Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thực Thi Lời Chúa - Tháng 10 năm 2006

CHỦ ĐỀ: THỰC THI LỜI CHÚA

I. THƯ MỤC VỤ số 10

“...Mỗi giới cần phải phát huy lòng yêu mến Lời Chúa sao cho phù hợp với điều kiện riêng của mình, nhưng tất cả đều phải biểu lộ lòng yêu mến ấy bằng hành động như Chúa đã dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Lòng yêu mến không phải chỉ là chuyện lý thuyết, nhưng phải minh chứng bằng việc làm: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy” (Ga 14,23).

Việc thực hành Lời Chúa chính là nền tảng cho cuộc sống Kitô hữu như Lời Chúa phán: “Ai nghe Lời Ta nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Chính Đức Giêsu đã thực hành những lời Người rao giảng: Người đã tha thứ cho những kẻ giết mình, quan tâm đến những người bé mọn, hy sinh mạng sống cho nhân loại mà Người yêu mến. Trong bữa tiệc ly, sau khi giải thích sứ mạng Người Tôi Tớ, Đức Giêsu đã nêu gương cụ thể trong cử chỉ rửa chân cho các môn đệ, như để thực hiện chính điều Ngườ đã truyền dạy. Đến ngày phán xét, Chúa không chất vấn chúng ta về sự uyên bác lý thuyết, nhưng về những việc chúng ta đã làm cho tha nhân.”

II. DẪN GIẢI

Thư mục vụ dạy: Nói bề ngoài: Lạy Chúa, lạy Chúa, không đủ. Thông thái, hiểu biết Kinh Thánh sâu rộng cũng không đủ.
Thực thi Lời Chúa mới là nền tảng cho cuộc sống Kitô-hữu.
Chúa thực hành rồi Chúa dạy. Chúa đã nêu gương.
Đến ngày phán xét Chúa không kiểm điểm thông minh mà kiểm điểm việc làm.

Xin cho chúng ta biết nghe và thực hành theo Lời Chúa.

Kiểm điểm:

Chúng ta có khinh thường Lời Chúa không?
Vì Lời Chúa không hợp với sở thích của mình, nên mình kể ý mình là hay là đẹp.
Lời Chúa không lợi cho mình, nên mình không quan tâm đến.
Lời Chúa khó nghe quá, làm sao chấp nhận được. Lời Chúa khó quá, làm sao thực hành được.
Trong cuộc sống của tôi, có lời nào trong Kinh Thánh đã đánh động và sửa đổi đời tôi? Chắc chắn tôi chưa biết dùng, biết nhờ Kinh Thánh.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

TÔI CÓ ĐẠO !

Trong Họ đạo, chúng ta thi thoảng vẫn gặp một số người xưng mình là đạo gốc, đạo dòng, Chúa Nhật nào cũng thấy đi lễ, nhưng trong lối sinh hoạt của họ, chẳng thấy chút gì là Kitô hữu cả: lỗi đức bác ái một cách trầm trọng, càm ràm cha thầy, chê trách Hội Thánh và cả đến Chúa họ cũng ca cẩm cằn nhằn; thậm chí có người chẳng bao giờ đi lễ nhà thờ nhưng mở miệng ra là tự xưng: tôi tin Chúa hơn những người khác…tôi không giữ Ngày Chúa Nhật, nhưng tôi có bỏ Chúa đâu; tôi mạnh tin hơn cả người nầy người kia đi lễ đọc kinh, làm việc phúc đức hằng ngày nhưng vô số tội hơn tôi!

Thật ra, có những người chỉ có đạo theo Sổ Rửa Tội. Sinh ra trong một gia đình có đạo, lớn lên giữa những người giữ đạo thì mình cũng giữ: cũng học hết các lớp giáo lý Khai tâm, Rước Lễ, Bao đồng, cũng chịu Phép Hôn Phối như bao tín hữu khác…nhưng như cá không thích nghi với môi trường nước, họ chẳng hề ý thức về đời sống tâm linh của mình, ai sao tôi vậy, miễn sao có cơm ăn áo mặc, con cái khỏi đói khát là được rồi; họ sống trong sự buông thả trách nhiệm về vận mạng đời mình; hoặc tệ hơn coi đạo nhưng một hình thức trang trí hay đánh bóng cho cuộc đời!

Đối với những người thường xuyên dự lễ Chúa Nhật, nhưng không thực hành đời sống đức tin, họ phải chịu trách nhiệm về đời sống yếu kém lòng tin của mình như “hạt giống rơi bên vệ đường” họ không chú tâm lắng nghe, học hỏi, thực hành Lời Chúa…và việc thờ ơ dửng dưng của họ trước ân sủng bí tích mà họ lãnh nhận không phát sinh hoa trái hiệu quả, khiến họ giũ đạo cách máy móc, hình thức.

Trách nhiệm thuộc về mỗi người, trong đó có phần của các mục tử. Phải làm sao cho mỗi tín hữu ý thức được sự quý trọng và khẩn thiết của Lời Chúa và Thánh Thể. Vì Lời Chúa và Mình Chúa là trọng tâm và là nền tảng đời sống đức tin của người tín hữu. Chính Lời Chúa dạy chúng ta cách sống mỗi ngày đời mình. Bởi vì Lời Chúa không chỉ để đọc, để học thuộc lòng hay chỉ để trích dẫn, mà là để sống. Lời Chúa dạy chúng ta cách sống có Chúa, với Chúa. Đó là đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, để rồi lại có thể đến với anh em mình.

