Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Đức Phanxicô ở Chi-lê và Pêru trong bước chân các tu sĩ Dòng Tên thế kỷ thứ 16

Đức Phanxicô ở Chi-lê và Pêru trong bước chân các tu sĩ Dòng Tên thế kỷ thứ 16

Tại Nam Mỹ, Đức Phanxicô muốn các ống kính nhắm vào các dân tộc bản địa ở Chi-lê và Pêru.

Trên chuyến bay đi Chi-lê ngày 15-1, tôi tặng ngài món quà khiêm tốn “Cuộc phiêu lưu của Tintin ở Pêru”. Ngài cám ơn và nói: “Tôi phải mang mắt kiếng để xem vì chữ nhỏ quá…”. Dù sao ngài cũng như mọi người đều biết phóng viên nổi tiếng Tintin người Bỉ’. Và trên chuyến bay dài, ngài cũng có lướt qua một chút.

Sau khi đi Ba Tây, Ê-cu-a-đo, Bô-li-vi-a, Pa-ra-goay, Cuba, Mêhicô, lần này Đức Phanxicô đi Chi-lê, Pêru thăm 6 thành phố, đọc 13 bài diễn văn, giảng 7 bài giảng bằng tiếng mẹ đẻ. Ngài sẽ gặp giám mục cao niên nhất thế giới, giám mục Bernardino Piđera Carvallo, 102 tuổi và một nhóm nữ tu Dòng Kín lần đầu tiên đi ra ngoài. Đức Phanxicô, người luôn lay tỉnh tâm thức nhân loại, ngài muốn các ống kính chú ý đến các dân tộc bản địa ở Temuco, miền xa xuôi của người Mapuche, vài ngày sau ngài đi Puerto Maldonado, vùng rừng Amazzonia, Pêru.

Vui vẻ tươi cười hơn khi ngài cử hành các thánh lễ long trọng ở Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã có những lời nói nồng nhiệt trong ngôn ngữ bản địa. Ngài tặng những người tham dự các bản dịch của Thông điệp Chúc tụng Chúa về việc gìn giữ “Căn nhà chung”, để khẳng định với họ, rằng ngài quyết tâm bảo vệ hệ thống môi sinh đang bị đe dọa vì nạn phá rừng. Ngài tuyên bố: “Tôi kêu gọi tiến hành, sau đó phải cho thời gian có thì giờ”. Ngài công kích hàng loạt, ngài luôn bảo vệ kẻ yếu. Ngài lôi kéo sự chú ý của thế giới về các bộ tộc này, về sự khai thác không nương tay nguồn tài nguyên của họ. Với phương pháp thực tiễn, rất Dòng Tên, ngài tập trung vào sự tôn trọng và sống còn của các nền văn minh xưa cổ mà các dân tộc này phải đương đầu với thách thức toàn cầu hóa, và năm 2019, ngài sẽ triệu tập hội đồng giám mục ở Rôma để thảo luận về các dân tộc vùng Amazzonia.

Kết hợp với tinh thần truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên, những người mà từ thế kỷ 16 và 17 đã lên đường rao giảng Tin Mừng ở Châu Mỹ La Tinh, và theo thường lệ của mình, ngài đã gặp 200 đồng hữu Dòng Tên, đã khuyến khích châu lục này chống lại các bệnh thời đại: thay đổi khí hậu, tham nhũng, các lệch lạc tình dục…

Chuyến đi dài, rất vất vả nhưng kết thúc bằng một thánh lễ thật đông, có cả triệu người tham dự ở Lima, Pêru ngày chúa nhật 21 tháng 1. Một chuyến đi dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, ngài dùng một đặc ân rất xưa cổ của giáo hoàng: đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ, ngài đã đội triều thiên cho các tượng Virgen del Carmen, Virgen Ponte và Tirana. Tất cả mọi người đã biết lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài như thế nào, trước và sau mỗi chuyến đi, ngài đều đến cầu nguyện ở nhà thờ Đức Bà Cả để dâng chuyến đi của mình cho Đức Mẹ. Ngay khi đến đất Chi-lê, ngài cầu nguyện ở một bàn thờ nhỏ ngài xin kê ở trong vườn.

Các người Argentina luôn tự hỏi vì sao ngài không về Argentina dù ngài luôn giữ hộ chiếu Argentina. Như ngài đã giải thích cho đồng nghiệp Argentina Hernàn Reyes Alcaide của tôi, người thân cận với ngài và vừa viết quyển sách nói về tư tưởng của Đức Phanxicô “Châu Mỹ La Tinh. Trò chuyện với Hernàn Reyes Alcaide”: “Đất nước rất chia rẽ về mặt chính trị, Đức Phanxicô không muốn đứng về bên hữu, mạnh và mị dân của Tổng thống Macri, cũng không muốn đứng bên tả của những người theo chủ nghĩa peron. Dù sao, ở Argentina, hành động của ngài luôn được quan sát rất kỹ, lời của ngài được cân nhắc và nhiều khi ý của ngài bị xuyên tạc, thậm chí bị dùng vào mục đích xấu”. Chính vì thế mà Đức Phanxicô rất giận khi có một số đồng hương Argentina được ngài tiếp kiến riêng ở Vatican, khi về xứ, họ đăng hình, đăng phản hồi trên các trang mạng xã hội.

Theo cá tính riêng của mình, Đức Phanxicô rất cẩn thận với các chuyện riêng tư. Và như câu ngạn ngữ nói: “Không ai làm tiên tri ở xứ mình”.

