Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Sự Độc Thân Linh Mục và Sự Phong Nhiêu Thiêng Liêng

Đối với các kitô hữu, « sự phong nhiêu » không phải là một tùy chọn

« Đối với các kitô hữu đã chọn lựa bước theo Chúa Kitô, « sự phong nhiêu » không phải là một tùy chọn ». Đó là những gì mà Thérèse Nadeau-Lacour, tiến sĩ triết học và thần học, giáo sư thần học linh đạo ở Đại học Laval, Québec,  đã khẳng định.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ZENIT, bà gợi lên đề tài này và nhắc lại rằng những hoa trái mà các kitô hữu - và các linh mục - được kêu gọi trổ sinh thường là « vô hình trước mắt thế gian và trước mắt của chính người linh mục ». Nhưng « những hiệu quả » của chúng « nơi các tâm hồn là luôn luôn giải thoát ».

ZENIT : Chúng ta hiểu thế nào qua kiểu nói « phong nhiêu thiêng liêng » ?

Thérèse Nadeau-Lacour : Nhiều lần trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ của ngài « trổ sinh hoa trái » : hình ảnh về các tương quan giữa cây và trái của nó thường trở lại trong giáo huấn của Ngài. Trổ sinh hoa trái thậm chí trở nên một trong những giới răn mà Chúa Giêsu để lại, vào chiều Thứ Năm Thánh, cho những người từ nay Ngài gọi là các « bạn hữu » của Ngài. Đối với các kitô hữu đã chọn lựa bước theo Chúa Kitô, « sự phong nhiêu » do đó không phải là một tùy chọn. Nó được liên kết cách nội tại với chọn lựa của người môn đệ đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô.

Như mọi sự phong nhiêu (sinh học, chẳng hạn), sự phong nhiêu thiêng liêng đòi hỏi cuộc gặp gỡ và kết hiệp giữa hai nguồn sống, mà sinh ra một cuộc sống mới. Sự phong nhiêu thiêng liêng đòi hỏi cuộc gặp gỡ giữa ân ban của chính Sự sống của Thiên Chúa và của con người lãnh nhận ân ban này, tiếp nhận công việc của ân ban này nơi mình, công việc biến đối mà làm phong nhiêu cuộc sống của riêng mình.

Thợ cả của ân ban này, đó là Chúa Thánh Thần, chính sự sống của Thiên Chúa. Như thế, những hoa trái được sản sinh nhờ sự tiếp nhận và làm việc của ân ban nhưng không này - công việc của ân sủng - trước tiên sẽ được gọi là « thuộc linh » do nguồn gốc của chúng, nguyên lý của chúng, là Chúa Thánh Thần và, cũng thế, trong sự quy chiếu đến những gì mà, nơi người môn đệ, là nơi đầu tiên của việc tiếp nhận tự do ân ban này : chiều kích thiêng liêng của nó, con tim của nó theo nghĩa Thánh Kinh của từ, trung tâm của hữu thể của nó,  nơi mà căn tính của nó bén rễ sâu và là nơi mà ý thức về sự sống của nó được thắt chặt, nơi mà cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được thể hiện.

ZENIT : Đâu là vị trí của sự độc thân trong sự phong nhiêu thiêng liêng của người linh mục ?

Thérèse Nadeau-Lacour : Trước tiên, cần phải,  - không phải đối lập ! - nhưng phân biệt, để kết hợp tốt hơn, sự phong nhiêu thiêng liêng được gắn liền với sứ mệnh của người linh mục và với ân sủng được liên kết với sứ mệnh đó, và sự phong nhiêu thiêng liêng bật ra từ tâm hồn người tông đồ, đạt tới sự kết hiệp các ý muốn trong đời sống thân mật của mình với Thiên Chúa ; loại phong nhiêu sau cùng này thuộc về đức ái hoàn hảo, siêu nhiên, đức ái của các thánh.

Nếu ta dừng lại ở loại phong nhiêu đầu tiên, thì theo ý tôi, vấn đề đặt ra vừa tinh tế vừa thiết yếu vì nó chạm đến chính bản chất của thừa tác vụ linh mục chứ không chỉ đến cách thức thực thi nó.

Đối với tôi, dường như, nếu người ta xem thừa tác vụ linh mục như là một việc phục vụ làm cho cộng đoàn Giáo Hội nói theo ngôn ngữ các nhiệm vụ phải thực hiện và một số « việc phải làm » mà người linh mục sẽ được chuyên môn hóa, thì sự độc thân có thể, cách tốt nhất, xuất hiện như là một phương tiện giải phóng khỏi thời gian và khỏi sự sẵn sàng ứng trực để làm thêm công việc hơn nữa trong những điều kiện tốt hơn, những lợi ích không phải là không đáng kể, chắc chắn, nhất là vào thời đại chúng ta ! Nhưng, nếu sự sẵn sàng ứng trực được mang lại bởi sự độc thân cho phép trong viễn ảnh này một « sự phong nhiêu » lớn hơn nói theo ngôn ngữ hiệu năng hay hiệu quả, thì nó không có tác động trực tiếp đến phẩm chất thiêng liêng của những gì được thực hiện. Trái lại, những mối liên hệ giữa độc thân và phong nhiêu thiêng liêng là không chỉ khả thể nhưng còn cần thiết nếu người ta nhìn nhận rằng lý do hiện hữu của sự độc thân có liên quan trực tiếp đến chính bản chất của thiên chức linh mục.