Vì vậy, có thể chúng ta chưa thực sự dọn cho người giáo hữu Bữa Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể một cách chu đáo? Bài Giảng không soạn cẩn thận, đọc Lời Chúa cách vô hồn, thánh lễ nhàm chán, thụ động, làm cách máy móc. Thiếu sự cảm thông, chia sẻ. Họ đạo như một gia đình, nhưng không là mái ấm, vì thiếu sự quan tâm ân cần của người chủ gia đình.

Thư Mục Vụ mời gọi mỗi giới hãy chú tâm sống Lời Chúa. Vì “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Thi hành ý muốn của Chúa là sống đạo, là cố gắng sống niềm tin của mình. Làm sao cho mỗi Thánh lễ đều khơi dậy niềm tin của chúng ta. Mỗi Thánh Lễ dù có giảng hay không cũng đều vang vọng Lời Chúa trong tôi. Mỗi Thánh lễ dù đọc hay hát đều thể hiện tâm tình tạ ơn Chúa Cha, Đấng đã ban hồng ân cao cả là Con Một Ngài, Đức Giêsu Kitô cho chúng ta. Mỗi Thánh lễ dù có nhiều hay ít người tham dự đều giúp tôi nhận ra những lỗi lầm trước anh em mình. Mỗi Thánh lễ đều giúp tôi sống mỗi ngày theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Không sống Lời Chúa, không yêu mến Thánh lễ thì làm thế nào gọi là sống đạo?

IV. DIỄN GIẢI

“Đức tin có được là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,7).

Tin Chúa là tin vào Lời của Người, vào Kinh Thánh, mà Lời Chúa là chính Đức Giêsu Kitô. «Ai không tin Thiên Chúa thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối ; vì họ không tin vào lời chứng của Thiên Chúa về Con của Người » (1Ga 10). Vì thế, tin chính là đón nhận Con Thiên Chúa.

Đức tin không phát xuất từ đám đông, cũng không từ gia đình : ai tin thì tôi cũng tin theo. Đức tin là thái độ của mỗi một người ý thức về vai trò của mình trước Lời của Chúa : tạo vật trước Đấng Tạo Thành và tội nhân trước Thiên Chúa chí thánh. Tin là mở lòng đón nhận Lời của Thiên Chúa với sự vâng phục của lý trí và tình cảm vào sự quan phòng yêu thương của Chúa.

Tin là nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới và trên mỗi người, là đón nhận Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải qua Chúa Con, một Vị Thiên Chúa đang nói, đang lắng nghe và đang trả lời. Tin là nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng thể hiện quyền năng và tình yêu của Người qua Đức Giêsu Kitô, Con Một của Người. «Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người » (Dt 11,6).

Chỉ có một Tin Mừng được loan báo cho mọi người, bất chấp địa vị, trình độ văn hoá hay chủng tộc của chúng ta. Và Tin Mừng đó được chính Chúa Giêsu khẳng định về chính Ngài : «Tôi là cửa. Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu » (Ga 10,9) ; Ai không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, họ là những chiên lạc còn chưa vào đàn. Và Đức Giêsu nói tiếp : «Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên » (Ga 10,11). Quả thật, Người chính là vị Mục Tử, chân thật và duy nhất, ngoài Người ra «không có ơn cứu độ nơi một ai khác »(Cv 4,12). Tin là gắn bó vào Chúa, sống với Chúa, chứ không phải vào các tín điều.

Nhờ đọc, học, nghiền ngẫm Kinh Thánh và với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, người tín hữu đón nhận lời chân lý của Chúa và đón nhận chính Chúa. Chính sự dấn thân trọn vẹn cả con người mình gắn bó với Chúa làm cho chúng ta thực sự trở thành tín hữu, những người sống niềm tin vào Đức Kitô, Vị Cứu Chúa của mình.

Thật vậy, chỉ khi nào chúng ta đặt cược cả cuộc đời mình vài Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa, cho Chúa, và nói như Thánh Phaolô « Tôi sống ,nhưng không phải là tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi », thì mới gọi là sống đạo, sống theo Tin Mừng. Cuộc sống của chúng ta, như thế, thuộc trọn về Chúa. Thuộc về Chúa còn có nghĩa là chúng ta quyết định đón nhận ơn tha thứ của Chúa, chọn lựa Chúa làm Chũ Chăn, làm Đấng Cứu Độ và là Thầy hướng dẫn đường đời chúng ta, là phó mình vào Đấng đã nói : «Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi ; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. » (Ga 10,27-28)

Như vậy, học hỏi Lời Chúa không nhằm để thoả mãn kiến thức của mình, nhưng là để sống với Chúa, theo đường lối Chúa và thuộc về Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con vững tin vào Chúa và sống theo Lời Chúa dạy, để con được sống muôn đời. Amen

GỢI Ý SÁM HỐI
Đến nay tôi vẫn còn chưa thực hành Lời Chúa. Xin thương xót tôi.
Tôi thực hành Lời Chúa cách qua loa, chiếu lệ, thiếu tận tâm.
Tôi không hướng dẫn anh em thực hành Lời Chúa; trái lại, còn ngăn cản anh em thực hành Lời Chúa. Xin cho tôi biết sám hối “ và biết chú tâm thi hành Lời chúa.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa muốn thông ban sự sống của Chúa cho mọi người, cho những ai làm con Chúa, biết vâng lời, thi hành ý Chúa. Có sự Sốg của Chúa thì hạnh phúc vô cùng. Chúng ta hiệp ý tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho mọi người:

- Chúa phán: “Chỉ những ai thi hành ý muốn Cha Thầy mới được vào Nước Trời”. Chúng ta cầu nguyện mọi thành phần Dân Chúa biết luôn giúp nhau mến yêu và thực hành Lời Chúa, sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

- Tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu biết tìm đọc Thánh Kinh, hiểu Lời Chúa và thực hành Thánh ý Chúa.

