Hãy Nâng Tâm Hồn Bạn Lên!

Việc Cầu Nguyện và Tầm Nhìn (Bức Tranh) Toàn Cảnh

Mỗi ngày Chúa Nhật trong Thánh Lễ, chúng ta được mời gọi “Hãy nâng tâm hồn lên” và chúng ta đáp lại “Chúng con hướng lòng về Chúa”.

Bởi vì chúng ta đáp những lời này quá thường xuyên, nên chúng có thể bắt đầu cảm thấy bình thường. Nhưng nếu chúng ta suy gẫm những lời này dù chỉ vài phút thôi, chúng ta sẽ thoáng thấy lời hứa chứa đựng trong đó: nâng tâm hồn chúng ta lên là mang chúng ta “đến với Chúa”. Đó không chỉ là một thực hành cảm xúc hay biểu tượng – nhưng nó thực sự có thể mang chúng ta vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Như thế chúng ta nâng tâm hồn lên một cách chính xác thế nào? Trong khi có nhiều cách khác nhau để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta muốn tập trung vào Tầm Nhìn Toàn Cảnh như một câu trả lời đầy hứa hẹn. Chúng ta muốn tập trung vào việc chúng ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa như thế nào khi chúng ta cầu nguyện qua những sự thật chính yếu về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Nghịch Lý của Cuộc Sống. Tầm Nhìn Toàn Cảnh thì hữu ích vì nó tập trung sự chú ý của chúng ta vào bốn sự can thiệp chính yếu – bốn biến cố là trung tâm đối với lòng mong muốn của Thiên Chúa là ban tràn đầy cho chúng ta bằng tình yêu của Người và lôi kéo chúng ta vào trong sự hiện diện của Người.

Một trong những điều quan trọng nhất mà cái Tầm Nhìn Toàn Cảnh nhấn mạnh là sự khác biệt giữa Thiên Chúa và chúng ta. Mỗi một bốn sự can thiệp cho thấy Thiên Chúa như tình yêu Ba Ngôi vô hạn. Nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không muốn gì hơn là dẫn đưa chúng ta tới Thiên Đàng. Đồng thời, Tầm Nhìn Toàn Cảnh cũng cho chúng ta thấy như loài thọ tạo hữu hạn đã được dựng nên, con người có khả năng đón nhận tình yêu vĩ đại nhưng cũng dễ bị cám dỗ và phạm tội.

Tầm nhìn kép này biểu lộ một nghịch lý là một phần của cuộc sống của tất cả mọi người: chúng ta ao ước trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng biết rằng sự cầm buộc của tội lỗi trên chúng ta nặng nề thế nào. Sự căng thẳng này giữa những gì chúng ta mong muốn và những gì chúng ta làm là lý do tại sao việc cân nhắc Tầm Nhìn Toàn Cảnh có thể giúp chúng ta. Bằng cách suy gẫm về bốn sự can thiệp quan trọng, chúng ta sẽ thấy cách Thiên Chúa có thể giúp tăng sức mạnh cho chúng ta trong cuộc chiến đấu giữa tội lỗi và sự thánh thiện của chúng ta – qua sự phục sinh của Chúa Giêsu, qua sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và thông qua lời hứa về một ngôi nhà trên thiên đàng nơi tội lỗi và đau khổ không còn nữa.

Chúa Giêsu, Mô Hình của Chúng Ta. Như thế, Tầm Nhìn Toàn Cảnh cho chúng ta biết rằng hy vọng của chúng ta cho những sự biến đổi nằm trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng nó cũng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là mẫu gương rõ ràng nhất về cách để trải nghiệm sự biến đổi đó. Chúa Giêsu đã không ngừng liên lạc với thiên đàng. Người luôn giữ Tầm Nhìn Toàn Cảnh – kế hoạch Chúa Cha hàng đầu trong tâm trí của Người và để cho kế hoạch đó sẽ chi phối cách Người suy nghĩ và sống. Lặp đi lặp lại một lần nữa, Người nói rằng Người đã không làm gì ngoài những gì đã nghe Chúa Cha nói Người làm (Ga 5,19; 8,28; 14,31).