Trong tất cả phận vụ của sứ mạng của người linh mục, sự phong nhiêu này hệ tại trao ban cho thế giới sự hiện diện của Thiên Chúa. Do chính bản chất của sứ mạng của mình, đặc biệt do năng quyền, được ban cho mình qua bí tích Truyền Chức Thánh, công bố lời của Chúa Kitô in persona Christi mà, trong Thánh Lễ, làm cho Ngài hiện diện, hay công bố, ở ngôi thứ nhất, những lời qua đó Chúa Kitô tha thứ tội lỗi, nên người linh mục như là được mời gọi bước vào trong cái « Ta » của Chúa Kitô, theo như những lời nói của Đức Bênêđictô XVI  hay, để lấy lại lời của thánh tông đồ Phaolô, được mời gọi để cho Chúa Kitô « chiếm lấy ». Vào tháng Sáu năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã thêm rằng sự độc thân linh mục có nghĩa là « để mình được chiếm lấy » cách tận căn bởi Chúa trong một tiếng « xin vâng » và một sự trung tín mà Đức Gioan-Phaolô II đã thích mô tả đặc tính « hôn ước » của nó.

Khi đã chọn đời sống độc thân, « sự tiết dục vì Nước Trời », người linh mục chắc chắn từ bỏ các mối liên hệ hôn nhân, nhưng ngài không từ bỏ yêu thương. Trái lại, được chọn lựa vì Nước Trời, - tức là vì những gì không qua đi, - đời sống độc thân của ngài hướng đến những gì sẽ không mất đi và không gì khác hơn là chính sự sống của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, Tình yêu mà là chính Thiên Chúa. Chúng ta biết đến câu nói nổi tiếng của Cha Sở xứ Ars : « Chức linh mục, đó là tình yêu (của) trái tim Chúa Giêsu », theo hai nghĩa của giới từ ; tình yêu mà trái tim của Chúa Giêsu nghiệm thấy đối với nhân loại và người linh mục làm cho hiện diện qua các bí tích, và tình yêu mà người linh mục nghiệm thấy đối với trái tim của Chúa Giêsu.

Ngay nơi các yêu đuối và các giới hạn nhân loại của người linh mục, thừa tác vụ của ngài là hoàn toàn phục vụ cho sự biểu lộ của tình yêu này, dù đó là trong việc cử hành các bí tích hay trong việc thực thi đức ái mục tử. Như thế, người sẽ có thể nói rằng « sự tiết dục vì Nước Trời » hướng đến ghi khắc cuộc sống của người linh mục trong sự hài hòa sâu xa giữa những gì được biểu lộ nơi các bí tích (bí tích Thánh Thể tưởng nhớ tình yêu đến cùng của Chúa Kitô trong việc hiến trao mạng sống của Ngài), và sự hiến trao mà người linh mục biến cuộc đời mình thành cho Chúa Kitô để phục vụ cộng đoàn.

ZENIT : Một linh mục có thể là « cha » không ? Theo cách nào ?

Thérèse Nadeau-Lacour : Giữa lòng cộng đoàn, người linh mục thường nhận được tước hiệu « cha ». Nhưng tư cách cha của ngài là nghịch lý ! Ngài tham dự vào « tư cách cha » của Chúa Kitô mà thế nhưng là Con. Theo yêu cầu của Chúa Kitô, các tông đồ tưởng nhớ đến việc phó nộp mạng sống của Chúa Con để con người có sự sống. Như thế, như một người cha, Chúa Con, qua cái chết của Ngài, đã trao ban chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống mà làm cho chúng ta trở nên những người con của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, Ngài sinh ra nhân loại mới. Bằng cách làm cho Chúa Kitô hiện diện nơi những dấu chỉ của tình yêu của mình, người linh mục, qua các bí tích, - và cách thiêng liêng, - ngài cũng « trao ban » sự sống. Qua việc loan báo Lời, hạt giống thần linh, ngài cho phép Ngôi Lời làm phong nhiêu các tâm trí và tâm hồn ; qua việc thực thi đức ái mục tử của mình, ngài làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa-Cha đối với những người nghèo và yếu đuối nhất của các con cái của Ngài. Ngài giáo dục các tâm hồn và hướng dẫn các tâm hồn đang tìm kiếm Thiên Chúa. Cách nào đó, tư cách cha của ngài dẫn đến Chúa Cha.

