Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Đức tin Kitô giáo dựa trên bằng chứng

ductin
 Khakimullin Aleksandr | Shutterstock


Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không phải là một “bước nhảy mù quáng trong bóng tối” mà là một cam kết được lý trí soi sáng.

Trong thế giới khoa học hiện đại ngày nay, đức tin chắc chắn là khái niệm tôn giáo bị hiểu lầm nhiều nhất. Hầu hết các định nghĩa thế tục coi đó là một “bước nhảy mù quáng trong bóng tối” được thực hiện khi không có bằng chứng. Niềm tin như vậy thực sự là phi lý, nếu không muốn nói là hoàn toàn mê tín và nguy hiểm. Niềm tin vào các nàng tiên răng, luân hồi hay trái đất phẳng đều là vô hình, vô lượng hoặc đi ngược với bằng chứng. Đây không phải là cách hiểu về đức tin của Công giáo.

Một định nghĩa của Công giáo

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 1814) dạy rằng: “Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mặc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân Lý”. Tác giả Thư Do Thái còn định nghĩa thêm về đức tin là “bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là sự chứng thực cho những điều ta không thấy” (Dt 11:1).

Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy sự cần thiết của lý trí trong việc đưa chúng ta đến ngưỡng cửa của đức tin. Chính sự phối hợp quan trọng này cho phép chúng ta tin vào những lời của Chúa Giêsu và các công việc thiêng liêng của Người như đã được ghi lại trong các sách Phúc Âm, nhưng điều quan trọng nhất là - vô số các nhân chứng đã xác nhận về sự Phục Sinh của Người.

Bằng chứng - nhưng không là sự chứng minh tuyệt đối!

Điều rất quan trọng cần lưu ý là sự chứng minh, theo nghĩa tuyệt đối, được giới hạn trong lĩnh vực toán học. Không có cái gọi là bằng chứng tuyệt đối trong thế giới thực nghiệm. Khoa học thực nghiệm là một bộ môn không chịu trách nhiệm để chứng minh bất cứ điều gì mà không còn nghi ngờ gì nữa, mà chỉ đơn giản là đưa ra các lý thuyết được soi sáng dựa trên bằng chứng tốt nhất hiện có.

Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những gì chúng ta cho là “biết” lại không thực sự dựa trên bằng chứng trực tiếp, mà đúng hơn - bằng chứng gián tiếp: Chúng ta tin vào những gì giáo viên dạy chúng ta, những cuốn sách chúng ta đọc, những video chúng ta xem trên internet,… Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tự mình nhìn thấy, vì vậy thay vào đó, chúng ta dựa vào người khác để biết thông tin và điều này đòi hỏi rất nhiều sự tin tưởng, hay nói cách khác - niềm tin! Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào sức mạnh của bằng chứng trong tay.

Các bằng chứng

Vậy chúng ta hãy xem xét một số bằng chứng về đức tin Kitô giáo. Chúng ta phải tiếp cận nhiệm vụ này giống như một hiện trường vụ án: Bằng chứng này chỉ ra điều gì?

Sự sống lại

Như Thánh Phaolô đã nói đến trong 1 Cr 15:14, “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng.” Món tiền đặt cược ở đây thật đồ sộ. Hoặc cái chết về thể xác không phải là kết thúc, hoặc nếu không thì chúng ta đã bị lừa bởi một âm mưu lớn nào đó! May mắn thay, chúng ta có nhiều chứng từ của chứng nhân, trong đó có nhiều người sẵn sàng chết vì điều họ đã thấy và biết là có thật - sự thật về Đấng Kitô phục sinh. Như Pascal đã viết trong cuốn Suy tưởng (Pensées) của mình: “Tôi tin vào những yếu tố lịch sử mà trong các chứng nhân chấp nhận bị giết hại.” Thật khó có khả năng rằng rất nhiều kẻ điên hoặc kẻ nói dối sẽ liều mạng vì một điều bịa đặt như vậy.

