Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Đức Hồng y Lustiger: Câu chuyện của một cuộc trở lại bất ngờ


Đức Hồng y Aron Jean-Marie Lustiger là người do thái, năm 14 tuổi, trong một cuộc gặp gỡ với Chúa ở nhà thờ chính tòa Orléans, cha đã trở lại đạo công giáo. Ngày 5 tháng 8 – 2017, kỷ niệm mười năm ngài qua đời, báo Aleteia có bài kể câu chuyện trở lại của ngài.

Cách đây 10 năm, ngày 5 tháng 8 – 2007, Đức Hồng y Aron Jean-Marie Lustiger qua đời, ngài là Tổng Giám mục địa phận Paris từ năm 1981 đến năm 2005, được Đức Gioan-Phaolô II phong hồng y năm 1983 và năm 1995 vào Hàn lâm viện Pháp. Ngài được chôn ở hầm nhà thờ Đức Bà Paris trong phần mộ của các Tổng Giám mục địa phận Paris. Theo lời yêu cầu của ngài, tấm bia được ghi như sau: “Tôi sinh ra là người do thái. Tôi trở thành người kitô hữu bằng đức tin và bằng phép rửa tội, tôi vẫn là người do thái như các Thánh Tông đồ. Tôi có các thánh bổn mạng Aron, Thầy Cả Thượng tế, thánh Gioan Tông đồ, Đức Mẹ đầy ân phước”. Một vài hàng tóm gọn cuộc đời của giám chức cao cấp và nói lên sức mạnh của cuộc trở lại của ngài.

Aron Lustiger sinh ngày 17 tháng 9 –  1926 ở Paris, quận 12  trong gia đình do thái thuộc giáo phái ashkénaze, gốc Ba Lan. Thân sinh của cha là ông Charles và bà Gisèle Lustiger đến Pháp năm 1918, họ có một cửa tiệm bán đồ dệt kim ở Paris. Người hay lặp đi lặp lại: “Tôi là hồng y, người do thái, con của người di dân” khi còn rất trẻ đã đối diện với phong trào bài do thái và sứ điệp kitô. Năm 1937, khi mới 11 tuổi, trong một chuyến đi học ngoại ngữ ở Đức, cậu bé Aaron ở trong một gia đình tin lành. “Mới 11 tuổi tôi đã thấy tận mắt chủ nghĩa đức quốc xã. Chủ nghĩa đức quốc xã dưới con mắt dán sát của một đứa bé 11 tuổi thảo luận với một đứa bé 13 tuổi (…)” và cậu bé 13 tuổi vừa giải thích vừa đưa ra con dao: “Đến mùa hè, người ta sẽ giết tất cả người do thái”, cha giải thích sau này trong một cuộc phỏng vấn trả lời báo Israel Yediot Aharonot, tạp chí Pháp Le Débat đăng năm 1982. Và đó là dịp đầu tiên cha đến gần các kitô hữu chống đức quốc xã. 

“Tôi say sưa đọc Thánh Kinh”

Cũng trong thời gian này, giữa 10 và 12 tuổi, cha đọc quyển Thánh Kinh tin lành trong thư viện của cha mẹ. Cha giải thích: “Tôi say sưa đọc Thánh Kinh và tôi không nói với ai”, cha thấy Tân Ước là hoàn tựu của Cựu Ước, cha khám phá gốc rễ căn tính do thái của mình. Trong thời Thế Chiến Thứ Hai, cha là học sinh của trường Montaigne ở Paris, cha bị các học sinh khác “dần cho một trận vì là người do thái”.

Thân sinh của cha gởi cha đến Orléans cùng với chị của cha. Chính ở thành phố của Thánh Jeanne d’Arc này mà cha biết được đức tin. Trong Tuần Thánh, cậu bé chưa đầy 14 tuổi cảm nhận như có một tiếng gọi khi ở nhà thờ chính tòa Thánh Giá Orléans. Theo triết gia Jean-Luc Marion, người được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp ngày 6 tháng 11 năm 2008 ở ghế của cố hồng y Lustiger thì, khi trên đướng đi đến trường Pothier, thì cậu bé Aaron qd vào nhà thờ mà“không biết đó là ngày Thứ Năm Tuần Thánh”, ngày Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Cậu bé giữ thinh lặng một lúc và không nói gì. Khi ngày hôm sau cậu trở lại, cậu thấy nhà thờ trần trụi như xác chết mà không biết đó là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm sự Thương Khó của Chúa Kitô và ngày suy niệm về ý nghĩa của cái chết này. Cảnh này làm cho cậu bé xúc động tận tâm can. Năm 1987, cha kể trong quyển sách Chọn lựa của Chúa: “Tôi chịu thử thách của sự trống rỗng này mà không biết đó là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và ngay lúc đó, tôi nghĩ: tôi muốn được rửa tội”. 

“Con lai của Chúa”

Nguyện ước của cha được thực hiện rất nhanh. Vài tháng sau, ngày 25 tháng 8 – 1940, hồng y tương lai được rửa tội ở nhà thờ chính tòa Orléans, nơi mà 39 năm sau, ngài được Đức Gioan-Phaolô II tấn phong giám mục. Ngay từ đầu, ngài đã cho rằng, đức tin đối với con người là dịp may duy nhất để được thật sự tự do và có một lý lẽ để hy vọng. Khi thân sinh cha biết cha đã rửa tội, họ cho đức tin của cha “gây phẫn nộ”, vào cuối chiến tranh, họ thuyết phục cha xin hủy phép rửa tội nhưng cha không chịu. Dù khi mới đầu, họ chấp nhận việc này, vì thấy đây là một cách bảo vệ để chống với chủ nghĩa nazi. Aron thêm vào hai tên riêng khác vào tên gia đình, Jean và Marie. Năm 1943 mẹ của cha bị chết ở trại tập trung Auschwitz khi bị một nữ nhân viên tố cáo và bị giam ở Drancy. Khi chiến tranh chấm dứt, Lustiger tiếp tục học bình thường ở Đại học Paris, phân khoa văn chương. Năm 1946, cha vào chủng viện Dòng Carmes của Học viện Công giáo Paris. Ngày 17 tháng 4 năm 1954, cha chịu chức linh mục và sự nghiệp tu sĩ đưa cha lên các cấp bậc cao nhất của Giáo hội công giáo.

Dù đã trở lại, nhưng cha vẫn giữ căn tính do thái của mình, cha tự cho mình là “con lai của Chúa”. Cha thường hay nói đùa: “Tôi luôn xem mình là người do thái, nhưng các giáo sĩ do thái thì không đồng ý”. Chắc chắn đó là một trong các lý do giải thích vì sao từ tháng 10 năm 2013, cha có tượng đài kỷ niệm ở Israel.

Marta An Nguyễn dịch

857    14-08-2017