Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Sự Khiêm Nhường Của Thiên Chúa

SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA

(Giới thiệu tác phẩm của F. Varillon : Lhumilité de Dieu, Edition Le Centurion. Paris. 1974)

Lm. Giêrađô Trần Công Dụ

TÁC GIẢ

François Varillon, dòng Tên, sinh tại Lyon, 28.7.1905, thụ phong Linh mục : 24.6.1937. Cử nhân văn chương. Cử nhân thần học (1938). Qua đời tại Lyon : 17.7.1978. Đã được trao tặng Giải thưởng Công giáo về văn chương cho toàn bộ công trình của Ngài, sau khi xuất bản cuốn Lhumilité de Dieu năm 1974.

GIỚI THIỆU TỒNG QUÁT.

Cha Varillon không phải là một nhà thần học chuyên nghiệp nhưng đúng hơn là một nhà tư tưởng Công giáo, một bậc thầy linh đạo chuyên hướng dẫn các khóa linh thao cho linh mục, tu sĩ và giáo dân, một nhà giảng thuyết sáng giá trong khắp nước Pháp, đã thiết lập những nhóm giáo dân sống đạo.

Trong sách này, tác giả bàn luận về câu hỏi chủ yếu : Thiên Chúa là ai ? Tác phẩm đề cập những vấn đề cơ bản nhất mà con người ngày nay đặt ra : con người có thể nhận biết Thiên Chúa không ? Ngôn từ chúng ta dùng để diễn tả Thiên Chúa mang ý nghĩa gì ? Việc tìm kiếm Thiên Chúa có ý nghĩa gì ? Ta có thể nói gì về Thiên Chúa ? Thiên Chúa và đau khổ, đau khổ của Thiên Chúa và đau khổ của con người. Những vấn đề này được bàn luận một cách đúng đắn và sâu sắc, bởi một con người rất quân bình, có tầm hiểu biết sâu rộng, đưa ra những suy tư độc đáo, mới lạ đối với nhiều người. Một độc giả lương thiện, có văn hóa sẽ phải suy nghĩ khi đọc cuốn sách này.

Đây không phải là một cuốn sách thần học chuyên môn, trình bày theo kiểu cổ điển hay biện giáo nhưng pha trộn cả văn chương, âm nhạc, hội họa với những vấn đề triết học, thần học và tu đức. Vì thế, sách hơi khó đọc đối với ai không quen thuộc với nền văn hóa Pháp hay Tây phương nói chung.

Ngay trang đầu của cuốn sách, tác giả trích một tư tưởng của Maýtre Eckhart :

"La vertu qui a nom Humilité est enracinée au fond de la Déité" (Nhân đức có tên là Khiêm nhường đâm rễ trong nơi sâu thẳm của Thần tính).

Sách được chia làm ba phần nhưng không có chương mục, tiểu đề hay mục lục. Tác giả triển khai tư tưởng của mình hết điểm này đến điểm khác, theo một lôgic nội tại. Ta có thể tóm tắt và tạm đặt những tiểu đề cho ba phần như sau :

I. Những điều kiện tiên quyết để nhận biết Thiên Chúa.  

II. Những khía cạnh của sự khiêm nhường nơi Thiên Chúa.      

III. Những biểu hiện của sự khiêm nhường nơi Đức Giêsu Kitô.

NỘI DUNG

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA

Ngay từ những hàng đầu, tác giả nhấn mạnh một điểm : "Tôi nghĩ có thể nói : Thiên Chúa khiêm nhường. Khi cầu nguyện, tôi thưa với một Đấng khiêm nhường hơn tôi. Khi xưng tội, tôi xin một Đấng khiêm nhường hơn tôi tha thứ cho tôi. Nếu Thiên Chúa không khiêm nhường, tôi ngần ngại mà nói rằng Ngài yêu thương vô cùng".

Cần tránh hai thái độ đối nghịch : loại trừ mọi thắc mắc và do đó mọi xao xuyến về tôn giáo, hoặc luôn chạy theo cái mới, hoài nghi tất cả Truyền thống, loại bỏ di sản của quá khứ, mọi quy tắc.

