Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Sống Lời Chúa Theo Gương Đức Maria - Tháng 12 năm 2006

CHỦ ĐỀ: SỐNG LỜI CHÚA THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA

I. THƯ MỤC VỤ số 11

Hành trình đức tin của Đức Maria là hành trình của người môn đệ. Mẹ là người môn đệ hoàn hảo luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến. Trước những biến cố cứu độ được thực hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, Mẹ đã ghi nhớ và suy niệm  trong lòng (x. Lc 2,51). Ngày hôm nay Mẹ đang nói với chúng ta điều Mẹ đã nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Mẹ Maria, người đã đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngôi Lời trong lòng dạ, xin Mẹ dạy chúng ta biết sống Lời Chúa bằng tất cả tấm lòng, để chính cuộc sống chúng ta cũng trở thành Tin Mừng cho mọi người anh em,  trên quê hương Việt Nam thân yêu này.

II. DẪN GIẢI

1. Mẹ Maria dầu là Mẹ Chúa, nhưng vẫn sống Lời Chúa trung thực như là môn đệ Chúa.
2. Còn hơn nữa, vì Mẹ không những đón nhận mà còn nghiền ngẫm cho thêm thấm; lại tuân giữ với một tình mến nồng thắm nói được là tình đồng nhất.
3. Mẹ là mẫu gương dạy chúng ta: Chúa bảo làm chi thì cứ làm theo

III. CHUYỆN MINH HỌA

NHỮNG CHUYẾN ĐÒ LẶNG LẼ

Cuốn sách nào đó đã gieo vào lòng tôi một ý nghĩ: cuộc đời mỗi người giống như một dòng sông chảy xiết, qua bao bến bờ, mỗi chuyến sang sông có thể gặp sóng to gió lớn và chuyến đò ấy có đưa ta đến đầu nguồn hạnh phúc hay không chính là nhờ những người lái đò âm thầm, lặng lẽ.

Lần lượt những chuyến đò đưa khách sang bờ, bắt đầu cuộc hành trình với chữ a, ă rồi vượt vũ môn, ra biển lớn…mấy ai trở lại bến sông xưa ? Chỉ riêng người lái đò ở lại bến cũ, tiếp tục cần mẫn với việc đưa đón khách qua sông và thầm gửi gấm theo bước chân người khách ấy bao nhiêu kỳ vọng…

Tôi, bạn, chúng ta đã, đang và sẽ là những hành khách trên chuyến đò may mắn ấy mà người lái đò chính là những người thầy khả kính. Có lớp học được mở ngay dưới chân cầu… nhiều người thầy đến với trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn khát khao học vấn.

Đẹp đẽ làm sao hình ảnh người thầy đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp “trồng người”, sự nghiệp “đưa đò” để hành trang vào đời của chúng ta nặng thêm những bài học mới!

(LÊ QUANG QUỲNH, Báo Người Lao Động, 21.11.2006)

Câu chuyện trên đây Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2006 làm chúng ta bùi ngùi nhớ lại công ơn biết bao Thầy, Cô đã vun đáp cho cuộc đời chúng ta. Họ như những chuyến đò lặng lẽ, âm thầm chèo chống đưa cuộc đời chúng ta qua gềnh, qua suối, qua sông, đến bến bờ tương lai tươi sáng.

Mẹ Maria chính là vị Thầy tôn kính của mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong Tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo những người giúp việc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Họ đã vâng lời. Và phép lạ đã xảy ra!

Mẹ Maria như “chuyến đò lặng lẽ” ôm ấp chở che cuộc đời mỗi người chúng ta, mong sao cho mỗi chúng ta noi theo gương Mẹ sống hết tình với Con Chí Thánh của Mẹ, Anh Cả chúng ta là Chúa Giêsu. Để bến bờ bình an bên kia cuộc đời có mặt chúng ta cùng với Mẹ và Chúa Giêsu trong hạnh phúc, bình an. Biết bao lần chúng ta chạy đến với Đức Mẹ chỉ để kêu xin và rồi khi được ơn thì lại quên mất sự hiện diện nâng đỡ không thể thiếu của Đức Mẹ trong cuộc đời chúng ta.

Thế nên, biết ơn Đức Mẹ chính là sống tình con thảo bằng cách vâng nghe và noi gương Người trong đời sống đức tin hằng ngày của chúng ta.

IV. DIỄN GIẢI

“Hành trình đức tin của Đức Maria là hành trình của người môn đệ. Mẹ là người môn đệ hoàn hảo luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến” (Thư Mục Vụ số 11). Vậy Mẹ Maria đã sống tâm tình của người môn đệ thế nào và Mẹ muốn dạy chúng ta, những môn đệ của Chúa điều gì?

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô trong Tông Thư Kinh Mân Côi giải thích: vì Mẹ Maria hằng luôn chiêm ngưỡng Chúa Giêsu. Mẹ luôn suy niệm và ghi nhớ dung nhan Chúa Giêsu và những biến cố trong suốt cuộc đời cứu chuộc của Người (x. Lc 2, 51). Từ lúc Truyền Tin cho đến dưới chân Thập giá, đôi mắt tâm hồn của Mẹ luôn dõi theo hình bóng và những việc làm của con mình. Điều đó tạo nên sự gắn kết thiêng liêng giữa hai tâm hồn Mẹ-Con: “Không ai dâng hiến trọn cuộc đời mình để trung thành chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô cho bằng Đức Maria” (Tông Thư Kinh Mân Côi, 10).

