Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Vai Trò Của Chúa Thánh Thần Trong Thánh Kinh - Tháng 03 năm 2006

CHỦ ĐỀ: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN
TRONG THÁNH KINH

I. THỤ MỤC VỤ 2005 số 4

Trong cuộc đối thoại kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng. Bởi lẽ Thánh Kinh được viết ra dưới sự linh hứng của Ngài. Như vậy, một đàng Ngài soi sáng việc soạn thảo Thánh Kinh, đàng khác Ngài “đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý. Và để người ta hiểu biết Mạc Khải sâu xa thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng ban các ơn huệ mà kiện toàn đức tin”(MK 5).

Nhờ Chúa Thánh Thần mà kho tàng Mạc Khải được lưu truyền cách nguyên vẹn cho mọi thời đại. Chính Ngài đã và đang “làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ” (MK 8). Nhờ sự soi sáng hướng dẫn của Ngài, chúng ta có thể mạnh dạn thân thưa cùng Chúa Cha trong tâm tình con thảo : “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15).

II. DẪN GIẢI

Hội Đồng Giám Mục dạy cho chúng ta nhận biết công trình Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh:
1. Chúa linh hứng nghĩa là soi sáng bên trong (linh) cho tác giả đón nhận (hứng) chân lý để viết thành sách.

2. Chính Chúa Thánh Thần lay động tâm hồn con người vui nhận, vui tìm Chúa và kiện toàn đức tin.

3. Cũng chính Chúa Thánh Thần gìn giữ cho Mặc Khải, cho Lời Chúa được trường cửu, nguyên vẹn.

4. Chúa Thánh Thần còn kích động cho Lời Chúa vang dội trên khắp thế giới, nhờ đó, tín hữu được có tâm tình con thảo thân thưa với Chúa: “Abba”: Lạy Cha.

Xin Chúa Thánh Thần đến canh tân gương mặt trần thế. Renovabis faciem terrae!

III. CHUYỆN MINH HỌA

Ngày Chào Đời

Ngày 12-10-1999, một cậu bé cân nặng 3, 55kg đã chào đời lúc 00g:03’ tại Sarajevo, Bosnia. Cậu đã được Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc chào đón như là biểu tượng của công dân thứ 6 tỷ của thế giới. Sự lựa chọn nầy chỉ là ngẫu nhiên, do Ông Tổng Thư Ký đang ở công tác ở Bosnia.

Theo các chuyên gia của Cục Điều Tra Dân Số Mỹ về các chương trình quốc tế thì vào lúc 7g:16’ (theo giờ phương Đông) ngày thứ bảy 25/02/2006, một em bé chào đời, đã đưa dân số số thế giới đạt 6, 5 tỷ người. Cũng theo các chuyên gia nầy thì vào lúc 4g: 36’ tối (theo giờ phương Đông) ngày 18.10.2012, tức là hơn 6 năm sau, trái đất sẽ là nơi sinh sống của 7 tỷ người.

Cứ trung bình mỗi giây trên trái đất có 4,4 em bé chào đời. Mỗi phút có 261 người chào đời. Dân số từ nay đến năm 2050 sẽ vẫn tăng ở hầu hết các nước và sẽ có thêm khoảng 3 tỷ người nữa được sinh ra. (nguồn: vnExpress.com.vn)

Lễ Hiện Xuống là ngày khai sinh Giáo Hội. Trong ngày đó, các môn đệ đã được đón nhận những ân sủng của Chúa Thánh Thần. Khi đến trong các Tông đồ, Chúa Thánh Thần không mang lại cho họ bất cứ quà tặng nào hay bất cứ thứ gì mà họ đã không có. Cũng giống như mùa xuân không đem đến cho cây cối bất cứ thứ gì, nhưng cái mà mùa xuân làm được, đó chính làm làm cho những mầm đã có sẳn trên thân cây được lộ ra, phát triển lên thành bông, thành lá, thành cành. Thì cũng thế, Chúa Thánh Thần đã đánh thức nơi các Tông đồ những ân sủng mà Thiên Chúa đã thông ban cho họ, thúc đẩy họ chia sẻ những ân huệ mà họ đã đón nhận, vì lợi ích của cộng đoàn.

Ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta chúng ta lãnh nhận khi chịu Phép Thêm Sức là nhằm làm phát triển mạnh lên cũng chính ơn Chúa Thánh Thần mà ta đã lãnh nhận ngày chịu Phép Rửa Tội.

Đ iều nầy phần nào giúp ta hiểu về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh.

IV. DẪN Ý

1. Ơn linh hứng và chân lý Kinh Thánh.

Nhìn từ bình diện nhân loại, Kinh Thánh là tổng hợp những tác phẩm của nhiều tác giả nhân loại. Họ là những con người cụ thể, sống trong một thời đại cụ thể với những vấn đề của thời đại và có những khả năng riêng biệt. Tuy nhiên khi đọc Kinh Thánh người tín hữu lại tuyên xưng “Đó là Lời Chúa” (1Tx 2, 13) và họ xác tín rằng chính Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh.

Chính Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh. “Thật vậy, Giáo Hội Mẹ thánh chúng ta, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn đều là sách thánh và được ghi vào bản Thư Quy Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, các sách ấy có tác giả là chính Thiên Chúa và được truyền lại cho chính Giáo Hội với tư cách đó” (MK 12).

Tuy nhiên, “để viết các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ, và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực, tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó mà thôi” (MK 11).

Vì thế nên “phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa muốn Kinh Thánh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (MK 11).

2. Chúa Thánh Thần, Đấng minh giải Kinh Thánh.

Vì Kinh Thánh có tác giả chính là Thiên Chúa nhưng đồng thời Thiên Chúa lại sử dụng những con người cụ thể và ngôn ngữ nhân loại, nên để hiểu được Lời Kinh Thánh, người tín hữu phải quan tâm đến cả hai mặt: Một đàng, “phải tìm ra chủ ý của thánh sử” bằng cách quan tâm đến các thể văn được sử dụng, cũng như những cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật, được hình thành trong khung cảnh thời đại đó (MK 12). Đàng khác, phải đọc và giải thích Kinh Thánh trong Chúa Thánh Thần (MK 12), vì Kinh Thánh được viết ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần và cũng chỉ có Ngài mới mở lòng trí ta ra để hiểu Lời Kinh Thánh (Lc 24-45).

3. Ba tiêu chuẩn giúp đọc Kinh Thánh.

Để đạt mục đích nêu trên, Hội Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn hướng dẫn người tín hữu khi đọc Kinh Thánh:

Phải lưu ý đến “nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh” bởi vì tuy Kinh Thánh bao gồm nhiều tác phẩm, nhưng lại duy nhất trong kế hoặch của Thiên Chúa và Chúa Kitô chính là tâm điểm của toàn bộ Kinh Thánh.
Phải “dựa trên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh”. Bởi vì Hội Thánh lưu giữ trong truyền thống sống động của mình, ký ức sống động về Lời

Chúa và chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh trong việc giải thích Kinh Thánh.

Phải quan tâm đến “sự tương hợp của đức tin”, nghĩa là sự nối kết giữa các chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ kế hoặch của Thiên Chúa. (trích Sách GLHTCG, Biên Soạn Cho Giáo Dân, tr. 23-25).

Xin cho con ham học hỏi Lời Chúa, để sống theo ý Chúa muốn. Amen

Kiểm điểm:
1. Có nhận biết Chúa Thánh Thần tác động trong Lời Chúa không?

2. Khi đọc Lời Chúa, có nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết đùng, và được mạnh tin không?

3. Có nhờ Chúa Thánh Thần lay động, ban sức cho sống theo Lời Chúa không? Sống Lời Chúa là hành động theo như Lời Chúa dạy.

4. Có nhớ tự sức mình thì không sao sống được hoàn toàn như ý Chúa, như Lời Chúa. Có xác tín như thế không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thánh Kinh được viết trong ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, do đó Thánh Kinh cũng phải được đọc trong ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người sống Lời Chúa trong tác động của Chúa Thánh Thần:

- Chúa Giêsu phán: “Khi nào Trần Trí Sự Thật đến, Người sẽ hướng dẫn các con đến sự thật toàn vẹn”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, cùng hiểu và thực hành Lời Chúa, theo cùng một ơn soi sáng của một Chúa Thánh Thần.