- Chúa phán: “Ai yêu mán Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu yêu mến Chúa thật lòng, tuân giữ các lệnh truyền của Chúa, và giúp nhau thực hành Lời Chúa.

- Chúa phán: “Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, tận tâm thi hành ý muốn của Thiên Chúa, trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu.

Kết thúc: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến Ý Cha thể hiện dưới đấ cũng như trên trời. Xin Cha ban Thánh Thần giúp chúng con luôn thi hành ý Cha, xứng đáng là con Cha trong Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CANH TÂN : SỬA ĐỔI CHO NÊN MỚI

Nhà hiền triết thời xưa, xung quanh bồn tắm, cho khắc ghi câu như sau:” Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”, có nghĩa : ngày mới, càng ngày càng nên mới, và mới thêm lên mãi.

Dĩ nhiên không phải mới thể xác, tắm cho sạch, chớ không đổi mới được… nên phải hiểu là đổi mới về lối sống, đúng hơn là về tinh thần, về đạo đức.

Trong “Đại Hocï“ có câu: “ Minh đức, tân dân, chỉ ư chí thiện”, có nghĩa là: Đức sáng, làm cho dân nên mới, và bao giờ đến điểm hoàn hảo (chí thiện) mới thôi. Đó là giải thích lối canh tân, sống sửa đổi mình như thế nào, để mình được có đức hạnh rạng rỡ (minh đức), rồi giúp cho đời, cố gắng tiến mãi đến điểm hoàn hảo! Những ý nghĩ rất đẹp đấy !

Còn đạo chúng ta?

Không những dạy bảo, và dường như đòi hỏi chúng ta phải canh tân, lại chỉ đường :” Dùng Kinh Thánh để canh tân “.

Chúng ta nghĩ thế nào? Sống ra sao? Có lẽ thông thường chúng ta chỉ sống qua ngày đoạn tháng; tùy Chúa xoay vần đến đâu hay đó. Cũng có thể chúng ta cũng cố gắng cho đời mình không truỵ lạc, tội lỗi, cố gắng làm một số việc lành. Còn canh tân: Nên tốt hơn, nên lành thánh hơn, chúng ta không mấy chú tâm.

Thật ra, Chúa không tạo con người chúng ta trong tình trạng hoàn hảo. Ngay cuộc sống siêu nhiên, Chúa ban cho..và sau nguyên tội Chúa ban lại, nhưng vẫn trong tình trạng mầm mống; Chúa muốn như vậy, dường như Chúa muốn đòi hỏi, và đúng là Chúa đòi hỏi (nói “dường như” để tỏ ra: Chúa tôn trọng tự do của chúng ta, Chúa không áp đặt).

Tình trạng “mầm mống” nghĩa là Chúa đòi chúng ta phần nào cộng tác cho ơn Chúa lớn lên tức là phải canh tân, phải lớn lên, phải nên tốt lành hơn, thánh thiện hơn lúc sơ khởi và sinh nhiều bông hạt, nhiều hiệu quả.

Phần khác Chúa tạo nên con người là tiểu vũ trụ*, mà cũng lại là vua vũ trụ. Mình phải tốt, phải thánh mới đáng với chức vụ đó. Phải canh tân!

Hơn nữa, chúa bảo chúng ta phải nên trọn hảo như Cha trên trời, và chúng ta cũng biết, mình phải đạt vóc dáng viên mãn của Chúa Kitô. Phải canh tân!

Chúng ta làm sao đạt được? Đúng là vượt trên khả năng của con người ! Chúa bảo như thế nghĩa là bảo chúng ta thường xuyên (nhật nhật) canh tân.

Trong thực tế, Hội Thánh dạy chúng ta ba giai đoạn sống đạo: Thanh đạo, Minh đạo, Hiệp đạo. Nghĩa là trong cuộc sống đạo, trước tiên chúng ta phải sống như thế nào để không còn tội, không còn việc xấu, bớt khuynh hướng xấu, đó là thanh đạo (đạo trong sạch). Đó là khởi điểm canh tân.

Tiếp đến là sống đạo thể hiện được đức hạnh và nhiều việc lành (minh đạo), làm cho mình tiến nhiều trong canh tân và giúp người khác cùng canh tân.

Sau cùng canh tân tuyệt điểm là : nên giống Chúa Kitô như đúc và trọn lành “như” Chúa Cha trên trời. Tuyệt điểm theo khả năng hạn hẹp, kêu xin của con người, nhờ vào Lời Chúa để canh tân.

Chúng ta biết nhờ Lời chúa để canh tân? Có nhận định đời mình phải canh tân, canh tân thường xuyên, và canh tân mãi?....Xin Chúa canh tân. (Renovabis…).

NB : *Con người nói được gồm các thành phần của vũ trụ, nên gọi là tiểu vũ trụ. Và Chúa đặt con người điều khiển vũ trụ, nên nói đợc là vua vũ trụ.

THỰC THI LỜI CHÚA

1. Hội Đồng Giám Mục năm 2006 này muốn chúng ta Sống Lời Chúa. Đó là ý chỉ mục vụ chung cho toàn đất Việt.

Hội Đồng Giám Mục đã nhắc đến tính cách cao siêu của Lời Chúa (Kinh Thánh). Lời Chúa là lời tâm sự Chúa nói với loài người.