Chính vì thế mà Mẹ Maria luôn hiểu ý Chúa và sẳn sàng cộng tác với Ngài. Và vì “không ai biết rõ Đức Kitô hơn là Đức Maria, không ai có thể đưa chúng ta đến chổ hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô hơn là Mẹ của Người” (Tông Thư Kinh Mân Côi, 14), nên chúng ta cần vâng nghe những gì Mẹ dạy bảo: “Ngài bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5). Mẹ Maria chính là Thầy dạy đức tin cho chúng ta .

Ngoài ra với tâm tình luôn lắng nghe và vâng phục thánh ý Chúa, Mẹ Maria còn thể hiện một tấm lòng cung kính khiêm cung trước Thiên Chúa, mong Chúa lớn lên trong tâm hồn mình, và cuộc sống của Mẹ luôn thấm đẩm bầu không khí của Lời Chúa mà Mẹ quen học hỏi.

Thật vậy, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong bài giảng dịp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác về Trời (15.08.2006), đã chỉ ra cho chúng ta hai ý nghĩa quan trọng của lời Kinh Magnificat, lời Kinh phản chiếu tâm hồn của Mẹ Maria.

Khi xướng câu “linh hồn tôi tán dương Thiên Chúa” là Mẹ tuyên xưng sự vĩ đại, sự lớn lao của Thiên Chúa. Mẹ ước mong thế giới nầy, cả cuộc đời của Mẹ tràn ngập Thiên Chúa và mong Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mỗi người chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa không làm giảm bớt tự do hay làm mất mát điều gì trong cuộc đời chúng ta, trái lại nhờ có Chúa lớn lên trong ta, Người tô điểm cuộc đời ta thêm rạng rỡ vinh quang của Chúa.

Chính nguyên tổ chúng ta vì sợ Chúa lớn lên trong cuộc đời mình, sẽ hạn chế tự do, chiếm mất không gian sống của mình, nên các ngài đã loại Chúa ra khỏi cuộc sống mình.

Con người ngày nay cũng cũng bị cám dỗ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, vì cảm thấy mất tự do khi phải vâng theo các điều răn của Chúa. Không còn Chúa nữa, thị họ tự coi mình là chúa và hoặch định cuộc sống theo ý của mình, muốn làm gì thì làm, không cần đến Thiên Chúa. Nhưng thực tế cho thấy, ở đâu không còn có Thiên Chúa, con người không thể lớn lên, trái lại, con người đánh mất phẩm giá của chính mình, mất đi sự rạng ngời của Thiên Chúa trên khuôn mặt của mình.

Người con hoang đàng trong Tin Mừng cũng thế, khi lìa bỏ nhà cha mình, anh ta cứ nghĩ sẽ được tự do hơn, nhưng trái lại anh ta trở thành nô lệ và chỉ khi trở về lại nhà cha mình anh mới tìm lại được tự do đích thực. Tự do của con cái trong nhà.

Chúng ta hãy học với Mẹ Maria để Chúa lớn lên trong ta. Bởi vì con người chỉ có thể lớn lên, khi để Chúa lớn lên. Chúng ta không được xa lìa Chúa, nhưng hãy mời Chúa đến hiện diện trong ta và sự vĩ đại của Thiên Chúa sẽ rạng chiếu trên khuôn mặt của chúng ta. Chính Chúa làm cho chúng ta lớn lên, nếu chúng ta thuộc về Người. Hãy dành cho Chúa một chổ đứng trong cuộc đời, bằng kinh nguyện mỗi sáng, bằng những phút thinh lặng với Chúa, bằng việc giữ ngày Chúa Nhật. Điều đó không làm phí thời giờ của chúng ta nhưng Chúa sẽ biến mỗi giờ khắc cuộc sống chúng ta có ý nghĩa tròn đầy hơn.

Ngoài ra, trong lời ca ngợi Magnificat, Mẹ Maria đã trích dẫn những lời Kinh Thánh Cựu ước, điều đó cho thấy Mẹ thuộc nằm lòng Lời Chúa. Mẹ sống với Lời Chúa đến độ suy nghĩ với Lời Chúa, nói bằng những Lời của Chúa: cuộc đời Mẹ thấm đẫm Lời Chúa. Mẹ ngụp lặn trong Lời Chúa. Chính vì thế mà cuộc sống Mẹ rạng ngời lòng tốt và tình yêu thương. Thật vậy, ai suy nghĩ với Chúa thì suy nghĩ điều tốt. Ai nói bằng lời của Chúa thì nói đúng. Đó chính là tiêu chuẫn để chúng ta học hỏi noi theo. Chỉ nhờ ơn Chúa chúng ta mới có thể vượt thắng điều xấu và can đảm sống lành thánh.