Thánh Phaolô công khai khẳng định tư cách cha của mình. Chẳng hạn : « Cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em» (1Cor 4, 15). Thế mà, chính bằng những từ ngữ của một sự dịu dàng từ mẫu kinh ngạc mà ngài nói về con cái của sứ mạng của ngài. Ngài viết cho các tín hữu Thessalonica : « Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi» (1 Th 2, 7-8) ; và, nhất là, gởi cho tín hữu Galata, lời lạ lùng này mà tóm tắt sự phong nhiêu của đức ái mục tử : «Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em » (Gal 4, 19).

ZENIT : Người ta thường nghĩ rằng sự độc thân không hợp với sự triển nở. Hệ tại điều gì nó cho phép làm triển nở người linh mục ? Phải chăng nó cho phép ngài trổ sinh hoa trái trong chức linh mục của mình ?

Như tôi đã nói, khi từ bỏ hôn nhân, người linh mục không từ bỏ yêu thương, tức là không từ bỏ thể hiện mình như là « hữu-thể-để-trao-ban », đặc điểm được ghi khắc nơi hữu thể của con người từ lúc tạo thành (về vấn đề này, xem chú giải các câu của sách Sáng Thế của Đức Gioan-Phaolô II). Đó là một cách thức khác nói rằng, trong sự độc thân, người linh mục không từ bỏ ơn gọi nên hạnh phúc của mình, ơn gọi thể hiện trọn vẹn chính mình.

Chúa Giêsu hứa ban Nước Trời làm gia nghiệp và ngay cả sự sống đời đời cho Phêrô, người đã nhắc đến tính tận căn của quyết định theo Ngài của ông, « Này chúng con đã bỏ mọi sự để theo Thầy » (Mt 19, 27), và cho người đã đánh mất tất cả vì Ngài ; chính sự sống đời đời này mà chàng thanh niên giàu có tìm kiếm như là cuộc sống tròn đầy. Trước khi giao phó cho ông một lần cuối cùng trách vụ mục tử, Chúa Giêsu sẽ làm mới lại cho Phêrô sự dấn thân độc chiếm của ông : « Con có yêu mến Thầy hơn những người này không ? » (Ga 21, 15).

Việc kết hiệp với Thiên Chúa luôn vâng theo cùng một sự năng động, sự năng động của sự tràn đầy tình yêu - triết gia Paul Ricoeur thậm chí nói về một sự « lo-gíc » của sự tràn đầy ; người môn đệ càng kết hiệp với Chúa Kitô, thì người ấy càng được sai đi phục vụ người khác để biểu lộ cho họ thấy bằng tình yêu nào họ được yêu mến. Như một thứ luật « hàm trung » (tiers inclus), sự thân mật với Chúa Kitô luôn được đánh dấu bởi đặc tính phong nhiêu tông đồ. Sự thân mật với Chúa Kitô này mà, dần dần, vâng theo Chúa Kitô, nhất thiết được đánh dấu bởi dấu chỉ tình yêu lớn lao hơn, dấu chỉ của Thập giá. Như thế, « sự triển nở » không bao giờ là mục đích cuối cùng. Nó bao hàm những hoa trái. Và những hoa trái thiêng liêng không phải là không có sự đau đớn sinh nở nào đó.

ZENIT : Người ta nhìn nhận những hoa trái được trổ sinh ở điều gì ? Phải chăng chúng thuộc về thế giới này ?

Thérèse Nadeau-Lacour : Chúa Giêsu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này vào chính giây phút Ngài nhắc nhở cho các tông đồ sự cần thiết trổ sinh hoa trái : « Chính Thầy đã chọn các con để các con đi, các con trổ sinh hoa trái và để hoa trái của các con tồn tại » (Ga 15, 16). Nó hệ tại những hoa trái được ghi dấu bởi con dấu tình yêu - đức ái mà không qua đi. Theo nghĩa này, ở chính giữa thế gian, những hoa trái này làm chứng cho những gì mà thế gian không thể sản sinh và chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho và đôi khi chỉ mình Thiên Chúa biết. Thường thường đó là những hoa trái vô hình trước mắt thế gian và trước mắt của chính linh mục, nhưng những hiệu quả của chúng nơi các tâm hồn là luôn luôn giải thoát.

Gắn liền với ân sủng linh mục và với tình yêu Chúa Kitô, sự độc thân được cộng đồng các tín hữu đón nhận như là một ân huệ. Nó cũng là một lời thề hứa mà luôn đào sâu thêm hơn nữa tâm hồn của người linh mục cho đến chỗ làm giãn nở nó tới những chiều kích của tầm hồn của Chúa Kitô, Phu Quân của Giáo Hội.

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ (nguồn dunglac.org)

751    03-04-2011 21:39:42