Sidebar

Thứ Bảy
12.10.2024

Cuộc trở lại chớp nhoáng: Max Jacob, từ đời sống du mục đến thinh lặng của đan tu

 

Ngày 22 tháng 9 năm 1909, một thị kiến của Chúa Kitô trên bức tường phòng mình đã làm cho đời sống của thi sĩ, tiểu thuyết gia người do thái, hứa từ nay không mong gì khác hơn là mong “không phạm tội nữa”.

Thi sĩ, tiểu thuyết gia, họa sĩ, xuất thân từ gia đình do thái nhưng không giữ đạo do thái. Max Jacob là người vùng Bretagne, nước Pháp, không có dấu hiệu gì cho biết trước ông sẽ nhận “ơn chớp nhoáng”.  Ông là bạn nghệ sĩ của danh họa Picasso, nhà thơ Apollinaire, họa sĩ Modigliani, kịch tác gia Jean Cocteau. Ông là người thích cuộc sống về đêm náo động của khu Montparnasse, người mê bói toán, chiêm tinh, người đồng tính nghiện thuốc phiện, nghiện ê-te. Người ta thường nói về ông, Max là người có tính tình “bốc đồng, không kiểm soát được”.

Vậy mà ngày 22 tháng 9 – 1909, một người “Khách” xuất hiện trên tường phòng ông đã làm cho cuộc sống nội tâm của ông bị đảo lộn:

“Tôi quỳ gối xuống, bỗng mắt tôi tràn trụa nước mắt. Một chuyện khó tả nên lời đã ụp xuống trên tôi, tôi bất động, tôi không còn hiểu gì. Ngay lúc đó, tôi có khái niệm, từ trước đến nay tôi chỉ là con vật, bây giờ tôi mới là người. Một con vật rụt rè. Một con người tự do. Ngay lập tức, ngay khi con mắt tôi gặp Đấng Khôn Tả, tôi có cảm tưởng như tôi bị lột trần khỏi lớp da thịt con người, và chỉ hai chữ: Tình yêu, Sinh ra… lấp đầy lòng tôi…”

Câu chuyện cuộc trở lại của tôi, xuất bản năm 1951

Trong vòng hai tháng, Max Jacob không ngừng nói, ông nói chuyện với các thiên thần, ông cám ơn thiên thần hộ thủ của mình đã hiện ra với ông ngày hôm đó và đã làm cho ông trở lại. Mấy lời này làm cho một số linh mục chế nhạo ông, gán cho ông là “tà ma lạc đạo”, họ xem đây là lời khiêu khích quá đáng của nghệ sĩ. Người ta cho ông là tên lừa phỉnh. Ông rửa tội ngày 18 tháng 2 năm 1915. Trong nhà nguyện các Nữ tu Dòng Đức Bà Sion, người đỡ đầu là Pablo Picasso, họa sĩ tặng ông quyển sách Bắt chước gương Chúa Giêsu Kitô để ông không quên ngày này. Hôm đó cũng là ngày ông được  rước lễ lần đầu.

Vài ngày trước đó, trong một bức thư gởi nhà văn Jean-Richard Bloch, vừa là bạn vừa là anh họ, ông kể thị kiến thứ nhì và quá trình của ông trước khi qua “hành động khổng lồ” này:

“Bạn Jean thân mến, tôi trở lại đạo công giáo. Bạn biết là Chúa đã cho tôi vinh dự được gặp Chúa tại nhà tôi ngày 28 tháng 10 – 1909 (…) Ngài đã lặp lại phép lạ ngày 17 tháng 12 lúc 10 giờ rưỡi tối ở rạp phim Pathé đường Douai. Một ngần ngại thêm sẽ là vô ơn. Tôi không còn chờ Đấng Thiên Sai như các người đồng đạo với tôi: tôi đã thấy Ngài! Bổn phận của những người tin vào mắt tôi là bắt chước tôi; các người do thái không được Ngài gọi ngay từ đầu vì tôn giáo mới sẽ không là một tà phái do thái; bây giờ sứ mệnh của người do thái đã hoàn tựu, họ phải vui mừng với những gì họ đã làm qua sự hy sinh thế tục của họ, họ phải kết hợp với Ngài. Đừng chống đối tôi với bất cứ một phản bác nhất thời nào: chúng không có một quan trọng gì đối với tôi! Tôi không phủ nhận gì: trước đây tôi không có tôn giáo, bây giờ tôi chọn một…”.

Giữa thời chiến tranh thế giới, Max Jacob thoát được nhờ lý do sức khỏe, đời sống “đạo hạnh” của Cyprien-Max Jacob bắt đầu. Với những ai nghi ngờ lòng chân thành của ông, không nói không rằng, ông dí trước mắt họ các bài thơ, các bài viết phù với mỗi giai đoạn của tiến trình biến đổi lạ lùng này trong tác phẩm quý giá của ông Tuyến Phòng Thủ của Tartufe (La Défense de Tartufe, 1919), một tuyển tập dưới hình thức các “ngây ngất, hối hận, thị kiến, kinh cầu nguyện, bài thơ, bài suy niệm” của một người do thái trở lại. Jacob ví mình như nhân vật Tartufe, một tín hữu kitô “khốn khổ” mong hòa giải đời sống của mình với các nguyên tắc của mình.

“Không còn phạm tội nữa”

Max Jacob tìm thấy nơi đạo công giáo “những gì ông không tìm thấy trong cảm nghiệm thần bí: bình an!”. Một bình an đưa ông rút lui về Saint-Benoỵt-sur-Loire năm 1921, một làng nhỏ cách Paris 160 cây số, ngôi làng danh tiếng với đan viện Đức Bà Fleury, để sống một cuộc sống “phù với đức tin” của mình hơn, xa các cám dỗ của thành phố Paris hoa lệ. Ông ở đây bảy năm, cuộc sống với kinh nguyện, với thánh lễ hàng ngày và với “thời khóa biểu nghiêm nhặt buộc ông phải làm việc”: vẽ, đọc, viết. Ẩn náu trong tinh thần ăn năn, suy niệm, người nghệ sĩ chỉ cho phép mình đi một thời gian ngắn qua Ý, Tây Ban Nha và một cuộc đi chớp nhoáng Paris. Ông chỉ có một hy vọng, mình “không phạm tội nữa”. Một câu thơ nói lên sự mong muốn không mệt mỏi này – “Phạm tội, phạm tội, rồi lại phạm tội” – một trong những bài thơ nói lên cuộc chiến đấu hàng ngày của ông, ông giải thích: “Dù người ta có nói gì chăng nữa, trong Phúc Âm, là người tín hữu kitô không phải dễ…”.

Tháng 3 năm 1928, ông quay về Paris nhưng lại đi ngay vì ghê tởm cuộc sống ở đây, ông thích đời sống đạm bạc ở nhà quê trong kinh nguyện sốt sắng mà ông đã từng sống bảy năm ở Đan viện Saint-Benoỵt-sur-Loire. Cyprien-Max Jacob không bao giờ rời đan viện cho đến ngày ông bị Đức Quốc Xã bắt vào tháng 2 năm 1944 vì có nguồn gốc do thái. Ông bị giam ở trại Drancy. Ngày 5 tháng 3 ông qua đời vì sưng phổi. Năm 1949, thi hài ông được đưa về chôn ở Saint-Benoỵt. Khi bị bắt, ông viết cho cha xứ Fleureau của mình: “Con tin tưởng ở Chúa. Con cám ơn Chúa cho việc tử đạo bắt đầu”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Max Jacob qua nét phác học của danh họa Picasso

789    16-08-2017