Ngày nay, bên cạnh Thiên Chúa, là Nữ Vương trên trời dưới đất, chẳng những Mẹ không bỏ rơi chúng ta, nhưng còn gần gủi chúng ta hơn, vì không còn vướng bận thân xác bụi trần, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Với tình mẫu tử của Người, xin Mẹ dạy chúng con chuyên cần học hỏi Lời Chúa, để biết sống theo thánh ý Chúa và nhờ có Chúa có lớn lên trong cuộc đời, khuôn mặt chúng con sẽ rạng chiếu vinh quang của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM
1. Có biết, có cố gắng sống Lời Chúa không?
2. Có nhìn thấy Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho tôi tiến về Chúa không?
3. Có bao nhiêu lần tôi chống lại Lời Chúa?
4. Tôi có cố gắng noi gương Đức Mẹ không?
5. Tôi có biết nhìn ngắm Lời Chúa, mến mộ Lời Chúa như Mẹ Maria không?
6. Sống Lời Chúa tôi có cảm thấy vui không?

GỢI Ý SÁM HỐI
- Tôi không đọc Lời Chúa, nên không biết Mẹ Maria có sống Lời Chúa.
- Tôi sùng kính Mẹ Maria, nhưng tôi lại không noi gương Mẹ sống Lời Chúa.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Rất nhiều lần trong Phúc âm, Đức Maria được khen ngợi là người nữ biết “ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng”. Qua cách thực hành “xin vâng” của Mẹ, Mẹ đã hoàn toàn sống Lời Chúa, đáng nên gương cho chúng ta. Chúng ta cùng hiệp ý cầu guyện:

- Đức Mẹ thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, theo gương Mẹ Maria, luôn biết đáp “xin vâng” cách trọn vẹn như thánh ý Chúa.

- Đức Maria vội vã tiến lên miền núi, đến nhà ông Giacaria, và chào bà Isave. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết theo gương Mẹ Maria để yêu thương giúp đỡ mọi người nhận lãnh ơn cứu độ.

- “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy”. Chúa đáp: “Những ai nghe và thực hành Lời Chúa, thì ó phúc hơn”. Chúng ta cầu nguyện mọi người biết theo gương Mẹ Maria, luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

- Trên thánh giá, Chúa Giêsu phán với thánh Gioan: “Này là mẹ của con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, đặc biệt tôn kính Mẹ Maria, bắt chước các nhân đức của Mẹ, và nhất là dám sống Lời Chúa theo gương Mẹ.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được Đức Thánh Trinh Nữ Maria làm gương mẫu tuyệt vời về việc sống Lời Chúa. Xin cho chúng con biết tuân giữ các giới rên Chúa, thực hành Lời Chúa như Đức Mẹ, để chúng con tận hiến mình làm khí cụ đem Chúa đến cho mọi người. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

MẸ MARIA SỐNG LỜI CHÚA,
QUA BỐI CẢNH TIỆC CƯỚI CANA.

Theo cái nhìn tự nhiên, khi Mẹ trình bày ước nguyện của Mẹ cho Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”, nếu như Chúa Giêsu trả lời: “Mẹ để đó con lo”, thì xem ra còn có hy vọng. Đàng này, Chúa Giêsu trả lời: “Việc đó có liên can gì đến Mẹ và con”. Xem ra hết hy vọng rồi, còn gì nữa đâu mà mong với chờ. Ấy thế mà Mẹ vẫn trông cậy:

1. Mẹ thấy trước nỗi khổ tâm của gia chủ, của đôi vợ chồng trẻ, họ sắp phải xấu hổ mà báo tin cho khách là rượu đã cạn. Ai sẽ tiếp cứu họ ? Ai có thể duy trì ngày vui nhất đời họ, nếu không phải là Mẹ ?

Mẹ trình bày với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Một câu nói tế nhị, không đòi hỏi, không van xin, chỉ là trình bày nỗi khổ tâm của Mẹ và của đôi tân hôn.

2. Rồi Chúa Giêsu trả lời: “Việc đó có can chi đến Mẹ và con”. Một câu trả lời xa xôi, khó hiểu, vậy mà nó đã thắp sáng lên nơi Mẹ một tia hy vọng.

Dường như Mẹ hiểu rằng Chúa Giêsu đang chờ đợi Mẹ đi vào kế hoạch của Ngài, và Mẹ sẳn sàng phó thác cho Chúa, tùy thuộc vào Chúa. Mẹ tin rằng có Chúa trợ giúp, nên Mẹ ra sức cộng tác với Chúa bằng cách bảo các người giúp việc: “Ngài bảo gì thì hãy làm theo”.

3. Còn hiệu quả của điều Mẹ mong muốn, mà ngay từ đầu Mẹ đã trình bày bằng một câu nói vừa đơn giản vừa tế nhị: “Họ hết rượu rồi”, thì chắc chắn, nhưng còn ẩn giấu.

Thật vậy, nghe câu trả lời của Chúa Giêsu: “Việc đó có can chi đến Mẹ và con”, thì dường như chúng ta có cảm tưởng rằng Chúa Giêsu không chấp nhận; nhưng ta nên hiểu rằng hiệu quả của lời cầu nguyện trước tiên không hệ tại ở ta, mà ở nơi Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô đã nói: “Không phải tùy kẻ muốn hay người chạy, nhưng tùy vào Thiên Chúa đoái thương” (Rm 9,16).