Tuy nhiên, càng nhiều càng tốt, Chúa Giêsu cũng liên lạc với thiên đàng, Chúa Giêsu cũng hăng hái liên liên lạc với thế giới xung quanh mình. Người nhìn thấy vẻ đẹp trên thế giới và tất cả việc tạo dựng mạc khải tình yêu của Chúa Cha. Người nhìn thấy sức mạnh của tội lỗi và sự ảnh hưởng của nó trên những người xung quanh mình. Người biết rằng thế giới này có nghĩa như một ngôi nhà tạm thời của họ, mặc dù rất nhiều người coi đó là điều duy nhất đáng làm. Quan trọng nhất là Chúa Giêsu đã có thể chiến đấu với tất cả những tội lỗi này – sự chống đối của các nhà lãnh đạo Israel, đức tin yếu kém của các môn đệ, và những đòi hỏi mâu thuẫn của những người đến với Người và Chúa Giêsu chưa bao giờ đánh mất sự bình an của mình. Chúa Giêsu duy trì việc liên kết với Chúa Cha thông qua tất cả.

Chúa Giêsu chắc chắn thích ăn, nhưng Người cũng đã ăn chay. Người đánh giá cao một giấc ngủ đêm an lành, nhưng đã có lần Người suốt đêm để cầu nguyện. Một con người như chúng ta trong mọi sự nhưng trừ tội lỗi, Chúa Giêsu cũng cảm thấy sự cần thiết của những tình bạn thân thiết, nhưng Người đã sẵn sàng chịu đựng sự mất mát những người bạn khi nó đòi hỏi cho sự trung thành với lời mời gọi của Chúa Cha. Bởi vì đã duy trì mối liên lạc với vương quốc thiên đàng, Chúa Giêsu đã trải nghiệm sức mạnh của Thánh Thần để trợ giúp Người.

Bằng cách giữ Tầm Nhìn Toàn Cảnh ở vị trí hàng đầu trong tâm trí chúng ta, chúng ta có thể học cách giữ cho đôi mắt của chúng tôi dán chặt vào thiên đàng cũng giống như Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta có thể học bắt chước gương mẫu về sự tin tưởng vào Chúa Cha của Chúa Giêsu và sự tự tin của Người vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Nói tóm lại, chúng ta có thể trở nên càng ngày càng giống Chúa Giêsu cho đến ngày Người lại đến và chúng ta sẽ thấy Người mặt đối mặt.

Một Trái Tim Đã Được Làm Mềm. Khi chúng ta nâng lên tâm hồn (trái tim) của chúng ta lên và chiêm ngưỡng các sự thật của Bức Tranh Toàn Cảnh, có hai điều sẽ xảy ra. Trước hết, chúng ta sẽ đi đến một sự đánh giá sâu sắc hơn về  kế hoạch của Thiên Chúa đối với sự sáng tạo của Người. Và thứ hai, việc đánh giá cao đó sẽ buộc chúng ta phải thực hiện kế hoạch đó.

Thánh Phaolô đã từng viết, “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người…, những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,14.15). Tầm nhìn của Phaolô đã được nâng lên. Ông nhìn thấy Chúa Giêsu như Đấng Cứu Độ. Và tầm nhìn đó đã khiến Phaolô khao khát muốn chia sẻ tin vui này với mọi người ông gặp.

Chiêm ngưỡng Bức Tranh Toàn Cảnh sẽ không nhất thiết phải làm cho bạn trở thành một tông đồ như Phaolô. Nó sẽ không nhất thiết phải làm cho bạn dành hết thời gian để rao giảng Phúc Âm. Nhưng nó sẽ làm mềm trái tim của bạn. Nó sẽ làm cho bạn muốn được yêu thương nhiều hơn và bạn sẽ quảng đại cũng như thương xót những người xung quanh bạn. Và đó là tất cả những gì bạn cần để tạo nên sự khác biệt trong thế giới này.

Cầu Nguyện thông qua Bức Tranh Toàn Cảnh

Chúng ta hãy xem xét một số cách thực hành, trong đó chúng ta có thể ngước mắt chúng ta lên và để cho các sự thật của bức tranh toàn cảnh làm mềm lòng chúng ta.