- Chúa Giêsu phán: “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều…”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu đọc Kinh Thánh, nhờ ơn thông hiểu của chính Thánh Thần đã linh hứng cho những người viết sách Kinh Thánh.

- Chúa Giêsu phán: “Ai tin Ta, thì từ lòng họ, nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, lãnh nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, được biểu lộ cụ thể bằng đời sống đạo, góp phần canh tân bộ mặt trái đất.

- Chúa Giêsu phán: “Thánh Thần sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần bảo trợ mà chu toàn mọi điều Chúa Giêsu đã dạy.

Kết thúc: Lạy Chúa, xưa Chúa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông đồ, thì rày chúng con cũng xin Chúa cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG THÁNH THẦN

Nội dung đức tin mà Giáo Hội trình bày cho ta thì đến từ bên ngoài, còn nguyên lý của hoạt động đức tin, nguồn ánh sáng đức tin thì đến từ bên trong, từ Thánh thần đang soi sáng trí khôn ta, và Chúa Cha đang nhờ Thánh Thần mà lôi cuốn ta đến với Ngài. Ta chỉ có thể tin được trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần.

Do đó, trong một buổi chia sẻ Lời Chúa, chính Thánh Thần điều khiển hành vi chia sẻ, vì chia sẻ phải đi từ đức tin dẫn đến đức tin. Trong hành vi chia sẻ, ta phải tôn trọng sự hiện diện và quyền bính của Thánh Thần, vì không có Ngài thì không thể có việc chia sẻ đưa đến đức tin.

Chia sẻ đích thực là chia sẻ trong Thánh Thần và dưới ảnh hưởng của Thánh Thần. Ta thử so sánh trong một lớp văn hóa và trong một buổi chia sẻ Lời Chúa:

1. SO SÁNH

Trong một lớp văn hóa, giáo viên đưa học sinh đến tri thức về kết quả những tìm tòi, nghiên cứu của con người về chính mình, về vạn vật, hoặc về Thiên Chúa. Sự hiện diện bao trùm lớp học là sự hiện diện của trí khôn con người, của tinh thần con người. Ánh sáng soi chiếu lớp học là ánh sáng của lý trí con người. Niềm vui của học sinh là niềm vui khám phá. Giáo viên giỏi là người biết làm cho học sinh nắm bắt được sức mạnh về hiểu biết, giáo viên giỏi là người biết tạo cho học sinh niềm vui khám phá, sự ngưỡng mộ và lòng tin tưởng nơi trí khôn con người.

Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa, dù là thuật lại câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu hay giải thích một dụ ngôn . . . người hướng dẫn mời gọi mọi người trong nhóm lắng nghe Lời Chúa: Lời Chúa nói với ta về chính Người, về con người, về vạn vật. Chính Thánh Thần Thiên Chúa bao trùm cả nhóm chia sẻ, ánh sáng của Thánh Thần, ánh sáng đức tin soi chiếu cho cả nhóm. Thánh Thần cũng hiện diện trong đức tin của mỗi người trong nhóm đang lắng nghe Lời Chúa. Niềm vui của những người chia sẻ là niềm vui đón nhận và để Lời Chúa xâm nhập mình. Có chia sẻ đích thực là khi ta cảm thấy rằng chính Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng, khi ta lắng nghe chính Người, khi tâm hồn ta cảm giác về cái linh thánh đó, khi ta đi đến ngưỡng mộ và có tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa.

