Người Mỹ, gốc do thái và là giáo sư Đại học Harvard, con đường trở lại của ông đi qua hai giai đoạn, và Đức Mẹ đã đóng một vai trò quyết định.
Ông Roy Schoeman sinh năm 1951 trong một gia đình do thái chính thống và đã trốn khỏi nước Đức quốc gia-xã hội chủ nghĩa. Còn trẻ, ông còn giữ đạo nhưng khi lớn lên, lòng sốt sắng giảm cho đến khi ông mất “niềm vui” khi cầu nguyện và “tiếp cận” với Chúa, ông nói: “Niềm vui này chỉ là một kỷ niệm mơ hồ, tôi gần như cuốn hút vào trong đời sống thế gian (…) và khi đánh mất tiếp cận với Chúa thì tôi đánh mất ý nghĩa của đời tôi; và ở mỗi ngả tư đường, tôi luôn chọn con đường ít cố gắng nhất, con đường mà dưới mắt thế gian là con đường của thành công”.
“Tôi như từ trên trời rơi xuống”
Nhưng ở mỗi giai đoạn cuộc sống, một cảm nhận “trống rỗng” đã ngăn thanh niên trẻ Roy hưởng trọn vẹn thành công của mình. Ông càng đi tới thì ông càng cảm thấy “lòng bị xáo trộn”. Khi đó ông tìm an ủi trong các cuộc đi dạo. Và trong một cuộc đi dạo này, Chúa đã đánh động ông bởi ánh sáng của Ngài. Ông kể trong quyển sách Sự Cứu Rỗi từ những người do thái:
“Trong một cuộc đi dạo nhiều giờ trong thiên nhiên mà tôi nhận được ân sủng phi thường nhất đời tôi. Tôi đi một mình nghe tiếng chim hót trước khi mọi người thức dậy, khi tôi “như từ trên trời rơi xuống”, (tôi không tìm được chữ khác). Có nghĩa là tôi cảm nhận một cách có ý thức, một cách cụ thể sự hiện diện của Chúa. Cuộc đời tôi, cho đến bây giờ, trải ra trước mặt tôi, những gì làm cho tôi vui và những gì làm cho tôi hối tiếc. Trong khoảng khắc, tôi biết mục đích đời tôi là yêu kính và phục vụ Thiên Chúa, Chúa của tôi; tôi thấy một cách nào đó, tình yêu của Ngài bao phủ tôi và nâng đỡ tôi trong mọi giây mọi phút cuộc sống tôi; tôi thấy làm thế nào mà mỗi hành động của tôi đều mang nội dung đạo đức, cho cái tốt hoặc cho cái xấu; tôi thấy làm thế nào tất cả những gì xảy ra trong đời tôi là những gì có thể làm cho tôi tốt hơn, điều hoàn hảo nhất được thu xếp cho sự tốt lành của tôi bởi một Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, nhất là trong các sự kiện làm cho tôi đau khổ nhất; tôi thấy các hối tiếc nặng nề nhất đến với tôi cho giây phút này: mỗi giờ mà tôi phí phạm không làm gì, trong khi nó lại có giá trị dưới mắt Chúa, khi mỗi giây mỗi phút của cuộc sống, tôi được tắm trong biển tình thương mênh mông không tưởng tượng được của Chúa”.
“Ơn” thứ nhì
Tất cả câu hỏi mà ông Roy đặt ra, ông đều nhận được câu trả lời. Trừ một câu đặc biệt với ông: tên của Chúa mạc khải cho ông là tên gì? Chúa của Đức Phật? Chúa của Krishna? Bất luận Chúa nào, ông sẵn sàng trở thành người phật tử, người tín hữu hinđu để phục vụ và tôn kính Chúa đó. Ông xin Chúa mạc khải cho ông biết tên của Ngài, trong hy vọng Chúa đừng trả lời cho ông là “Giêsu Kitô” và ông phải trở thành người kitô hữu – một sự từ chối thẳng thắn do ông cảm nhận “kitô giáo là kẻ thù, là đồi bại đối với do thái giáo, nguyên do đau khổ của dân tộc do thái từ hai ngàn năm nay”.
Ngày hôm đó ông không có câu trả lời, một chuyện mà sau này ông cho rằng, đó là dấu hiệu sự “tôn trọng” của Chúa đứng trước sự từ chối không muốn nhận biết Ngài của ông. Chúa muốn để tự một mình ông đi tìm Ngài là ai. Và đó là điều ông Schoeman đi tìm: dùng thì giờ rãnh của mình để đi tìm Chúa “này” trong các lần đi dạo, trong sách vở, khi hỏi lời khuyên của các chuyên gia có “kinh nghiệm thần bí”…
Một năm sau, cùng đúng vào ngày đó, lần thứ nhì và lần này trong giấc mơ, ông nhận “ơn lớn nhất” đời ông, khi tỉnh dậy, ông “trở thành người yêu mến Đức Mẹ thống thiết”. Ông thú nhận, đúng, trong giấc mơ, “tối hôm đó khi đi ngủ, tôi không biết gì nhiều về kitô giáo, tôi cũng không có cảm tình đặc biệt với đạo này, cũng không biết một khía cạnh nào của đạo”.
“Giấc mơ” của ông Roy Schoeman như sau:
“Người ta dẫn tôi đến một căn phòng mà họ cho tôi diện kiến với một phụ nữ trẻ rất đẹp mà tôi chưa hề hình dung. Không nói, tôi cũng biết đó là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi mà tôi đặt ra; rõ ràng tôi thấy tôi đang đứng, tôi có trong một số câu hỏi để đặt ra, tôi hỏi Mẹ bốn hoặc năm câu. Mẹ trả lời cho tôi trong vòng nhiều phút và buổi diện kiến kết thúc. Kinh nghiệm và ký ức của tôi làm cho tôi thấy mình tỉnh ngộ hoàn toàn. Tôi nhớ lại tất cả chi tiết, đương nhiên kể các câu hỏi và câu trả lời; nhưng tất cả những thứ này trở nên mờ nhạt trước sự ngây ngất duy nhất do sự hiện diện của Mẹ Maria, trong sự tinh tuyền và sâu đậm của tình yêu của Mẹ”.
Hướng đến mục đích
Từ nay, ông biết Chúa đã mạc khải cho ông Chúa là Chúa Kitô khi ông đi dạo. Nhưng ông thật sự không biết gì về kitô giáo, thậm chí ông không phân biệt sự khác biệt giữa người công giáo và người tin lành. Khi đó ông thử “đột nhập” đến với các tín hữu tin lành, nhưng sự “khinh thường vừa hé ra” của một mục sư nói về Đức Mẹ đã làm cho bỏ trốn! Khi đó ông quyết tâm bỏ nhiều thì giờ hơn để đi viếng các đền thờ Đức Mẹ, nhất là đền thờ Đức Mẹ Salette ở Ipswich thuộc bang Massachusetts, rồi những nơi Đức Mẹ hiện ra ở rặng Núi Alpes nước Pháp. Tình yêu cho Đức Mẹ và lòng khao khát Thánh Thể đã cùng một lúc làm cho ông thấy, từ nay đó là “kim chỉ nam đưa ông về mục đích”.
Ông Roy Schoeman rửa tội vài năm sau đó, năm 1992.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch