Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Tương Quan Giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền - Tháng 05 năm 2006

CHỦ ĐỀ: TƯƠNG QUAN
GIỮA KINH THÁNH VÀ THÁNH TRUYỀN

I. HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẶC KHẢI số 9

Thánh Truyền và Kinh Thánh được nối kết và thông giao với nhau cách chặt chẽ. Thật thế, do cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch thần linh, có thể nói cả hai kết hợp thành một và cùng quy hướng về một mục đích. Quả vậy, Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa nói, xét theo tư cách được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; còn Thánh Truyền thì truyền đạt nguyên vẹn cho các đấng kế vị các Tông đồ Lời Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ký thác cho các Tông đồ, để các đấng kế vị đó, nhờ ThánhThần chân lý soi sáng, trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến Lời ấy bằng việc rao giảng. Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ Kinh Thánh mà kín múc được niềm xác tín về mọi điều mạc khải. Chính vì thế cả Kinh Thánh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn trọng với một lòng quý mến và thành kính như nhau.

II. DẪN GIẢI

Hiến Chế dạy cho chúng ta nhận thấy Thánh Kinh và Thánh Truyền nối kết nhau chặt chẽ. Chúng ta có thể hiểu:

Thánh Kinh là mạc khải được ghi chép thành sách, ghi lại những chân lý, những luật lệ, những hành động của Thiên Chúa , để chúng ta được cứu rỗi.

Thánh Truyền nói được là thực tế sống Lời Chúa: hiểu biết đúng, dẫn giải chính xác. Chính các tông đồ, các đấng kế vị các tông đồ và nhiều vị thánh đã giữ và đã sống như thế.

Thánh Kinh và Thánh Truyền nối kết nhau vì được phát xuất bởi một nguồn là Chúa Thánh Thần (Chúa dùng các tiên tri mà phán dạy - cũng chính Chúa làm cho được sống).

Cũng có thể nói: Thánh Kinh là lý thuyết, còn Thánh Truyền là thực tế sống Thánh Kinh, hai phương diện của một thực thể là Lời Chúa.

Kết luận: Chúng ta phải đón nhận, yêu kính, cả Thánh Kinh và Thánh Truyền.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

THÁNH ĐỊA

Khi còn là chủng sinh, Fred Rogers có thói quen đến nhiều nhà thờ khác nhau, để nghe nhiều cách giảng. Một Chúa Nhựt nọ, ông đã chịu đựng “một bài giảng được nhào nặn cách tồi tệ nhất mà tôi đã từng nghe trong đời tôi”. Nhưng sau đó Rogers đã nhận ra là người bạn cùng đến nhà thờ với ông đã rơi lệ. Cô ta cảm nghiệm về bài giảng ấy một cách hoàn toàn trái ngược lại với ông. Cô ta đã gặp được đúng điều mà cô ta cần hôm ấy.

Fred Rogers chia sẻ: “Lúc ấy tôi nhận thức được rằng khoảng không gian giữa người đang cố gắng hết sức mình để cống hiến và người đang cần được giúp đỡ là một không gian linh thánh – không gian của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi bài giảng dở đó thành tuyệt vời cho cô ta và – như đã xảy ra – cho cả tôi nữa.”

Đôi khi, những bối cảnh nhìn hoặc nghe khác nhau có thể làm cho ta có những phán đoán khác nhau.

“Tất cả đều có đôi, cái nầy đối cái kia…Vật nầy làm tôn vẻ đẹp của vật kia.” (Hc 42, 24-25).
Chúa Thánh Thần không chỉ hiện diện trong Lời Chúa mà còn qua Hội Thánh và trong những hoạt động của Hội Thánh nữa!
Lạy Chúa, xin cho con vững tin vào sự hiện diện của Chúa trong Hội Thánh của Người, để con luôn vâng nghe theo sự chỉ dạy của Huấn Quyền. Amen

IV. DẪN GIẢI

1. Tương quan giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Thánh Truyền và Kinh Thánh : “liên kết, phối hợp mật thiết với nhau; vì cả hai phát xuất từ cùng một nguồn mạch và cùng hướng về một mục đích” (MK 9).

