Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Thập Giá Con Đường Sống

Nói rằng: "Thập giá là con đường sự sống" là chuyện ngược đời đối với con người ngày nay, bởi con người từ xưa tới nay quan niệm rằng thập giá là dụng cụ giết người, là án tử hình, là biểu tượng của sự đau khổ, và "một nền văn hóa được phổ biến rộng rãi mang tính chóng tàn, xem những gì gây thích thú và có vẻ đẹp mới có giá trị, muốn người ta xa lánh thập giá mới được hạnh phúc".

Vậy tại sao ĐGH Gioan Phaolô II đã xác quyết mạnh mẽ: "Thập giá là con đường sự sống và hạnh phúc" ?  (Sứ điệp Ngày Giới Trẻ thế giới lần thứ 16). Phải chăng Thập giá còn là biểu thị của một giá trị sống cao cả nào nữa ?

A. THẬP GIÁ LOẠI TRỪ ÍCH KỶ

" Ta đến để chiên Ta được sống . . ." (Ga 10, 10)

 1. Khi ta yêu ai, ta không muốn cho người ấy chết.

Gabriel Marcel đã diễn tả: Khi một cậu con trai nói với một cô con gái "Anh yêu em" có nghĩa là anh không muốn em chết. Yêu ai là muốn giữ người yêu lại, không muốn mất đi, và còn hơn thế nữa, yêu ai là muốn người ấy sống và sống hạnh phúc.

Thiên Chúa yêu thương con người, "Người muốn con người được sống và sống dồi dào". Yêu mà không làm cho người mình yêu sống mãi là thất bại. Chính Chúa Giêsu đã nói và đã thực hiện điều này.

2. Chúa Giêsu yêu con người.

Chúa Giêsu đã nói: "Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con" (Ga 15, 9), và "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con" (Ga 15, 12).

Vì yêu và muốn con người được hạnh phúc, Chúa Giêsu đứng về phía con người, bênh vực con người, nhất là những người nghèo khổ, cô thế, cô thân . . .

Ngài đặt con người trên ngày hưu lễ (Mc 2, 23tt ; Mc 3, 1 - 6 ; Ga 5, 1 - 18 ; 9, 1 - 34).

Ngài thương những người có tội, bị xã hội lên án, khinh miệt, loại trừ (Mc 2, 15 - 17; Ga 8, 1 - 11).

Người không dành ưu tiên cho người đồng hương (Lc 4, 23 - 30).

Do đó, Chúa Giêsu không được nhà cầm quyền tôn giáo chấp nhận. Họ đã kết án Ngài, qua sự chuẩn y của Philatô, nhà cầm quyền dân sự.

3. Thập giá, án tử hình.

Cha Duquoc đã viết: "Chúa Giêsu bị kết án không phải bởi Thiên Chúa, mà là do loài người loại bỏ. Ngài bị các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo kết án".

Philatô biết rõ rằng giới cầm quyền tôn giáo thấy dân chúng theo ông Giêsu . . . nên họ ganh tị (Ga 11, 45 - 53; Mc 15, 12 - 19). Họ muốn dùng Philatô để trừ khử Chúa Giêsu, vì họ không có quyền giết Chúa Giêsu chiếu theo luật.

Cá nhân Philatô cũng muốn giết Chúa Giêsu, vì ông sợ dân chúng nổi loạn, nếu như ông không làm như vậy. Bởi ông thừa biết rằng, nếu đem Chúa Giêsu ra so sánh với Baraba thì dân chúng cũng xin giết Chúa Giêsu thôi: "Đóng đinh nó vào thập giá" (Ga 19, 15).

Vậy án tử hình của Chúa Giêsu, xét phương diện loài người, là để củng cố địa vị của giới cầm quyền đạo và đời lúc đó. Nhưng xét phương diện ơn cứu độ, thì đó lại là chiến thắng của tình yêu.

4. Chiến thắng của tình yêu.

Cao điểm cuộc đời của Chúa Giêsu là thập giá. Cái chết trên Thập giá của Chúa Giêsu không phải là cái chết bất công, không phải là cái chết oan uổng, hay bị kẻ thù hảm hại, nhưng cái chết của Ngài có một mục đích: Ngài hy sinh thân Ngài để đem ơn cứu chuộc cho muôn người. Cái chết của Ngài là để thực hiện Tình Yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương nhân loại, và không muốn cho một tội nhân nào phải chết vì tội của họ, mà muốn cho họ được sống. Chính Con Thiên Chúa đã chết thay cho tất cả loài người phạm tội.

Đó là chiến thắng của tình yêu: Con người được sống chính Sự Sống Phục Sinh của Chúa Giêsu. "Phần Tôi, một khi được giương lên cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi" (Ga 12, 32). Vì thế, ta có thể xác quyết: Thập giá là ngọn cờ chiến thắng của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu" (Ga 15, 13). Và cũng vì thế mà Thập Giá là con đường sống cao nhất của tình yêu.

B. THẬP GIÁ: CON ĐƯỜNG SỐNG CAO NHẤT CỦA TÌNH YÊU.

      " . . . để ai tin vào người thì được sống muôn đời" (Ga 3, 15).