  • Hãy Công Bố Những Chân Lý Vào Mỗi Buổi Sáng. Trước khi ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng, hãy dâng hiến cuộc sống và ngày sống của bạn cho Chúa Giêsu. Hãy công bố rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên bạn, rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, qua Thánh Thần của Người mà bạn có thể sống một cuộc sống mới, và rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang. Hãy ghi nhớ những sự thật này hoặc viết chúng ra, và nói với Chúa rằng bạn muốn chúng hướng dẫn mọi quyết định của bạn ngày hôm nay.
  • Hãy Tìm Kiếm Bức Tranh Toàn Cảnh trong Phụng Vụ. Khi bạn tham dự Thánh Lễ, hãy cẩn thận nhìn vào những sự tham chiếu đến kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa và bốn sự can thiệp chính của Bức Tranh Toàn Cảnh. Hãy chú ý đặc biệt đến Kinh Tin Kính như một bài suy niệm cầu nguyện về những chân lý này. Hãy chú ý cách thức mà Lời Kinh Nguyện Thánh Thể tập trung vào vinh quang của kế hoạch của Thiên Chúa. Hãy tìm những cách mà những lời cầu nguyện và tất cả những điều khác, kể lại những phúc lành của Thiên Chúa đổ ra trong suốt toàn bộ lịch sử cứu độ.
  • Được Thanh Tẩy khỏi Tội Lỗi. Vào cuối mỗi ngày, bạn hãy kiểm tra lương tâm của mình và ăn năn về bất cứ tội lỗi nào bạn tìm thấy. Hãy xin Chúa Thánh Thần giúp bạn làm thế nào để bạn có thể đi vào kế hoạch và những ý định của Thiên Chúa dành cho bạn ngày hôm đó. Hãy thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Hãy tin tưởng rằng “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga1,9). Bạn cũng hãy cố gắng tha thứ khi bạn đã được thứ tha. Đừng để sự không tha thứ thúc đẩy bạn đối xử xấu với một ai đó; điều đó sẽ chỉ làm cho nó khó khăn hơn cho họ để nâng đôi mắt họ lên Thiên Đàng. Thay vào đó, hãy thực hiện bước tiếp theo trong việc buông bỏ bất kỳ sự đau đớn, oán giận, mối hận thù và đừng để những mối ác cảm nằm lỳ trên bộ nhớ của bạn.
  • Hãy Cầu Nguyện cho Những Người xung quanh Bạn. Hãy cầu nguyện cho gia đình bạn, người bạn đời của bạn, hàng xóm của bạn, người thân của bạn và hàng giáo sĩ hoặc tu sĩ đồng nghiệp của bạn. Bạn cũng hãy nhớ đến những người bị bệnh, những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Hãy dâng mỗi người cho Chúa Giêsu và cầu nguyện cho họ sẽ sớm nhận biết tình yêu của Chúa cách sâu sắc hơn. Hãy cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần nâng trái tim họ lên và ban cho họ một cái nhìn thoáng qua vào kế hoạch toàn cảnh của Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện xin Chúa bảo vệ họ khỏi sự tấn công của tội lỗi và khỏi bất kỳ sự ác nào có thể xảy đến cho họ ngày hôm nay. Hãy tin rằng những lời cầu nguyện này, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, vẫn có thể lấp đầy họ bằng ân sủng của Thiên Chúa.

Bạn Thuộc về Thiên Chúa. Tầm Nhìn Toàn Cảnh là một công cụ tuyệt vời để giúp chúng ta nhìn thấy cuộc sống của chúng ta theo cách Thiên Chúa nhìn thấy chúng. Nó cũng là một công cụ tuyệt vời để giúp tăng niềm tin của chúng ta và làm cho chúng ta tự tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Và, quan trọng nhất là, Tầm Nhìn Toàn Cảnh là một công cụ tuyệt vời có thể giúp chúng ta nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, rằng Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta, rằng Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta, và rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại để đưa chúng ta vào ngôi nhà trên trời của Người. Nó cho chúng ta thấy nơi chúng ta xuất phát, nơi chúng ta đang hướng về, và làm thế nào để chúng ta cam kết sâu sắc với Thiên Chúa Đấng đang giúp chúng ta trên đường đi.

Vì vậy, hãy dán chặt đôi mắt của bạn vào kế hoạch vĩ đại và vinh quang của Thiên Chúa và hãy để điều đó nâng trái tim của bạn lên và làm tràn đầy bạn với niềm vui và lòng biết ơn. Bạn thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa thuộc về bạn. Người yêu thương bạn và Người tha thiết muốn bạn được ở bên Người mãi mãi.

Còn tin tức nào có thể lớn hơn điều này?


Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

RELATED POSTS