Nguồn mạch ấy là Thiên Chúa, Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4). Và mục đích ấy là để cứu độ con người.

Tuy nhiên Thánh Truyền và Kinh Thánh được phân biệt với nhau vì là hai cách lưu truyền mặc khải khác nhau. Một đàng, trong Kinh Thánh “Lời Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”. Đàng khác, trong Thánh Truyền, cũng là Lời Chúa, Lời mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ, rồi các tông đồ lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, nhưng Lời ấy được lưu lại bằng gương sáng, thể chế và lời rao giảng.

Cả hai “hợp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa” (MK 10). Vì thế “cả Kinh Thánh và Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau” (MK 9).

2. Huấn Quyền

Lời Chúa được chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền là gia sản đức tin vô giá. Gia sản ấy được uỷ thác cho toàn thể Hội Thánh, nghĩa là không chỉ cho hàng Giáo Phẩm nhưng cho tất cả Dân Thiên Chúa, trong đó “các Giám mục và tín hữu hiệp nhất với nhau cách lạ lùng, cùng tuân giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin lưu truyền” (MK 10).

Tuy nhiên, “nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động trong Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân Danh Đức Giêsu Kitô” (MK 10).

Như thế, nhiệm vụ giải thích Lời Chúa được trao cho các giám mục trong mối hiệp thông với Giám mục Rôma là Đức Giáo Hoàng. Nhiệm vụ ấy được thể hiện cách đặc biệt khi Huấn Quyền xác định những tín điều và đòi buộc mọi tín hữu phải tin.

Vậy phải chăng Huấn Quyền ở trên cả Lời Chúa? Không. Huấn Quyền “không vượt trên Lời Chúa, nhưng thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa, phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì được truyền lại mà thôi” (MK 10).

3. Thái độ của người tín hữu.

Người tín hữu đón nhận giáo huấn của Huấn Quyền trong tinh thần đức tin: Tin rằng chính Chúa Thánh Thần tác động trên các tác giả viết Kinh Thánh, cũng chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong truyền thống sống động của Hội Thánh, và cũng chính Chúa Thánh Thần đang tác động trên Huấn Quyền nhằm hướng dẫn các tín hữu và cứu rỗi các linh hồn (MK 10).

(Trích Sách GLHTCG, Biên Soạn Cho Giáo Dân tr. 19-21)

Kiểm điểm:

Chúng ta có mến trọng Thánh Truyền không?

Có nhận Thánh Kinh và Thánh Truyền là nhu cầu khẩn thiết cho công cuộc cứu rỗi không?

Không nhờ Thánh Kinh và Thánh Truyền, chúng ta không thể thấy rõ, thấy hết được chân lý; khó thấy được Chúa và cũng không thể sống đạo đức, thiện hảo được. Chúng ta nghĩ thế nào?

Chúng ta có làm gì để cho mình học biết mến trọng Thánh Kinh và Thánh Truyền chưa?

Có tìm đọc Thánh Kinh và học hỏi về Thánh Truyền không?

Lạy Chúa, xin cho con biết thành tâm vâng phục quyền bính Hội Thánh. Amen.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thánh Kinh và Thánh Truyền là hai cách thức lưu truyền mạc khải của Chúa, bởi một Chúa Thánh Thần duy nhất linh hứng và hướng dẫn. Chúng ta hãy luôn cảm tạ ơn Chúa, và cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