1. Thập giá là quy luật tự nhiên: chọn lựa là từ bỏ.

Muốn có cuộc sống cao hơn, phải bỏ đi cuộc sống thấp. Chọn cái này phải bỏ cái kia. Con người muốn làm con Thiên Chúa thì phải buông đi kiếp làm người của mình. Muốn đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, phải buông đi những lạc thú, những vinh hoa chóng tàn. Và chắc chắn không có một sự từ bỏ nào mà không đau khổ. Hạt giống gieo xuống đất phải chết đi mới sinh nhiều bông hạt (Ga 12, 24).

Bởi đó, có chấp nhận trong từ bỏ mới đạt được vinh quang vĩnh cửu. Cha Rey -Mermet giải thích: "Đau khổ không phải là hình phạt để đền tội, nhưng đau khổ là một sự biến đổi triệt để, một sự nổ tung, nứt rạn, xé rách, chết . . . đưa đến cuộc sống khác".

2. Thập giá là cách sống cao nhất của tình yêu.

Cây Thập giá của Chúa Giêsu nói cho mọi người biết rằng Ngài đã cho hết tất cả, Ngài đã trao hiến cái cao nhất của mình. Đó là Sự Sống.

Như Abraham xưa, ông đã dám hiến tế con mình là Isaac. Đó chính là sự sống của ông. Ông dâng con ông cho Thiên Chúa, vì ông coi Thiên Chúa là tuyệt đối, đối với ông.

Thập giá là cách sống cao nhất của tình yêu, vì lấy người mình yêu làm trung tâm cuộc sống của mình: Yêu người bằng tình yêu vị tha. Cha Rey - Mermet nói: "Đối với Thiên Chúa, sống chính là yêu thương. Yêu thương là ra khỏi mình . . Sự chết là ra khỏi mình triệt để. Thiên Chúa chết vì người mình yêu".

3. Thập giá là lửa thanh luyện tình yêu.

Thanh luyện thế nào ?  Đau khổ là khí cụ duy nhất để thanh luyện ta, là phương thế không thể không có để giảm thiểu lòng ích kỷ nơi mình và làm nẩy sinh ra tình yêu. Tình yêu chỉ được đạt tới nhờ Thập giá. Nói chung, ta cần phải thiêu hủy điều phải thiêu hủy đi, ngõ hầu Thiên Chúa có thể làm chủ nơi ta được.

Vì thế, đau khổ không phải là một điều bất đắc dĩ, một tai họa đáng buồn, chất thêm vào gánh nặng, mà đau khổ là con đường sự sống.

4. Thập giá là con đường ra khỏi mình để Thiên Chúa chiếm trọn mình.

Marciel Blonden nói: "Nếu không ai có thể yêu mến Thiên Chúa mà không phải đau khổ, thì không ai có thể thấy Thiên Chúa mà không chết được. Không gì chạm đến Người mà không sống lại; vì không có ý muốn nào tốt cả, nếu không ra khỏi mình, để có thể nhường chổ cho sự xâm nhập hoàn toàn của ý muốn Thiên Chúa".

C. ÁP DỤNG: ĐƯỢC CỨU SỐNG NHỜ DẤU THẬP GIÁ

Alexander Solzhenitsyn kể lại thuở ông bị lao động khổ sai trên miền Siberie băng giá, ngoài cảnh thiếu ăn, ông còn lâm phải một cơn bệnh ngặt nghèo. Tuy thế, ông vẫn phải bị bắt xúc cát hàng giờ, đau buốt cả sống lưng. Một hôm, không chịu nổi nữa, ông đành buông xuôi, mặc dù ông biết chắc thế nào cũng bị cai tù đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có thể mất mạng như chơi.

Ông vừa buông chiếc xẻng, thì may thay, có một bạn tù chạy đến đỡ lấy cái xẻng của ông. Anh ta lấy chân quẹt trên đất ngay dưới chân ông Alexander một "Dấu Thánh giá", rồi nhanh như cắt, anh lấy cả bàn chân xóa tan dấu Thánh giá ấy đi. Tuy đất lại hoàn dất, dấu Thánh giá đã tan biến trên đất cát, nhưng cặp mắt ông Alexander đã nhìn thấy, và tim ông đã thâu nhận dấu chỉ ấy. Thế rồi lòng tràn ngập can đảm và tin cậy, ông lấy lại chiếc xẻng, và tiếp tục phấn đấu.

Sau này, ông vẫn thường nhắc lại mẫu chuyện ấy, và tin rằng hôm ấy ông đã được cứu sống nhờ dấu Thánh Giá.

KẾT: " Ôi đồi Can - vê nhuộm máu đào,

         Cho nguồn ơn thánh rót vào tim con".

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con biết đóng đinh tính ích kỷ tự cao của con lại.

Xin cho con biết đóng đinh đôi chân, đôi tay, đôi mắt con lại.

Xin đừng để con nhảy xuống khỏi Thập giá mà con đã muốn vác đi theo Chúa.

Xin cho Thập giá con đang mang là dấu chỉ đường về Nước Trời,

Vì đó là CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG VÀ HẠNH PHÚC.

                                                                             (Lm André Phạm văn Bé)

1329    21-04-2011 14:51:32