Trả lời phỏng vấn của hãng tin Công giáo Exaudi, ông George Poulides, Đại sứ của Sýp cạnh Toà Thánh, nói rằng đối với người dân Sýp, Đức Thánh Cha là một nhà lãnh đạo tinh thần, một thẩm quyền đạo đức nhưng cũng là một biểu hiện của “quyền lực mềm” về đạo đức trong nền chính trị thế giới.
Đại sứ của Sýp cạnh Toà Thánh chia sẻ: "Chúng tôi rất vui và vinh dự khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Sýp. Người dân Sýp, Tổng thống Nicos Anastasiades, các tổ chức, các giáo hội, các cộng đồng và nền văn hóa của Sýp vui mừng và tự hào về sự kiện lịch sử này. Sau Đức Biển Đức XVI, cách đây 11 năm, lần thứ hai trong lịch sử hiện đại của chúng tôi, một vị Giáo hoàng sẽ đến thăm đảo Sýp của các tông đồ. Đảo Sýp cần những lời nói về hòa bình và hy vọng của Đức Thánh Cha để tìm lại được sự hiệp nhất và tự do của nó".
Thông điệp hoà bình cho Sýp
Đại sứ Poulides cho biết, người dân Sýp chia sẻ quan điểm của Đức Thánh Cha về hòa bình và công bằng xã hội. Sýp đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi và tầm nhìn sáng suốt của Đức Thánh Cha trong việc chống lại đói nghèo, sự loại trừ và bất công. Sýp cũng hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ mang đến một thông điệp về hòa bình ở Sýp khi nêu bật sự bất công của sự chiếm đóng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, điều vẫn gây chia rẽ đất nước và người dân của nó.
Đảo Sýp bị chia đôi sau cuộc xâm lược quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974 và chiếm đóng hơn 36% lãnh thổ của Cộng hòa Sýp kể từ đó. Theo Đại sứ Polides, Sýp cần thông điệp hoà bình công tâm của Đức Giáo hoàng, trong bối cảnh khó khăn mà đảo này đang phải đối mặt trong khu vực bị chiếm đóng. Ông nói: "Chúng tôi hy vọng rằng Đức Giáo hoàng chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi về một nước Sýp tự do và thống nhất, một mô hình chung sống hòa bình và thịnh vượng của tất cả các công dân và là trụ cột của sự ổn định, hòa bình và an ninh ở Đông Địa Trung Hải...".
Bảo vệ các di sản thiêng liêng và văn hoá lịch sử
Sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974, nhiều di tích, nhà thờ và địa điểm khảo cổ trong các khu vực bị chiếm đóng đã bị cướp phá. Những biểu tượng tôn giáo, tranh khảm và các kho tàng văn hóa khác đã bị đánh cắp và bán ra nước ngoài bởi những kẻ buôn lậu cổ vật. Thử thách khủng khiếp này cũng có thể được coi là một phần của cuộc thanh trừng sắc tộc và một mất mát văn hóa lớn cho toàn nhân loại. Đại sứ Poulides mong nhận được sự hỗ trợ của Giáo hoàng để đảm bảo việc bảo vệ và tôn trọng các di tích thiêng liêng cũng như di sản văn hóa thuộc về lịch sử.
(Exaudi 30/11/2021)
Theo Hồng Thủy - Vatican News (01/12/2021)