  1. Chúa phán: “Các con đã nghe dạy người xưa… còn Ta, Ta dạy…”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, nhận biết rằng: Thánh Kinh là Lời Chúa được lưu giữ bằng chữ viết, và Thánh Truyền là Lời Chúa được loan báo bằng cuộc sống, bằng hành động.
  2. Chúa Giêsu phán: “Ta không đến để huỷ bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, vừa ham đọc và hiểu Thánh Kinh trong Chúa Thánh Thần, vừa biết thực hành điều mình đã hiểu Lời Chúa.
  3. Khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu đã trưng dẫn Thánh Kinh để chiến thắng ma quỷ: “Có lời chép rằng: người ta sống không nguyên bởi bánh”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, ghi nhớ và sống Lời Chúa, để ứng phó với mọi nghịch cảnh.
  4. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, siêng năng tham gia thực hành lời truyền dạy của Chúa, qua thế hệ này, đến thế hệ kế tiếp trong đời con cháu.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho loài người bằng nhiều cách. Xin cho mọi người nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, đón nhận Thánh Kinh và sống Lời Chúa, hầu cho mọi người cùng được hưởng vinh phúc thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÂN ƯỚC TIỀM ẨN TRONG CỰU ƯỚC

Là người Công Giáo, tôi thường đọc Tân ước, nhất là những đoạn Phúc Âm, nay tôi có dịp đọc và nghiên cứu phần Cựu ước. Tôi thấy giáo lý của hai phần Tân ước và Cựu ước khác nhau hẳn. Trong Cựu ước thì một gia sản vật chất được hứa ban cho dân; trong Tân ước, sự cứu độ vĩnh cửu được hứa ban cho từng cá nhân. Làm sao dung hòa được những cái khác đó?

Thật ra, điều thoạt nhìn được coi như là sự “khác biệt căn bản” thì chỉ là khác biệt sắc thái và tiệm tiến thôi. Vì đây là câu hỏi được một người công giáo nêu lên, nên tốt hơn là nhắc lại lời của Hiến chế về Mạc Khải của Công Đồng Vatican II: “Thiên Chúa, Đấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu ước cũng như Tân ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân ước được tiềm ẩn (latet) trong Cựu ước, và Cựu ước được tiết lộ (patet) trong Tân ước” (Mk 16). Đây là câu nói chơi chữ của thánh Augustinô, đối chọi hai động từ Latinh latet (ẩn giấu) và patet (tiết lộ). Cái này bổ khuyết cho cái kia.

Quan niệm đó đã được biểu minh nhiều lần từ buổi ban đầu của Kitô giáo và trong thể văn sáng như chớp. Pascal đã viết: “Đức Giêsu Kitô được cả hai giao ước nhìn vào. Cựu ước nhìn Ngài như kẻ được trông đợi, Tân ước nhìn Ngài như gương mẫu; cả hai nhìn Ngài như trung tâm điểm”.

Những bản văn của Cựu ước và Tân ước bổ khuyết cho nhau, người ta không thể đem cái này đối nghịch với cái kia được. Đàng khác, cũng không hoàn toàn đúng, nếu nói rằng Cựu ước chỉ hứa ban một cơ nghiệp trần thế. Ngay từ trong sách Ngũ Kinh, khi Thiên Chúa bênh đỡ Israel, Ngài đã đưa ra một lý do với một bản chất khác hẳn: “ngươi sẽ nên một dân thánh cho Yavê Thiên Chúa” (Đnl 26,19).

Thật thế, dân được chọn không phải lúc nào cũng phân biệt được một cách rõ rệt thành quả của mình với vinh quang của Chúa; nhưng những sách cuối cùng trong bộ Cựu ước trình bày những đoạn văn rất ý nghĩa, cho thấy Israel đã tiến triển về ý thức tôn giáo: “Thà vô hậu (không con) mà nhân đức ! Quả thế, nhân đức bởi được ghi nhớ mà đạt trường sinh. . . Cái thọ đáng kính đâu phải chỉ nhiều năm hay đo bằng số tuổi. . . Sống không vết nhơ đã là già lão cao niên.” (St 4, 1. 8. 9).

Để đưa dân tộc này được lựa chọn giữa bao dân tộc thời cổ sử đến một quan điểm cao xa như vậy, đã cần phải có một nền giáo dục lâu dài; và như chúng ta biết, đến các tông đồ vẫn còn thường làm cho Chúa Giêsu đau lòng vì “sự thiếu hiểu biết của các ông”.

