO 828).

1624 736.
Các lễ nghi phụng vụ có nhiều lời nguyện xin chúc lành và xin ơn Thánh Thần, khẩn cầu Chúa ban tràn đầy ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn, đặc biệt cho người vợ. Nhờ lời nguyện xin ơn Thánh Thần của bí tích này, đôi hôn phối lãnh nhận Chúa Thánh Thần là sự hiệp thông tình yêu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (x. Ep 5,32). Chính Chúa Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của họ, là nguồn mạch tình yêu của họ, là sức mạnh giúp họ chung thủy.

III- SỰ ƯNG THUẬN KẾT HÔN

1625 1734.
Người ký kết giao ước hôn nhân phải là một người nam và một người nữ đã rửa tội, tự do để kết hôn và công khai bày tỏ sự ưng thuận kết hôn.
"Tự do" nghĩa là:
- không bị ép buộc;
- không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay giáo luật

1626 2201.
Hội Thánh coi việc hai người bày tỏ sự ưng thuận kết hôn là yếu tố cần thiết "làm nên hôn nhân" (x. CIC 1057, 1). Thiếu sự ưng thuận này thì không có hôn nhân.

1627 1735.
Sự ưng thuận là "hành vi nhân linh, trong đó đôi vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau" (x. GS 48,1); (x. CIC 1057, 2) : "Anh nhận em làm vợ"; "Em nhận anh làm chồng" (x. OcM 45). Sự ưng thuận này nối kết hai vợ chồng lại với nhau, được thể hiện trọn vẹn khi hai người "trở nên một thân thể" (x. St 2, 24; Mc 10, 8; Ep 5,31).

1628.
Sự ưng thuận phải là hành vi ý chí của mỗi người phối ngẫu, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ ngoại tại (x. CIC 1103). Không có thế lực nhân loại nào có thể thay thế sự ưng thuận này (x. CIC 1057, 1) . Thiếu sự tự do, hôn nhân không thành.

1629.
Vì lý do này (hay những lý do khác làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu (x. CIC 1095-1107) , sau khi nhờ toà án xét duyệt hoàn cảnh đầy đủ, Hội Thánh có thể tuyên bố một hôn nhân nào đó là "vô hiệu", nghĩa là hôn nhân ấy trước đó đã không thành sự. Trong trường hợp này, hai người được tự do ký kết một hôn ước khác, dù vậy họ vẫn phải giữ những nghĩa vụ tự nhiên xuất phát từ dây ràng buộc trước (x. CIC 1071) .

1630.
Linh mục (hay phó tế), chứng giám nghi thức Hôn Phối, nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận của đôi hôn phối và chúc lành cho họ. Sự hiện diện của thừa tác viên Hội Thánh (và của những người làm chứng), cho thấy rõ ràng hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh.

1631.
Vì lý do này, Hội Thánh thường đòi buộc các tín hữu phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh (x. CĐ Trentô: DS 1813-1816; CIC 1108). Qui định này có những lý do sau :

1069.
- hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, có những nghĩa vụ và quyền lợi giữa đôi vợ chồng và đối với con cái;

1537.
- bí tích Hôn Phối là một hành vi phụng vụ. Do đó, nên cử hành trong nghi thức phụng vụ công khai của Hội Thánh;
- vì hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, nên phải có sự chắc chắn (vì thế buộc phải có những người làm chứng);
2365.
- việc công khai bày tỏ sự ưng thuận bảo vệ lời cam kết và giúp vợ chồng sống chung thủy.

1632.
Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng để lời cam kết của đôi hôn phối trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài :

2206.
Tấm gương và bài học của cha mẹ cũng như của các gia đình là bước chuẩn bị ưu tiên.

Các vị mục tử và cộng đoàn tín hữu được xem như là "gia đình Thiên Chúa", giữ một vai trò quan trọng không thể thay thế được trong việc chuyển giao giá trị tự nhiên và siêu nhiên của hôn nhân và gia đình (x. CIC 1063). Nhất là trong thời đại chúng ta, giới trẻ đã phải chứng kiến những cảnh gia đình tan vỡ, việc chuẩn bị lại càng khẩn thiết hơn :

2350.
Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi sống đúng đắn giai đoạn đính hôn ( x. GS 49,3).