Lời Chúa cũng hiểu được là chính Chúa Kitô. Kinh Thánh cũng tuyên xưng Chúa là Ngôi Lời: Lời của Thiên Chúa (Dei verbum).

Để lời tâm sự Chúa được đến với loài người, thì Chúa Thánh Thần đã vận dụng lịch sử nhân loại và các Tiên Tri để đưa Lời Chúa vào tai các tín hữu.

2. Lời Chúa rất cao siêu đầy ngưỡng mộ, nhưng Lời Chúa không phải ở trên mây chỉ đểå chúng ta chiêm ngưỡng mộ mến, nhưng Lời Chúa lại khẩn thiết lợi ích cho con người.

Lời Chúa là sự sáng soi đường, giúp đi đúng không lạc. Lời Chúa là khôn ngoan, giúp ta đi vững, đi nhanh, Lời ban cho sự sống, ban sức mạnh, Lời giúp canh tân. Đúng là không ích lợi nào đáng trọng hơn.

3. Hội Đồng Giám Mục cố gợi ý cho chúng ta tìm đọc Kinh Thánh, đọc Lời Chúa, ham đọc. Lời Chúa là kho tàng có phần nào Chúa giấu trong Kinh Thánh, cần phải tìm gặp. Lời Chúa thường được trình bày đơn sơ nhưng chứa đựng những chân lý rất cao siêu, bao quát, sâu xa, nền tảng và cả những chân lý vượt tầm hiểu biết của con người. Có những điểm bên ngoài xem ra đối chọi nhau, làm cho người ta có thể hiểu lầm, hiểu sai (đã có xảy ra), Vì thế phải tìm đọc, nghĩa là đọc với tâm trạng nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và Hội Thánh hướng dẫn.

4. Quý báu hơn vì Lời Chúa, nếu biết tuân giữ, thì làm cho con người nâng cao phẩm giá không những hơn con vật mà chỉ còn kém Thiên Thần một chút ít.

5. Nhất là hữu ích cho giáo hữu đã trưởng thành. Từ nhỏ hay lúc mới giữ đạo, cách chung, ta thường giữ đạo theo cảm tình; cha mẹ bảo chúng ta nghe; còn người tân tòng thường cảm thấy đạo tốt cho nên theo, không mấy ai đặt vấn đề: theo đạo, tin đạo có lý không? Nhất là trước những mầu nhiệm, tôi có đủ lý để tin không?

6. Kinh Thánh: Lời Chúa mặc khải cho chúng ta những điều phải tin phải giư. Đòi chúng ta phải đọc, phải nghiên cứu phần nào, để đức tin của chúng ta không hoàn toàn do tình cảm mà phần lớn do lý trí đã được siêu hoá.

Mặc dầu chúng ta nhận thức được lý do cho thấy Mặc Khải, tin được, đáng tin. Tuy nhiên những chân lý Mặc Khải, chứa đựng nhiều điều vượt tầm hiểu biết, vừa cao siêu vừa bao quát, chúng ta khó đào sâu và hiểu biết trọn vẹn được; nhưng tin tưởng vào Chúa, nhờ Chúa soi sáng và Hội Thánh hướng dẫn, chúng ta mới có thể biết đủ, biết chính xác không lầm lạc.

NB : Hội Đồng Giám Mục không mong chúng ta thành những nhà chuyên khảo cứu Kinh Thánh. Vì dẫu là chuyên viên cũng không sao biết Kinh Thánh cho hoàn toàn được, vì có quá nhiều bộ môn, không bao trùm được. Hội Đồng Giám Mục muốn chúng ta đọc Kinh Thánh để đạo chúng ta có nền tảng, và cuộc sống chúng ta được phát triển tốt đẹp lên.

Điểm thực tế hơn cả là:

Chúng ta phải thực thi Lời Chúa. Thực thi nghĩa là chúng ta phải sống đúng theo lời Chúa dạy. Đó chính là là lợi ích thiết thực.

Đọc để biết, biết sâu là tốt. Đọc vì đọc mạnh, biết cái chi mình chưa biết ; biết, nhưng chỉ hơn những cái biết thông thường thì còn kém.

Đọc để thành những nhà thông thái, thành những chuyên viên! Không cần. Đọc để biết Chúa , để gần Chúa , giao tiếp với Chúa, và nghe Chúa hướng dẫn điều khiển cuộc sống, để sống như Chúa! Có như thế mới chính là thực thi, sống Lời Chúa.

VII. THÁNG 10

KÍNH ĐỨC MẸMÔI KHÔI
MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG THỰC THI LỜI CHÚA

Một người con hiếu thảo phải là người con luôn làm theo ý của cha mẹ mình. Người con hiếu thảo của Chúa Cha phải là người luôn thực hiện thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời, mới được vào mà thôi”. (Mt 7, 21).

Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa mời gọi con người đáp lại tình yêu Chúa: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, và “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.

Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà là dám hy sinh cho nhau, làm vui lòng nhau. Yêu Chúa không phải là chuyện tình cảm đơn thuần, nhưng là thực thi ý Chúa.Mẹ Maria quả là người con hiếu thảo trọn vẹn của Chúa Cha, một mẫu gương thực thi Lời Chúa: không cần rào đón, không cần nài nỉ, một khi vừa biết được ý Chúa, Mẹ mau mắn và tận tình thực hiện ý Chúa một cách quảng đại. Mẹ coi việc của Chúa Cha là việc của mình, và Mẹ hoàn thành thật đúng thánh ý của Chúa Cha.