Song song với nhận xét trên, thật ra cũng không hoàn toàn đúng, nếu đem đối chọi Cựu ước như là nơi đem hạnh phúc cho một tập thể, với Tân ước như là nơi đem sự cứu độ cho cá nhân. Thực thế, cả trong lãnh vực này nữa, từ sách này đến sách kia của Cựu ước, ta thấy có sự tấn tới rõ rệt. Điều đó được chứng minh đặc biệt qua sách Ezéchiel 18, 20 : “Mạng nào mắc tội mạng ấy phải chết, con không mang lấy tội của cha, và cha không mang lấy tội của con. Sự thiện của người công chính đậu trên người công chính; sự dữ của ác nhân đậu trên ác nhân”.

Ơn cứu độ của mỗi người là công việc của mỗi người.

Cũng vậy, sứ điệp của Tin Mừng sẽ bị bóp méo, nếu nó bị thu hẹp vào lời giảng Tin Mừng cho việc cứu độ cá nhân: Thánh Gioan nói đến cây nho, thánh Phaolô nói đến nhiệm thể. Điều đó cho thấy rõ là người Kitô hữu không thể thờ ơ với sự cứu rỗi của anh em: “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc lấy nhau. Một bộ phận đau ư ? Hết các bộ phận cùng đau với nó; một bộ phận được vinh dự ư ? hết các bộ phận chia vui với nó ! Mà anh em là thân mình của Đức Kitô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể” (ICor 12, 25 – 27).

Trong Công đồng Vatican II, chương II của Hiến chế về Giáo Hội nói về “Dân Thiên Chúa”, đề tài này được điều hòa rất đẹp: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện”. (GH 9)

Còn về việc đem sự đối chọi hạnh phúc trần gian với ơn cứu độ đời đời, cũng không tuyệt đối tí nào. Một đàng Cựu ước đã cảm thấy trước rằng hạnh phúc tuyệt đối không hệ tại ở “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế, và dân Ta hưởng ân lộc dư đầy” (Jer. 31, 14), mặc dầu đúng ra thì Cựu ước chưa biết rõ ràng về đời sống vĩnh cửu sau khi chết. Nhưng cũng phải nhận thấy rằng ơn cứu độ đời đời được Chúa Kitô hứa, không phải là thứ cứu độ “không có xác”. Mà đó là tất cả con người, xác và hồn, con người đó “trong trời mới đất mới” (Kh 21,1) sẽ ở đời đời với con người đã Phục sinh. Thánh Phaolô nói trong thư Roma 8, 19 : “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người”.

(trích En ce temps – là, journal de la Bible)

VII. HỌC HỎI KINH THÁNH

BÀI 5: CA-IN VÀ A-BEL
(St 4-11,1tt)

1/ Câu chuyện Ca-in và A-bel có ý nghĩa gì?
Câu chuyện Ca-in và A-bel có nhiều ý nghĩa:

* Cain và Abel cả hai đều dâng lễ vật cho Thiên Chúa, nhưng Chúa lại chấp nhận của lễ cùa Abel mà không nhận của lễ Cain. Do đó Cain đã ganh tị với em và oán giận Thiên Chúa. Vì vậy, Cain đã tìm dịp giết em mình cốt ý muốn để “dằn mặt” Thiên Chúa, giết nó rồi để thử xem còn ai dâng lễ cho Chúa nữa không.

* Khi con người lỗi phạm với anh em mình cũng là lỗi phạm với Chúa.
* Tội đã gây chia rẽ, ganh tị và anh em giết hại lẫn nhau.
* Tội lỗi tiếp tục lan tràn.
2/ Lụt đại hồng thủy cho ta thấy điều gì?
Lụt đại hồng thủøy nhấn mạnh:
* Tội lỗi đã lan tràn đến hết mọi người.
* Phản ứng của Thiên Chúa đối với sự tội.
* Tội đã lan tràn nhanh chóng đến nỗi nước lụt cũng không tẩy xóa hết.

