Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Dụ ngôn Binh đoàn Lê dương Pháp hay vì sao Chúa cho phép các thử thách?

Như tôi đã giải thích trước đây, cha Gunter của tôi sinh năm ở 1934 ở thành phố Stettin, một thành phố ở Đông Đức. Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt khi ông 11 tuổi và người Nga xâm chiếm thành phố Stettin. Họ tịch thu nhà và đuổi gia đình cha tôi. Gunter phải đi bộ với cha mẹ về thành phố Hambourg ở Tây Đức. Ông nội bị thương và chết trên đường đi. Tuổi trẻ của cha tôi, cha tôi nuôi hận thù với người “bôn-sê-viết”. Sau khi học xong nghề thợ hàn chuyên về lò sưởi, 20 tuổi cha tôi vào Binh đoàn Lê dương Pháp, đây là đơn vị đặc biệt của quân đội Pháp vì các binh sĩ  là những người nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho nước Pháp, họ là những người lính tinh nhuệ, dũng cảm. Cha tôi muốn vào đội “mũ đỏ” đi tác chiến ở Đông dương. Nhưng vào thời đó, nước Pháp bỏ chiến tranh ở Á châu để tập trung vào Algeria, nơi chiến sự căng thẳng ngày càng cao. Vì thế cha tôi được gởi đến Bắc Phi 7 năm, từ năm 1955 đến 1962. Bảy năm của một cuộc chiến khủng khiếp đánh dấu mãi suốt đời ông. Như phần lớn các quân nhân từ mặt trận về, ông không nói gì về những gì ông đã thấy, đã sống. Nhưng năm 1997, ông đưa cho tôi bản thảo năm trăm trang kể những năm tháng chiến đấu, đau khổ, chất vấn, chiến thắng, thất bại, không phải chỉ đối diện với kẻ thù nhưng còn đối diện với các vấn đề nhức nhối cá nhân, nhất là nạn nghiện rượu. Một cách để làm cho ông thoát ra khỏi những chuyện khủng khiếp lâu ngày còn khép kín trong tâm hồn. Khi đọc câu chuyện của cha tôi, tôi biết ông là một quân nhân can đảm và can cường. Ông được thưởng huy chương ở mặt trận, ông nhận nhiều huy chương trong đó có huy chương chữ thập của quân đội với ngôi sao bằng đồng, và chứng chỉ Binh đoàn khen tặng lòng dũng cảm khi chiến đấu. Khi trở về là một binh lính thường, ông là hạ sĩ-trưởng, chức mà đối với Binh đoàn là có thăng chức.

 

Nhưng nếu ông xuất sắc khi chiến đấu thì đời sống của ông ở trại lại là một chuyện khác. Ở đây, dưới tác dụng của rượu, ông trở nên không kiểm soát được, gây gổ kể cả với các sĩ quan. Cứ mỗi lần như vậy, ông phải ra tòa án quân sự và phải bị nhốt vào ca-sô. Các sĩ quan không trục xuất ông vì họ biết những người lính cứng đầu như vậy thường là những người lính dũng cảm ngoài mặt trận.

 

Nhưng vụ tháng 8 năm 1961 thì quá đáng. Gunter đánh một trung úy trước đây đã rất ghét ông. Lần này ông bị phạt nặng. Trong khi chiến tranh ở Algeria sắp kết thúc, ông bị phạt một năm trong trại kỷ luật của Binh đoàn. Và thế là tháng 8 năm 1961 ông đến trại cải tạo Djenien Bou-Rezg gần Sidi Bel Abbès. Ông phải đập đá trong những điều kiện gay gắt giữa sa mạc Sahara. Hình phạt thì thật kinh hoàng, như đào mồ, nằm đó suốt ngày dưới ánh nắng mặt trời chói chang, ban đêm ở đó trong cái lạnh giá buốt. Cấp trên tăng thêm hình phạt bằng cách đổ từng xô nước vào ban đêm. Đa số các người gác tù là cựu sĩ quan đức quốc xã. Khi kết thúc chiến tranh, họ đã phải chọn hoặc bị án tử hình, hoặc phải vào Binh đoàn Lê dương Pháp. Khi nước Pháp phải rời vĩnh viễn Algeria, trại kỷ luật được dời về thành phố Coite, đảo Corse, và rồi đóng cửa vĩnh viễn trong những năm 70. Rất nhiều tù nhân đã bị điên hoặc đã bị chết trong các trại này. Tháng 8 năm 1962 cha tôi ra khỏi trại Djenien Bou-Rezg. Dù bị tổn thương nhưng ông còn sống! Chắc chắn điều đã cứu ông là nhờ những năm tác chiến đã tạo cho ông một thể trạng có thể cầm cự được.