Vâng, vì thường khi cầu nguyện, ta quá gắng sức, bằng mọi giá, thực hiện cho bằng được các ước muốn của ta, nên ta có cảm tưởng dường như Thiên Chúa ẩn mặt. Còn Mẹ Maria, Mẹ trình bày ước muốn của Mẹ một cách đơn giản và tế nhị, và rồi Mẹ đi vào kế hoạch của Chúa, tức là Mẹ đi vào ý định mà Chúa đã quyết định thực hiện. Do đó, hiệu quả của lời cầu xin của Mẹ thì chắc chắn nhưng ấn giấu.

Ý định mà Chúa đã quyết định thực hiện theo lời Mẹ xin là gì ?

Qua câu nói: “Giờ con chưa đến”. Chúa Giêsu muốn nói với Mẹ rằng: giờ của con, thời giờ để chịu chết và sống lại, thời giờ để ban chan hòa ơn phước chưa đến, nhưng vì lời Mẹ xin, con sẽ cho một dấu hiệu báo trước. Và Mẹ đã phó thác vào ý định đó của Chúa Giêsu Mẹ chấp nhận theo ý của Chúa Giêsu. Bây giờ, Mẹ không chỉ xin thứ rượu vật chất cho đôi tân hôn, mà Mẹ còn xin một thứ rượu thiêng liêng, một thứ rượu tràn đầy ơn phước cho cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và loài người đã được tái lập.

Vậy là kết quả có chắc chắn rồi, và còn vượt quá ước muốn ban đầu. Chúa làm phép lạ hóa nước thành rượu: Rượu Cana, số lượng dồi dào, phẩm chất tuyệt hảo, và được ban cách nhưng không. Đó là dấu hiệu minh chứng cho thời viên mãn của ơn cứu độ đang khai mở, và sẽ hoàn tất vào giờ của khổ giá.

Nhờ Mẹ, suối rượu này tuôn chảy, đó là dấu chỉ của niềm vui, con người được gặp gở Thiên Chúa và sự êm ái của vòng tay Người. Rượu vào thì lời ra. Rượu làm cho ai nấy lâng lâng. Người ta hát xướng, múa nhảy, chúc mầng cho cuộc kết hôn ở Cana, đó cũng là hình ảnh của cuộc kết hôn triệt để hơn, hạnh phúc hơn giữa Thiên Chúa và con người.

Trong hoàn cảnh xem ra không còn gì để hy vọng, thế mà Mẹ Maria vẫn trông cậy, vẫn hoàn toàn phó thác cho ý định của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã đáp lại hơn điều Mẹ mong ước.

Còn chúng ta thì sao ?
Xin mượn một câu chuyện cụ thể: “Cánh Hoa Hy Vọng”, để trả lời cho câu hỏi này:

“Có một đôi vợ chồng vừa thương người vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột, họ còn nhận thên năm đứa con nuôi. Và niềm vui chung của mọi người trong nhà là được chăm sóc vườn hoa và các loại cây kiểng. Riêng người vợ thì tưởng chừng như không bao giờ biết thế nào là đau khổ nữa.

Nhưng, bỗng dưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở nên hoang vu tàn lụi, khi người chồng bị tai nạn và qua đời. Kể từ ngày đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay chăm sóc của bà, mảnh vười mổi lúc một um tùm cỏ dại.

Mùa đông đến càng làm cho tháng ngày thêm ảm đạm hơn. Nhưng, một buổi sáng nọ, người đàn bà nghe có tiếng cười nói và tiếng cuốc xới trong vười. Kéo tấm màn cửa sổ lên, bà thấy các con bà đang đua nhau xới đất.

Trước sự ngạc nhiên của bà, đứa con cả mỉm cười, đáp: “Rồi mẹ sẽ biết khi mùa xuân đến”. Và suốt mùa đông ấy, ngày nào các con bà cũng ra vườn xới đất.

Thế rồi, khi mùa xuân đến, biết bao là hoa đẹp nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà các con bà âm thầm gieo vãi trong mùa đông, nay thức giấc bừng dậy, làm cho thửa vườn tràn ngập muôn cánh hoa rực rỡ tươi vui.

Cùng với những cánh hoa nở rộ trong vườn, “cánh hoa hy vọng” cũng bỗng nhiên khoe sắc trong lòng người phụ nữ. Chính niềm hy vọng đó đã đánh tan nỗi phiền muộn trong tâm hồn bà, và đưa bà trở lại với cuộc sống”.

Trong cái thăng trầm của cuộc sống chúng ta, có những tháng ngày mọi sự xem chừng như vô vọng, có những lúc mây mù khổ đau vây tứ phía, ta không còn thấy đâu là bờ bến, không còn tìm đâu ra lối thoát. Những lúc ấy, ta hãy nhớ đến lời thánh Phaolô trong thư Roma:

“Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta nhìn thấy sức sống đang chờ đợi ta. Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta nhìn thấy hoa quả của những hạt giống mà ta đã vất vả gieo vải”.(Rm 8, 24).

VII. TÌM HIỂU KINH THÁNH

BÀI 12: CHÚA SAI MÔISÊ
(Xh 3)

Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy quan trọng như thế nào trong cuộc đời Môisê?
Cuộc gặp gỡ đó chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc đời Môisê:
* Ông được Thiên Chúa chọn làm vị cứu tinh của dân Israel đang bị nô lệ. Và làm cho Pharaon thấy được quyền năng của Thiên Chúa Giavê.
* Và cuối cùng được Thiên Chúa mạc khải Thánh Danh của Ngài là Đấng Hiện Hữu. (Xh 3, 1-15).

