Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Bài học ở bãi đậu xe

 

 

Đến một mức nào đó, bản năng rất hữu ích cho ta. Chúng là cơ chế tự vệ, và chúng cũng lành mạnh cho chúng ta, đến một mức nào đó. Tôi xin phép giải thích.

Mới đây, tôi đi xem một trận bóng với vài người bạn. Chúng tôi đi hai xe, và đỗ ở bãi đậu xe của sân vận động. Vé của chúng tôi là các chỗ ngồi cách xa nhau, nên chúng tôi tạm rời nhau, ai tìm chỗ mình. Khi trận bóng kết thúc, tôi về chỗ đậu xe với một người bạn, và khoảng mười phút sau, các bạn khác đến sau. Trong khi chờ đợi, bạn tôi và tôi nhìn đám đông trước mặt, cố tìm xem các bạn mình ở đâu. Nhưng ánh mắt của chúng tôi đụng phải một thái độ không được hoan nghênh lắm. Hai phụ nữ tiến tới chỗ chúng tôi, họ giận dữ, yêu cầu chúng tôi giải thích vì sao chúng tôi nhìn họ: “Sao các ông nhìn chúng tôi? Các ông đang cố dụ chúng tôi sao?”

Đó là lúc bản năng lên tiếng. Ngay lập tức, trước khi có một phản ứng hợp lý nào để xoa dịu suy nghĩ và cảm giác của tôi lúc đó, lòng tôi bùng lên cơn giận, phẫn nộ, cảm giác bất công, lạnh lùng, xấu hổ, và oán ghét. Những cảm giác đó tôi không mong muốn, nhưng chúng cứ tuôn trào. Và cùng chúng là những suy nghĩ lên án. “Nếu đây là phong trào “Me Too”(Cả tôi nữa), thì tôi phản đối nó! Thật không công bằng!”

May thay, những chuyện đó không xảy ra. Tôi lịch sự xin lỗi và giải thích là chúng tôi đang tìm bạn mà thôi. Các cô ấy bỏ đi, chẳng có chuyện gì, nhưng cái cảm giác đó vẫn cứ bám trong tôi cho đến khi tôi có cơ hội để xem xét, để nhìn lại nó và trân trọng nó theo đúng bản chất của nó, cảm giác bản năng tự vệ, tận cùng là cảm giác cần được thay thế bằng các cảm giác khác, cụ thể là một nhận thức cao hơn là phản xạ tự vệ.

Khi nghĩ lại, tôi không thấy vụ này là do lệch lạc của phong trào “Me Too” hay một chuyện đáng để tôi phẫn nộ. Đúng hơn, nó giúp tôi nhận ra tại sao lại có phong trào “Me Too”. Chắc chắn phản ứng của hai phụ nữ này phần nào là do sự bất công lâu nay mà họ hay người nào mà họ quen đã phải chịu, do những lần bị quấy rối tình dục, những lời gạ gẫm chướng tai, và sự bạo hành giới tính, những bất công chắc chắn nặng nề hơn cái “bất công” mà tôi đã chịu vì nhận định vô căn cứ của họ.

Không phải vô cớ mà lại có những chuyện như thế này xảy ra ở bãi đậu xe. Mới đây, tôi có đọc báo cáo kết luận rằng hơn 80% phụ nữ Mỹ đã chịu những dạng quấy rối tình dục khác nhau trong đời. Mới đầu, tôi thấy con số này có vẻ hơi cao, tôi hỏi một vài đồng nghiệp nữ về phản ứng của họ đối với thống kê này. Và tôi đã phải ngạc nhiên. Họ nói, “80% là quá thấp, phải là tất cả mới đúng. Hiếm có phụ nữ nào trong đời chưa từng bị quấy rối tình dục dưới hình thức nào đó.” Hiểu như thế, tôi thấy những cáo buộc vô căn cứ tôi gặp phải ở bãi đậu xe, không hẳn là vô lý.

Còn có một chuyện nữa. Khi ngẫm nghĩ sâu hơn về chuyện này, tôi bắt đầu thấy rõ sự tách biệt giữa bản năng tự nhiên và sự thấu cảm trưởng thành. Tự nhiên cho chúng ta có bản năng mạnh mẽ, hữu ích đến một mức độ nào đó. Chúng là cơ chế tự vệ, là ích kỷ, dù chúng vẫn có một mức độ thấu cảm tự nhiên nhất định. Đôi khi bản năng có thấu cảm vô cùng. Ví dụ, chúng ta tự nhiên thấy mình chú tâm đến một đứa trẻ bơ vơ, một chú chim bị thương, hay một con mèo đi lạc. Nhưng sâu xa hơn, chúng ta thấy như thế, là vì suy nghĩ riêng của mình. Xét cho cùng, khi làm như thế là chúng ta thấy mình tốt đẹp hơn, và hơn nữa, sự bất lực của họ chẳng có gì đe dọa chúng ta. Bản năng tự nhiên có thể thấu cảm khi nó không thấy bị đe dọa.

Nhưng khi tình huống thay đổi, khi cảm thấy bị đe dọa, Thì sự thấu cảm tự nhiên lập tức biến mất, sự đón nhận trở thành lạnh lùng, và mọi bản năng trong chúng ta bắt đầu thể hiện thái độ tư lợi. Đó chính là cảm giác của tôi khi ở bãi đậu xe sau trận bóng.

Và mối nguy cho chúng ta là nhầm lẫn những cảm giác đó với bản chất vấn đề, với con người thật của mình, và với những gì chúng ta thật sự tin tưởng. Và nếu như thế, thì bản năng không còn hữu ích cho chúng ta nữa, không còn là thứ bảo vệ cho lợi ích lâu dài của chúng ta. Điều tốt cho chúng ta về lâu dài, lại là điều mà bản năng không nắm bắt được. Trong những trường hợp này, chúng ta cần thấu cảm, bất chấp mọi cảm giác đang lướt qua đầu, bất chấp mọi hệ tư tưởng mà chúng ta dựa vào để biện minh cho sự phẫn nộ của mình. “Đây là sự đúng đắn về chính trị (bên phải hoặc bên trái) quá khích. Đây là sự lầm lạc!”

Cảm giác của chúng ta là những thứ quan trọng, cần được công nhận và tôn trọng, nhưng chúng ta không chỉ có cảm giác. Chúng ta được kêu gọi để vượt lên bản năng, để có được thấu cảm, để cầu nguyện rằng sẽ đến một ngày, những phụ nữ tôi gặp trong bãi đỗ xe đó, cũng như con cháu họ, sẽ không phải có cảm giác bị đe dọa như thế nữa.

J.B. Thái Hòa dịch

880    24-12-2018