Hôn phối hỗn hợp và khác đạo

1633.
Trong nhiều quốc gia, thường có những hôn phối hỗn hợp (giữa người công giáo và người được rửa tội ngoài công giáo). Tình trạng này đòi các đôi vợ chồng cũng như các mục tử phải lưu tâm đặc biệt. Trong trường hợp hôn phối khác đạo (giữa người công giáo và người chưa được rửa tội) càng phải dè dặt hơn.

1634 817.
Hôn nhân hỗn hợp có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua, nếu họ cố gắng kết hợp những gì đã lãnh nhận nơi cộng đoàn của họ và cùng nhau học hỏi để sống trung thành với Đức Ki-tô. Dầu vậy, không được coi thường những khó khăn trong hôn nhân hỗn hợp. Những khó khăn này xuất phát từ sự chia rẽ giữa các ki-tô hữu đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đôi vợ chồng có thể cảm nghiệm thảm kịch các ki-tô hữu chia rẽ ngay trong gia đình của mình. Hôn nhân khác đạo còn gặp nhiều khó khăn hơn. Những bất đồng quan điểm về đức Tin và hôn nhân, cũng như những não trạng tôn giáo khác nhau, có thể dẫn đến những căng thẳng trong gia đình, nhất là về việc giáo dục con cái. Một nguy hiểm khác là người ta có thể dửng dưng về tôn giáo.

1635.
Theo luật hiện hành của Giáo Hội La-tinh, Hôn Phối hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép minh thị của giáo quyền ( x. CIC 1124), Hôn phối khác đạo chỉ thành sự khi có phép chuẩn minh thị ( x. CIC 1086.) . Muốn được phép hay được chuẩn, hai đương sự phải biết và chấp nhận những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân và bên công giáo xác nhận cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công Giáo, cũng phải cho bên không công giáo biết rõ những điều ấy (x. CIC 1125) .

1636 821.
Trong nhiều miền, nhờ đối thoại đại kết, một số cộng đoàn ki-tô hữu đã tổ chức mục vụ chung cho các đôi hôn phối hỗn hợp. Mục vụ này giúp các đôi vợ chồng này biết sống hoàn cảnh đặc biệt của họ dưới ánh sáng đức tin. Đồng thời, cũng giúp họ lướt thắng các căng thẳng giữa một bên là bổn phận vợ chồng đối với nhau và một bên là bổn phận đối với Giáo Hội của họ. Mục vụ này phải khuyến khích triển khai các điểm chung trong đức tin và tôn trọng những điều còn phân cách họ.

1637.
Trong trường hợp hôn phối khác đạo, bên công giáo có trách nhiệm đặc biệt : "Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ chồng có đạo" (1Cr 7,14). Thật là một niềm vui lớn cho bên công giáo và cho Hội Thánh nếu "việc thánh hoá này" đưa người không công giáo tự nguyện đón nhận đức tin Ki-tô giáo (x. 1Cr 7,16). Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn và kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa.

IV- HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1638
"Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra, trong hôn phối Ki-tô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thế được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống" (x. CIC 1134).

Sự ràng buộc hôn nhân

1639.
Chính Thiên Chúa đóng ấn xác nhận lời giao ước qua đó hai người ưng thuận kết hôn, tự hiến cho nhau và đón nhận nhau (x. Mc 10,9). Từ hôn ước của họ "phát sinh một định chế vững chắc theo ý định của Thiên Chúa và có giá trị trước mặt xã hội" (x. GS 48,1). Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên Chúa ký kết với nhân loại :
"Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa" (x. GS 48,2).

1640 2365.
Như vậy sự ràng buộc của hôn nhân do chính Thiên Chúa liên kết nên hôn nhân thành sự và hoàn hợp, giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây liên kết này là kết quả của việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoàn hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể đảo ngược và trở thành một giao ước được Thiên Chúa Trung Tín bảo đảm. Hội Thánh không có quyền nói ngược lại sự an bài khôn ngoan của Thiên Chúa (x. CIC 1141).