Chỉ chiêm ngắm bối cảnh “Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh” (Lc 2, 22-35) cũng đủ để nhận ra Mẹ là người con hiếu thảo của Chúa Cha.Theo bản văn Lc 2, 22-35, thánh Luca cố ý dùng từ tiến dâng ( présenter: trình tiến):

Tiến dâng: trình diện, đứng trước nhan Chúa, ám chỉ con trẻ là tư tế, Đấng tế lễ.

Tiến dâng, còn có nghĩa là của lễ: Giêsu là của lễ dâng tiến Chúa Cha.

Ngoài ra, Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Đây là lần đầu tiên Thiên Chúa làm người bước vào đền thờ để chiếm hữu, vì đền thờ là nơi Chúa ngự.

Việc Mẹ Maria tiến dâng Chúa Giêsu là một cử chỉ tiên báo việc dâng tiến mai sau trên thập giá. Như vậy, qua việc tiến dâng con, bà mẹ khước từ một cái gì của mình để dâng lên cho Thiên Chúa.

Với cử chỉ đó, Đức Maria muốn nói lên rằng Giêsu thuộc về Thiên Chúa, chứ không phải là tư sản của riêng mình. Đó là thánh ý của Thiên Chúa: Chúa Giêsu nhập thể để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha, qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài sau này. Biết được thế, Mẹ Maria không cản ngăn, không giành Giêsu lại cho riêng mình, mà còn cộng tác vào chương trình cứu độ thật đúng ý Chúa Cha. Như vậy, việc dâng con của Mẹ Maria quả là một của lễ ân tình của người con hiếu thảo.

Hiểu được ý nghĩa việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh như vậy, tôi liên tưởng việc Abraham hiến tế Isaac ở dất Moriah: Một đàng Chúa hứa: “dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời . . .”, một đàng Chúa lại bảo: “Hãy đem Isaac làm lễ thượng tiến cho Ta . . .” Vậy mà Abraham vẫn vâng lời Chúa và mau mắn thực hiện theo lời Chúa dạy.

Cũng tương tự như thế, lúc ở Nazareth, trong buổi truyền tin, Đức Maria được biết con mình là Giêsu, là Đấng cứu thế: “Người sẽ nên cao trọng, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu David, triều đại của Người sẽ vô cùng tận”. Lúc đó, Maria đã mạnh dạn thưa: “Xin Vâng”.

Bây giờ tại đền thờ Giêrusalem, khi dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, Mẹ lập lại lời “xin vâng” một lần nữa, qua việc tiến dâng con mình, tiên báo cho việc tiến dâng trên thập giá mai sau. Mẹ can đảm chấp nhận vâng theo ý Chúa Cha, thể hiện rỏ nét thái độ hiếu thảo của Mẹ với Chúa Cha.

“Dâng con là lễ ân tình, dâng con Mẹ hiến bản thân.
Dâng con là lễ đoan nguyền, cam tâm nhận lễ buồn thương.
Theo con cùng lên thập giá.
Nay con tận hiến cho Mẹ, thân con và trái tim con.
Nay con nhận vác khổ hình, tâm tư và trí năng con.”

(Bài hát: DÂNG CON, của nhạc sĩ Viết Chung)

TÌNH MẸ QUA BỐI CẢNH: STABAT MATER

Đức Maria biểu trưng cho niềm đồng cảm. Mẹ đã bước theo hành trình thương khó của Đức Kitô, trong sự gắn bó toàn diện với con Mẹ, trong niềm đồng cảm sâu xa nhất, vì Mẹ đầy tình mẫu tử. Dưới chân thập giá đồi Calvê, Mẹ đứng thẳng, cho thấy lòng can đảm của Mẹ khi đón nhận thử thách.

Chiêm ngắm Mẹ đứng dưới chân thập giá, chúng ta có thể đọc được TÌNH MẸ:
“ Tình mẹ như biển bao la,
Lòng Mẹ là lòng nhân hậu của Cha,
Tình Mẹ như tình yêu Cha,
Tình Mẹ như tình Giêsu.”

TÌNH MẸ

+ Lòng can đảm của Mẹ.
Phúc âm thánh Gioan kể rằng: “ Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Maria, vợ ông Clôpas, cùng với bà Maria Macdala” (Ga 19, 25).

Mẹ đứng thẳng dưới chân thập giá, nói lên sự kiên nhẫn không dao động, và sự can đảm lạ thường khi đương đầu với đau khổ. Trong thảm cảnh đồi Calvê, Mẹ Maria được nâng đỡ nhờ đức tin, một đức tin được tăng cường qua những biến cố đời sống của Mẹ, và cách riêng qua đời sống công khai của Chúa Giêsu. Đúng như công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Giáo Hội nói rằng: “Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với con, cho đến bên thập giá” (LG 58).

Thật vậy, đứng dưới chân thập giá, Mẹ không kêu ca, không làm cho mọi người chú ý đến mẹ. Mẹ không đòi người ta trả đứa con duy nhất lại cho Mẹ. Mẹ chỉ đứng nhìn Chúa Giêsu, con Mẹ, chịu thống khổ. Có lẽ, Mẹ không phải là người lạnh lùng đến thế đâu. Thử hỏi, có người mẹ nào chẳng nát ruột tâm can, khi chứng kiến nỗi đau và cái chết sắp đến của con mình ?