Lời Chúa: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em… Đức Chúa Thiên Chúa của cha ông anh em. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob sai tôi đến với anh em. Đó là Danh Ta cho đến muôn thuở, đó là Danh hiệu các ngươi sẽ dâng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3, 14-15).

Cầu nguyện: Khi con có mặt ở trần gian là Chúa trao cho con một sứ mạng, xin cho con được hoàn tất sứ mạng ấy theo Thánh ý Ngài. Amen.

VIII. NHÌN GƯƠNG MẸ MARIA SỐNG LỜI CHÚA

Đúng ra Chúa Kitô là gương mẫu tuyệt vời, vì là hình ảnh của Chúa Cha, chính Chúa Kitô là Ngôi Lời, là Ngôi phát ra (nói lên) những Lời và cũng chính Chúa Kitô là động lực làm cho Lời thành sống động (những nhà thần học gọi Chúa Kitô là nguyên nhân gương mẫu (causa exemplaris).

Mặc dầu Chúa bảo: hãy học cùng Ta... nhưng vì hình mẫu tuyệt vời cao siêu quá con người hèn kém nhìn lên có thể kinh sợ... vì thế, mà Hội Đồng Giám Mục khuyên chúng ta nên nhìn về Mẹ Maria.

Cả nhân loại không ai sống Lời Chúa cách hoàn hảo bằng Mẹ Maria: Từ lời thưa “xin vâng” và tuyên xưng “nầy là tôi tớ”thì Mẹ đã sống vâng lời như Chúa Kitô vâng lời cho đến chết, chết trên Thánh Giá. Nghĩa là Lời Chúa được sống, được thi hành đúng ý Chúa trong mọi trường hợp, ở đời; không ý chỉ nào, không tác động nào, không thời giờ nào mà Mẹ Maria không sống theo Lời Chúa: vui buồn, khó nhọc , bịnh hoạn, ngay cả cái chết cũng luôn luôn sống theo Lời Chúa.

Chắc chắn Mẹ Maria nói mạnh hơn thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Chúa sống trong tôi. Mẹ cũng nói được như Ngôi Lời giáng thế: Này con xin đến để thực thi ý Chúa ( sống Lời Chúa ).

Chúa đã trải qua đời sống ẩn dật nhưng đến lúc ra giảng dạy thì đời Chúa vẫn vinh sáng, quyền lực, tài lực tuyệt đối chính cái chết cũng nổi lên cao siêu vô lượng... sáng quá, loé mắt, nhìn không bỏ được.

Còn Mẹ Maria không ai sống đơn sơ mộïc mạc như Mẹ được, nhưng gần với các con cái bé thơ; con nhỏ bắt chước Mẹ dễ hơn, hạp tính tình hơn, cảm thấy vui hơn, phúc lạc hơn.

Vả lại, vì là bé bỏng, có khi tự mình không thực hiện nổi. Dầu là việc đơn thường nhưng có Mẹ nhờ Mẹ... không những chỉ bảo chúng ta, mà còn dạy và giúp chúng ta sống Lời Chúa.

Nhờ Mẹ Maria sống Lời Chúa, đến gặp Chúa và kết hiệp được với Chúa.

IX. THÁNG 12: MÙA VỌNG.

Vọng nghĩa là chờ đợi, chờ đợi người mình mong gặp. Mùa vọng là mùa Hội Thánh muốn cho tín hữu mong chờ gặp Chúa, tiếp đón Chúa.

Xưa, trước nhiều ngàn năm, nhân loại con cháu của nguyên tổ, nằm trong tình trạng mắc tội, nên vẫn mong mỏi ao ước Chúa đến giải thoát. Mong mỏi hơn ruộng hạn trông nước. Dân chúng mãi kêu lên tiếng van nài: “Trời ơi!” tưới xuống mưa sương. Mây hãy mưa thánh nhân chuộc đời ( Rorate aeli desuper, et nubes plurant justum ) .

Chúng ta có ước vọng mong mỏi đợi chờ không? Thật sự Chúa đã đến rồi, đã trên 2000 năm rồi, và thực tế đã bao nhiêu lần Chúa đã đến, đã vào trong lòng chúng ta. Nhưng ta có đón tiếp Chúa không? Có thể có nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ tiếp đón Chúa!!

Gặp Chúa như người xa lạ, có khi không biết Chúa là ai? Ngơ ngác hững hờ. Không biết nói với Chúa một Lời nào, có khi để Chúa ngoài hè, bỏ đi lo những chuyện tầm phào khác, quên hiện có Chúa trong tâm hồn !

Mùa vọng... hãy nghĩ lại đời mình, tâm trạng mình. Tôi có tiếp đón Chúa thích đáng không?

Đáng lý ra, tôi phải nhớ Chúa là ân nhân tuyệt đối ( có chi tôi có mà không nhờ Chúa ban? ) cũng có thể nói: Chúa là người tình tuyệt đối của tôi, không có ai, dầu là Thần Thánh đã yêu, và đang yêu tôi bằng Chúa yêu tôi. Chúa lại là khẩn thiết hoàn toàn cho tôi. Không có Chúa tôi không sống được.

Vậy mà phần tôi, tôi không nhơ,ù không mong. Tôi quên Chúa được. Thật là một con người mê muội, hèn hạ... không thể hiểu nổi! Lạy Chúa của lòng con, xin hãy đến.

