Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Một bà quản gia Achentina nắm được tầm nhìn một “Giáo hội nghèo cho người nghèo” của Đức Phanxicô

 

 

 

 

 

Từ khi được bầu chọn gần 6 năm nay, Đức Phanxicô với tinh thần “Giáo hội nghèo cho người nghèo”, một Giáo hội đi ra khỏi phòng thánh để đến nơi giáo dân đang ở, một Giáo hội đi ra.

 

Đối với nhiều người, hiểu những gì ngài muốn nói là cả một thách thức. Có người nghĩ ngài muốn một Giáo hội mác-xít, dân túy hay theo đường hướng của Đảng Công chính Xã hội của Achentina do đại tướng Juan Domingo Peron thành lập và được bất tử qua nghệ thuật dù không thực tế qua vở nhạc kịch Evita của Andrew Lloyd Webber.

 

Có người còn nghĩ ngài muốn cải tổ Giáo hội và chỉ tập trung vào những người sống bên lề, những trường hợp bất thường của các cặp ly dị tái hôn, những người sống chung, cộng đồng các người đồng tính… v.v.

 

Nhưng rốt cùng, những người hiểu giáo hoàng nhất – những người biết ngài khi ngài còn là linh mục Jorge Mario Bergoglio -, những người này hiểu “Giáo hội nghèo của người nghèo” theo nghĩa đen, chứ không phải một ẩn dụ.

 

Nhà thần học Achentina Juan Carlos Scannone giải thích tư tưởng của Đức Phanxicô dựa trên luồng tư duy mạnh mẽ của công giáo Achentina, cái gọi là “thần học quần chúng”. Đây là một phản ảnh trên nhiều chủ đề chứ không nhất thiết với ý thức hệ, nhưng với kinh nghiệm cụ thể của người dân thường.

 

Theo các bạn của ngài, căn tính của Đức Bergoglio được rèn giũa bởi lòng mộ đạo bình dân ở Buenos Aires mà một số thực hành có từ thời thuộc địa, như tôn kính Đức Mẹ Luján, thánh bổn mạng của Achentina. Những người nhập cư xếp hàng hằng giờ để tôn kính tượng San Cayetano, người bảo trợ của bánh mì và công ăn việc làm.

 

Các biểu hiệu của lòng mộ đạo bình dân này đã làm cho hàng triệu người lũ lượt về các đền thánh, đây là biểu hiệu đức tin của dân tộc. Đức Phanxicô đã hiểu rất sớm các hình thức mộ đạo này, ngài không xem đây đơn thuần là hình thức ý nhị hay ngứa mắt nhưng đúng hơn là hòn đá tảng cho thần học và sinh hoạt mục vụ.

 

Với Đức Phanxicô, người xem con người thì quan trọng hơn là ý tưởng, thì trong đầu ngài muốn nói gì về “Giáo hội nghèo của người nghèo?”

 

Đức Phanxicô thường ngược xuôi trong các khu phố nghèo và ổ chuột của Buenos Aires, người dân nói ngài thoải mái tự nhiên ở các khu phố này hơn là ở khu biệt thự Puerto Madero mà ngài mô tả là chướng mắt… huy hoàng với các tòa nhà cao tầng, với 36 tiệm ăn ở ngay bên cạnh khu ổ chuột.

 

Khổ thay đất nước có 33,6% dân số sống dưới mức nghèo khổ và ước tính có 70% dân số theo đạo công giáo, thì cũng không khó để tìm giao điểm giữa hai thái cực này để hiểu ngài nghĩ gì.

 

Bà Justa Aquino sống hàng chục năm ở Rosario, thành phố lớn thứ nhì của Achentina, bà di cư từ bang Misiones miền bắc để trốn nạn đói. Từ ba mươi năm nay, bà giúp việc trong một gia đình và bà xem đức tin là động lực để bà tiếp tục.

 

Vào đầu tháng này, bà nói với hãng tin Crux: “Dù khi đời sống khó khăn, dù tôi phải khóc khi gặp những chuyện không dễ dàng nhưng tôi vẫn bám lấy Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng khóc khi Ngài bị ruồng bỏ. Và chúng tôi cũng khóc. Nhưng Chúa Giêsu luôn thương xót và Mẹ Maria, mẹ của chúng tôi cùng đi với chúng tôi”.

 

Dù bà không còn nhớ ngày rước lễ lần đầu vì khi đó “tôi còn nhỏ” nhưng bà biết, đức tin của bà có từ ngày đó.

 

Bà nói: “Tôi cảm nhận Chúa đòi hỏi tôi phải giữ mười điều răn. Biết sợ tội là một điều tốt, sống trong cầu nguyện, thánh lễ và các hy sinh, dù tôi không thích hay khi đời sống dường như là một sự hy sinh. Và cũng quan trọng phải tham dự các khóa tĩnh tâm, nói chuyện với linh mục và xây dựng một cộng đoàn”.