Miếng nào ngon bằng con với mẹ ! Đứng kề thập giá, Mẹ rất mực thông hiệp với con trong nỗi khổ đau, mà tin vào ý định yêu thương của Chúa Cha muốn cứu chuộc thế gian. Mẹ chia sẻ nỗi đau khổ và sự vâng phục của con. Mẹ cảm thương với con Mẹ.

+ Lòng cảm thương .

Cảm thương không phải là than trách trước sự đau khổ của người khác, nhưng là biết đón nhận cách vô vị lợi nỗi đau khổ của người khác. Cảm thương vừa là chia sẻ nỗi đau khổ của người khác, vừa là cảm nghiệm được rằng: qua những đau khổ đó, Chúa vẫn dành cho ta một sự ưu ái trong lòng nhân hậu của Người.

Đứng bên thập giá, Mẹ Maria dũng cảm, không quay nhìn mình.

Trước kia, Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu, bây giờ, Mẹ phó nộp Người: cùng chia sẻ nỗi đau khổ và sự vâng phục của Người. Mẹ nghe Chúa Giêsu, con Mẹ thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?” thì tim Mẹ đau nhói. Mẹ kinh nghiệm như bị Chúa ruồng bỏ, nhưng vẫn tiếp tục tin vào lòng nhân từ và tình yêu vượt thắng sự dữ và tội lỗi.

Mẹ chia sẻ kinh nghiệm của Chúa Giêsu: khi nhìn lên Người, khi nghe những lời lăng mạ chế giễu của những tên lý hình, khi bạn bè, đồ đệ bỏ thầy để thoát thân, khi người trộm lành hoán cải. Mẹ nhẫn nhục và tha thứ, thông phần với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Thật quá tuyệt vời ! Mẹ không lẩn trốn, Mẹ đứng đó và chịu mọi thứ đâm chích, như Giêsu con Mẹ trên thập giá, không một manh áo che thân.

Mẹ Maria nhìn ngắm con và không quay mặt đi chổ khác. Mẹ cảm thương với con Mẹ. Quả thật: “Tình Mẹ như biển bao la, Lòng Mẹ là lòng nhân hậu của Cha”.

Từ chổ cảm nhận được Tình Mẹ dưới chân thập giá, chúng ta thấy lóe lên một chân trời mới:

TÌNH MẸ NHƯ TÌNH YÊU CHA.

Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: “Đây là Mẹ con”, và nói với Mẹ Người rằng: “Đây là con Mẹ” (Ga 19, 26-27).

Như Abraham xưa đã vâng phục và đã tin, ông sẳn sàng hiến tế Isaac, đứa con một của mình; và ông được gọi là cha của những kẻ tin.

Mẹ Maria, Mẹ của Isaac mới là Đức Giêsu, vì đã vâng phục và tin yêu, nay trở thành Mẹ Giáo Hội và Mẹ mỗi người chúng ta. Mẹ là hồng ân của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội đến tận thế. Mẹ là hiện thân kín đáo của lòng ưu ái êm dịu của Chúa Cha.

Tình mẹ như tình yêu Cha.

Vâng, nhìn thảm cảnh đồi Calvê, chúng ta thấy toát lên một bầu khí yêu thương vô cầu, bất chấp. Một tình yêu nhưng không: dù con người không là gì, tội lỗi đến đâu đi nữa, chẳng có một giá trị nào . . . Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Thiên Chúa thương con người đến xót xa. Thiên Chúa coi nỗi thống khổ của con người như là của chính mình. Xét theo kinh nghiệm về ơn cứu độ, thì đó là kinh nghiệm về tình yêu bất chấp của Thiên Chúa,

Tác giả Thánh vịnh 143 nói rằng: “Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa cần biết đến. Con người đáng là gì mà Chúa phải bận tâm” (Tv 143, 3).

Nếu con người là con số không, không là gì, thì làm sao có thể là đối tượng để Thiên Chúa yêu thương ?

Suy nghĩ mãi, tôi mới khám phá ra rằng: Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa chỉ vì con người là con Thiên Chúa.

Ở đây, tôi nhận ra Thiên Chúa là một người Cha mang phẩm chất người Mẹ: Tình Mẹ, tình Mẹ vừa sinh thành vừa ôm ấp, vừa rất nhưng không vừa tha thiết muôn vàn, vừa chấp nhận để tự do ra đi vừa thống thiết kêu gọi trở về. Tình yêu của Đấng sinh thành mãi mãi là như thế đó.

Xét kinh nghiệm về ơn cứu độ, nếu chỉ nhìn vào việc đồng lao cộng khổ của Mẹ với Chúa Giêsu mà thôi, thì vẫn chưa thể nhận ra “tình Mẹ như tình yêu Cha”. Bởi vì thế giới có thể được cứu độ mà không cần đến sự đau khổ của Chúa Giêsu, nhưng không thể không cần đến “tình yêu đi đến cùng”, mà thập giá đã chứng minh. Chính vì đã tự do vâng phục ý Cha trong yêu mến, mà Chúa Giêsu đã chấp nhận hiến tế để cứu độ thế gian. Và vì yêu thương cuồng nhiệt, trong Đức Giê su, Thiên Chúa đã phó mình cho đến chết. Đó là tình yêu của Đấng sinh thành, chỉ vì con người là con Thiên Chúa:

“Calvê chiều nào, Mẹ đứng đó, Trong thương đau, Trong xác thân Giê su, Trong nát tan con tim, Trong đớn đau thâm sâu, Chỉ vì đoàn con.”
(bài hát: Tình mẹ, của Phương Anh)

KẾT:

Trong lúc chúng ta chìm ngập trong đau khổ và sự ác, Mẹ Maria vẫn đứng đó. Mẹ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Mẹ nhắc cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ cầu nguyện với chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta.