2. NÓI VỀ THIÊN CHÚA TRONG THÁNH THẦN.

Nếu con người có thể nói về Thiên Chúa cứu độ, đó là họ nói trong hành vi đức tin, trong Thánh Thần. Trí khôn của họ hiệp thông với tư tưởng của Thiên Chúa. Ngôn từ của họ liên kết với Lời của Thiên Chúa nói qua Giáo Hội và trong Thánh Thần. Người không có niềm tin cũng có thể nói về Thiên Chúa, có thể giải thích những dấu hiệu về cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng lời lẽ của họ trống rổng, không bao hàm cái thực tại thần linh mà những dấu hiệu đó chứa đựng. Chia sẻ Lời Chúa diễn ra bên trong cái ước muốn đưa tâm trí ta đến cái nhìn trực giác, chính cái ước muốn đó đã đưa Chúa Giêsu về với Cha Ngài: “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.(Ga 14, 17)

Mối nguy số một của việc chia sẻ Lời Chúa mà ta phải đương đầu luôn mãi là sự kiện lời nói của ta dừng lại ở bình diện nhân loại, và diễn ra dưới ánh sáng của lý trí, của tưởng tượng và cảm giác, mà không theo ánh sáng của Thánh Thần. Miệng lưỡi con người phát ngôn Lời Chúa là điều khó có thể rồi ! Làm thế nào lời nói con người vươn lên đến tầm mức của mầu nhiệm Thiên Chúa, khi mà bình diện của nó là cái khả giác, là hình ảnh. Nói về Chúa, điều đó vượt quá con người, nếu Thiên Chúa hiện diện nơi ta không nói bằng sự soi sáng, bằng sứ mạng mà Người giao cho. Như thế, ta là dụng cụ của Lời Chúa, ta cung cấp những hình ảnh, ý niệm, và Thiên Chúa nhờ hình ảnh, ý niệm đó nói lên mầu nhiệm của Người.

Nhóm chia sẻ Lời Chúa nói với uy thế của Thánh Thần Thiên Chúa. Một mặt họ nói một cách can đảm và tin tưởng vì cảm thấy mình thi hành sứ mạng Thiên Chúa giao và sức mạnh của mình ở nơi Thiên Chúa. Mặt khác họ cảm thấy sức mạnh của tình thương của Thiên Chúa tác động nơi con người, sứ mạng của mình là tham dự vào tình thương đó: Người mang đến cho con người sự hiểu biết về ý định, và Lời Chúa mà con người cần như lương thực hằng ngày.

Qua sức mạnh và sự tin tưởng đó, tính siêu việt của Lời Chúa, của sứ điệp xuất hiện với mỗi người trong nhóm và đưa họ đến thái độ kính trọng, một thái độ cần thiết cho việc đón nhận Lời Chúa.

VII. CÁC TÔN GIÁO BẠN

VÔ VI NHI VÔ BẤT VI ?

Bất ngờ nhìn vào Bữa tiệc cưới Cana, chúng ta thấy Mẹ Maria và chính Chúa Giêsu cũng “vô vi nhi vô bất vi”. Cả hai vị, nói được, cùng tác động cho nước thành rượu: vô bất vi (cả hai vị cùng làm).

Chúng ta thấy tánh cách kín đáo, tế nhị và ẩn khuất nữa. Mẹ Maria thưa với Chúa: Chủ đám hết rượu rồi. Chúa nói: Giờ Con chưa đến (cách vô vi). Nhưng Mẹ Maria nói với những người chiêu đãi: Chúa bảo các anh làm chi, thì cứ vưng và làm như thế. Chúa bảo: Các anh hãy đổ nước cho đầy lu (đầy là cách vô vi nhi vô bất vi: làm cách kín đáo, ẩn khuất). Rồi Chúa bảo tiếp: hãy múc trao cho anh trưởng chiêu đãi….thế thôi!

Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu không chút đề cao mình, dường như không để cho người ta biết mình, không tranh với ai, không ở lại để được hãnh diện, không kể mình là chủ bắt người khác phải tuỳ thuộc hoàn toàn theo ý mình.

Nước thành rượu rồi, nói được, Chúa rút lui. Phúc Âm không nói chi đến Chúa nữa! Công thành thân thối (xong công việc rồi thì rút lui, không ở lại)

Chúng ta thấy đường lối vô vi nhi vô bất vi, tuy không diễn tả rõ, nhưng hàm chứa tánh cách tự do của con người. Mặc dầu Chúa tạo dựng, Chúa có quyền và con người phải phục tùng, nhưng Chúa vẫn để tự do.

