Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Mỗi việc có thời của nó

 

Tôi có người bạn, anh tự phác họa bối cảnh tín ngưỡng của anh như thế này: “Gốc gác của tôi mang nặng tính bảo thủ. Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân Đức nhập cư, theo Giáo Hội Công Giáo La Mã, cực kỳ bảo thủ với tất cả những hạn chế, riêng tư, dè dặt và giữ gìn những điều mà đã trở thành truyền thống. Sẽ thật khó để tìm ra một bối cảnh tín ngưỡng bảo thủ nào bảo thủ hơn tôi. Tôi biết ơn vì điều đó. Đó là một trong những món quà lớn nhất mà tôi đã nhận được. Bây giờ tôi đã tự do trong quãng đời còn lại của mình.”

Lời khẳng định trên có một chút gì đó vừa bảo thủ một cách lành mạnh và cũng vừa tự do một cách lành mạnh. Bản năng trong con người tự do muốn xô đẩy giới hạn, nới rộng phạm vi, thoát khỏi chật hẹp, muốn bao quát nhiều hơn mãi, muốn luôn luôn thấy được sự thoải mái khi tiếp xúc với người khác, và muốn giữ mãi bí mật không thể diễn tả về Thiên Chúa và ý muốn cứu chuộc của Người. Nhưng ngược lại bản năng trong con người bảo thủ trực cảm sự cần thiết của việc bám rễ vào sự thật, xây dựng nền móng cho những điều thiết yếu, có những giới hạn riêng, muốn không bị ngây thơ với sự thật rằng mọi điều quý giá và chân chính sẽ luôn bị công kích.

Cả bản năng tự do và bảo thủ đều có khuynh hướng bảo vệ linh hồn. Linh hồn, như chúng ta biết có hai chức năng thường căng thẳng với nhau. Một mặt, linh hồn là gốc của tất cả năng lượng bên trong, ngọn lửa cảm hứng cho mọi việc chúng ta làm. Chúng ta biết khoảnh khắc chính xác khi linh hồn rời bỏ thân xác, tất cả năng lượng đều ngừng lại. Mặt khác, linh hồn cũng là nguồn gốc của hợp nhất và hòa hợp; là chất keo gắn kết chúng ta lại với nhau. Sự phân ly bắt đầu khi linh hồn lìa khỏi thân xác. Không có linh hồn, mỗi yếu tố của cơ thể phân tán mỗi đường khác nhau.

Bản chất tự do hầu hết nói lên nó là ngọn lửa và bản chất bảo thủ hầu hết nói lên nó là chất keo gắn kết. Câu chuyện bạn tôi được nuôi dưỡng trong một bối cảnh cực kì bảo thủ như trên và nay cảm thấy đã bám rễ sâu đủ để trở nên tự do hơn chứng tỏ cả hai bản chất đều quan trọng. Có lúc tự do, có lúc bảo thủ. Thật quan trọng để biết khi nào là cần thiết để áp dụng điều đó cho sự trưởng thành của chính mình và cả cho người khác.

Malcolm X đã từng nói: Tôi có niềm tin mạnh mẽ cả vào Đấng Kitô và Đấng Môhammet bởi vì cả hai đều cần thiết cho tôi. Lúc này đây, có rất nhiều người tôi cố gắng coi sóc đang cần kỷ luật của thánh Allah. Cuộc sống của họ đang bị xáo trộn năng nề nên lúc này họ cần nguyên tắc kỷ luật cứng rắn và rõ ràng, nó sẽ cho họ những chỉ dẫn thực tế. Sau đó, một khi cuộc sống được trật tự hơn, họ có thể đến với tình yêu của Đức Giêsu một cách tự do hơn. Đầu tiên, chúng ta cần kỷ luật của thánh Allah, sau đó là tự do của Đức Giêsu.

Malcolm X đã hiểu có những giai đoạn khác nhau trong đời sống thiêng liêng và những gì cần thiết ở giai đoạn này đôi khi khác xa với những gì cần thiết ở giai đoạn khác. Vậy đâu là những giai đoạn nền tảng của đời sống thiêng liêng?

Các sách Phúc âm, những gì là huyền bí, và các tác giả thiêng liêng, mặc dù có vài thay đổi trong cách biểu hiện, đều nhất trí có ba giai đoạn rõ ràng cho cuộc hành trình tâm linh, hoặc nói khác hơn đó là ba mức của ơn gọi tông đồ:

Mức đầu tiên, có thể gọi một cách thích hợp là Tông Đồ Trọng Yếu là cuộc chiến đấu để gây dựng cuộc sống chung, để đạt được sự trưởng thành nhân bản (khả năng không bị tính ích kỷ điều khiển, khả năng đặt bản thân mình ra sau người khác). Mức thứ hai có thể gọi là Tông Đồ Tạo Sinh là cuộc đấu tranh để tận hiến cuộc sống mình cho tình yêu, phục vụ và cầu nguyện. Mức thứ ba có thể gọi là Tông Đồ Tận Căn là cuộc đấu tranh để trọn hiến bằng cái chết của mình, là rời khỏi trần gian này trong một ý nghĩa rằng cái chết của mình trở thành quà tặng và phúc lành cuối cùng cho gia đình, cộng đoàn, và xã hội.

Mức đầu tiên, Tông Đồ Trọng Yếu một cách chính xác liên quan đến những điều thiết yếu, đến việc gắn kết cuộc sống mọi người lại với nhau bằng cách tập trung một cách đúng đắn nguồn năng lượng chúng ta thông qua kỷ luật (chữ kỷ luật-discipline có nguồn gốc từ chữ tông đồ-discipleship). Bằng cách định nghĩa rằng sứ vụ một cách chính yếu mang ý nghĩa bảo thủ thì: việc học hỏi những bài học thích hợp là để chúng ta có một cái nhìn lành mạnh, là để quy phục những quy tắc cư xử, cái sẽ là nền tảng cho chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi bản chất vị kỷ, và trở thành một người biết học hỏi trong gia đình và cộng đoàn của mình. Nói một cách ẩn dụ thì ở giai đoạn này chúng ta đang học hỏi “kỷ luật của thánh Allah”.

Nhưng, một khi chúng ta vượt qua giai đoạn này với một thành tựu chắc chắn, sự thử thách sẽ trở thành một điều gì đó khác biệt. Bây giờ sứ vụ của chúng ta là tận hiến cuộc đời, tận hiện một cách sâu đậm và rộng mở hơn bao giờ hết. Đó là một sứ vụ tự do hơn và thậm chí tự do hơn nữa khi chúng ta hướng về phía cái không biết vĩ đại, sự chết, nơi mà tất cả những gì chúng ta đã xây dựng lên phải bỏ lại đằng sau khi chúng ta chạm đến giới hạn rộng mở nhất của cái tất cả, cái ôm lấy toàn thể vũ trụ, cái vô tận, và bí mật không thể diễn tả về Thiên Chúa.

Có một khoảng thời gian quan trọng để chúng ta bảo thủ, cũng như có khoảng thời gian quan trọng để chúng ta trở nên tự do. Trong cuộc hành trình tâm linh và ơn gọi tông đồ của mình, chúng ta không nên xem phía này quan trọng hơn phía kia.

J.B. Thái Hòa dịch

854    16-10-2017