- Nói về Thiên Chúa : Mọi lời nói với Thiên Chúa phải bao hàm một lời nói về Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ tôn thờ một thần linh lai căng, ngoại giáo hay Dothái-giáo chứ không phải Kitô-giáo. Ngày nay nhiều người, thay vì nói về Thiên Chúa cho người khác, lại chỉ thích nói đến việc cải tạo thế giới, công bình xã hội, cách mạng kinh tế hay chính trị, một cám dỗ rất mạnh, vì chung quanh mình, ít ai chú tâm đến Thiên Chúa. Con người nô lệ cho cái "hữu ích", không còn chỗ cho cái nhưng không, vô cầu trong một thế giới như thế. Phải thay đổi cuộc sống, nhưng không từ bỏ nói về Thiên Chúa. Bao lâu con người còn là con người thì còn ước muốn Thiên Chúa, vì chính ước muốn này làm cho con người là con người. Đức tin Kitô-giáo không cung cấp một phương sách cho những ai nỗ lực giảm thiểu những bất công xã hội bằng các đường lối kinh tế và chính trị. Tuy nhiên có một Đấng khác ở trong tôi, nói với tôi ; tôi nói với Ngài và nói về Ngài. Ngài ở trong nơi sâu thẳm của tôi hơn chính tôi với tôi, vì thế, Ngài không ở bên ngoài những lý do hành động của tôi. Sự hiện diện của Ngài là Ngôn và Hành. Ngài nói với tôi rằng tôi sống trên đời để yêu thương như Ngài yêu thương. Ngài ban ân sủng cho tôi có khả năng yêu thương như thế. Thiên Chúa là sự Nhưng không thuần túy (Dieu est pure Gratuité). Ngài thông ban cho tôi bản thể nhưng không của Ngài, cho tôi được thông dự vào sự sống của Ngài, nhờ đó con người mới là người cách sung mãn.

- Đức tin bao hàm một chiều kích trần thế nhưng không được giản lược đức tin vào chiều kích này. Một sự bành trướng trong lãnh vực trần thế phải đi đôi với một sự tập trung trong lãnh vực thiêng liêng. Một nền thần học giản dị nhưng vững mạnh, chú tâm đến mầu nhiệm về Thiên Chúa và về con người, sẽ được say mê hưởng ứng.

- Tính Nhưng không (Gratuité) có lẽ diễn tả thích đáng nhất mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người : nó nói lên tình yêu tinh tuyền, sự tự do, không tính toán. Cần thiết lập một nền sư phạm dạy con người ta biết sống cách nhưng không, vô vị lợi, hào phóng, trong một thế giới chỉ trọng cái hữu ích hay cần thiết.

- Quyền năng xóa mình : Bản chất thâm sâu của Thần tính (Maiâtre Eckhart) là Quyền năng xóa mình đi mà thần học, theo thánh Phaolô, gọi là tự hủy (kénose). Vì thế, ta chỉ có thể gợi lên sự khiêm nhường của Thiên Chúa với thái độ khiêm tốn. Thinh lặng (silence) không phải là câm nín (mutisme). Khi người ta không nhận thấy ngôn từ về Thiên Chúa phát sinh từ thinh lặng và chìm đắm trong thinh lặng, thì không ai muốn nghe.

- Thuyết Duy Giêsu (Jésuisme) và cái chết của Thiên Chúa : Ngày nay nhiều người quan niệm Đức Giêsu chỉ là một con người, một con người siêu đẳng, phi thường, độc nhất vô nhị trong lịch sử, khai phá cho con người con đường tự do, thậm chí giải phóng con người khỏi một Thiên Chúa toàn năng, khư khư nắm giữ uy quyền và áp bức con người. Đức Giêsu là mẫu gương vô song về sự vị tha, vừa bày tỏ ý nghĩa đời sống con người vừa loan báo cái chết của Thiên Chúa. Theo họ, Tin Mừng là thế đó. Ngược với thứ thần học về cái chết của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trình bày sự khiêm nhường của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.