Dầu tự do, nhưng cứ lý thì phải hành động giống như Đạo, mới đúng, mới tốt. Hành động giống Đạo, hiệp với Đạo thì mới mong chính động lực của Đạo làm cho việc chắc đúng và tốt hơn.

Chúng ta có thích đường lối vô vi nhi vô bất vi không? Xem ra Chúa Giêsu sống cả đời cách vô vi nhi vô bất vi.

NHÌN CHUNG VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC TÔN GIÁO BẠN

Trước hết, đây là những nhận định có phần chủ quan, nhưng chân thành.

Về Đạo Cao Đài và Đạo Hòa Hảo: vì không có tài liệu, nên không biết rõ được, nhưng có thể dự đoán: Cao Đài là một tôn giáo tổng hợp. Tuy tự xưng Tam Kỳ Phổ Độ, nhưng đúng ra, Cao Đài muốn qui tụ, kết hợp tất cả các tôn giáo hiện hành trong đất nước và dùng cầu cơ làm ánh sáng hướng dẫn. Tựu trung, Cao Đài không cung cấp được cho nhân loại nền tảng đạo lý chính xác.

Còn Hòa Hảo, còn gọi là Phật Giáo Hòa Hảo, dựa vào nền tảng đạo Phật, nhưng có chuyễn biến riêng như treo “Trần Điều” (vải nâu nơi bàn thờ), không thờ tượng Phật, nhưng tư tưởng hàm chứa niềm tin có Ông Trời.

Dẫu sao, cũng nói được, các tôn giáo đều hướng về việc tìm hạnh phúc bất biến, vĩnh cửu.

Về Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, mỗi tôn giáo đều có ít nhiều những điều giống Công giáo:

Phật giáo nhìn đời là hư vô, là biển khổ. Phật giáo tìm thoát khổ và đạt cái Hữu vĩnh cửu. Công giáo cũng thế, không được bám vào đời sống tạm mà phải tìm về Thiên Chúa vĩnh cửu.

Khổng giáo nhìn nhận có Thượng đế, nhưng vì đầu óc thực tế, không nghĩ xa hơn hiện tại, nên tìm hạnh phúc ở chổ : an bang (xã hội được an vui).

Lão giáo đi sâu hơn: nhận thấy được nguyên lý tuyệt đối, tìm biết nguyên lý dựng nên tất cả; tìm hiểu nguyên lý để noi gương và để trở về với nguyên lý.

Chúng ta thấy Khổng giáo chính là đạo tự nhiên. Con người tự nhiên có thể tìm biết được có Chúa: Chúa tạo dựng, Chúa Quan phòng, Chúa thưởng phạt.v.v… Dường như chỉ cần siêu nhiên hoá và được hướng dẫn thờ phượng chính đáng, chu đáo là họ có thể trở thành Công giáo.

Người ta nói Ấn Độ chuyên về thần bí. Nhưng chúng ta có thể quả quyết Lão giáo chuyên về thần bí, vì Lão Tử đã suy về Đạo, tìm hiểu Đạo, nhận định phải trở về Đạo: Phản phục nghĩa là mọi vật phải hướng về Đạo và Bảo nhất, nên một với Đạo.

Tương đương với đường lối tu đức huyền nhiệm, nhiệm hiệp, của Công giáo: con người là vật thọ tạo được dựng nên tách rời, riêng biệt với Thiên Chúa, dầu được tự do, nhưng trong trình ý vật thọ tạo phải hướng về Đấng tạo dựng. Mục đích tối chung của con người là kết hợp với Thiên Chúa, vừa làm sáng danh Chúa, vừa đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

THỰC HIỆN ĐỐI THOẠI

Đ iều cần trước nhứt là chúng ta không khinh thị bất cứ tôn giáo nào (những dị đoan rỏ rệt, chúng ta nên thông cảm hơn là khinh chê) mà có thể tôn kính vị sáng lập nữa, như kính Phật, Khổng, lão. Dầu sao các ngài cũng là những người đi tìm tuyệt đối, tìm Chúa. Dù Khổng giáo không biết cách tôn thờ thích đáng, nhưng ít ra, có thể các ngài là những bậc vĩ nhân, những bậc thông thái, đạo đức hơn người.