3/ Câu chuyện tháp Babel cho ta bài học gì?
Câu chuyện tháp Babel cho ta các bài học sau:
* Sự kiêu ngạo thậât đáng nguyền rủa.
* Tội làm nẩy sinh bất hòa và hỗn loạn giữa loài người.
Lời Chúa: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (Stk 8, 21).

Cầu nguyện: Xin Chúa tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong con người chúng con để chúng con thấy được Chúa trong người anh em con.

VIII. SỐNG ĐẠO (tt)

3. Giữ Đạo Mà Chưa Đạo
Chỉ giữ bề ngoài, giữ theo lệ, xưa bày, nay làm, thì đó là giữ đạo mà chưa phải là đạo.

Về điểm này, có thể quả quyết: tín hữu sống trong tình trạng này, không phải là ít đâu! Mỗi người có thể trong chính mình giữ đạo mà chưa đạo.

Nguyên nhân có thể là do việc đào tạo. Khi còn bé, má dạy đọc kinh, em bé thuộc nhanh, biết đọc kinh cả lúc còn bú nữa; nhưng không ai dạy cho biết tại sau phải đọc kinh, đọc kinh thế nào mới đúng, mới tốt. Rồi khi lớn lên học Rước Lễ vở lòng, Thêm Sức, Bao Đồng, phần nhiều là dạy những câu thiệu cho biết Chúa, biết mười Điều răn, biết Bí Tích, lãnh Bí Tích (chỉ dạy những câu thiệu) còn chính ý nghĩa có khi không nói đến.

Có thể đưa ra ví dụ: học võ để múa chứ không phải để đánh; múa giỏi mà chưa phải là võ. Cũng giống như thế, học đạo, múa đạo mà chưa phải là đạo.

Do người dạy không lưu tâm giúp cho biết ý nghĩa chính xác: tại sao có đạo? Tại sao giữ đạo? Giữ đạo thế nào mới đúng mới tốt?

Phần khác, tâm não của người Á Đông chịu ảnh hưởng của nho gia. Học thì chú trọng đến từ chương nhiều hơn, nhớ nhiều, mà ít suy nghĩ.

Vả lại, đạo tuy cao sâu vô cùng, ta không bao giờ biết đủ, biết hết về Chúa. Cho nên, có thể có những điểm mới lạ gây được tâm trí chúng ta tìm đến, nhưng giữ đạo thì những tác động ngay cả ý thức nữa, cũng đơn điệu, đồng điệu, ngày nào cũng như ngày nấy… dễ làm cho những tâm hồn chưa nhiệt thành đâm ra nhàm chán.

Chỉ nhờ vào tiềm thức nhận thấy mơ màng, đạo là tốt, nên cứ làm, làm theo người, làm theo lệ, làm như trẻ con, chưa trưởng thành, không ý thức.

Hiện tình, trong thực tế, chúng ta đọc kinh, xem lễ lần chuổi thế nào? Ngay trong giới nhà tu cũng khó tránh làm việc theo lệ.

Có một khía cạnh khác cũng nói được giữ đạo mà chưa đạo! Giữ đạo theo lối Pharisêu, là lối lạm dụng đạo, giữ đạo không gì là phận sự, là nhiệm vụ đối với Chúa, với người… là đường lối để mình nên là người tốt, người đáng được Chúa thương.

Làm dụng đạo là giữ đạo để lên mặt: ăn chay, giữ luật rồi tự phụ ta đâu phải như hạng thu thuế, nơi công cộng phải nhường chỗ cho ta, ngoài đường phố phải nể trọng ta… cất nhà thờ, trong thâm tâm có thể tự nhận ta đâu có thua ai. Cất nhà thờ to hơn, đẹp hơn: Ta không thua ai mà còn ngon hơn.

Giữ đạo, ăn chay, đọc kinh nhiều để moi ví tiền của bà goá. Giữ đạo làm phúc… để Chúa ban lại cho gắp trăm.

Giữ đạo như thế, có nói được là giữ đạo không? Đúng là chưa biết đạo, hoặc biết ít nhiều rồi làm dụng đạo. Như thế thì không gọi được là người có đạo, sống đạo! Chúng ta thế nào?