Ân sủng bí tích Hôn Phối

1641
"Các đôi vợ chồng Ki-tô giáo được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa" (x. LG 11). Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn Phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, "họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái" (x. LG 11; x.LG 41)
1642 1615 796.
Đức Kitô là nguồn mạch của ân sủng này. "Cùng như xưa Thiên Chúa đã có sáng lập

"Tôi sẽ múc đâu ra sức mạnh để mô tả cách đầy đủ  về niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh lo liệu, được lễ dâng xác nhận, được lời chúc lành niêm ấn, được các thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn y... Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Ki-tô hữu, được kết hiệp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt; ngược lại, họ là hai trong cùng một xác thịt. Ở đâu có cùng một xác thịt, cũng có cùng một tinh thần" (x. Tông Huấn Gia Đình 13).

V- ÍCH LỢI VÀ ĐÒI HỎI CỦA TÌNH YÊU HÔN NHÂN

1643 2361.
"Tình yêu vợ chồng bao gồm một tổng thể trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị : tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm tính và của lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu thương ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, không chỉ là sự kết hiệp thành một thân xác, nhưng là sự hiệp nhất đến độ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và trung tín trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, nó moi ra cho việc sinh sản. Tắt một lời, đó chính là những yếu tố thông thường của tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẽ một ý nghĩa không chỉ thanh luyện và củng cố những yếu tố ấy nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng thành lời diễn tả những giá trị đặc biệt của Ki-tô giáo" (x. Tông Huấn Gia Đình 13).

Tính đơn nhất và bất khả phân ly của Hôn Nhân

1644.
Ngay tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hòi sự đơn nhất và bất khả phân ly cho cộng đoàn nhân vị bao trùm toàn bộ đời sống họ. "Họ không còn là hai, mà là một xương một thịt" (x. Mt 19,6; x St 2,24). "Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau" (x. Tông Huấn Gia Đình 19). Sự hiệp thông nhân vị này được củng cố, được thanh luyện, và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn Phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Ki-tô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ  một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.

1645 369.
Phải nhìn nhận phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương ái trọn vẹn để nhờ đó, biểu hiện rõ ràng tính đơn nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận" (x. GS 49,2). Tục đa thê trái với phẩm giá bình đẳng này và với tình yêu vợ chồng, vì tình yêu vợ chồng có tính đơn nhất và độc hữu (x.Tông Huấn Gia Đình 19).

2364-2365
Chung thủy trong tình yêu vợ chồng

1646
Tự bản chất, tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy. Đây là hệ quả của việc hai vợ chồng tự hiến cho nhau. Tình yêu đòi hoỉ phải dứt khoát, không được tạm bợ. "Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau bất khả phân ly" (x. GS 48,1).
1647.
Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy, căn cứ trên sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước của Người, sự trung tín của Đức Ki-tô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn.

1648.
Ràng buộc suốt đời với một người khác có thể là một điều khó và không thể thực hiện được. Do đó, cần phải loan báo Tin Mừng : Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn và không bao giờ rút lại; tình yêu vợ chồng được tham dự vào tình yêu này; tình yêu này hướng dẫn và nâng đỡ họ; nhờ chung thủy với nhau, họ có thể làm chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, những đôi vợ chồng sống chứng từ ấy, lắm lúc trong những hoàn cảnh rất khó khăn, đáng được cộng đoàn Hội Thánh biết ơn và nâng đỡ (x. Tông Huấn Gia Đình 20).

1649 2383.
Có những hoàn cảnh thực tế hai vợ chồng không thể tiếp tục sống chung được vì nhiều lý do khác nhau. Trong những trường hợp này, Hội Thánh chấp nhận để họ ly thân và không sống chung nữa. Họ vẫn là vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và không được tự do để kết hôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn tín hữu được mời gọi giúp họ sống đời Ki-tô hữu trong hoàn cảnh ấy, trung thành với dây liên kết hôn nhân không thể tháo gỡ được (x. Tông Huấn Gia Đình 83; CIC, khoản 1151-1155).