Cần biết chỗ đúng, chỗ không đúng của những tôn giáo bạn, chứ đừng theo chủ quan hoặc thấy những gì không đẹp trong giới tín đồ, rồi gán ghép cho tôn giáo những điều không hay, điều tệ hại! Vì không thấy chỗ tốt của họ, nên người ta mới khinh thường!

Muốn đối thoại, không nên có tâm trạng như thế! Đối thoại phải khiêm tốn, ôn hoà, nhã nhặn. Mặc dù xác tín Đạo mình là Đạo Chúa mặc khải, chắc chắn thật 100%, dầu vậy không nên tự phụ trình bày Đạo mình một cách áp đặt. Chúa cũng đâu có áp đặt!

Chúng ta có thể khôn khéo dùng những chân lý, những cái đẹp của các tôn giáo bạn như những bước tiến dọn đường để tiến đến Đạo Chúa.

Phật giáo có thể cùng chúng ta giúp con người không bám vào hiện tại mà tiến về vĩnh cửu.

Khổng giáo giúp cung cấp những nguyên liệu tự nhiên tốt để dễ tiến đến siêu nhiên.

Lão giáo gợi ý cho con người nhìn Chúa, tìm noi gương Chúa, về với Chúa và kết hợp với Chúa, giúp cho Đạo Chúa nhìn vào đó để tiến mạnh trên đường huyền nhiệm và nhiệm hiệp.

Xưa người ta nói: mọi con đường đều dẫn về Rôma. Chúng ta nghĩ thế nào?

VIII. SUY NIỆM MÙA CHAY

LÁ KHÔ VÀ ĐẤT SÉT

Chuyện cổ tích Ấn độ có kể lại dụ ngôn sau đây về chiếc lá khô và miếng đất sét. Một hôm, cả hai cùng đồng ý giúp đỡ nhau để đi hành hương đến thành thánh Benares. Vì biết rõ hai kẻ thù nguy hiểm nhất là Mưa và Gió, nên chiếc lá khô và miếng đất sét ký hợp đồng với nhau như sau: nếu gặp gió thổi, thì miềng đất sét sẽ ngồi trên chiếc lá khô, để lá khô khỏi bay đi. Nhưng nếu gặp trời mưa, thì chiếc lá khô sẽ che trên miếng đất sét, để đất sét đừng bị tan thành bùn. Như thế cả hai đã thành công đi hơn một nữa đường hành hương, vượt qua những lần gặp gió to hay gặp mưa lớn. Nhưng rồi một hôm, cả hai chiếc lá khô va miếng đất sét gặp phải hai nguy hiểm cùng một lúc, nghĩa là vừa gió lại vừa mưa. Hậu quả của thử thách cuối cùng này là chiếc lá khô bị gió thổi bay đi mất, và miếng đất sét bị tan thành bùn nằm tại chỗ. Cuộc hành hương của cả hai hoàn toàn bị thất bại.

Thân phận con người trên trần gian này có thể được sánh ví như chiếc lá khô, hay miếng đất sét kia. Mỗi người chúng ta đang trên đường tiến về quê hương vĩnh viễn, về quê trời, và phải đương đầu với nhiều thử thách. Sự liên kết giữa chiếc lá khô và miếng đất sét để trợ giúp nhau vượt qua mưa, gió, có thể là biểu tượng cho tình liên đới giữa mọi người với nhau. Chúng ta cần giúp nhau tiến tới. Không nương tựa vào nhau, chúng ta khó lòng vượt qua những thử thách cuộc đời. Nhưng tình liên đới con người có những giới hạn của nó. Sự liên kết giữa chiếc lá khô và miếng đất sét, không thể nào đương đầu với mưa và gió cùng một lượt. Cần phải nhờ đến sự nâng đỡ từ một quyền lực bên ngoài, mà chiếc lá khô hay miếng đất sét không thể nào có được. Nhưng đối với con người chúng ta thì khác, trên con đường tiến về cõi đời đời, mỗi người chúng ta, ngoài tình liên đới nhân bản, cần có sự trợ giúp của chính sức mạnh thần thiêng của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể xuống trần làm người như chúng ta, để cứu rỗi chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực thống trị của ma quỉ. Chúng ta cần đến sức mạnh của Thiên Chúa, để vượt qua được những cản trở của thần dữ. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho các đồ đệ của Ngài điều này, khi Chúa dùng hình ảnh về cây nho và những ngành nho, cần phải liên kết chặt chẻ với nhau. Nơi chương 15 của Phúc Âm theo thánh Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu quả quyết long trọng như sau: Thầy là cây nho, chúng con là ngành. Ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái. Ngành nào lìa cây sẽ khô héo liền. Chúng con hãy ở lại trong Thầy. Vì không có Thầy, chúng con không thể làm chi được.