Xin Chúa cho chúng ta nên hạng trưởng thành biết đón nhận mặc khải Chúa, biết nhận đinh đó là luật lệ của Chúa định đặt. Mặc dầu chúng ta tự do nhưng buộc phải tuân giữ. Tuân giữ đúng với ý Chúa! Tuân giữ không như nô lệ, bị băét ép không còn tự do; Nhưng tuân giữ như là con hiếu thuận với tự do tuân phục.

Đó là phẩm giá và là hạnh phúc của con người.

IX. TẢN MẠN

ĐIỆN THOẠI

Đêm Phục Sinh, có anh bạn gởi đến một tin nhắn có nội dung: “MỪNG CHÚA SỐNG LẠI. ALLELUIA”. Biết rồi, nhưng khi đọc tin này, lòng mình thấy vui hẳn lên, nghỉ ngay đến người bạn ở xa đang có một tâm trạng phấn khởi, đã truyền đến cho mình một niềm vui tinh thần đúng lúc trong đêm mừng Chúa Phục Sinh.

Nghỉ thêm, ngày xưa nếu có điện thoại, chắc Maria Mađalêna đỡ phải chạy hối hả trong buổi sáng tinh mơ để gặp các môn đệ của Chúa báo tin mừng Phục sinh.

Sau này khi gặp lại người bạn ấy, mình hỏi tại sao nhắn tin, anh ta trả lời: Vừa mừng Chúa sống lại khải hoàn, vừa cảm thấy khoẻ sau Tam nhật Vượt Qua căng thẳng. À thì ra thế, một niềm vui vừa siêu nhiên vừa tự nhiên. Làm mục vụ mệt quá, đến lúc này xả hơi được rồi, muốn chia sẻ niềm vui với bạn bè qua điện thoại di động.

Điện thoại được xem là một phát minh tiện ích trong lãnh vực truyền thông. Ở cách xa nhau hàng nghìn cây số vẫn có thể liên lạc được với nhau, nghe rõ như hai người đang ở cạnh nhau. Nhanh quá, tiện quá, đỡ tốn thời gian biết bao. Theo số liệu của Tổng công ty Bưu Chính Viễn Thông, cả nước hiện có10.900.000 máy điện thoại, trong số đó máy cố định chiếm 52%, máy di động chiếm 48%. Theo xu thế phát triển hiện nay, số máy điện thoại di động sẽ được sử dụng nhiều hơn điện thoại cố định vì những tiện ích như không dây, gọn nhẹ, đi đâu cũng đem theo được, ngoài ra còn kèm theo những chức năng như tính toán, lưu trử thông tin, nghe đài, xem TV, nối mạng internet, thậm chí cả ghi âm, chụp ảnh, quay phim, nghe nhạc …

Tôi còn nhớ, lúc điện thoại còn hiếm, một ông biện có đứa con đi học ở Thành Phố điện thoại về thăm nhà nhờ qua điện thoại công cộng. Được tin thằng con gọi về, người cha mừng luýnh quýnh chạy ngay vào điện thoại. Ông ta la thật to, ở ngoài ai cũng nghe:

Alô, thằng Vũ đó hả? …
Alô, không nghe gì hết …
Phải thằng Vũ đó hôn? Sao không nói gì hết vậy? …
Ba nè con … Alô… Trời đất ơi! Có nghe gì đâu.
Bước ra ngoài với vẻ mặt tiu nghỉu, ông ta mắng vốn chủ máy:
Máy của anh hư rồi. Sao tui hổng nghe gì ráo trọi.
Sao kỳ vậy, để tui thử coi.
Sau khi kiểm tra, chủ máy nói:
Đâu có hư hao gì. Anh nghe thử coi.
Ông biện trợn mắt:

Hèn chi. Hồi nảy tui đặt đầu nói vào lổ tai, còn đầu nghe tôi đặt vào miệng !
Thiệt là mệt cái ông hai lúa này quá.

Đó là câu chuyện có thật về máy điện thoại cố định. Tiếp theo là câu chuyện khác về máy điện thoại di động.