Xét về mặt khoa học hơn, chúng ta cũng có Tấm vải liệm bí ẩn thành Turin, với hơn 500.000 giờ nghiên cứu - một vật thể lạ thường dường như gợi ý về một biến cố phi thường…

Kinh Thánh

Chúa Giêsu Kitô đã làm ứng nghiệm hơn 300 lời tiên tri trong Cựu Ước, kể cả những chi tiết chính xác đều được ghi lại trong Tân Ước.

Trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu rao giảng một thông điệp độc đáo về lòng bác ái và sự hy sinh, khẳng định thẩm quyền của Người bằng nhiều dấu chỉ và điều kỳ diệu. Thường thì điều thứ hai đã khiến cho những người không tin trở lại đạo - tâm trí của họ bị thuyết phục, dẫn đến sự thay lòng đổi dạ. Chúng ta đừng cho rằng những người này là ngu ngốc, nhưng vì lý do nào khác khiến các môn đệ khiếp sợ trước “bóng ma” mà họ nhìn thấy đi trên mặt nước?

Các thánh

Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.” (Ga 14:12)

Cộng đoàn Giáo Hội trải dài suốt dòng lịch sử, và khó có thể bỏ qua biết bao vị thánh đã sống gương mẫu một cuộc đời của cầu nguyện và bác ái. Các ngài đã tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu để rao giảng Nước Trời và “chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và xua trừ ma quỷ” (Mt 10:8). Một số công việc “vĩ đại” được các tín hữu thuật lại bao gồm: sự phân thân, việc thấu hiểu các linh hồn, nhiều thập kỷ chay tịnh hoặc được in dấu thánh,… đó mới chỉ là chỉ kể tên một số mà thôi.

Còn ý chí tự do thì sao?

Tất cả những điều trên có thể xua tan những nghi ngờ của chúng ta về lời tuyên bố của Kitô giáo, hoặc ít nhất là gợi hứng cho một người biết tìm kiếm cách chân thành… Tuy nhiên, không điều nào trong số này xâm phạm đến ý chí tự do của chúng ta, vì đức tin của chúng ta nơi Đức Kitô tùy thuộc vào “sự cam kết” cá nhân của chúng ta với Người, như đã được một nhà toán học trở về sau trở thành nhà hộ giáo John Lennox tuyên bố. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều biết có những người chỉ đơn giản là không muốn tin (và không cần phải tin). Không có bằng chứng nào có thể thỏa mãn thành kiến ​​của họ… Nhưng đối với những người trong chúng ta, những người thật sự cho phép mình được ân sủng của Thiên Chúa đụng chạm đến (vì đức tin không gì khác hơn là một ơn ban), thì chúng ta có thể thực hiện một hành động của đức tin rằng Thiên Chúa thực sự tồn tại và rằng Người đã bày tỏ chính mình qua Con của Người để đem chúng ta vào sự sống viên mãn.

Đức tin vượt lên trên lý trí

Như chúng ta đã thấy, chẳng phải là phi lý, đức tin vượt lên trên lý trí và vượt ra ngoài lĩnh vực của lý trí và khoa học thực nghiệm. Chúng ta phải trao phó chính mình trong vòng tay của Thiên Chúa với lòng tin tưởng. Một khi chúng ta thực hiện được sự lựa chọn này, chúng ta sẽ nhận được hoa trái của Chúa Thánh Thần, đó là: niềm vui, bình an, trung tín và tình yêu lớn hơn dành cho những người xung quanh chúng ta.

Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Phaolô II, người đã viết trong Thông điệp Đức tin và Lý trí (Fides et Ratio) rằng: “Đức tin và lý trí giống như hai đôi cánh mà trên đó tinh thần con người bay lên để chiêm ngưỡng chân lý.”

 

Tác giả: Jean-Baptiste Lefèvre – Nguồn: Aleteia (30/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

368    01-07-2023