Phải, tình liên đới giữa con người là cần thiết, nhưng chỉ đủ sức chống lại những thử thách gió mưa, những thiên tai hay những tai nạn do con người tạo ra mà thôi. Để thành công chống lại những quyền lực của thần dữ, chúng ta cần đến Chúa, cần đến sức mạnh của Ngài.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được xác tín mạnh mẽ về sự thật này: chúng ta cần đến Chúa, để hành hương an toàn trên con đường trở về nhà Cha trên trời, trở về cùng Chúa trong cõi phúc thật đời đời. Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi chúng con. Amen. (từ Veritas Asia)

IX. TRÒ CHƠI - TRỜI CHO

TRÒ CHƠI KINH THÁNH

Chúng ta đang bước vào hành trình Mùa Chay 2006. dĩ nhiên có nhiều việc phải làm với quyết tâm rất cao. Để góp phần nho nhỏ vào tinh thần “sống Lời Chúa” của bạn, xin giới thiệu một trò chơi Kinh Thánh sưu tầm được :

Đ ây là một trò chơi, nhưng là một trò chơi rất nghiêm túc. Vì là trò chơi Kinh Thánh, nên trước tiên chúng ta hãy đọc lại một đoạn Kinh Thánh. Đoạn trích thư 1 Côrintô, chương 13, câu 4-7.

"Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu, đức mến không ghen tuông, đức mến không vênh vang, đức mến không tự đắc, đức mến không làm điều bất chính, đức mến không tìm tư lợi, đức mến không nóng giận, đức mến không nuôi hận thù, đức mến không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng đức mến vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, đức mến tin tưởng tất cả, đức mến hy vọng tất cả, đức mến chịu đựng tất cả."

Hẳn bạn để ý rằng tôi lặp lại chữ 'đức mến' trước mỗi động từ, và in đậm lên. Đó là điểm chính yếu của trò chơi. Bây giờ ta vào cuộc nào. Trò chơi này gồm hai giai đoạn. Một dễ và một khá khó. Hy vọng bạn thành công.

Giai đoạn 1: Bạn thay tất cả những chữ 'đức mến' trong câu trên bằng 'Chúa Kitô', và đọc lại chầm chậm với hết lòng chân thành. Đọc đi! Dễ phải không? Bạn đã thành công giai đoạn 1.

Giai đoạn 2: Bây giờ bạn thay tất cả những chữ 'đức mến' trong câu trên bằng chính tên của bạn (có chữ lót càng tốt). Bạn đọc lại với hết lòng chân thành như giai đoạn 1. Khó hơn nhiều, phải không nào?

Nếu bạn thành công giai đoạn 2, nghĩa là đọc câu trên với lòng chân thật, thì bạn đã hiểu được vì sao Chúa dạy chúng ta: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. (Mt 7,1). Nhưng nếu không thành công thì cũng chẳng hề gì. Bạn có suốt đời để đọc đi đọc lại cho đến khi thành công mà!

Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúc bạn thành công và một Mùa Chay thánh thiện.