 

Bà Aquino chưa bao giờ học xong tiểu học và điều này thấy rõ khi bà nói chuyện. Bà thường thay đổi các từ vựng theo cách nói chung như nhiều người Tây Ban Nha bây giờ nói kiểu “gộp vào” chứ không theo quy tắc văn phạm, lại càng không có gì là ý thức hệ.

 

Hai lần một năm, bà đến Corrientes, một tiểu bang ở Achentina còn nghèo hơn bang Misiones để đi truyền giáo do giáo xứ của bà tổ chức. Trong vòng 27 năm qua bà điều khiển một nhóm cầu nguyện “để gia đình tôi được trở lại” và căn nhà khiêm tốn của bà thường là căn nhà “quá cảnh” cho các em bé và trẻ em đang tìm kiếm một gia đình lâu dài.

 

Bà ở trong hội Legio Mariae, điều mà bà xem là thử thách vì “qua Chúa Giêsu, Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu hơn về gia đình. Đôi khi không hiểu hoặc không biết thì dễ hơn. Nhưng mình đã được nhận rất nhiều nên mình cũng phải cho nhiều.”

 

Bà chưa bao giờ nghe nói đến hồng y người Mỹ Joseph Bernardin, dường như bà là hiện thân hoàn hảo của tinh thần “tấm áo dệt liền” của ngài. Bà nói: “Bạn không thể nào giúp em bé mà không giúp bà mẹ và cũng không thể quên em bé và bà mẹ sau khi đời sống này được sinh ra. Bạn cũng không thể nào quên người nghèo. Những người ở tù, những người lớn tuổi mà rất nhiều người bị chính gia đình của họ bỏ quên. Họ cũng vậy, họ còn sống. Bạn đi thăm bệnh nhân, giúp họ xét mình để họ bỏ đi tội lỗi, bỏ đi hận thù trước khi quá muộn.”

 

Hoạt động truyền giáo của bà không giới hạn ở những chuyến đi hai năm một lần, trong sinh hoạt hàng ngày của bà, bà còn đi gõ cửa các nhà láng giềng để nói với họ về Chúa Giêsu.

 

Bà nói với một cảm giác thất vọng: “Đôi khi họ như Marta và Maria, quá bận rộn với công việc hàng ngày để có thể dừng lại nghe những chuyện thật sự quan trọng. Nhưng tất cả những gì mình có thể làm là gieo hạt giống. Bạn không thể buộc mọi người phải nghe bạn, bạn cũng không buộc mọi người phải đi nhà thờ, đó là chiêu dụ. Những gì chúng ta có thể làm là nói, là hy vọng họ sẽ sẵn sàng để cầu nguyện với mình khi mình đến thăm họ.”

 

Dù bà không đọc báo mỗi ngày nhưng bà biết các chuyện tai tiếng đang làm chấn động Giáo hội, từ các vụ lạm dụng tình dục của các tu sĩ đến vụ một linh mục bỏ trốn với một thành viên của cộng đoàn. Bà nói, những chuyện này “có thể là tội ác trong một vài trường hợp hay chỉ đơn thuần một tội trong trường hợp khác” nhưng không vì lý do đó mà tôi bỏ Giáo hội. Đức tin của tôi không phải nơi con người, nhưng nơi Chúa Giêsu, nơi Chúa Cha và nơi Chúa Thánh Thần. Trong các bí tích, trong mầu nhiệm thánh lễ.”

 

Khi được hỏi về “Giáo hội nghèo cho người nghèo” của Đức Phanxicô, bà Aquino không khó khăn khi giải thích điều này, bà biết giáo hoàng nói về bà, bà quá khiêm nhường để có thể nói lớn lên. Không có bằng cấp thần học, bà có thể diễn giải một vài ý tưởng gần đây của Đức Phanxicô, nhất là định nghĩa của ngài về những chuyện nói xấu như nạn “khủng bố”.

 

Bà nói: “Biết bao nhiêu lần khi ai đó mắc lỗi, chẳng hạn khi xem lễ, chúng ta nghe người này thì thầm, người kia bình luận, người nọ cười. Với sự hiểu biết của tôi, Mẹ Maria thử thách chúng ta và chúng ta thất bại. Mẹ muốn biết đức tin chúng ta như thế nào, nếu chúng ta thật sự yêu người anh em, mà chúng ta giống như các tông đồ đã phản bội Chúa Giêsu thì chúng ta thất bại.”

 

Bà Aquino giải thích: “Cách duy nhất để thay đổi đời sống chúng ta, đó là qua Chúa, chúng ta yêu thương, chúng ta bao dung. Ngài hướng dẫn chúng ta đi trên con đường của mình, Ngài không bao giờ nói dối chúng ta. Ngài nói với chúng ta, các con hãy xin và sẽ nhận. Tôi xin Ngài cho tôi một công việc làm xứng đáng, Ngài cho tôi làm việc trong một gia đình giúp cho tôi mạnh mẽ hơn trong đức tin của tôi.”

 

“Tôi còn mong muốn gì hơn?”, bà nói như thử bà đưa ra một câu tóm tắt phù hợp với tinh thần của “thần học quần chúng.”

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

355    23-01-2019