Chúng ta xin mẹ Maria dạy chúng ta biết tháo gỡ mọi cản trở, để Chúa Giêsu có thể nhìn chúng ta từ trên thập giá của Người, để tình yêu của Người có thể đâm chích và cảnh tỉnh chúng ta; nhờ đó chúng ta có thể bắt chước Mẹ đứng thẳng ngắm nhìn thập giá, chứ không bỏ chạy.

VIII. HỌC HỎI KINH THÁNH

Bài 10: GIACOB VÀ CÁC CON ĐẾN AI CẬP.
(Stk 46-50).

1/ Những chương cuối của sách Stk đề cập đến những vấn đề gì?
Những chương cuối của sách Stk nói về cái chết của Giacob và Giuse.
2/ Ta có thể tóm tắt những chủ đề chính của sách Stk như thế nào?
Ta có thể tóm tắt những chủ đề sau:
* Thế giới và con người được sáng tạo nên trong sự hoàn hảo.
* Sau đó Satan đến với Vương quốc của nó là sự tội, bệnh tật và sự chết.
* Các chương 4-11 gây cho chúng ta một ấn tượng về sức mạnh của tội.
* Ở chương 12 Abraham đã được Thiên Chúa tuyển chọn, ông đón nhận những lời Chúa hứa và ký giao ước với ông. Sự cứu độ nhân loại được bắt đầu từ điểm nầy.
* Những lời hứa đã được nhắc lại với Isaac và Giacob. Noi gương Abraham họ hiến dâng chính bản thân và gia đình cho Thiên Chúa.
* Sau hết Giuse đã được chọn để bảo toàn gia đình lúc di chuyển sang Ai cập.
Lời Chúa: Giuse nói với anh em: “Tôi sắp chết, nhưng thế nào Thiên Chúa cũng sẽ viếng thăm anh em và đưa anh em từ đất nầy lên đất mà Người đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacob” (Stk 50, 24).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót của anh em con để con cũng được Chúa tha thứ cho.

IX. TẢN MẠN

CANH TÂN = ĐỔI MỚI

Đổi mới hình như là nhu cầu khẩn thiết của con người, vì không thập toàn lại có nhiều khiếm khuyết, nên luôn mong mỏi có được điều mình chưa có, còn điều đã có lại muốn cho nó tốt hơn, luôn muốn đổi mới. Con người vẫn muốn canh tân, không theo cách của người quân tữ, mà như con cái Chúa!

- Canh tân lối sống?
Cũng có lý! Không ăn lông ở lổ, đổi mới để có được nhiều tiện nghi ! Dầu sao cũng được chút thoải mái (còn vui phúc hoàn toàn thì không thể được!).

- Canh tân thể xác?

Đúng ra không thể được, chỉ có thể làm cho nó tăng trưởng tới mức, rồi nó từ từ tàn lụn; dầu vậy, cái hoài bảo canh tân không bỏ được, vẫn muốn cho thân xác được đổi mới!

Làm cách nào để đổi mới thân xác? Trang điểm nó! Tạo nên bộ mặt cớ trêu:

- Thi sĩ Nguyễn Du dường như kể cái đẹp tự nhiên của hai ả Tố Nga là chưa đủ, cho nên thi vị nó cho siêu hơn: sau khi tả mắt đẹp, mày đẹp, má đẹp coi bộ chưa đủ, ông còn thi vị hoá : mắt trong như mưa mùa thu, mày rậm như núi mùa xuân, xanh rờn như lá liễu, còn má đỏ loét cả hoa thắm cũng không bằng! Với đôimắt bình dân khi nhìn thấy đôi mắt trong veo, má đỏ chói, mày xanh rợn thì..đúng là đẹp như quỉ!

- Thời nay người ta cũøng muốn đổi mới. Cái đẹp tự nhiên chưa đủ, cho nên họ phết lên mi mắt một vệt đen, để giống như cú vọ ăn đêm, thấy mắt mà không thấy mi! Còn đôi mày thay vì tròn trịa suông dài như con tằm, thì lại vẽ giống như đuôi con nòng nọc, hay vuốt lên như ria ông táo, thêm cái kiểu tháp dài lông nheo, rủi có ai bị đá lông nheo hay đâm lông mày, không chết cũng có thể bị ngã lắm…Đẹp như ma!...

- Canh tân bằng lối ăn mặc? Thời xưa người ta ăn lông ở lổ phơi bày thân xác thì không đẹp, nên đổi mới! Xác không đẹp nên che đậy càng nhiều càng tốt; mặc áo phủ đít đã đành, mà cũng phủ cả đầu cả chân nữa: mođen đó xưa rồi! Moden ngày nay ăn mặc theo kiểu nghèo, thiếu vải phơi tay, phơi chân, phơi nhiều thứ nữa! Đây là cái đẹp vừa thô vừa nhớp!

- Biết đâu người ta lại hoàn nguyên. Kiểu mới theo Adong nguyên thuỷ. Bên Âu Châu vẫn có làng loã thể. Vào làng đó, trai gái, già trẻ đến sống theo thiên nhiên, khỏi tốn vải. Đổi mới theo kiểu hoàn nguyên.

Đổi mới, có nhiều kiểu đổi mới! Đổi mới nào có giá trị, và thật sự đáng trân trọng, đáng tìm?...

SỐNG LỜI CHÚA

Lời Chúa trong Kinh Thánh vừa dễ mà cũng vừa khó. Lời bao quát, lời cao siêu, lời nhiệm mầu.