1650 2384.
Nhiều người Công Giáo, ở một số quốc gia, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Hội Thánh trung thành với lời của Đức Ki-tô: "Ai bỏ vợ và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình; ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình" (x. Mc 10, 11-12). Nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự, Hội Thánh không thể công nhận liên kết mới là thành sự. Nếu những người đã ly dị, tái hôn theo luật đời, họ rơi vào tình trạng khách quan đi ngược lại luật Thiên Chúa. Vì thế, bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được rước lễ. Cũng vậy, họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh. Chỉ những người hối hận vì mình đã vi phạm đến dấu chỉ giao ước và sự trung thành với Đức Ki-tô, và cam kết sống tiết dục trọn vẹn, mới được giao hòa nhờ bí tích Thống Hối.

1651.
Đối với những tín hữu đang sống trong hoàn cảnh như vậy, vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái theo tinh thần công giáo, linh mục và cộng đoàn phải có thái độ ân cần đặc biệt, để họ đừng coi như bị tách lìa khỏi Hội Thánh và nếp sống tín hữu mà họ có thể và phải giữ vì đã được rửa tội:

"Họ được mời gọi nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và các sáng kiến của cộng đoàn để phục vụ công lý, giáo dục con cái trong đức tin công giáo, vun trồng tinh thần sám hối và làm các việc đền tội, để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ân sủng Thiên Chúa (x. Tông Huấn Gia Đình 84).

2366-2367
Sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban

1652 972.
"Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân" (x. GS 48, 1):

"Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán : "Đàn ông ở một mình không tốt" (St 2,18). Người là Đấng: "... từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ" (Mt 19,4); chính Người muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Người, Người đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản" (St 1,28). Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình của Người ngày càng tiến triển và phong phú" (x.GS 50, 1).

1653 2231.
Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền cho con cái qua việc giáo dục (x. GE 3). Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống (x. Tông Huấn Gia Đình 28).

1654.
            Những cặp vợ chồng không được Thiên Chúa ban cho có con cái, cũng vẫn có thể có được cuộc đời phu phụ đầy ý nghĩa, xét về nhân bản cũng như xét theo kitô giáo. Cuộc hôn nhân của họ có thể toả sáng bằng sự phong phú của bác ái, đón nhận và hy sinh.

VI. GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH THU NHỎ

1655 759
Đức Ki-tô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Hội Thánh là "gia đình của Thiên Chúa". Ngay từ đầu, Hội Thánh được hình thành thường từ những người "cùng với cả gia đình", trở thành tín hữu (x. Cv 18,8). Khi theo đạo, họ ao ước cho "cả nhà" được ơn cứu độ (x. Cv 16,3; 11,14). Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo mang sự sống Ki-tô giữa một thế giới ngoại giáo.

1656 2204
Ngày nay, trong một thế giới thường hững hờ và có khi thù nghịch với đức tin, các gia đình tín hữu có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó là những lò đức tin sống động và toả sáng. Bởi vậy, công đồng Vaticanô II đã gọi gia đình với danh xưng cổ xưa là "Giáo Hội tại gia". Chính trong các gia đình, các bậc làm cha mẹ "bằng lời nói và gương sáng (...) đang là những vị rao giảng đức tin đầu tiên, cho con cái họ, phục vụ cho ơn gọi riêng của mỗi đứa con, đặc biệt là ơn gọi linh thánh. (LG 11).

1657 1268 2214 2685.
Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, "nhờ lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện và tạ ơn, chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu" (x. LG 10). Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Ki-tô giáo và là "một trường học phát triển nhân tính" (x. GS 52,1). Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.

1658 2231 2233.
Chúng ta cũng phải nhớ đến một số người, vì những hoàn cảnh sống cụ thể - thường là không muốn - phải sống hết sức gần gũi với Trái Tim Chúa Giê-su và đáng được Hội Thánh nhất là các mục tử, yêu thương cũng như đặc biệt quan tâm chăm sóc; đó là số đông những người sống độc thân. Nhiều người trong số này thường vì nghèo đã không thể lập gia đình. Có người đảm nhận cuộc sống này trong tinh thần Tám Mối Phúc Thật, phụng sự Thiên Chúa và anh em một cách gương mẫu. Tất cả những người này phải được các gia đình là "Hội Thánh thu nhỏ" và gia đình lớn là "Hội Thánh" mở rộng cửa nhà đón tiếp. Trên đời này, không ai là không có 4786    15-02-2011 10:53:20