- Hữu thần tự nhiên và duy tín : Thuyết Hữu thần tự nhiên (Déisme) chủ trương một Thiên Chúa không có Đức Kitô : Thiên Chúa của các nhà triết học và khoa học. Đấng Tuyệt đối mà nhập thể thì Ngài không còn là tuyệt đối. Trước những thách đố đó, nhiều người rơi vào thái độ duy tín (fidéisme), phản trí thức (anti-intellectualiste). Một đức tin không có nền tảng như thế chỉ tồn tại trên bình diện cảm tính hoặc sẽ tiêu tan khi những phân tích tâm lý cho thấy chỉ là ảo tưởng. Vì thế, không được coi nhẹ tình cảm hay lý trí, nhưng trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, cả hai phải liên kết chặt chẽ với nhau.

- Thiên Chúa là đối tượng của việc tìm hiểu : đó vừa là điều cần thiết, vì nếu không, ta buộc phải im lặng, vừa là điều không thích đáng, vì Thiên Chúa không phải là một đối tượng giữa các đối tượng khác. Ngài là Đấng tuyệt đối, không thể định nghĩa được. Đàng khác, ta chỉ lên đường tìm kiếm Thiên Chúa khởi đi từ Thiên Chúa, tuy chưa nhận ra Ngài.

- Chú tâm đến cuộc sống đang trào dâng. Không ai bị ép buộc, mà chỉ được mời gọi ; một điều tự do. Hơn nữa, chú tâm đến câu hỏi cơ bản nhất : đâu là ý nghĩa của cuộc sống đang trào dâng ? Từ đâu đến ? Đi về đâu ? Không ai tránh đặt những câu hỏi đó, nhưng có người không muốn chú ý đến, tìm quên lãng, tiêu khiển (divertissement theo nghĩa Pascal), vì con người có tự do. Khi đó, câu hỏi về ý nghĩa mờ tan đi. Người ta không cảm thấy có nhu cầu.

Sự chú tâm đến ý nghĩa của hiện hữu là một hành vi tự do và hợp lý trí, nhưng cũng là một hành vi đức tin : chấp nhận cuộc sống có ý nghĩa, nếu không thì là vô nghĩa, phi lý.

- Ý nghĩa và vô nghĩa. Kinh nghiệm trước mắt vừa là kinh nghiệm về ý nghĩa (sens) và vô nghĩa (non-sens). Có ý nghĩa : Khoa học khám phá những định luật, cơ cấu, tổ chức trong thế giới tự nhiên. Nỗ lực kiến tạo một xã hội công bình, huynh đệ, hiệp nhất hơn. Những quan hệ giữa con người, tình bạn, tình yêu ; nghệ thuật, văn chương, hội họa, âm nhạc. Điều này cũng không thể chối cãi được. Vô nghĩa : bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, tàn sát, hận thù. Điều này cũng không chối cãi được. Ý nghĩa và vô nghĩa hòa lẫn với nhau nhưng cuối cùng cái vô nghĩa thắng thế (chết). Cái vô nghĩa của toàn thể chi phối cả những ý nghĩa đặc thù, mang tính bất tất (contingence). Nếu tất cả đều vô nghĩa, thì phải chấp nhận tất cả đều phi lý, nhưng cái có ý nghĩa không thể chối cãi được. Vậy cuộc hiện hữu không phi lý mà chỉ có mâu thuẫn.

Tôi có thể dừng lại ở đó và chỉ còn cách im lặng, nếu không muốn khắc phục mâu thuẫn. Như thế, tôi xóa bỏ câu hỏi về con người, nghĩa là hủy diệt con người có lý tính. Không thể chấp nhận được. Vậy tôi khẳng định : Đấng Tuyệt đối là nguồn mạch và nền tảng của mọi ý nghĩa. Nói cách khác, tuyên xưng sựï bất tất và nhìn nhận Đấng Tuyệt đối là cùng một hành vi bất khả phân của lý trí và tự do.

Luận cứ này không có tính bó buộc, và có thể bị phê phán là phóng thể (projection) hay vong thân (aliénation). Ta không khẳng định có Thiên Chúa vì Ngài có ích và phủ nhận ngài vì Ngài vô ích. Đó là hai hình thức đối nghịch của sự tầm thường. Khi cái vô cầu (gratuit) không là cần thiết cho con người thì đó là dấu con người chỉ mới bắt đầu làm người hay đang tụt hậu để không còn là người.