Mong mỏi thì mong mỏi. Nhưng khi Chúa đến tôi có dọn dẹp cho bớt phần không xứng đáng để tiếp đón Chúa không? Bàn ghế đầy bụi bặm, rác rến, đồ đoàn hỗn loạn, không còn chỗ trống để mời Chúa ngồi. Tội lỗi còn tràn ngập, tính xấu lấp đầy. Hơn nữa trong nhà còn có nhiều chủ nhơn ông, làm sao Chúa vào? Vào không có chỗ có khi còn bị đuổi ra ngoài nữa.

Ước mong chưa đủ cần phải chuẩn bị tốt. Tâm hồn trong sạch, nên trang điểm thêm bằng nhiều việc lành càng hay. Đừng để cho lời Kinh Thánh được thể hiện: Người đến giữa người thân, mà chính thân nhân không tiếp đón Người.

Xin Chúa cho chúng ta được lòng mong ước được gặp Chúa, biết tiếp đón Chúa, tâm sự với Chúa, và được giữ mãi Chúa trong cả cuộc đời.

X. TRƯỚC MÁNG CỎ: MẦU NHIỆM GIÁNG SINH.

Giữa đêm Bêlem, bỗng bừng lên một luồng sáng chói phi thường! Luồng sáng đó đã dọi thấu vào tâm hồn mục tử, và dường như thúc đẩy họ đến thờ Chúa nơi máng cỏ. Luồng sáng đó cũng đánh độâng tâm hồn những đạo sĩ bên đông cùng tìm đến thần phục Chúa giáng trần.

Còn chúng ta, đêm Giáng Sinh, xin cho chúng ta được đón nhận hào quang của Chúa.

Hang bò lừa nhơ nhớp, cỏ rơm xơ xác, hai vợ chồng nghèo, trẻ sơ sinh ằm trên rơm. Với đôi mắt trần tục, chúng ta chỉ có thể thấy cảnh thương tâm thôi. Mặc dầu có thi vị hoá. Nhưng quang ánh của Chúa chiếu giọi vào lòng tín hữu, làm cho họ nhận thấy rõ.

Mầu Nhiệm Giáng Sinh là Trung tâm điểm, gồm các Mầu Nhiệm trong đạo Chúa. Nhìn vào Hài Nhi Giáng Sinh, bắt buộc chúng ta nhớ Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Chúa tạo dựng, mầu nhiệm Chúa nhập thể, nhập thế, mầu nhiệm Chúa thánh hoá, Mầu nhiệm về bản tính con người, về cuộc sống siêu nhiên, về đời sau. v. v.

Trước những mầu nhiệm vượt tầm trí của con người, chúng ta chỉ biết phủ phục, tôn thờ, thinh lặng trước sự cao cả vô cùng của Chúa.

Nhìn Chúa rồi nghĩ đến những công trình của Chúa, chúng ta có thể nhận thấy phương diện tuyệt vời trong những tác động của Chúa. Chúng ta biết việc cao siêu hơn cả là liên kết dung hoà được hai thái cực, mà trong mầu nhiệm Giáng Sinh Chúa đã liên kết dung hoà như thế: Vô cùng kết hợp được với hữu hạn, giàu vô cùng lại mang số kiếp nghèo tận mạt, sang vô cùng đón nhận phận hèn triệt để, tinh tuyền mà lại gánh tội trần gian.

Hai thái cực thật ra đối chọi nhau mà Chúa lại liên kết được. Dưới đời làm sao có được những liên kết cao siêu như thế?

Nhìn lên, chúng ta chỉ biết hết lòng ca tụng tung hô Chúa, Chúa vượt trên những suy lượng của con người. Chăm nhìn Chúa, tôn thờ, ca tụng... không sao cân xứng được. Tấm thân vật thọ tạo hèn kém; nhìn mình rồi nhìn Chúa, thấy khoảngcách biệt xa hơn trời với vực, tâm hồn đâm ra khiếp đảm kinh hãi, đúng là tâm trạng trái ngược với hình ảnh một Hài Nhi bé bỏng nằm trong máng cỏ.

Qua hiện trạng yếu hèn này, luồng sáng Bêlem chiếu vào lòng trí chúng ta, cho chúng lại thấy được tình yêu vô cùng của Chúa.

Con người là vật gì, để đáng Chúa để ý. Con người có những vẻ đẹp nào làm cho Chúa phải mê say? Thật ra, ngoài Chúa ra khôngcó vật nào làm cho Chúa mê say được. Thật ra tình yêu của Chúa không phải là tình yêu tìm chiếm hữu bỏ túi, mà là tình yêu trao ban, có thể nói là tình yêu hiến thân nữa.

Làm sao hiểu được việc Chúa bỏ trời xuống thế, để tìm người yêu. Cũng không thể hiểu được Chúa mặc hình thù con người, để được gần người yêu, sống với người yêu. Điểm vượt xa tâm trí của con người là Chúa đã chết và tận hiến để chinh phục tình yêu.