X. GÓP Ý NĂM SỐNG LỜI CHÚA

Năm Sống Lời Chúa là năm khuyến khích thích dụng Lời Chúa, đem ra áp dụng thực hành trong đời sống. Cho được như thế chúng ta có thể đề nghị:

1. Mong cho mỗi gia đình đều có được một quyển Kinh Thánh, ít là Tân Ước.

Thiết nghĩ, nhiều gia đình có khả năng mua được một cuốn Bốn Sách Tin Mừng (10.000 $). Có thể Họ Đạo hay Giáo Phận rộng tay ban phát cho mỗi gia đình một cuốn Tân Ước (Giáo Phận đang thực hiện).

Có thể tổ chức một buổi lễ, có vẻ long trọng, phát biếu Tân Ước… Dùng dịp này nêu lên tính cách Lời Chúa đáng yêu, đáng trọng và ích lợi rất lớn, vì là Lời ban sự sống và để tín hữu cảm nhận được cần phải đọc và ham mộ đọc Kinh Thánh. Tổ chức cho từng Họ đạo, tuy kém linh đình nhưng có lẽ đẹp hơn, lợi ích hơn.

Đó là một phương cách vừa khuyến khích, vừa áp đặt. Ít ra có thể giúp các tín hữu lưu tâm đến Kinh Thánh, và nếu cố gắng đọc Phúc Âm mỗi tối thì cũng tái thực hiện được việc đọc kinh tối trong gia đình: vừa đọc kinh tối cũng vừa chia sẻ Lời Chúa.

2. Giúp cho tín hữu ham mến đọc Lời Chúa.

Chúng ta có nắm chắc là đạt được hiệu quả là làm cho giáo hữu mộ mến Tân Ước? Điều nầy Không phải là chuyện dể. Chúng ta tổ chức trao tay quyển Kinh Thánh và mỗi tháng cố gắng khai thác những đề tài rút ra trong Thư Chung Của Hội Đồng Giám Mục, nhưng còn cần phải phải nỗ lực hơn nữa. Có thể tìm và xếp đặt nhiều cơ hội dẫn giải khuyến khích việc đọc Lời Chúa, may ra ơn Chúa đánh động tâm hồn, làm cho ta có được ít nhiều mộ mến.

Nhờ nơi Chúa, không nhờ người hướng dẫn! Nemo dat quod non habet: mình không có thì lấy gì mà cho? Thiết nghĩ đại đa số người hướng dẫn chưa biết mộ mến việc đọc Kinh Thánh. Xưa có một vài vị luôn mang Tân Ước theo mình. Trường hợp hiếm có! Có khi cả đời chưa gặp. Tuy nhiên, đáng lý ra mọi tín hữu đều phải ham mộ đọc Kinh Thánh.

3. Có điều khó hơn nữa là làm thế nào để người tín hữu Sống Lời Chúa, áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống để các tác động đều đúng như Lời Chúa dạy?

Học biết để nên người thông thái, nên chuyên viên Kinh Thánh là hay, là tài nhưng chưa hẳn là tốt. (Nếu kiêu ngạo thì có khi là tai hại!). Học biết sâu xa, biết được cả những kỷ thuật thi hành lời Chúa, và dạy người ?...Cũng nói được là trong phạm vi lý thuyết. Bây giờ phải làm sao? (Bất ngôn chi vị giáo).

Nhìn Chúa Giêsu: Trước Chúa làm, sau Chúa mới dạy. Người hướng dẫn trước tiên phải sống Lời Chúa. Và chính lối sống Lời Chúa là lời dạy nhiều hiệu lực (Exempla trahunt, verba volent).

Mọi tín hữu đều phải tôn trọng yêu mến Lời Chúa; phải ham đọc để tìm gặp được chân lý, biết được chính Chúa là Đàng, là Sự Sống. Biết nhờ đó mà sống Sự sống của Chúa, sống kết hợp với Chúa.

XI. LỜI HAY Ý ĐẸP

Người lạc quan luôn nhìn thấy những may mắn, cơ hội, trong mọi hiểm nguy, bất hạnh.
Người bi quan luôn nghĩ đến hiểm nguy, bất hạnh trong mọi may mắn, cơ hội.

(trích First News)

2842    20-04-2012 15:24:14