- Thiên Chúa là Đấng khác, không những hoàn toàn khác, nhưng hoàn toàn khác những cái khác, và do đó là Đấng không-khác (le Non-Autre). Thiên Chúa cũng không có một bản tính như tạo vật vì Ngài không có sinh ra ("natura" bởi động từ "nascor" có nghĩa là "sinh ra"). Ngài là lý do của chính mình ("ratio sui"). Thiên Chúa là mầu nhiệm, Đấng vô biên khôn tả (lIneffable), khôn dò (linexhaustible). Không thể chuyển từ hữu thần tự nhiên qua đức tin.

- Mạc khải : May thay, Đấng khôn tả phát ngôn và lý trí con người lắng nghe Lời mạc khải. Có gì cấm cản Ngài tự do bộc lộ chính mình và quyết định đi vào trong tương quan với con người ? Liệu có thể quan niệm một Thiên Chúa không là Tình yêu ? Mạc khải cho ta biết tình yêu đó đã đi đến mức độ nào (cái chết của Đức Kitô) và ban tặng cho con người được thông dự vào sự sống thần linh. Khi lòng đại độ của Thiên Chúa đượïc biểu lộ cho chúng ta, nó bắt gặp một điểm sâu nhiệm nơi bản thân chúng ta chờ đón ân huệ đó, vì Thiên Chúa đã ghi khắc ước muốn đó trong ta khi khắc ghi hình ảnh Ngài trong ta.

- Ý niệm loại suy : Thiên Chúa đã làm người để con người được làm Thiên Chúa. Thiên Chúa làm người nói ngôn ngữ của con ngườøi. Ngài chờ đợi con người nói với Ngài và về Ngài bằng ngôn ngữ của con người. Do đó, chẳng có gì là vong thân.

Tuy nhiên, khi khẳng định Thiên Chúa khiêm nhường, chúng ta ý thức Thiên Chúa không khiêm nhường như con người (nhớ lại thuyết về loại suy của thánh Tôma). Ý niệm khiêm nhường, cũng như ý niệm khôn ngoan, quyền năng hay tốt lành, chỉ áp dụng cho con người. Không có ý niệm nào bao hàm cả cái hữu hạn và cái vô hạn, ngay cả ý niệm hữu thể. Mọi khẳng định về Thiên Chúa phải kèm theo lời phủ định ngay sau đó, nhưng phủ định không xóa bỏ khẳng định vì Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả những gì nơi tạo vật. Kinh nghiệm thần bí cũng không cho con người chiêm ngắm Thiên Chúa hay có một tri thức ưu biệt về Ngài. Một tín hữu bình thường, thuận theo ý Thiên Chúa, cũng có thể cảm nghiệm về sựï hiện diện của Ngài hơn một nhà thần học đầy những ý niệm trừu tượng trong đầu. Thần học Đông phương nhấn mạnh đến sựï sa đọa của trí tuệ con người bị tội lỗi làm tổn thương, không những bị giới hạn mà còn tội lỗi. Vì thế mọi quan năng của con ngườøi cần được chữa lành. Một ánh sáng sâu sắc của trí tuệ có thể đi đôi với những tăm tối của tâm hồn.

- Các tín điều trong Giáo Hội có nhiệm vụ không để cho ai lầm tưởng về tình yêu. Chúng có chức năng đạt những cột mốc cho tính chủ quan thái quá, đừng khẳng định điều gì theo ý riêng. Giáo Hội chỉ quan tâm cho mọi người ở mọi thời, mọi nơi đón nhận đượïc ánh sáng của Đức Kitô mà Giáo Hội là bí tích. "Các tín điều gợi lên những bí nhiệm về Thiên Chúa cũng như tri giác gợïi lên những bí mật trong thiên nhiên" (Blondel). Cũng vậy, chính tín điều về Đức Kitô và về Ba Ngôi đã gợi ý cho tác giả đi sâu về hướng bí nhiệm trên mọi bí nhiệm, là sự khiêm nhường của Thiên Chúa.

xem tiếp phần 2

(nguồn simonhoadalat.com)

1440    27-03-2011 22:26:11