Dụ ngôn Binh đoàn Lê dương Pháp

 

Khi một tín hữu kitô trung thành, họ theo đúng những gì Chúa Kitô và Giáo hội dạy theo Phúc Âm, và khi họ gặp thử thách lớn, họ có thể cho đây là chuyện bất công. Để giải thích vì sao Chúa lại cho phép có các thử thách, tôi xin đề nghị dụ ngôn Binh đoàn Lê dương Pháp.

 

Có ba loại nghịch cảnh

 

Chúng ta thường thấy có điểm chung giữa cuộc sống chiến đấu của người lính và cuộc sống của kitô hữu khi họ đối diện với thử thách. Người lính phải đối diện với ba loại nghịch cảnh, những nghịch cảnh có tự trong chính con người họ: bệnh tật, suy thoái tinh thần, nghiện ngập. Những nghịch cảnh đến từ kẻ thù ngoài mặt trận. Và những nghịch cảnh do cấp trên áp đặt khi huấn luyện gay go trong trại.

 

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng đối diện với ba thử thách. Thử thách đến từ chính chúng ta: tính khí, cá tính, khuynh hướng xấu. Thử thách đến từ kẻ thù của chúng ta: ma quỷ. Thử thách được Chúa cho phép để tôi luyện chúng ta cự lại với sự dữ.

 

Sự yếu đuối của chúng ta

 

Chúng ta bắt đầu bằng các thử thách từ chính con người mình. Chúng ta hay gán cho các cám dỗ của mình là do ma quỷ, trong khi đa số là do chúng ta. Đó là một sai lầm mang đến hệ quả nặng nề, vì khi chúng ta gán các cám dỗ của mình cho một lý do bên ngoài thì chúng ta tự cho mình là nạn nhân và chúng ta không cố gắng đủ để thoát ra. Đa số các thử thách không đến từ quỷ mà đến từ sự yếu đuối của chúng ta, như Thánh tông đồ Giacôbê đã viết rõ: “Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết”  (Gc 1,14).

 

Các Tổ phụ Giáo hội cũng diễn tả tiến trình cám dỗ này theo một công thức quen thuộc: “Tôi thấy một trái táo, tôi dùng cái thang, tôi ăn trái táo.” Ở giai đoạn đầu khi tôi thấy trái táo thì không có tội. Nhưng khi tôi bám vào xúi giục này, tôi dùng cái thang và nói: “Không sao, tôi chỉ nhìn cho gần, rồi tôi sẽ dừng trước đó”, nhưng thường thì đã quá trễ, tôi đã ăn trái táo. Nói cách khác, để cự lại với cám dỗ, thì phải hiểu cơ chế để không bị rơi vào tình trạng phải có một thỏa hiệp.

 

Ma quỷ

 

Cũng có các thử thách đến từ quỷ. Thánh Phêrô đã viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5, 8).

 

Cũng hơi ngao ngán khi thấy một số người công giáo không tin vào quỷ. Họ nghĩ sự dữ đơn giản do sự dữ con người tạo ra chung quanh mình. Nếu ma quỷ không có thì phải loại ra tất cả các đoạn Tân Ước nói một cách cụ thể Chúa Giêsu đã trừ quỷ như thế nào. Chúa Giêsu đã gởi các đồ đệ đi trừ quỷ nhân danh Ngài. Như chúng tôi đã nói ở trên, chắc chắn là có những thời kỳ mà chúng ta thấy quỷ ở khắp nơi, đó là một sai lầm. Nhưng không thấy quỷ đâu hết lại là một sai lầm còn tệ hơn. Có người cho rằng, mưu mẹo lớn nhất của quỷ là làm cho con người tưởng là không có quỷ! Bởi vì nếu chúng ta không tin có quỷ thì chúng ta coi thường nó. Như thế nó dễ dàng hành động mà chúng ta không biết.