Trước cảnh hang đá Belem, chúng ta vui thấy đèn nến lung linh, rực rỡ, hang đá tươi đẹp, ít nhiều phấn khởi. Chúng ta không có quyền nhìn mà không thấy, thấy mà ngẩn ngơ, khiếp đảm. Phải nhìn, không chỉ vớiø thông cảm, mà phải nhìn với tất cả mến phục. Đã được yêu, phải đáp trả bằng tình yêu, yêu nồng nàn tha thiết, đến điểm cùng vui chết vì yêu.

XI. TẢN MẠN

THÁNG CUỐI NĂM

Năm nào cũng vậy, vào tháng 12 công việc xem ra bận rộn nhất trong đạo cũng như ngoài đời. Các bộ ban, ngành nghề, xí nghiệp công ty hao tốn nhiều giấy mực tổng kết và chuẩn bị báo cáo này nọ, chi - thu, lời - lỗ, khen thưởng - kỷ luật …

Các nhà doanh nghiệp tung ra thị trường những mẫu hàng mới nhìn bắt mắt, kiểu dáng độc đáo “không sợ đụng hàng”, thu hút người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Từ xe xế, thời trang đến đèn sao, hang đá, nhạc mạnh nhạc nhẹ, show diễn … làm cho nhịp sống sinh động hẳn lên.

Trong đạo sinh động kiểu khác. Vừa kết thúc tháng các đẳng buồn thương, mùa Vọng đem lại một sức sống mới. Khi nghe bản thánh ca truyền thống “Trời cao hãy đổ sương xuống”, lòng người rộn rã một cảm giác lâng lâng, có thể gọi đó như “một thoáng Giáng Sinh”. Hai cụm từ đối xứng “trời cao” và “đổ xuống” cho mình một cảm thức linh thiêng. Sinh linh ở hạ thế đang mong đợi chờ đón Đấng đến từ thượng giới. Những chuẩn bị bên ngoài cũng góp phần cho cảm thức dịu dàng dâng tràn nội tâm.

Các họ đạo lên chương trình cho mùa Giáng Sinh mới với hoạt cảnh, thánh ca, đèn sao, hang đá. Mình nhớ hồi còn thiếu nhi, lúc này là vui nhất và cũng bị ăn đòn nhiều nhất. Ngày nào cũng tới nhà thờ tập hoạt cảnh Giáng Sinh, tập làm thiên thần. Có lúc được thưởng thức cốm kẹo ngon lành, có khi bị dì Hai, dì Ba, dì Útt bụp như trời giáng mà không biết lý do tại sao ! Thiên thần , Đức mẹ, Thánh Giuse cũng vậy luôn, không trừ mạng nào. Nếu biết khôn, theo dõi dự báo thời tiết, biết bão sắp đến thì tìm cách chuồn là an toàn sức khoẻ. Như người ta thường nói sau cơn mưa trời lại sáng, sau cơn giận dì lại vui. Chuyện của trời đất cũng giống như chuyện con người, cứ đời nọ trải qua đời kia …

Cuộc sống nhân sinh với bao thăng trầm thay đổi, nhưng Lời Chúa vẫn tồn tại trường cửu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo định hướng “Sống Lời Chúa” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nguyệt san Mục vụ Giáo Phận đã cố gắng hàng tháng có những đóng góp nhỏ bé và khiêm tốn, đặc sản cây nhà lá vuờn, thêm chút hương vị cho Bàn Tiệc Lời Chúa. Với 12 đề tài về Lời Chúa có thể được suy niệm như những luống cày vun xới mảnh đất tâm hồn sẳn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Ước mong sao mùa Vọng cũng là mùa gặt. Đấng Thiên Sai đến hài lòng nhìn cánh đồng Giáo Hội Việt Nam đang trổ sinh nhiều bông hạt, trong đó có Giáo Phận Vĩnh Long ở Miền Tây Nam Bộ.

XII. NGHỆ THUẬT SỐNG

Lời khen

Dù nội dung lời khen là gì, lời khen luôn cổ vỏ tinh thần. Lời khen là món quà hai chiều mà cả người tặng lẫn người nhận đều có lợi. Nếu ai đó luôn rạng rỡ, phong độ tuyệt vời, hãy nói cho người ấy biết. Nếu ai đó có năng lực làm việc, hãy cho họ biết khả năng của họ. Lời khen có thể xoá đi vẻ lạnh lùng, xoa dịu căng thẳng, nâng cao tinh thần và thắt chặt môi quan hệ thắm thiết. Ngôn từ sử dụng hợp lý và đúng lúc mang lại động lực cho nguồn cảm hứng tinh thần.

Khen không giống xu nịnh. Nịnh hót thường không thật lòng và thái quá. Lời khen thừa khiến người nhận khó chịu. Vậy cái gì làm cho lời khen hợp lý hơn ? Dưới đây là nguyên tắc :

  • Phải chân thành : Nếu khen một người chỉ vì “khen đại cho vui”, thì đó là một ý tồi, nó đe doạ uy tín của người khen.
  • Phải cụ thể : “” bức tranh thật tuyệt”” sẽ nghe hay hơn “anh khéo chọn món quà ”.
  • Đừng so sánh : Đừng bao giờ so sánh thành tích của người này với người khác.

Biết tỏ ra thích thú khi được khen. Đừng bao giờ đốp chát, lạnh lùng hoặc coi nhẹ một lời khen. Làm như thế có nghĩa là bạn đang xúc phạm người khen mình. Tệ nhất là nghi ngờ tình cảm chân thành của người khen dành cho bạn. Mỉm cười sẽ hay hơn rất nhiều ! Hãy tận hưởng khoảnh khắc được khen tặng.

XIII. MÓN QUÀ NOEL

ĐIỀU ƯỚC CỦA ÔNG GIÀ “NOEL”

Vào một ngày mùa đông năm 1979, tại nhà hàng bán thức ăn nhanh ở thành phố Kansas, bang Missouri (Mỹ), có một chàng trai tuổi 30 gặm nhấm nỗi buồn vì mới mất việc làm. Đó là năm thứ hai liên tiếp bị sa thải đúng một tuần trước ngày lễ Giáng Sinh. Trong lúc chờ người phục vụ đem lại thức ăn đến cửa xe lửa, anh ta phát hiện cô ta chỉ mặc phong phanh một chiế áo khoác mỏng. “Ta cứ tưởng mình là kẻ khốn khổ nhất thế gian, không ngờ người phụ nữ này còn khổ hơn, phải chống chọi với cái rét vì miếng cơm manh áo”- anh tự nhủ. Lúc trả tiền anh đưa cô tờ 20 USD và bảo giữ phần tiền thừa.

Đó là đoạn mở đầu của câu chuyện cổ tích thời hiện đại về một ông “già Noel bí ẩn” lặng lẽ tặng tiền cho người nghèo trên đường phố vào dịp Giáng sinh suốt 26 năm qua. Ông không thể nhớ hết mình đã giúp bao nhiêu người, có khi đó là một phụ nữ vô gia cư, một ông lão với chiếc áo len không lành lặn, người vợ goá của một lính cứu hỏa... Hàng trăm gia đình đã nhận được niềm vui bất ngờ như thế từ ông già Noel bí ẩn. Đến nay số tiền ông âm thầm trao tặng đã lên đến 1,3 triệu USD.

Danh tánh của ”ông già Noel bí ẩn” có lẽ mãi là ẩn số với nhiều người, nếu tình thế không buộc ông phải lên tiếng. Do suy kiệt sau những đợt hoá trị mạnh để chữa ung thư, “ông già Noel bí ẩn đã quyết định hé lộ thân phận của mình với một hy vọng mãnh liệt, đó là truyền đến người khác niềm tin vào lòng tốt tình cờ, để ngày càng có nhiều người tiếp tục thực hiện công việc của ông.

Ông là Larry Stewart, một doanh nhân 58 tuổi sống tại thành phố Kansas, bang Missiouri (Mỹ). Đến nay, Stewart vẫn không sao quên hình ảnh người nữ phục vụ 26 năm trước. Khi nhận tờ giấy bạc 20 USD, môi chị bỗng run lên và nước bắt đầu lăn dài trên má. Chị run rẩy nói: “Thưa ông, ông không biết là điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tôi đâu!”. Người phụ nữ khiến Stewart nhớ lại câu chuyện của chính mình.

Năm 1971, Stewart lúc đó là một thanh niên thất nghiệp với gia tài duy nhất là chiếc ôtô đồng thời là căn nhà di động. Không một xu dính túi, gã trai ấy đánh liều đến gọi bữa ăn sáng tại một nhà hàng ở bang Missisippi, rồi giả vờ nói mình làm mất ví. Người chủ nhà hàng đã làm động tác cúi xuống sàn rồi nhoài người về phía Stewart, đưa ra tờ 20 USD: “chắc anh đánh rơi tiền này” – ông ta nói. Đó là tấm vé giúp Stewart bắt đầu cuộc đời mới: “Tôi đã cầu nguyện và hứa với Chúa sẽ tìm cách để trả lại”.

Stewart đã thực hiện được lời hứa ấy của mình. Mỗi năm đến tháng mười hai, ông lại sắm vai ông già Noel xuống phố. Ông đã lặn lội lái xe đến nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, đem niềm vui bất ngờ cho nhiều người. Không chỉ tặng tiền mặt, Stewart còn lập một “hiệp hội những ông già Noel bí ẩn” (www.secretsantausa.com). Với yêu cầu thành viên phải cam kết ít nhất một lần trong đời “làm một việc thiện ngẫu nhiên”. Đến nay đã có gần 3.000 người tham gia hiệp hội này.

Vào tháng tư năm nay, Stewart được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản, đã di căn đến gan. Những đợt quá trị mạnh đã rút cạn sức lực và khiến ông mất luôn cảm giác thèm ăn. Stewart sụt gần 45 kg, người gầy và xanh như tàu lá. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ sứ mệnh của mình. “Tôi làm những việc này không phải vì bản thân. Đó là một cách thể hiện tinh thần “tri ân bất cầu báo” (cho đi không cần nhận lại).

Giờ đây sứ mệnh của Stewart không chỉ là tặng tiền người nghèo, dù ông tiết lộ sẽ tặng 165.000 USD cho người nghèo trong mùa Giáng sinh năm nay. Ông ước gì có thể nói chuyện và truyền đi ngọn lửa của lòng tốt đến thật nhiều người, để thế gian không chỉ có một mà rất nhiều “ông già Noel bí ẩn” đem đến cho những người kém may mắn mùa Giáng sinh thật sự an lành. (Trích Báo Tuổi Trẻ, 25.11.2006)

992    20-04-2012 14:47:54