Sau những ngày mệt nhọc, ngài nhẹ nhàng thì thầm bên tai người bệnh, người bị cầm tù, trẻ em khuyết tật được mẹ bồng đến.

Dù Đức Bergoglio và Tổng thống Macri rất biết nhau từ khi còn ở Buenos Aires (ngài là Đức Tổng Giám mục, ông là thị trưởng Buenos Aires) nhưng ngài không muốn ủng hộ đường lối chính trị quá phóng khoáng của Tổng thống Macri. Dù sao, theo ngài, là Giám mục Rôma không có nghĩa là có một quyền tối thượng khác, quyền ưu tiên cho đất nước mình. Và một chuyện làm ngài khá bực mình khi người Argentina nhắc đến việc hai vị tiền nhiệm của ngài, Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger đã về thăm Ba Lan và Đức vài tháng sau khi được bầu chọn. Ngài đã phải thốt lên: “Tại sao khi nào cũng so sánh. Mỗi người có một tính”. Đức Phanxicô luôn nhìn phía trước, ngài không mất thì giờ vào tình cảm ủy mị khi Tổng thống một nước láng giềng Argentina đề nghị ngài thăm bà Maria Elena, em của ngài, ngài từ chối. Vì ngài không thích đi vào cõi riêng tư của mình nên ngài trả lời như người không tình cảm: “Thế giới thì lớn hơn là nước Argentina và phải chia sẻ. Tôi phó thác mình vào bàn tay Chúa để Ngài hướng dẫn tôi”. Rõ ràng. Đồng hương của ngài phải ráng chịu! Bây giờ, ngài là Phanxicô hơn là Bergoglio.

Tuy nhiên phải nhận thấy, một chuyến đi với Đức Phanxicô luôn có những xúc động và đầy cả ngạc nhiên. Chẳng hạn, làm sao không ấn tượng khi sau những ngày mệt mỏi, Đức Phanxicô nhẹ nhàng thì thầm bên tai người bệnh, người bị cầm tù, trẻ em khuyết tật được mẹ bồng đến. Không hình thức nghi lễ, không hàng rào cản, ngài có từng lời riêng cho mỗi người, những người yếu ớt cần lời mang đến hy vọng cho họ. Lời của ngài nâng đỡ những người chờ ngài hàng giờ, họ ở đó để chỉ chờ một tấm hình selfie! Ngài nói với họ bằng ngôn ngữ của trọng lực với tình lân tuất không bao giờ ngừng.

Với một tinh thần phóng khoáng, Đức Phanxicô đã cử hành hôn lễ trên không, trên rặng núi Ăng-đơ, cho cô tiếp viên Paola và ông Carlos cũng tiếp viên, hai người đã làm đám cưới dân sự từ 10 năm nay. Chính lúc chụp bức hình kỷ niệm với phi hành đoàn mà hai người thú nhận với ngài: “Giấc mơ của chúng con là một ngày đó làm đám cưới. Nhưng trước ngày đám cưới năm 2010, nhà thờ của con bị sập vì động đất”. Đức Phanxicô đề nghị hai người làm đám cưới. Và một nghi thức đơn sơ đã được tiến hành, với người làm chứng là ông  Ignazio Cueto, chủ hãng hàng không Latam. Đức Phanxicô nhắc lại: “Bí tích hôn nhân là bí tích mọi người cần, tôi hy vọng điều này khuyến khích các cặp khác cũng làm đám cưới”. Ngài hài hước nhắc: “Nhẫn đám cưới đừng quá chặt vì sẽ như bị tra tấn và cũng đừng quá rộng vì sẽ bị tuột mất”.

Và rồi chúng tôi lại xúc động khi cô hiến binh ở Iquique bị té ngựa, con ngựa hãi sợ đám đông, lồng lên và hất cô té. Đức Phanxicô xin dừng xe lại, ngài ở bên cạnh cô cho đến khi xe cứu thương đến.

Rồi một giây phút buồn cười khác, chiếc xe Fiat 500 của ngài bị xẹp lốp. Người ta thấy ngài tự nhiên xuống xe rồi lên một xe khác, rồi lên một xe khác rộng hơn. Đức Phanxicô luôn tin ở số phận, lúc nào cũng hóm hỉnh và bình tỉnh. Có thể đó là cách ngài luôn cố gắng giống mọi người để không cảm thấy mình bị cô lập. Thật khó để còn bạn khi mỗi cử chỉ của mình đều bị 170 ‘quan chưởng ấn’ quan sát và 1 tỷ 200 000 giáo dân theo dõi. Ai là người mình có thể nói chuyện mà không bị diễn giải sai, làm sao ăn bên cạnh những người cùng ở với mình ở Nhà Thánh Marta mà không bị để ý? Ai biết được, cũng như chúng ta, đôi khi cũng muốn nhón thức ăn ở đĩa người bên cạnh… Chắc chắn, người duy nhất mà ngài cảm thấy mình có tin tưởng tuyệt đối là Đức Bênêđictô XVI. Vượt khỏi khuôn khổ tôn trọng, một sự hài hòa nối kết hai vị kế nhiệm Thánh Phêrô. Đức Phanxicô, người rất dễ xúc động nhưng lại tỏ ra rất dè dặt hơn vẻ bên ngoài của ngài. Và đó là bí mật tâm hồn của ngài, bí mật ‘in pectore’ ngài giữ kỹ như sau khi được bầu chọn, tên ngài chưa được công khai tuyên bố.

Marta An Nguyễn dịch

 

 

526    02-02-2018