Bao quát: vì tất cả mọi vấn đề về đạo đức, luân lý đều có đề cập hướng dẫn. Cao siêu: vì có những nguyên lý về bản tính, về mục đích của con người, là những điều rất cao siêu. Nhiệm mầu: vì hàm chứa những chân lý huyền nhiệm của chính Chúa, chính những công trình của Chúa!

Dẫu sao chúng ta cũng phải đọc. Đọc thì có đọc, và có nơi tổ chức cho thanh thiếu niên không những đọc mà còn học thuộc lòng cả Phúc Âm nữa. Đẹp quá ! Đọc thì có đọc, học thì cũng học ! Nhưng có hiểu không? Không phải dễ !

Trên nguyên tắc, đọc Phúc Âm để biết Chúa, để biết lời Chúa và sống theo lời Chúa.

Trong thực tế, dầu đã đọc Kinh Thánh, vẫn có người sống tào lao, sống không đúng Lời Chúa, sai ý Chúa, cũng có thể nghịch với ý Chúa nữa.

Những nhà lạc giáo, chắc hẳn là có đọc Kinh Thánh, có thể là chuyên viên nữa, nhưng không hiểu Lời Chúa, hoặc hiểu sai, hiểu theo ý riêng.

- Hiểu chưa thấu đáo: một thầy Dòng nhèo. Bệnh nhơn thèm đuôi heo; vì thương người, chạy đến nhà hàng xóm chặt một đuôi heo đem về nấu cho bệnh nhơn ăn cho vui: đó là thương ?

- Hiểu theo sở thích: người ta đánh mình thì đưa luôn má kia, đưa thì vẫn đưa, nhưng nhớ lời khác nơi Kinh Thánh: Đong đấu nào trả lại đấu ấy, đấu đã được dằn lắc nữa. Do đó, đánh lại đánh mạnh hơn!

- Hiểu Lời Chúa để bảo vệ , binh đỡ mình: cậu bé bị má phạt đòn, cậu tuyên bố: má không biết thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần sao?...Má không có quyền đánh!

- Hiểu tào lao hơn nữa: Chúa thương xót vô cùng, có tội nhiều được Chúa thương nhiều!. Cho nên tôi lao mình vào tội để được Chúa thương nhiều!!!.

Ai có tội thì đáng phạt, mà người không theo Chúa đáng phạt. Vậy phải thủ tiêu họ???

Đọc và hiểu biết Lời Chúa vẫn có chổ khó, và vẫn có nhiều người hiểu sai lạc. Muốn khỏi sai lạc, muốn được hiểu đúng, hiểu tốt Lời Chúa. Chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, và Hội Thánh hướng dẫn, phần chúng ta là phải khiêm tốn, đừng làm tàng, tự phụ mình thuộc Kinh Thánh!

Học võ, thuộc câu hiệu, múa khá đẹp, mà không biết đánh, nói được là chưa học võ.

Học cho biết để cảm thấy đẹp, thấy hay mà chưa sống Lời Chúa, chưa thực thi cho thích dụng thì là chưa học. Học phải kể là khó. Còn sống Lời Chúa, đòi hỏi nhiều hy sinh, có thể kể là rất khó. Phải biết mình không đủ khả năng, biết mình yếu kém, không đủ nghị lực để sống Lời Chúa, cần phải nhờ Chúa và Hội Thánh chỉ dạy.

Sống Lời Chúa phải bỏ mình và sống tới cuối đời mới được anh dũng. Nhiều trường hợp chỉ một lời thôi, cải tạo được lối sống:

Thánh Antôn, vì nghe Lời Chúa: “hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa” nên về bán của cải vào rừng ẩn tu để được gặp Chúa, thờ Chúa.

Thánh Phanxicô Xaviê nghe thánh Inhaxiô nhắc: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì đặng ích gì”. Lời này không những cảnh tỉnh mà còn cải tạo đời sống của Phanxicô; danh vọng tiền tài không còn hấp dẫn, mà đời sống truyền giáo và chịu khó hy sinh đã thu hút Phanxicô.

Chúng ta có nhận biết Lời Chúa, có đọc Lời Chúa và có sống Lời chưa?

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHỮNG BÀI HỌC TỪ THẤT BẠI

Thất bại không có nghĩa là tôi không có khả năng, mà là tôi chưa thành công.
Thất bại không có nghĩa là tôi chẳng làm được gì, mà là tôi đã học thêm một điều gì đó.
Thất bại không có nghĩa tôi chịu ô nhục, mà là tôi đã dám đương đầu.
Thất bại không có nghĩa tôi chẳng có việc, mà là tôi có việc cần làm theo hướng khác.
Thất bại không có nghĩa là tôi thấp kém, mà là tôi không hoàn hảo.
Thất bại không có nghĩa tôi hoang phí cuộc đời mình, mà là lý do để tôi bắt đầu lại.
Thất bại không có nghĩa tôi nên chối bỏ, mà là tôi phải nổ lực hơn nhiều.
Thất bại không có nghĩa tôi sẽ chẳng bao giờ thành công, mà là tôi cần đến sự rèn luyện nhiều hơn nữa.
Thất bại không có nghĩa chúng ta phải ruồng bỏ bản thân, mà là chúng ta cần một ý tưởng tốt đẹp hơn.
Vậy khi chúng ta…lỡ thất bại thì chúng ta biết phải làm gì phải không nào? (HOÀI BẢO)

1270    20-04-2012 14:53:42