 

Trong những năm đầu tiên làm linh mục, tôi là linh mục tháp tùng trong ban tuyên úy của một trường trung học. Một thanh niên 17 tuổi cho chúng tôi biết anh bị mất ngủ nặng. Anh cũng cho biếtanh không thể nhịn được,  tối nào mà anh cũng xem phim kinh dị. Đối với chúng tôi hiển nhiên hai chuyện này có liên hệ với nhau, nhưng với anh thì không. Anh nói các phim này chỉ là những cảnh đổ xốt cà chua đỏ, nó chẳng có tác động gì trên đời sống của anh. Tôi nghĩ quỷ sẽ phủi tay. Thái độ đúng là không thấy quỷ ở khắp nơi, nhưng phải coi chừng nó!

 

Tập luyện

 

Chính là giúp chúng ta cự lại với quỷ qua sức mạnh của đức tin mà Chúa đã cho phép có các thử thách: “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1P 5,9). Rất nhiều người than phiền, họ quá ngán vì phải luôn đấu tranh, họ muốn Chúa dùng đũa thần giải thoát họ khỏi mọi thử thách để cuối cùng họ tìm được bình an. Dĩ nhiên Chúa muốn tất cả con cái mình được giải thoát khỏi những gì làm họ sa ngã nhưng hiếm khi Ngài hành động như một ảo thuật gia. Phương pháp của Ngài là tôi luyện chúng ta để chúng ta cự lại sự dữ như viên sĩ quan rèn luyện lính trong trại để sẵn sàng chiến đấu.

 

Chúng ta hình dung tình trạng chiến đấu của của Binh đoàn Lê dương Pháp ở Guyane. Các trở ngại liên tiếp nối đuôi nhau ở rừng già ẩm ướt. Mỗi lần người lính bị té, họ té trong đống bùn và càng lúc họ càng khó khăn để bám vào thanh gỗ vì nó thành trơn trợt. Và mỗi lần té là mỗi lần phải có thêm sức. Kiệt sức, người lính nản chí, có khi họ còn cự lại với cấp trên vì sao phải bắt họ tập luyện khổ sở như vậy? Có phải chúng ta cũng làm như vậy mỗi khi chúng ta phẫn nộ chống Chúa vì chúng ta ngã, rồi lại ngã trong các nghịch cảnh của mình? Chúng ta biết Chúa có quyền lực giải thoát chúng ta khỏi yếu đuối, cũng như viên sĩ quan có quyền làm ngưng tiến trình tập luyện của chiến binh. Nhưng vì sao người sĩ quan buộc phải kiên trì theo đuổi tiến trình này? Ông không phải là người khoái thấy người khác khổ nhưng ông muốn quân lính của mình còn sống sau trận chiến. Càng rèn luyện thì càng có hy vọng trở về từ mặt trận. Vì thế Chúa cho phép chúng ta đối diện với thử thách để làm cho chúng ta vững mạnh trong cuộc chiến và sẽ chiến thắng trong các trận chiến lớn hơn. Và đó là điều Thánh Phaolô nói: “Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Ro 5, 3-5).

 

Các cản trở

 

Chúng ta để ý, người sĩ quan không đặt trên tiến trình của ông các trở ngại không thể vượt lên được, ông không muốn để lính của mình trong tình trạng thất bại. Tất cả các cản trở đều ở trong tầm tay của người lính. Với quyết tâm và kiên trì, họ có thể vượt lên được: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Co 10,13).

 

Ở tầm cao của tiếng gọi của chúng ta

 

Một điểm cuối: các người lính đánh thuê là một quân đội ưu tú. Việc rèn luyện họ phải ở tầm cao với các can thiệp chiến lược của họ trên thế giới. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các tín hữu kitô dấn thân phục vụ Chúa Kitô và Truyền giáo đặc biệt bị thử thách. Từ khả năng mang lại các chiến thắng nhỏ cho chính họ có thể mang đến

 

chiến thắng lớn cho Giáo hội.

 

Đúng, chúng ta đừng xao xuyến nếu suốt đời chúng ta phải đối diện với thử thách vì, như thánh cha xứ Ars nói: “Tất cả binh lính đều tốt trong đồn. Chính trên chiến trường mà chúng ta phân biệt được ai là dũng cảm, ai là hèn.”

 

Marta An Nguyễn dịch

 

Dụ ngôn Binh đoàn Lê dương Pháp hay vì sao Chúa cho phép các thử thách?

https://youtu.be/0ZFvb8WK0G4
505    23-01-2019