Trong tuần tỉnh tâm các linh mục, Đức Cha đang giảng, không khí im lặng như tờ, một tiếng động nhẹ cũng nghe. Bỗng có tiếng reo như dế gáy, to dần to dần … Tội nghiệp cho cha già quờ quạng chụp chỗ này sờ chỗ kia, đến khi moi được cái điện thoại di động ra khỏi túi quần, thì cũng không biết bấm chỗ nào cho nó câm. Mọi cặp mắt đều hướng về cha già, vừa mắc cười cũng vừa thông cảm với cha-già-đi trước–thời-đại. Sau giờ giảng, cha tâm sự: đứa cháu mới cho cái điện thoại di động, chưa rành sử dụng làm sao, nhiều nút quá, không biết bấm nút nào, hồi nảy bấm chỗ nào nó cũng kêu. Xấu hổ quá!

Trong khi đó ở một số tỉnh thành, nhiều em học sinh cấp I cũng đã được cha mẹ trang bị điện thoại di động để có thể liên lạc trong việc đưa đón, hoặc giúp cha mẹ kiểm soát giờ học.

Điện thoại chỉ là những phương tiện truyền thông mà nếu biết sử dụng đúng đắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp. Nhiều người hiện nay chưa được đào tạo về kỷ năng sử dụng điện thoại nên đã mất nhiều thời giờ, sức khoẻ, tiền bạc. Nhất là giới trẻ sử dụng điện thoại như một thứ thời trang đắt tiền, xem ra lợi bất cập hại.

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

THIÊN CHÚA NÔN NAO CHỜ NGHE TA NÓI

Văn sĩ John Fisher đã chia sẻ về một trong những tật xấu nhất của ông: mỗi khi con ông khoe với ông điều gì đó mà chúng vừa mới phát hiện được, ông thường trề môi bảo rằng chuyện đó xưa như trái đất!

Vợ ông, ngược lại, luôn luôn cảm thấy thích thú mỗi khi bà nghe một điều chi đó “mới”. Miệng bà há hốc, mắt bà mở rộng, xem chừng bà sửng sốt lắm. Suốt một thời gian dài, Fisher nghĩ rằng vợ mình chỉ giả bộ ngạc nhiên như thế, và chắc chắn là rốt cục, bọn trẻ sẽ nhận ra. Nhưng dần dần ông thấy rõ là vợ mình không hề đóng kịch, bà ấy thật sự cảm nhận một điều gì đó mới mẻ xuyên qua những khám phá của bọn trẻ.

“Thiên Chúa cũng vậy” - Fisher viết – “Ngài là Đấng toàn năng toàn trí; nhưng Ngài vẫn háo hức lắng nghe lời cầu nguyện của ta, bởi vì Ngài chưa bao giờ nghe những lời ấy trong một thể cách hoàn toàn giống với thể cách bày tỏ của ta. Mỗi người chúng ta hoàn toàn độc đáo; vì thế cuộc sống, kinh nghiệm và đức tin mà mỗi người chúng ta diễn tả với Thiên Chúa thì không bao giờ cũ.”

Chỉ cần dành ra ít nhất ba phút mỗi ngày là bạn có thể bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa rồi. Ngài chờ đợi để nghe bạn đấy!
Cũng thế, bạn chỉ cần dành ra ít phút mỗi ngày đọc Kinh Thánh, bạn sẽ gặp được chính Chúa hiện diện nơi Lời của Ngài.
“Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn Danh Người là Đức Chúa các đạo binh” (Is 54, 5).
Lạy Chúa chí ái, xin giúp con nghe được tiếng Ngài trong sâu thẳm lòng con. Amen

(Trích Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến, Christophers)

XI. LỜI HAY Ý ĐẸP

Không bao giờ là quá trể để bạn có thể tạo ra may mắn cho chính mình.
Và bạn có thể tìm được sự may mắn từ chính sự không may mắn, những bất hạnh, những thất bại của mình. (First News)

6709    20-04-2012 15:12:46